Từ Cần Thơ theo Quốc lộ 1 về hướng TP Hồ Chí Minh khoảng 120km, đến ngã ba Trung Lương thuộc TP Mỹ Tho, rẽ theo tỉnh lộ 862 hơn 30 cây số… bạn đến Gò Công. Nơi đây là quê hương của hai vị hoàng hậu triều Nguyễn là Từ Dũ và Nam Phương, cũng là nơi gắn liền với với tên tuổi vị anh hùng Trương Định.
Trong bán kính hơn chục cây số từ trung tâm thị xã Gò Công, du khách có rất nhiều địa chỉ để đi chơi. Trước hết là những ngôi nhà cổ có từ thời Pháp thuộc, đặc biệt hơn cả là dinh Chánh Tham Biện hay còn gọi là Dinh Ông Chánh. Khách có thể gặp nhiều dinh thự hình dáng tương tự như Dinh Ông Chánh ở nhiều tỉnh lỵ của miền Nam nhưng dinh thự này đặc biệt ở chỗ toàn bộ được xây dựng bằng gạch ngói chở từ Pháp sang với quy mô kiên cố và rộng lớn. Qua hơn 120 năm tồn tại, hiện nay Dinh Ông Chánh đã xuống cấp trầm trọng nhưng du khách vẫn có thể chiêm ngưỡng được nét đẹp của một công trình kiến trúc phương Tây cổ xưa.
Còn tại phường 1, thị xã Gò Công là Lăng Trương Định. Lăng được xây bằng đá ong với hồ ô dước, trên diện tích 67m2. Lăng Trương Định là di tích lịch sử và là kiến trúc dạng mộ táng tiêu biểu của người Việt ở Nam bộ. Đền thờ được xây dựng theo kiến trúc Đông phương vừa cổ kính, vừa hiện đại với các án thờ, khuôn biển chạm trổ sơn son thếp vàng.
Cách lăng Trương Định về hướng gò Sơn Quy là cụm lăng Hoàng Gia được xây dựng vào năm 1826 trên diện tích 2.987m2. Cụm lăng gồm phần mộ của dòng họ Phạm Đặng Hưng (dòng họ ngoại của vua Tự Đức) và ngôi nhà để thờ cúng. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nghệ thuật kiến trúc thời nhà Nguyễn mà còn có dịp tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc của những nghệ nhân xứ Gò và tiếp cận với nhiều bia đá ghi lại một phần lịch sử của vùng đất này.
Gò Công còn có một làng nghề nổi tiếng từ hàng trăm năm nay, đó là làng nghề Ông Non chuyên đóng tủ thờ. Những chiếc tủ đóng bằng các loại danh mộc như gõ, mun, cẩm lai… lấp lánh hình ảnh tứ linh, tứ quí, các tích xưa và phong cảnh non sông được cẩn, khảm bằng vỏ ốc và xà cừ. Điều đặc biệt nhất của chiếc tủ thờ Gò Công là những người thợ ở đây không dùng đinh sắt mà chỉ ráp các mối nối bằng mộng, chốt. Tủ thờ của xóm ông Non được sử dụng tại đền Hùng (Phú Thọ) đến nay vẫn được khách hàng khắp nơi ưa chuộng.
Rời thị xã Gò Công, theo hướng đông khoảng 15 km, khách sẽ đến bãi biển Tân Thành. Đây là một trong những bãi biển cát đen được đánh giá là đẹp nhất ĐBSCL. Dọc theo đường ra biển, khách sẽ gặp những ruộng muối trắng phau. Nếu có thời gian, du khách nên ghé vào nhà dân, tìm hiểu quy trình làm muối. Bà con nơi đây rất hiếu khách, sẵn sàng dẫn bạn đi thăm ruộng muối, những vuông tôm và những điểm nuôi cua, đồng thời thết đãi bạn những món ngon đặc biệt của xứ Gò Công. Đến bãi biển vào lúc nước ròng, bạn có thể cùng ngư dân xuống biển xúc nghêu và nô đùa thỏa thích cùng sóng biển- rất thú vị…
Nếu đi theo hướng ngược lại, bạn sẽ đến biển Vàm Láng cách thị xã 12 km. Chợ Vàm Láng là chợ đầu mối chuyên mua bán hải sản với hầu hết là các sản phẩm từ biển Gò Công, rất phong phú và giá cả khá “mềm”. Sau khi thăm chợ biển, bạn có thể đến làng Kiểng Phước để xem bảng sắc phong thần do vua Gia Long ban tặng và xem bộ xương cá ông không còn nguyên vẹn ở đình làng Vàng Láng. Vào ngày 16 đến 18 tháng 8 âm lịch hàng năm, tại đây diễn ra lễ hội Nghinh Ông với sự góp mặt của hàng trăm ghe thuyền được trang trí đèn hoa rực rỡ. Dọc đường đi, khách còn có thể ghé xã Phú Tân huyện Gò Công Đông để tham quan lũy Pháo Đài, một công trình quân sự phòng thủ kỳ vĩ do Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định chỉ huy xây dựng để đánh thực dân Pháp những năm giữa thế kỷ 19.
Du khách ở Cần Thơ có thể tận dụng hai ngày nghỉ cuối tuần đi xe gắn máy đến thị xã. Nếu đi bằng xe đò, khách có thể đón xe đi TP HCM đến ngã ba Trung Lương rồi đón tiếp xe về Gò Công. Tại bến xe Cần Thơ, mỗi ngày cũng có một chuyến xe đò về bến xe TP Mỹ Tho, khởi hành lúc 10 giờ. Từ đây, khách có thể dễ dàng đón xe về Gò Công.
Theo Báo Cần Thơ