Nói đến nhân vật Gò-công, ta không thể không nhắc đến Bà Từ-Dũ, một bông hoa của đất Gò, đã ngự-trị một thời ở Triều Huế.
Không cân quốc như Bà Trưng, Bà Triệu, không kiếm cung tô-điểm sơn hà, nhưng người thiếu nữ Gò-công với tứ- đức tam-tùng đã nêu cao gương hiền đức của người phụ-nữ Việt-Nam, công-dung ngôn hạnh tỏ soi hậu thế. Nhà cầm quyền quốc-gia Việt-Nam độc-lập tân tiến, mượn danh bà đặt cho nhà bảo sanh lớn nhứt tại Sài-gòn, dẫu vô tình hay có ý-thức, đã làm một việc rất hay ! Phải chi những người vợ, bà mẹ đến sanh ở nhà thương Từ-Dũ đường Cống Quỳnh đều biết và nhớ đến người phụ-nữ đất Gò đã nêu gương mẫu một người vợ hiền mẹ lành dệt gấm thêu hoa cho xã-hội. Từ xưa tới nay người phụ-nữ có thể là vương tướng, có thể làm luật-sư, bác-sĩ quan tòa, song những chức tước ấy không quí báu bằng thiên-chức làm mẹ của loài người, làm đấng từ mẫu đào tạo nên liệt-sĩ vĩ-nhơn cho đất nước.
Bà Từ-Dũ, đóa hoa thơm của đất Gò được chọn lựa tiến cung vì hương sắc. Được hay bị tiến cung, là một hạnh-phúc hay là một tủi hận ? Dưới thời phong-kiến việc phải đến tất đến, có ai hỏi đến lòng người thiếu-nữ được hay bị tiến cung? Tuy nhiên gặp biến phải tùng quyền, người thiếu-nữ Gò- công đã biết hòa mình với hoàn cảnh để làm tròn nghĩa vụ.
Làm thứ-phi vua Thiệu-Trị, Bà Từ-Dũ may-mắn sanh được hoàng nam về sau lên ngôi báu dưới danh hiệu Tự- Đức. Nhờ may mắn này bà thứ-phi bước lên địa-vị chánh- cung Hoàng-hậu, và sau khi Thiệu-Trị thăng hà, Tự-Đức tức vị, người thiếu-phụ đất Gò được tôn thái hoàng thái hậu làm mẫu nghi thiên hạ.

Về các vua chúa triều Nguyễn, ngoài vị khai sáng là Gia- Long ta không còn tìm thấy một vị nào có tinh-thần thượng- võ hay tài an bang tế-thế. Từ Minh-Mạng, Thiệu-Trị, Tự- Đức, Đồng-Khánh cho đến Khải-Định, Bảo-Đại, sử gia không chép được một công lao nào có thể làm cho người Việt ta tự hào, trừ ra có vua Duy-Tân cương quyết chống thực-dân nên bị đày nơi Réunion, kết cuộc mộng lớn cũng không được đạt thành khi trở về nước lâm nạn, thế thì sự nghiệp của nhà Nguyễn đành tiêu-tan theo mây khói, các vì vua trước kia nếu không bị kết tội đã là may mắn lắm rồi.
Đồng bào trí-thức nước ta, không thiếu chi người nghiên cứu lịch sử Nguyễn triều đã sanh mối nghĩ : Phải chi Gia- Long thất bại, Quang-Trung thành đế-nghiệp và không chết sớm thì số phần nước Việt có đến đổi như ngày nay không nhỉ ? Với vị anh-hùng Quang-Trung Nguyễn-Huệ, lấy Lưỡng- Quảng của Càn-Long để mở rộng bờ cõi, biết trọng dụng nhơn tài, mở rộng tầm mắt nhìn ra thế-giới không ngu đần tin-tưởng mình là « rún của vũ-trụ », mở lập hải-cảng giao thương với các nước, gởi thanh-niên du học, khai phóng phong-trào « Duy-Tân » như Minh-trị, Thiên-hoàng ở Nhựt, thì nước Việt Nam ngày nay sẽ đến đâu ? Dầu sao cũng không đến đổi bị thực-dân đô-hộ hơn 80 năm, dân-tộc phải hao mòn chiến-đấu trường kỳ gian-khổ để dịch chủ tái nô thay vì độc-lập. Nhưng thôi, định mệnh đã an bài, chỉ còn có thể lấy câu định mạng để tìm an-ủi, tiếc thương sầu não chẳng ích gì.
Lên kế-vị vua cha Thiệu-Trị, vua Tự-Đức mang tiếng là một vị vua ưa văn-chương thi-phú, ngoài việc làm thi đáp họa và ngâm ca vịnh, trên thực tế có làm được một việc gì hữu-ích cho nước non ? Đã vậy lại có tánh tự-đắc không trông thấy sự tiến bộ ở bên ngoài được người xuất ngoại về thức tỉnh như Nguyễn-Trường-Tộ ; Phan-Thanh-Giản. Nhà vua không đủ đức tin để mà tin những tiến bộ của thế giới bên ngoài về khoa học. Thiếu óc nhận định lại nghe lời một bọn ngu thần, bác bỏ tất cả những ý-kiến đề-nghị canh tân cải tiến của Nguyễn-trường-Tộ, để đi lần tới mất nước.
Tự-Đức chỉ có một điểm đáng khen là làm con có chí hiếu. Đối với mẹ là Bà Từ-Dũ ông một mực kính thờ, người ta thuật lại rằng Tự-Đức lớn, khi lên ngôi vua, nhưng khi có lỗi vẫn phải nằm cho mẹ đánh đòn. Và một hôm sau trận đòn ông ứa lệ. Bà Từ-Dũ bất bình hỏi : « Bộ oan ức, câm tức hay sao mà khóc ? ».
Nhà vua thưa mẹ rằng : « Con không phải vì oan ức hay dám đem lòng căm tức, mà con khóc vì lúc này mẹ đánh con đòn roi yếu ớt tỏ ra rằng mẹ đã già yếu, sức lực mõi mòn, con thương mẹ không còn khương kiện như xưa nên mũi lòng con khóc… »
Nếu chuyện trên là có thật, quả đáng khen hiếu tâm hiếu đạo của nhà vua, và đáng khen Bà Từ-Dũ, một bà mẹ hiền đức thế nào mới giáo-dục nên con hiếu thảo như vậy.
Trong lúc chưa lên ngôi Hoàng-Hậu, còn là thứ-phi với cảnh buồn tẻ ở nội cung, Bà Từ-Dũ chỉ có một niềm vui và an ủi những lần thân nhân bà từ Gò-công đi ghe bầu ra tận đế kinh thăm viếng. Lẽ tự nhiên mỗi lần ra thăm, thân nhân bà không quên chở ra kính biếu những thổ sản của tỉnh nhà. Trong các sản phẩm tiến cung, có món mắm tôm chà là món bà ưa thích hơn hết, chẳng những riêng bà ưa thích, một hôm nấu cho nhà vua ngự thiện, bà cho dọn mắm tôm chà Gò-công ăn với bún thịt phay rau sống. Vua Thiệu-Trị nếm thử một lần khen ngợi là ngon. Bà Từ-Dũ cũng có biếu tặng các vị đại-thần. Vua quan Triều Huế nếm mùi mắm tôm Gò-công một lần đều lấy làm thích thú. Và ăn quen bén mùi… Bà Từ-Dũ phải nhắn thân nhân mỗi kỳ ra thăm đều tiếp vận kha khá mắm tôm để bà biếu tặng. Ở Huế từ trước cũng có một thứ mắm tôm làm nguyên con, nhưng không được ngon bằng mắm tôm chà và mắm nem (cũng nguyên con) của Gò-công được nổi tiếng từ thuở ấy.
Đáng tiếc thay, một sản phẩm có hương-vị ngon lành đặc biệt của đất « Khổng-tước-nguyên » như mắm tôm được cả nước ưa chuộng lại không biến thành một công- nghệ lớn lao, số sản xuất dồi dào, đem lợi về cho xứ sở.
Ở Sài-gòn có dạo người ta đã dùng mắm tôm chà làm xăng-huýt : hai miếng bánh mì mỏng, trét bơ lạt và mắm tôm cặp lại ; đãi trong những buổi tiệc trà, Cocktail, người ngoại quốc ăn thử một miếng khoái khẩu rồi ăn quên thôi, ngạc-nhiên không hiểu đó là caviar hay thứ pâté gì ngon dữ vậy ?
Nếu các nhà hàng Việt-Nam ta ở ngoại-quốc thử làm cách ấy đãi khách trong các buổi tiếp tân, có phải là quảng cáo hay cho một sản phẩm quê nhà được nổi tiếng từ xưa tới nay, vua quan đều khen ngợi… Mỗi địa-phương đều có những sản-phẩm đặc-biệt khác nhau, như Châu-đốc có mắm ruốc, Sa-đéc bánh phồng tôm, Bạc-liêu có tôm lụi. Rạch-giá có khô cá-đường, Cà-mau có tôm khô, Cần-thơ có cá cháy, Vũng-tàu có mắm ruốc, Kiến-hòa có kẹo chuối, v.v… người ngoại quốc cũng như khách lãng du trong nội địa, từ tỉnh này sang đến tỉnh kia, trong lúc trở về cũng mua theo một vài sản phẩm nổi tiếng ở địa phương đem về tặng cho bạn bè và thân-nhân thưởng thức cái hương-vị đặc-biệt của tỉnh ấy vậy.
Nếu chúng ta có tinh thần hoài bảo đến quê hương, đem những sản-phẩm này ra ngoài tiêu thụ sẽ đem về cho ta một mớ ngoại tệ.
Tại sao biết khen món ngon vật lạ của nước ngoài mà không nghĩ tới việc kỹ nghệ hóa của nước nhà mà chúng tôi đã nêu trên ?
Bình luận