Chuyện nhà họ Phạm

Mặc dù tui cũng họ Phạm, nhưng đây không phải chuyện nhà tui mà là chuyện nhà ông ngoại vua Tự Đức. Nói tới đây chắc mọi người biết rồi, đó chính là Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, thân sinh của bà Từ Dũ, vợ vua Thiệu Trị và là mẹ vua Tự Đức.


Lăng mộ và đền thờ Đức Quốc Công hiện vẫn còn ở Gò Công, gọi là Lăng Hoàng gia. Đây là một di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, và là một kiến trúc đặc sắc.

Langhoanggia3 Chuyện nhà họ Phạm

Langhoanggia2 Chuyện nhà họ Phạm

Langhoanggia6 Chuyện nhà họ Phạm

Đền thờ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng

Ông Phạm Đăng Hưng sinh năm 1764 tại Gò Công, kinh qua nhiều chức quan lớn trong triều đình. Ông được vua Minh Mạng tin yêu và cho con mình là thái tử Miên Tông kết hôn cùng con gái ông là Phạm thị Hằng (tức Từ Dụ, các nhà nghiên cứu đã khẳng định tên đúng của bà là Từ Dụ chứ không phải Từ Dũ như đã gọi lầm bấy lâu nay). Về sau, Miên Tông lên ngôi vua là Thiệu Trị, bà Từ Dụ Phạm thị Hằng trở thành mẫu nghi thiên hạ. Đặc biệt, khi con bà là Tự Đức lên ngôi, bà còn nổi tiếng là môt vị thái hậu dạy con rất nghiêm khắc.


Chi tiết hơn về ông Phạm Đăng Hưng và gia đình họ Phạm nổi tiếng này xin xem tại đây (bảng giới thiệu đặt tại Lăng hoàng gia):

Langhoanggia9 Chuyện nhà họ Phạm


Như ta thấy trong bảng trên, có một chi tiết rất thú vị là vua Minh Mạng quý ông Phạm Đăng Hưng tới mức không chỉ cưới con gái của ông cho thái tử con trai mình, mà còn gả công chúa con gái mình cho con ông là Phạm Đăng Thuật nữa. Đây quả là một cặp thông gia mật thiết, sâu đậm.


Chuyện về bà Từ Dụ sách vở đã viết nhiều rồi, bài viết này xin được kể thêm về cuộc tình của phò mã Phạm Đăng Thuật và công chúa. Chuyện tình của họ là một thiên tình sử lâm ly…


Phạm Đăng Thuật là con út (thứ 18) của ông Phạm Đăng Hưng, em bà Từ Dụ. Năm 1850, ông kết hôn với công chúa Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh, được phong làm Phò mã Đô úy, sau thăng Lang trung bộ Lễ. 


Công chúa Nguyễn Phúc Vĩnh Trinh sinh năm 1824, tự Trọng Khanh, hiệu Nguyệt Đình, là con thứ 18 của vua Minh Mạng. Bà có tư chất thông minh, tính tình hiếu đễ, khiêm tốn, không ưa xa xỉ, ham đọc sách, được người anh là Tuy Lý vương Miên Trinh, một nhà thơ nổi tiếng đã tận tình chỉ bảo, nên bà thông làu kinh truyện. Bà còn giỏi sáng tác thơ văn, có tập “Nguyệt Đình thi thảo”, được người đương thời đánh giá là “văn chương trác tuyệt” và “giàu thi tính”. 


Ông Phạm Đăng Thuật và công chúa Vĩnh Trinh sống với nhau rất hạnh phúc, tâm đầu ý hợp, xướng họa vô cùng tương đắc. Hai người có với nhau một con gái tên Uyển La, sinh năm 1857. Trong một cuộc hội thảo về văn hóa Huế, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương) cho biết: “Khu vườn (của bà Nguyệt Đình và chồng) được đặt tên là Túc Ung viên, nghĩa là khu vườn của sự kính trọng và hòa thuận, ít nhiều nói lên tình nghĩa vợ chồng cao quý của họ. Vườn trồng 36 cây vải, tức cây lệ chi. Theo bản thảo Hán tự, cây lệ chi còn có tên là “thập bát nương” (cô nàng 18). Về thứ thế trong gia đình, bà Nguyệt Đình thứ 18 và ông Thuật cũng thứ 18. Sự trùng hợp kỳ lạ đó nhắc người ta trồng 36 cây vải để vợ chồng mãi mãi gắn bó bên nhau”.

Langhoanggia8 Chuyện nhà họ Phạm

Từ đường thờ phò mã Phạm Đăng Thuật và công chúa Quy Đức

Năm 1861, giặc Pháp xâm chiếm 3 tỉnh miền Đông, vua Tự Đức cử cậu mình là phò mã Phạm Đăng Thuật vào Nam xem xét tình hình, nhiệm vụ hết sức nặng nề và nguy hiểm. Thật không may, khi đến Biên Hòa thì phò mã lâm bệnh và qua đời. Vua Tự Đức vô cùng thương tiếc, truy tặng ông hàm Quang Lộc tự khanh.

Hết lòng thương yêu chồng, công chúa Vĩnh Trinh dâng biểu xin vua đưa thi hài ông về an táng tại Huế, thủ tiết thờ chồng. Những nỗi khổ đau trong đời bà chỉ còn biết chia sẻ cùng cô con gái Uyển La. Đau đớn thay, chỉ ít lâu sau khi phò mã qua đời thì Uyển La cũng mất. Từ đó bà vò võ một mình, sống ở sinh phần cạnh mộ phò mã.

Năm 1876, vua Tự Đức phong bà là Quy Đức công chúa. Bà mất năm 1892, thọ 68 tuổi, táng chung một chỗ với chồng.

Hiện nay, từ đường thờ công chúa Quy Đức và phò mã Phạm Đăng Thuật ở đường Lê Ngô Cát, xã Thủy Xuân, thành phố Huế, do ông Phạm Ngọc Công – một hậu duệ của dòng họ Phạm trông coi thờ tự. Trên bàn thờ trong ngôi từ đường cũng là cung phủ ngày xưa của công chúa Quy Đức có một bức song ảnh (ảnh hai người) rất độc đáo.

Langhoanggia7 Chuyện nhà họ Phạm


Đó là hai cái bóng người tô mực đen theo lối nhìn nghiêng đối diện nhau, chính là bóng của hai ông bà từ thuở xưa. Bây giờ ta có smartphone, tha hồ chụp ảnh cùng nhau, up lên Facebook xoành xoạch, nhưng hồi đó làm gì có máy chụp hình, nên dựa vào ánh đèn, hai ông bà đã cho vẽ hình mình lên tường để lưu giữ hình ảnh vợ chồng.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khẳng định: “Tôi xem bức song ảnh này, có vẻ đã được khôi phục lại, nhưng câu chuyện về bức song ảnh là hoàn toàn chân thực, đã làm ta xúc động tận đáy lòng về tình yêu của họ ngày nào”.

Langhoanggia5 Chuyện nhà họ Phạm

Langhoanggia1 Chuyện nhà họ Phạm

Lăng mộ Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. Ở Lăng Hoàng gia này có mộ của các vị trong dòng họ Phạm Đăng, chỉ riêng phò mã Phạm Đăng Thuật thì được an táng tại Huế theo nguyện vọng của công chúa Quy Đức.

Phạm Hoài Nhân

Viết theo tư liệu tại Lăng Hoàng gia, Song Lan (báo Ấp Bắc) và Nguyễn Đắc Xuân

Phản hồi