Trước năm 1945, phía trước nhà lồng chợ Gò Công có một tấm bia đá lớn của Pháp dựng lên để kỷ niệm một người Việt có công tận tụy với nước Pháp: “À la mémoire de Lãnh Binh Huỳnh Công Tấn, Chevalier de Légion d’honneur, fidèle serviteur de la France” (Tưởng nhớ Huỳnh Công Tấn, Lãnh Binh, Bắc Ðẩu Bội Tinh, công bộc trung thành với nước Pháp.
Ngày 9 tháng Ba năm 1945, Nhật đảo chánh Pháp. Dân chúng Gò Công phẫn uất, kéo tới đập phá tấm bia ấy để xoá tan dấu vết của thực dân.
Huỳnh Công Tấn là người quê quán tại Gò Công, sinh năm 1837 trong một gia đình nông dân ít học. Năm 1859 thành Gia Định thất thủ, Tấn mới 22 tuổi. Theo bức ảnh minh hoạ trong quyển sách: ”Sự có mặt của người Pháp ở Nam Kỳ và Cam Bốt” nói trên thì Tấn có một dáng dấp rất khác biệt với Đỗ Hữu Phương hồi trai trẻ. Nếu Phương có dáng dấp một thư sinh thì Tấn là con người cục mịch, gương mặt thô, vuông, hằn lên nét đanh ác. Tấn mặc bộ đồ đen. Lúc Gia Định mới thất thủ, Tấn gia nhập hàng ngũ nghĩa quân chống Pháp, dưới quyền chủ tướng Trương Công Định. Ba năm sau, phòng tuyến Chí Hoà bị hạ, triều đình Huế ký Hàng Ước 1862 nhường 3 tỉnh Biên Hoà, Gia Định, Định Tường cho Pháp. Mất địa bàn kháng chiến, Trương Công Định dẫn quân về Gò Công, dựa vào địa thế hiểm trở vùng Vàm Láng (“đám lá tối trời”) để tiếp tục kháng Pháp. Trong một cuộc hành quân vùng Gò Công, Tấn gạt binh sĩ, rồi bỏ trốn qua Tân An. May mắn cho Tấn, ở đây hắn gặp một người bạn cũ tên Nguyễn Hữu Nguơn, đã đầu thú Pháp, hướng dẫn Tấn về Sài Gòn trình diện.Còn theo lời kể của cụ Nguyễn Văn Vực cho biết: “Tấn vốn đam mê đàn bà con gái, hay chọc ghẹo, nên bị chủ tướng Định cảnh cáo. Có lần Định tát tai Tấn về việc nầy, nên Tấn sanh tâm thù oán. Từ đó Tấn tìm dịp trốn đi ra hàng giặc”. Một tài liệu khác nữa nói rằng: “Trong lúc hai bên giao chiến, Tấn bị Pháp bắt. Để đoái công chuộc tội, Tấn xin cung khai đầy đủ mọi việc quân thư của Trương Công Định”. Tài liệu nầy do Vial, Giám Đốc Nội vụ ghi lại trong tập hồ sơ “Lãnh Binh Tấn ngày 31 tháng Bảy 1869”.
Để được Pháp tin cậy, Tấn ra tay dọ thám, chỉ điểm cho Pháp ruồng bố nghĩa quân. Chỉ một năm sau, Tấn lập được nhiều thành tích, Pháp cho Tấn làm đội trưởng.
Quê dốt, không tham vọng nhưng rất tàn ác, Tấn không từ bỏ một dịp may nào để tiến thân và làm giàu. Có quyền trong tay, Tấn bắt người tình nghi, đánh đập để khảo của. Tấn làm giàu bằng cách tổ chức sòng bạc, chiếm đất của các điền chủ bỏ chạy qua miền Tây lánh nạn. Đồng thời, Tấn bắt thường dân làm sưu cho mình. Chỉ trong 10 năm, Tấn trở thành một người giàu có nhứt Gò Công. Bằng cách cướp đoạt, Tấn có hàng ngàn mẫu ruộng. Tấn lập công với Pháp bằng cách đem quân qua Cần Giuộc bao vây, bắt được lãnh tụ nghĩa quân Bùi Duy Nhứt. Với thành công mới, Pháp phong cho Tấn chức Lãnh Binh, là chức quan đàng cựu, coi tất cả binh lính trong một tỉnh.
Có lẽ do lòng căm thù cá nhơn, Tấn coi nghĩa quân còn hơn kẻ thù, mặc tình bắt bớ, tra khảo, bắn giết không nương tay. Tấn làm nô bộc cho chủ Pháp rất hăng hái. Có lần Tấn dám chê bai Tham Biện Pháp là người bất tài vô dụng: ”Bởi quan Tham Biện chúng tôi xưa nay là qua coi binh, chưa từng biết việc dân (hành chánh) cho nên việc quan làm thì làm bậy, nói thì chẳng thông lý sự, dường như kẻ ngu si dốt nát”.
Giáo Đốc Nội Vụ thấy Tấn lạm quyền quá đáng, muốn tìm cách đổi Tấn đi miền Đông, nhưng Tấn lại lập thêm nhiều công trạng mới, nên được giữ lại.
Người Pháp dùng Tấn như một tay sai đắc lực chớ không ưa Tấn. Trong một chuyến từ Gò Công về Sài Gòn bằng ghe bầu, Tấn bị bịnh và chết trên ghe, lúc mới 37 tuổi.
Tấn có hai người con trai là Huỳnh Công Miêng và Huỳnh Công Viễn. Để nuôi dưỡng tay sai trung thành, Pháp cho Huỳnh Công Miêng qua Pháp du học. Lúc về nước, Miêng theo Trần Bá Lộc đánh dẹp nhiều nơi. Sau đó Miêng chán nản, bỏ quan, trở thành một công tử ăn chơi khét tiếng miền Nam. Dân chúng gọi bằng “Cậu Hai Miêng”. Cậu Hai sống theo kiểu giang hồ hảo hán, lưu linh miễn tử khắp Nam Kỳ. Mỗi lần hết tiền, Cậu Hai vào thăm các tham biện, chủ quận để hỏi tiền xài. Pháp nhớ công ơn cha cậu, nên cũng nể mặt, cho cậu ít nhiều. Cậu sống ngang tàng, không ai dám làm gì dù có phạm tội chút ít (Xin xem thêm “Nam Kỳ Lục Tỉnh” tập I).
Cậu Hai mất năm 1895, chôn ở Sài Gòn. Cuộc đời Cậu Hai Miêng được dân chúng thán phục, truyền tụng sâu rộng bằng nhiều tập thơ “Cậu Hai Miêng”.
Trong quyển “Quốc Âm Hiệp Tuyển” của Lê Quang Chiếu (người Cần Thơ) có bài thơ điếu Cậu Hai Miêng như sau: