Địa danh được cấu tạo theo phương thức: Công trình xây dựng (Đường) + Họ và tên danh nhân (Nguyễn Văn Côn).
Tiểu sử danh nhân:
NGUYỄN VĂN CÔN
(1893 – 1981)
Nguyễn Văn Côn, bí danh Thành Vĩnh, sinh năm 1893 tại làng Vĩnh Hựu, tổng Hòa Đồng Thượng, tỉnh Gò Công (nay là xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình trung nông có truyền thống yêu nước. Ông nội của ông là Nguyễn Văn Chung, một trong những thủ lãnh nghĩa quân trong cuộc khởi nghĩa Trương Định.
Năm 1908, khi mới 14 tuổi, ông gia nhập Việt Nam Quang phục hội – một tổ chức yêu nước có cơ sở ở Gò Công. Năm 1910, được sự cố vấn của một số nhà yêu nước, ông thành lập Cộng hòa hội, nhằm tập hợp thanh niên và tuyên truyền ý thức đấu tranh chống áp bức, bất công.
Sau đó, ông lên Sài Gòn, làm công nhân cho hãng Faci. Tại đây, ông giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin và tích cực tham gia phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Năm 1921, ông gia nhập Công hội đỏ. Đây là tổ chức cách mạng đầu tiên của công nhân Sài Gòn hoạt động theo con đường cách mạng vô sản do Tôn Đức Thắng thành lập và làm Hội trưởng. Do tinh thần kiên định cách mạng và năng nỗ trong công tác nên ông được hội viên tín nhiệm bầu làm Phó Hội trưởng.
Năm 1924, ông được Ban Lãnh đạo Công hội đỏ phân công về Gò Công xây dựng phong trào. Tại đây, ông tiến hành củng cố và mở rộng tổ chức Cộng hòa hội do ông thành lập trước đó. Để tạo thế hợp pháp, tổ chức này được đổi tên thành Hội cúng thánh Khổng Tử, gọi tắt là Hội Thánh. Hội có nhiệm vụ truyền bá sách báo tiến bộ, dạy chữ quốc ngữ, quyên góp tiền bạc giúp các nhà yêu nước hoạt động chống chính quyền thực dân, đặc biệt là giúp kinh phí cho những người xuất dương học làm cách mạng. Trong thời kỳ này, ông có dịp tiếp xúc với nhiều nhà yêu nước nổi tiếng, như Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh), Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Mai Văn Ngọc,…
Giữa năm 1925, Hồ Chí Minh thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (HVNCMTN) ở Quảng Châu (Trung Quốc). Cuối năm 1926, do bắt liên lạc được với một số cán bộ của HVNCMTN, ông cử những thanh niên ưu tú ở Gò Công và Cần Thơ sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự các lớp huấn luyện do HVNCMTN tổ chức nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng.
Năm 1927, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh hội HVNCMTN tỉnh Gò Công. Đầu năm 1929, ông là Kỳ ủy viên của Kỳ bộ HVNCMTN Nam Kỳ; và được phân công xây dựng phong trào ở các tỉnh Gò Công, Long Xuyên, Sa Đéc, Cần Thơ, Vĩnh Long và Trà Vinh.
Tháng 8-1929, ông được kết nạp vào An Nam Cộng sản đảng; và thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Gò Công do ông làm Bí thư. Nhưng chỉ một tháng sau, ông bị địch bắt, kết án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo. Ở trong tù, ông giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản chân chính. Đồng thời, ông ra sức học tập lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin để nâng cao trình độ chính trị và lập trường giai cấp.
Năm 1934, sau khi ra tù, mặc dù chưa bắt liên lạc được với tổ chức Đảng, nhưng ông vẫn hăng hái hoạt động, gầy dựng được nhiều cơ sở cách mạng và kết nạp một số đảng viên mới ở Gò Công. Do vậy, tháng 5-1940, ông lại bị địch quản thúc; và đến cuối tháng 11-1940, ông bị địch bắt giam khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra. Tuy vậy, trước đó, ông đã chỉ đạo các cơ sở cách mạng ở Gò Công có những hoạt động hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, như treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn, phá đường giao thông, xô ngã cột điện,…
Cuối năm 1942, ông được trả tự do và nối liên lạc với Đảng. Tháng 10-1943, tại Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ lâm thời được tổ chức tại Chợ Gạo, ông được bầu làm Xứ ủy viên. Với tinh thần tiến công cách mạng không ngừng, ông hoạt động không mệt mỏi cho phong trào. Ông đi khắp nơi để vận động cách mạng, phát triển đảng viên, chuẩn bị đón thời cơ mới.
Sau ngày phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp (09-3-1945), khi tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện, ông và các đảng viên cộng sản ở Gò Công ráo riết xúc tiến công tác chuẩn bị giành chính quyền về tay nhân dân.
Tháng 5-1945, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Gò Công. Tháng 7-1945, ông chỉ đạo thành lập lực lượng Thanh niên tiền phong ở Gò Công. Giữa tháng 8-1945, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban dân tộc giải phóng lâm thời tỉnh Gò Công. Ngày 21-8-1945, nhân dân làng An Thạnh Thủy (thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho) biểu tình kéo xuống làng Thạnh Nhựt (thuộc tổng Hòa Đồng Thượng, tỉnh Gò Công) lấy mộc của làng, tước súng của hương quản. Sự việc này làm cho chính quyền tay sai Pháp – Nhật ở Gò Công lâm vào tình thế lúng túng. Tỉnh trưởng Gò Công là Trần Hưng Ký phải mời ông với tư cách là đại diện Việt Minh đến gặp tại dinh tỉnh trưởng và khẩn thiết nhờ giải quyết. Nhận thấy thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi, ngay trong đêm 21-8-1945, ông triệu tập cuộc họp bất thường của Ủy ban dân tộc giải phóng tỉnh Gò Công. Các đại biểu dự họp nhận định đã đến thời điểm Mặt trận Việt Minh tỉnh Gò Công ra công khai hoạt động; đồng thời đi đến quyết định là phải dùng sức mạnh đấu tranh của quần chúng buộc tỉnh trưởng Gò Công từ chức, giao quyền cho Ủy ban dân tộc giải phóng lâm thời tỉnh Gò Công.
Ngày 24-8-1945, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức ở thị xã theo quyết định của Ủy ban dân tộc giải phóng lâm thời Gò Công để mừng cách mạng giành được thắng lợi rực rỡ và chào mừng chính quyền cách mạng của tỉnh ra mắt nhân dân. Hơn 20.000 người bao gồm đủ các thành phần, từ 40 làng nô nức tuần hành đổ về
sân vận động tỉnh. Trong buổi mít tinh, ông thay mặt Ủy ban dân tộc giải phóng lâm thời tỉnh Gò Công, long trọng tuyên bố chính quyền đã thuộc về tay nhân dân, công bố 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh.
Sau khi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Gò Công vào tháng 10-1945, ông nhận lãnh trọng trách là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Gò Công và cùng với tập thể Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Gò Công chống thực dân Pháp xâm lược. Trong cuộc tổng tuyển
cử ngày 06/01/1946, ông được nhân dân Gò Công tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau đó, ông ra Hà Nội, dự 2 kỳ họp Quốc hội. Tại Kỳ họp thứ nhất diễn ra vào tháng 3-1946, ông cùng với các đại biểu bỏ phiếu công nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, bầu ra Ban Thường trực Quốc hội và Ban Dự thảo Hiến pháp. Tại Kỳ họp thứ hai diễn ra vào tháng 11-1946, ông và các đại biểu đã thảo luận, biểu quyết thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta và 01 Dự án Luật.
Từ sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), ông trở về Nam bộ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Cuối tháng 4-1947, ông là Chủ nhiệm đầu tiên của Mặt trận Liên Việt tỉnh Gò Công, nêu cao tấm gương đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc giải phóng đất nước.
Năm 1949, ông bị giặc Pháp bắt và bị đày ra Côn Đảo lần thứ hai. Mặc dù bị tra tấn dã man, nhưng ông vẫn nêu cao khí tiết của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, không khuất phục kẻ thù.
Năm 1954, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông được Đảng và Nhà nước đón về và tập kết ra miền Bắc. Tuy sức khỏe có suy giảm vì những năm tháng ở trong lao tù bị giam cầm, hành hạ, nhưng ông vẫn miệt mài làm việc, được nhân dân tín nhiệm bầu làm Đại biểu Quốc hội các khóa 2, 3, 4, 5; đồng thời là cộng tác viên Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Ông là một trong những cán bộ cách mạng lão thành có uy tín lớn, nên được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng và Thủ
tướng Phạm Văn Đồng thường đến nhà riêng ở tại Hà Nội để thăm hỏi.
Sau năm 1975, ông trở về quê nhà sinh sống trong sự kính trọng và thương yêu của nhân dân Gò Công. Năm 1981, ông mất tại xã Bình Nghị, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ông được tặng thưởng nhiều huân huy chương, trong đó cao quý nhất là Huân chương Hồ Chí Minh. Ông là nhà cách mạng lão thành tiêu biểu nhất của Gò Công, được nhân dân và các thế hệ cán bộ cách mạng ở địa phương vô cùng kính trọng và ngưỡng mộ.
Tên của ông được đặt tên các công trình công cộng ở thị xã Gò Công, thị trấn Tân Hòa (huyện Gò Công Đông) và thị trấn Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây).
Đường Nguyễn Văn Côn có điểm đầu: giáp với đường Nguyễn Huệ; điểm cuối: giáp với đường Trần Hưng Đạo; chiều dài: 1,040 km; chiều rộng: 12 m.
Bình luận