Gò Công gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây và Tân Phú Đông (một phần trước thuộc huyện Gò Công Đông và phần còn lại trước thuộc Gò Công Tây) nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Tài nguyên du lịch ở đây rất phong phú nhưng chưa khai thác phù hợp.
Sự nghiệp Nam tiến đến Lôi Lạp năm 1756 thu thêm vùng đất nhiều gò cao (giồng) nơi ch**m công thường đậu (gò công: khổng tước nguyên). 1783 – 1788, anh hùng Võ Tánh, người đầu tiên đưa địa danh Gò Công vào quốc sử, đã dựng cờ “KHỔNG TƯỚC NGUYÊN VÕ” chỉ huy đạo quân Kiến Hòa – quân chủ lực giúp Chúa Nguyễn thu phục toàn cỏi Nam Kỳ năm 1788. 1834, vua Minh Mạng đặt xứ Nam Kỳ có 6 tỉnh (Lục tỉnh). Năm 1876, tỉnh Định Tường chia ra 2 hạt (arrondissement) Mỹ Tho và Gò Công sau thành 2 tỉnh Mỹ Tho và Gò Công.
1976 Gò Công nhập với Mỹ Tho thành Tiền Giang – Miền Tây Nam Bộ (Miền Tây: Đồng bằng sông Cửu Long).
Trong số các tác giả nghiên cứu Gò Công đặc biệt có Lương y Việt Cúc với tác phẩm “Gò Công cảnh cũ người xưa” phụ lục bản đồ, ảnh minh hoạ. Huỳnh Minh với “Gò Công xưa” về di tích lịch sử, lăng mộ, nhân vật lịch sử, giai thoại, tục lệ, văn hóa nghệ thuật. Phan Thanh Sắc có công trình “Gò Công – Vọng tiếng đất lành” dày dặn với văn phong tả thực đậm đà, nghiêm túc chất nghiên cứu một nhà giáo ưu tú giảng dạy (và phiên dịch) hai ngoại ngữ; ngoài ra, tác phẩm còn hiệu đính, bổ sung và lý giải một vài sự kiện ở hai sách trước. Dù chưa trình bày dưới góc nhìn du lịch nhưng các tác giả đã cung cấp nguồn tư liệu quí cho người quan tâm.
Năm 2006, website Bộ GD có diễn đàn Gò Công sưu tầm và giới thiệu về Gò Công; với hơn 4000 bài hầu hết đã được biên tập, http://edu.net.vn/forums/t/43481.aspx?PageIndex=1. Người Gò Công cũng góp phần quảng bá qua nhiều bài báo, webblog. Tuy vậy, chưa công trình nghiên cứu chuyên về tiềm năng du lịch.
1. TỔNG QUAN
1.1. ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG – QUI MÔ PHÁT TRIỂN:
Ngày 09/10/09, Thủ tướng CP Việt Nam ký quyết định số 1581/QĐ-TTg về Quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 với vùng trung tâm có đô thị hạt nhân Cần Thơ, vùng Đông Bắc với tp Mỹ Tho nối với Gò Công, Tân An, Trà Vinh, Bến Tre, Tân Thạnh; Tiền Giang, Long An, An Giang thuộc Vùng nông nghiệp được bảo vệ và phát triển. Ngoài ra, một số đường cấp tỉnh sẽ nâng lên quốc lộ; năm 2012, cầu Mỹ Lợi (nhịp vòm khẩu độ lớn đầu tiên ở VN) qua sông Vàm Cỏ nối liền tỉnh Long An và Tiền Giang trên quốc lộ 50 giúp du khách từ Sài Gòn về Gò Công rất dễ dàng trong vòng 90p.
1.2. LIÊN KẾT DU LỊCH Ở ĐBSCL:
Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã liên kết hợp tác khai thác tài nguyên du lịch phong phú ở đây. Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ là tam giác du lịch trọng điểm. Vĩnh Long có chương trình “Mỗi làng một nghề đến năm 2015” liên kết với tp Cần Thơ. Cty du lịch Cửu Long hợp tác với KS Continental – tp HCM qua chương trình gđ 2009-2015.
Hiệp hội Du lịch ĐBSCL khuyến khích phát triển các tour đưa lao động địa phương vào các hoạt động du lịch để tăng thu nhập. Một số dự án du lịch cộng đồng tại An Giang và Tiền Giang, chương trình phát triển du lịch bền vững ủng hộ người nghèo tại Bến Tre và Trà Vinh. Theo số liệu chưa đầy đủ, ĐBSCL đã nâng cấp hơn 50 thắng cảnh tiêu biểu.
Có thể thấy ĐBSCL không thiếu những nơi có thể tạo ra “lợi thế so sánh” riêng biệt nhưng do chưa khai thác thế mạnh truyền thông, internet, quảng cáo nên hình ảnh về ĐBSCL, Tiền Giang,…Gò Công với du khách vẫn đang là những bức tranh thông thường có thể bắt gặp ở bất kỳ nơi đâu. Hơn nữa, theo báo chí đưa tin thì việc phục vụ du khách vẫn “giẫm chân nhau” và “rập khuôn” (nơi nào cũng vườn trái, chèo xuồng, thức ăn đồng quê, đờn ca tài tử,…) nên lượng du khách tăng mỗi năm nhưng tỷ lệ quay lại lần thứ hai, thứ ba rất ít. Khảo sát của ngành Du lịch tỉnh Tiền Giang cho biết, trong hơn nửa triệu du khách đến chỉ có 2,1% khách lưu trú, còn lại sáng đến Mỹ Tho và chiều về SG. Thật vậy, nếu mỗi tỉnh chỉ chú ý vào các dự án địa phương sẽ vừa không tạo ra thế mạnh thương hiệu do quy mô còn nhỏ của mình vừa làm giảm cơ hội mở ra những tiếp cận mới cho việc xây dựng chính sách.
Liên kết khai thác du lịch không chỉ theo hướng ưu tiên cho trung tâm hành chính, khu “thành phố” hoặc liên kết bình quân cào bằng giữa các địa phương mà cần sự quản lý liên kết xuất phát từ ưu thế có thật của từng địa phương, từng vùng đất cụ thể (như Sa Đéc, Gò Công,…). Nói “quản lý liên kết” là khẳng định vai trò lãnh đạo và quản lý của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong hoạt động liên kết khai thác du lịch tại địa phương nhất là đối với nơi có tiềm năng.
1.3. VỀ GIAO THÔNG:
Đến nay, giao thông vẫn là một trong những trở ngại lớn cho phát triển. Đường bộ từ Sài Gòn đến các tỉnh ĐBSCL hầu như chỉ theo quốc lộ 1A, quốc lộ 50. Từ Sài Gòn về Mỹ Tho vẫn thường kẹt xe, kẹt phà Mỹ Lợi (từ Cần Đước qua Gò Công).
Nếu “Con đường di sản ĐBSCL” (như ở Miền Trung) được hình thành thì vấn đề lớn nhất của nó sẽ là sự trở ngại di chuyển. Nếu du khách mất 30 phút từ Đà Nẵng đến Hội An, mất 2 giờ từ Hội An ra Huế thì việc mất gần 4 tiếng đồng hồ xe phà từ Sài Gòn về Mỹ Tho là rất lãng phí. Năm 2012 hoàn thành cầu Mỹ Lợi qua sông Vàm Cỏ nối liền tỉnh Long An và Tiền Giang thì du khách từ Sài Gòn về Gò Công rất dễ dàng. Sự xuất hiện Cầu Mỹ Lợi qua Tiền Giang đòi hỏi cái nhìn mới, tác động mới của du lịch ĐBSCL đối với địa phương đầy tiềm năng du lịch này.
1.4. NGUỒN NHÂN LỰC:
Số liệu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam 2008 cho biết trong 250.000 lao động trực tiếp của du lịch ĐBSCL có một nửa chưa có nghiệp vụ du lịch, thậm chí có đến 35% lao động chưa có bằng Tú tài. Trong 1.000.000 người tham gia hoạt động du lịch thì có tới 58% không được đào tạo và chỉ có 15% được đào tạo qua các lớp trung, sơ cấp (TBKTSG, 31-8-2008).
Hơn nữa, khai thác du lịch vùng (như ĐBSCL) không chỉ cần xét lại và định hình lại “lợi thế so sánh” giữa các địa phương thuộc vùng mà còn hướng tới sự quản lý các tác động liên kết. Quản lý các tác động liên kết là tất yếu để phát huy sức mạnh chung cho những sản phẩm mang đặc tính hàng hóa công (public goods) cho cả vùng (như: hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng, giáo dục,…) nhằm tạo ra sự đồng thuận về chính sách chung.
1.5. QUẢN LÝ – CHÍNH SÁCH:
Như các ngành, để quản lý, du lịch ĐBSCL cần một hệ thống chính sách hoàn chỉnh ở cấp vùng và ; bên cạnh đó là một cơ chế đủ hiệu lực để điều phối.
Mô hình Ủy ban du lịch ĐBSCL (với thành viên là lãnh đạo địa phương, đại diện các Bộ Ngành liên quan – điều phối các hoạt động khác nhau trong đầu tư, quỹ tài chính, nghiên cứu khoa học, quy hoạch, cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn lực, xây dựng thương hiệu,….) là sáng kiến đặc biệt đáng lưu ý hiện nay.
Từ ý tưởng của các chuyên gia khai thác du lịch, Gò Công thuộc Cụm du lịch tả ngạn sông Tiền (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp) và Tiểu ban du lịch ở đây sẽ hoạt động dưới sự điều phối của UB du lịch ĐBSCL; tất nhiên UB không thực hiện chính sách cụ thể mà tập trung điều phối và liên kết các hoạt động.
Sáng kiến về cơ chế điều phối này đã được đón nhận nhưng chưa triển khai triệt để nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tiềm năng du lịch cho ĐBSCL – trong đó có tài nguyên du lịch Gò Công ở 12 lĩnh vực sau đây.
Hoàng Ngọc Hùng
Giảng viên ĐHSP Huế