Gò công, nơi phát tích các dòng họ quý tộc

Viết bộ “Nam Kỳ lục tỉnh”, chúng tôi chỉ có một ước vọng nhỏ là mời bạn đọc đi thăm các miền đất nước phương Nam, từ thời hoang sơ mới khai phá, trải bao thăng trầm, những biến động chính trị, lịch sử dồn dập giữa thế kỷ 20, cho tới thời hiện lại. ẩn tàng trên các lăng mộ, đền miễu, phảng phất trên các gò đống, những giồng đất cao, ngàn cây nội cỏ như có bóng dáng của tiền nhân đổ bao mồ hôi, sức lực, trải bao đau thương và khí phách, mới tạo dựng được một miền Nam trù phú như ngày nay. Đi thăm lại quê hương đất nước là để thấy công lao của tổ tiên đổ xương máu khai phá, giữ gìn mảnh đất này để chúng ta yêu mến hơn, trân trọng hơn. Thay vì tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp đó người cộng sản tới đâu phá nát đất nước tới đó, nghèo nàn, lạc hậu, thụt lùi…

Người xưa thường nói “Địa linh nhân kiệt” ám chỉ cuộc đất linh thiêng phát sinh những bậc anh hùng hào kiệt, lương tướng danh thần, tạo nên những sự nghiệp hiển hách. Gò Công hồi trước là noi phát xuất của những đạo quân danh liếng lẫy lừng do anh em Võ Tánh, Võ Nhàn lãnh dạo. Gò Công trong thế kỷ kế tiếp là nơi phái sinh các dòng họ Phạm, họ Nguyễn, đều là ngoại thích các triều vua cận đại

Theo thuyết phong thuỷ, địa lý xưa, ông bà chúng ta rất quan tâm đến cuộc đất an táng mồ mả của tổ tiên. Chính cuộc đất ấy là đã quyết định vận mạng của dòng họ, cải đổi từ cuộc sống lam lũ trở lên hàng công hầu, khanh tướng. Nếu ở miền Bắc có Bắc Ninh, Thiên Trường là nơi phát sinh các vua nhà Lý (1010- 1225), nhà Trần (1225-1400), miền Trung có Tống Sơn, Thanh Hoá là đất quý hương của các vua nhà Nguyễn, thì Gò Công ở Nam Kỳ cũng là nơi khởi nghiệp các dòng quý tộc, ngoại thích các vua thời cận đại.

Vào năm 1834, bắt chước cách tổ chức hành chánh của nhà Thanh, vua Minh Mạng cho đổi tên “trấn” thành “tỉnh”, rồi lập thêm tỉnh mới An Giang, như vậy Nam Kỳ lục tỉnh ra đời từ lúc đó Huyện Tân Hoá gồm phần đất thuộc tỉnh Gò Công hiện nay, mặc dầu nằm sát nách Định Tường, nhưng được sáp nhập vào tỉnh Gia Định do tình cảm và ý muốn của vua Thiệu Trị. Khi ký hàng ước 1862, cắt phân nửa Nam Kỳ nhường cho Pháp, trong đó có Gò Công, vua Tự Đức buồn rầu mất ăn mất ngủ mấy tháng liền. Vì thế chúng ta không lấy làm lạ khi triều đình bất chấp mọi tốn kém, gửi sứ giả (Phan Thanh Giản) qua Pháp điều đình xin chuộc lại. Năm năm sau, Pháp xua quân chiếm 3 tỉnh miền Tây còn lại. Bất chấp mọi tư cách pháp lý, Pháp tự ý chia Nam Kỳ thành những đơn vị hành chánh nhỏ (lúc đó gọi là sở tham biện) để cho dễ kiểm soát.

Về sau, Pháp đổi “Sở tham biện” thành “hạt” rồi “tỉnh”. Ba tỉnh Tân An, Gò Công, Mỹ Tho là do tỉnh Định Tường cũ tách ra. Ngay khi mới chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Gò Công, nhờ vị trí hiểm yếu, nhiều sông rạch chằng chịt, giao thông trắc trở, lại thêm rừng rậm hoang vu đã trở thành những cứ điểm kháng chiến cho các lãnh tụ Trương Công Định, Thủ Khoa Huân, tri huyện Đỗ Trình Thoại…

Với non 30 km bờ biển, nép mình trên biển Đông Hải, tỉnh Gò Công nằm lọt trong lưu vực sông Vàm Cỏ, phía Bắc giáp tỉnh Chợ Lớn (huỷ bỏ sau năm 1945) trù phú và tỉnh Tân An lặng lẽ, phía Nam dựa vào tỉnh Mỹ Tho. Hai sông Cửa Tiểu, Cửa Đại (Tiền Giang) làm ranh giới thiên nhiên giữa Gò Công với Bến Tre, tỉnh Gò Công chiếm một diện tích khiêm nhường khoảng 600 km2. Hai sông Vàm Cỏ Đông (còn gọi là sông Bến Lức) và Vàm Cỏ Tây (còn gọi là Tân An hay Vũng Gù) phát nguyên từ biên giới Miên Việt, chạy qua Đồng Tháp Mười sình lầy, đun lát ngập phèn, nên dòng nước trong xanh nhìn thấy dưới đáy. Tới vị trí Bần Quỳ (cây bần ngả có vị thế như người đang quỳ gối) thuộc quận Cân Đước, tỉnh Vĩnh Long, thì cả hai sông hợp lại chảy qua địa phận Gò Công, Vàm Láng, đổ ra cửa Soài Rạp. “Soài Rạp”, sử cũ gọi “Lôi Lạp” là đất trước đây thuộc vương quốc Phù Nam (thế kỷ thứ 1 đến thứ 6 sau Tây Lịch), rồi sáp nhập vào Thuỷ Chân Lạp, tiền thân của Cao Miên ngày nay.

Tâm Bôn là đất Long An ngày nay. Chỗ hợp lưu hai sông: Bần Quỳ, còn nhắc lại sự tích ông Mai Bá Hương làm chức Xà-sai-ty dưới thời các Chúa Nguyễn ở Nam Hà, trên đường vận lương tiếp viện (1705), khi biết thuyền lương sắp rơi vào tay giặc, bèn ra lịnh đục thủng thuyền và chết theo thuyền. Để kỷ niệm và lưu truyền cái chết của trung nghĩa ấy, dân chúng gọi chỗ này là “sông Xá Hương”. Theo các thương nhân đi ghe thương hồ xuôi ngược Sài gòn về miền Tây và ngược lại, mỗi lần qua miễu Bần Quỳ, thường hay bị cướp chặn đường. Một nữ tướng cướp nổi danh hồi nửa thế kỷ trước đây còn gọi “Bà Nở” nghe đâu là con gái ông Quản Xô, cựu nghĩa binh thất trận về hùng cứ nơi đây. Hai bên bờ sông Vàm Cỏ từng in dấu vết chân của nghĩa quân Trương Công Định, Thủ Khoa Huân qua lại nhiều lần. Những địa danh như Trường Bình, Vàm Bao ngược, đám lá tối trời, đồn Kiểng Phước… đều nhắc lại những sự kiện lịch sử, những chiến công của nghĩa quân kháng Pháp hồi cuối thế kỷ 19:

Trên trại đồn điền hoa khóc chủ,

Dưới Vàm Bao ngược sóng kêu oan!

(Nguyễn Đình Chiều)

Dõi theo bước Nam tiến, ông bà ta tới vùng đất mới thường chọn những giồng đất cao lập nghiệp: Gò Sơn quy, Gò Khổng tước Gò Tre, Gò Cát, giồng ông Huê, giồng Tháp, giồng ông Nâu… Cuối thế kỷ 19, Gò Công còn hoang vu, nhiều lùm bụi, chưa khai phá. Dọc theo bờ biển từ Vàm Láng xuống Tân Thành, Cửa Tiểu, là những rừng cây ngập mặn như đước, vẹt, xú, lá dừa đầy đặc, che khuất, kín đáo. Vì lẽ đó, các cuộc khỏi nghĩa chống Pháp của các sĩ phu miền Đông, sau khi thất bại đều rút về Gò Công để củng cố binh lực.

Khi những đợt di dân đầu tiên từ miền ngoài tới đây hồi cuối thế kỷ 17 tìm nơi cao ráo, nơi sông sâu nước chảy dựng nhà, phá rừng làm rẫy, làm ruộng. Địa danh “Gò Công” còn nhắc lại sự tích, một địa thế thiên nhiên “Gò đất cao ráo, có nhiều chim công làm ổ, sanh sôi nẩy nở từ thế hệ này qua thế hệ khác”. thuở đó, Gò Công chưa có đường bộ. Mọi việc giao thông, chuyên chở, đi lại đều dùng thuyền, tam bản, xuồng ba lá và ghe chài. Sông Tra, nối liền với sông Vàm Cỏ, là thuỷ lộ quan trọng giúp người Gò Công qua lại Tân An, Thủ Thừa, Mỹ Tho, lên Chợ Lớn, Sài gòn…

Vua Tự Đức (1848-83) cho đắp “con đường sứ” nối từ Gia Định xuống giồng Sơn Quy để liên lạc với quê ngoại. Người lớn tuổi ở đây thường nói rằng “nghe ông bà kể lại hồi đắp con đường này, bắt dân chúng phục dịch lao khổ để phá rừng, đào mương đáp lộ, bắc cầu trong hoàn cảnh đất đai hoang vu đầy muỗi mòng, rắn rít, thú dữ và sơn lam chướng khí, nên bị bịnh và chết rất nhiều”. Giữa thế kỷ 20, di tích “con đường sứ”, vẫn còn, là con đường trải đá nối tỉnh lỵ Gò Công ra bến Bắc Mỹ Lợi để đi Cần Giuộc, Chợ Lớn. Nhờ con đường sứ, nhiều công văn, tin tức liên lạc với quý tộc họ Phạm, được liên tục. Ngày nay, “con đường sứ” đã trở thành liên tỉnh lộ 5, nối Gò Công với Chợ Lớn, qua phà Mỹ Lợi.

Theo bản đồ hành chánh Nam Kỳ vào năm 1939, Gò Công có 5 tổng và 40 làng. Lúc đó, địa danh “quận” chưa xuất hiện. Nhiều tên tổng và làng còn tồn tại tới ngày nay như Hoà Đồng hạ, Hoà Đồng trung, Hoà Đông hạ… Tới những thập niên đầu thế kỷ 20, Gò Công hình thành các chợ ở đầu mối giao thông đường thuỷ, có những cửa hàng buôn bán cố định thay vì buôn gánh bán bưng và họp chợ phiên như trước kia ở Trung và Bắc. Chợ tỉnh lỵ Gò Công, có từ năm 1897. Về mặt giáo dục, cùng năm đó, Pháp mở trường tổng tại tỉnh lỵ và 4 tổng khác trong tỉnh, đặt tại các làng Tân Niên Tăng, Tăng Hoà, Vĩnh Lợi và Đồng Sơn.

Đến năm 1939, Gò Công bắt đầu phát triển các chợ: phố xá buôn bán sầm uất. Hàng hoá trao đổi lưu thông dồi dào. Theo quyển “Cẩm nang thời sự năm 1939”, Gò Công có các chợ sau:

– Chợ Giồng ông Huê (làng Vĩnh Lợi)

– Chợ Tổng Châu (Tân Niên Tây)

– Chợ Cửa Khâu (Tăng Hoà)

– Chợ Giồng Nâu (Hoà Nghị)

– Chợ Sáu Toàn (Bình Luông Đông)

– Chợ Giồng Trộm (Long Thạnh)

– Cho Mỹ Lợi (Bình Thạnh Đông)

– Chợ Câu Ngang (Thạnh Nhứt)

– Chợ Vàm Láng (Kiểng Phước)

– Chợ Bến Vựa (Bình An)

– Chợ Bình Xuân (làng Bình Xuân)

– Chợ Dinh (làng Đồng Sơn).

Dưới thời Đệ nhất cộng hoà (1955-1963), tỉnh Gò Công sáp nhập vào tỉnh Định Tường. Năm 1963, Gò Công tách riêng thành lập tỉnh cũ như dưới thời Pháp thuộc, gồm 4 quận, đều bắt đầu bằng chữ “Hoà” như Hoà Tân, Hoà Lạc, Hoà Đồng, Hoà Bình…

Hình ảnh, sinh hoạt Gò công hồi đầu thế kỷ 20:

Căn cứ theo gia phả của bà Từ Dụ Thái hậu (1810-1902) thì tổ tiên bà từ Quảng Ngãi vào lập nghiệp tại Gò Công, thì vùng này hồi đó là sình lầu, rừng bụi hoang vu, chạy thẳng ra tới mé biển… Những chỗ trũng, thấp, nằm giữa các giồng đất được khai phá thành từng khoảng để làm ruộng, làm rẫy theo kiểu “tầm ăn lá dâu”. Hồi trước chỗ nhiều đun, lát, bùn, lầy gọi là “thảo điền”. Theo ông già bà cả kể lại rằng vùng này hồi trước nắng khô, nứt nẻ, nhiều hố sâu. Đến khi mưa xuống, nước ngấm vào, đất mềm mới cày bừa làm ruộng được. Mỗi lần cày ruộng, phải lùa trâu đực, móng chân cao cho khỏi mắc lầy, nếu không nhiều con trâu bị lún xuống bùn đi không nổi.

Đọc lại quyển “Địa bạ tỉnh Định Tường” viết từ thời Minh Mạng (1820-40) do ông Nguyễn Đình Đầu dịch và in năm 1994, chúng tôi thấy phần lớn đất đai ở Gò Công (giáp Định Tường) phần lớn do phụ nữ giữ quyền sở hữu. Điều đó chứng tỏ hồi xưa vai trò người phụ nữ thực sự nắm quyền sở hữu ruộng đất, quản trị kinh tế gia đình, là một nét đặc biệt trong vùng đất mới, xa kinh đô.

Muốn hình dung lại khung cảnh, sinh hoạt của Gò Công vào đầu thế kỷ, chúng tôi phải tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Rất may mắn, chúng tôi nhiều lần được hầu chuyện cùng các vị cao niên hồi còn bên trại tỵ nạn và ngay trên đất Mỹ thuộc lớp “cổ lai hy”, trong đó có những người họ Phạm, họ Nguyễn thuộc hạng danh gia thế tộc tại Gò Công nhiều đời. Chúng tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn ông cựu giáo sư Trần Văn Mạnh đã tặng quyển “Gò Công cảnh cũ người xưa” do tác giả Việt Cúc biên soạn rất quý.

Viết về Gò Công, chúng tôi tránh thói quen “lối mòn để đi”. Với chủ trương tân kiếm phát kiến những điều mới lạ, chúng tôi tìm tòi, ghi chép những chuyện xưa tích cũ mà chúng tôi có dịp nghe thấy, cũng những tài liệu rời rạc trong sách báo cũ mới. Nhờ đó chúng tôi có khá đầy đủ về “Trận bão năm Thìn (1904)”, chuyện Cậu Hai Miệng là những biến cố, những đề lài thời sự hấp dẫn trên dưới một thế kỷ nay. Dĩ nhiên những tài liệu ghi chép, hay “những quyển tự điển sống”, kể lại không có dịp được kiểm chứng, phán đoán, đánh giá như một người viết sử. Chúng tôi chỉ làm công việc của người kể chuyện mua vui cho độc giả mà thôi.

Cho tới những năm nửa đầu thế kỷ 20, Gò Công vẫn còn là một chỗ xa xôi, biệt lập vì địa thế cách trở, mặc dầu nó chỉ cách Sài gòn, Chợ Lớn chừng 50 Km đường chim bay.

Ở miền Nam, ngoài Thủ Đức là quê hương quý tộc họ Hồ (Bà Hồ Thị Hoa, vợ vua Minh Mạng), thì Gò Công được các vua nhà Nguyễn đặc biệt chiếu cố. Hoàng đế Bảo Đại là vị vua đầu tiên và duy nhứt vào Nam nhiều lần, có đến thăm quê vợ Gò Công vào năm 1942. Ở đây nhiều dòng họ dược phong tước hiệu và đất ruộng theo chính sách thời phong kiến: cứ mỗi lược (công, hầu, bá, tử…) đều kèm thêm một sở đất, ruộng, để ăn lộc và con cháu thờ phượng. Trong một chỉ dụ trong Đại Nam Hội Điền có ghi:

“Nay trẫm theo chỉ xưa, nhớ người có công, nghĩ đến người có công lớn thì phải báo đáp, vậy gia ơn ruộng đất cấp cho họ làm tự điền, để con cháu đời đời giữ lấy cày cấy, tế lễ, chi dụng đèn nhang, làm cho sự ban thưởng được kéo dài về đời sau, tỏ cái ý ưu đãi và thương xót công thần”.

Dưới chế độ nhà Nguyễn, ngoài “con đường sứ” nối từ Gia Định về Gò Công, tất cả mọi sự giao thông khác trong vùng, phải vận chuyển bằng đường thuỷ, Từ Gia Định về Gò Công, các ghe thuyền từ sông Vàm Cỏ rẽ vào sông Tra, vào rạch Băng đến Bình Xuân trước khi tới tỉnh lỵ Gò Công. Hồi đó các ghe chở gạo, ghe cá, ghe củi chạy buồm từ Gò Công qua vàm Bao Ngược (vượt sông Vàm Cỏ) để qua Cần Giuộc về Chợ Lớn. Từ phía Mỹ Tho đi Gò Công thường phải theo sông Cửa Tiểu vô vàm Giồng, tới rạch Vểnh Lợi, tiếp qua rạch Gò Công. Đường bộ nối Gò Công với các tỉnh và Chợ Lớn mới thành hình từ thập niên 1930 đều phải qua bắc: Bắc Chợ gạo nối Gò Công với Mỹ Tho, bắc Mỹ Lợi nối Gò Công với Cân Giuộc, Chợ Lớn. Từ bắc Chợ Gạo, xe đò phải chạy tiếp tới Thanh Thuỷ, Thạnh Nhựt, Gò Bầu trước khi vào tỉnh lỵ Gò Công… Vì nằm trệch thuỷ trình về miền Tây và quốc lộ số 4, tỉnh lỵ Gò Công chưa bao giờ phát triển sung túc, sầm uất như Mỹ Tho, Cần Thơ. Con đường quan trọng nhứt trong tỉnh lỵ chạy từ Yên Luông Đông xuống chợ, phải qua một cây cầu bắc ngang con rạch nhỏ, phía trên lăng mộ của Đại tướng Trương Công Định. Lâu ngày, con rạch này cạn dần phải lấp đi, để mở rộng châu thành, và từ đó chỗ này gọi là “đường kinh lấp”, nay là đường Phạm Đăng Hưng. Sách “Cảnh cũ người xưa”, tác giả Việt Cúc là người cố cựu đất Gò Công kể lại:

“Như đường Sơn Quy vào chơ, phải qua cái cầu ngang, nằm phía dưới nhà Bà Phước sau này gọi Cầu Phủ. Bên chợ đi qua bên vựa cây lá, củi rào, đến đồn trân cũ, phải qua cái cầu ngang khác, nằm gần trường Nam Tiểu Học bây giờ, gọi là Cầu Quan. xóm Ngã Tư, từ phía dưới lộ me lên chợ, phải qua Cầu Huyện. Bình Công đi qua chợ, có cầu dọc ở phía trên gọi là cầu Lông Chiên (sau gọi là Long Chánh). Bên chợ thì cạn, nhiều bùn lầy, chạy từ cầu Long Chánh đến Cầu Phủ, gần cầu mới Tân Ban Nha. Những thuyền, tam bản từ các nơi về đậu ở bên chợ dỡ hàng lên bán như. gạo, củi, cây lá, tre, dừa chuối, khoai bắp, cùng súc vật gà heo… Thỉnh thoảng có một ít ghe thuyền từ Cần Giuộc hoặc Định Tường đến mua gạo, gà heo… chở đi bán các nơi khác…”. (Sách đã dẫn, trang 5)

Kinh Chợ Gạo, làm ranh giới cho hai tỉnh Gò Công, Mỹ Tho là đường thuỷ chiến lược nối từ sông Cửa Tiểu qua sông Vàm Cỏ. Kinh này được đào dưới thời Thống đốc Dupré, nên dược gọi “Canal Dupré”, rút ngắn thuỷ trình chuyên chở lúa gạo từ miền Tây về Chợ Lớn để thay thế cho kinh Bảo Định vừa hẹp vừa cạn. Kinh Chợ Gạo được đào ròng rã 2 tháng, vét một triệu mét khối đất, đấp cao hai bên bờ để làm lộ xe đi lại. Ngày ăn lễ lạc thành tổ chức hết sức trọng thể. Những nhà ở hai bên bờ kinh có treo cờ, giăng đèn, kết hoa, làm cổng chào và dặt bàn hương án. Chính Đô đốc Dupré, Thống đốc Nam Kỳ đến tham dự như một thách thức những sĩ phu đang ngưỡng vọng triều đình, cho rằng Pháp sắp bỏ miền Nam. Khi chiếc tầu sắt chở Dupré vừa đào kinh, hai bên có lính mã tà cỡi ngựa đi song song. Lại có thả khinh khí cầu để khoa trương kỹ thuật Tây phương. Hai năm sau, số lượng lúa gạo chở lên Sài gòn gia tăng gấp đôi, gấp 3 lần. Vào những năm cuối thế kỷ 19, hàng ngày có hàng trăm ghe chài qua kinh Chợ Gạo. Dọc theo thuỷ trình về miền Tây trong phạm vi tỉnh Gò Công có nhiều chỗ giáp nước, những vị trí thuận lợi được hình thành các chợ để ghe thương hồ ghé mua bán, trao đổi hàng hoá như Chợ Gạo, chợ Mỹ Lợi, chợ Trường Bình. Hồi năm 1949, tôi được thân phụ cho theo ghe chài chở lúa từ Vũng Liêm về Chợ Lớn, tôi đếm được 24 cái chợ lớn nhỏ nằm trên thuỷ trình ghe chúng tôi đi ngang qua! Vàm Bao Ngược, thường có sóng lớn vào buổi chiều, thường gây mối ám ảnh cho các ghe thương hồ lục tỉnh. Câu hát xưa còn nhắc:

Anh đi ghe lúa Gò Công,

Vô vàm Bao Ngược, bị giông (gió lớn) đứt buồm!

Vàm Bao Ngược là chỗ nhận chìm biết bao nhiêu ghe xuồng qua lại mỗi khi chèo ra giữa sông bị sóng gió nổi lên thình lình. Chỗ khúc sông này tạo ra nhiều thảm cảnh thương tâm cho những người sống trên sông nước:

Thuyền anh cao, nhưng sóng cả nhận chìm,

Em trông sông bao nhiêu khúc, nỗi niềm ruột đau.

Hò… ơi!

Vàm Bao Ngược là chỗ gặp gỡ của các dòng nước: nước sông Vàm Cỏ từ Tân An, Bến Lức đổ ra, kinh Chợ Gạo từ Mỹ Tho chảy xuống hợp với sông Tra từ Gò Công, tạo ra một khúc sông sâu, rộng minh mông. Bên này vàm Bao Ngược là bến phà (bắc) Mỹ Lợi đưa các xe đò, xe hàng và hành khách qua sông để đi Cần Giuộc, Chợ Lớn. Vì khúc sông nguy hiểm, nên mỗi lần sắp qua sông, bạn chèo ghe phải sửa soạn dầm, chèo, quai chèo, buồm cho vững chắc. Vàm Bao Ngược cũng là khúc sông lịch sử. Sau khi hạ đồn Kỳ Hoà (Chí Hoà), Pháp xua binh xuống đánh Mỹ Tho (lúc đó gọi là Định Tường). Các chiến thuyền theo cửa Sói rạp vô vàm Bao Ngược, rẽ vào sông Tra đánh Gò Công. Nghĩa quân của ta mai phục sẵn, đắp những mô đất cao tại dập Bà Thái, phía ngoài Bình Xuân chống trả mãnh liệt”. Vượt vàm Bao Ngược đã tới cửa ngỏ “đất kinh kỳ”. Nửa thế kỷ trước, đi ghe thường phải chèo hoặc chạy buồm nhờ sức gió, không có máy móc nhiều như bây giờ, do đó bạn chèo rất mệt mỏi, trông cho mau tới chỗ để được nghỉ ngơi, ăn uống, mua sắm và đợi con nước để tiếp tục lên đường.

Hồi trước, ghe thương hồ xuôi ngược lục tỉnh phải qua Chợ Đệm, nằm ở phía dưới cầu Bình Điền ngày nay. Qua khỏi Bến Lức, men theo con nước thuận, các ghe chèo luôn một mạch tới “ba Cụm”. Tại chỗ này là nơi giáp nước: sông Chợ Đệm chảy ra, sông Bến Lức chảy vào. Hai dòng nước gặp nhau, là cái bến tạm để ghe xuồng đậu nghỉ, chờ con nước sau. Ba Cụm nổi danh với “bối”, một thứ ăn cắp vặt trên sông. Theo kinh nghiệm, những người chèo ghe theo nước lớn vô Ba Cụm, phải “canh” làm sao cho khi vừa tới chỗ giáp nước, thì nước phía bên kia cũng “giựt ròng”, để chèo luôn cho nhẹ. Các ghe buôn từ lục tỉnh, mỗi lần qua Chợ Đệm thường ghé lại mua đệm may buồm, mua bao cà ròn, mua nóp để ngủ thay mùng.

“Ghe Cần Đước” một thời nổi tiếng cả Nam Kỳ, có mũi quệt cao, cản nước, đi chậm, cặp mắt xách ngược như mắt Quan Công. Tương truyền ghe Cần Đước do thợ người Minh Hương, con cháu đám di thần nhà Minh Dương Ngạn Địch, Huỳnh Tấn ở Vũng Gù, Cù Úc, Mỹ Tho đóng. Ghe chài Cần Đước đi từ từ, đi tới đâu cũng nhìn thiên hạ như thách thức, du côn! Khi việc chuyên chở đường sông còn thạnh hành, bạn chèo ghe chài Cần Đước thường là dân tứ chiếng, giỏi võ nghệ. Một lần đoàn ghe chài Cần Đước “đụng” với đám cướp ở Tân Châu để cứu giá đoàn ghe thương hồ lục tỉnh, làm cho giới sống trên sông nước miền Nam còn nhớ mãi.

Trích Những Phú Hộ Lừng Danh Nam Kỳ
Tác giả Hứa Hoành

Phản hồi