ĐỊA DANH “XÓM THỦ”
Lúc Tây-sơn và Nguyễn-Ánh đánh nhau, có vị thủ khoa xuất thân, người huyện Ninh-hòa, tỉnh Bình-thuận, lánh nạn Tây-sơn vô ngụ tại làng Yên-luông-đông (Gò-công) mở trường dạy học, nay còn di tích là « xóm ông Thủ ».
Ông tên là Ngô-tùng-Châu, một bực văn tài có nhiều mưu lược nhưng đành ẩn dật lánh thân để chờ ngày ra phò vua giúp nước.
Lúc bấy giờ Võ-Tánh tự xưng là tướng quân tại Gò-công, Ngô-tùng-Châu đến cộng tác làm Tham-mưu, giải thích trận đồ chiến-lược, phần lý-thuyết, phần luyện-tập và thực-hành cho binh-sĩ. Cùng với các ông Mai-tấn-Huệ, Nguyễn-văn- Hiếu, Mạc-văn-Tô coi việc khai thác đồn-điền, lấy lúa gạo nuôi binh sĩ. Ông Mai-tấn-Vạn có nhiệm-vụ trông coi giao thông các tỉnh lân cận, mộ nhơn tài mưu đồ đại sự, đóng binh tại đầm Vạn-thắng.
Tây-sơn nghe danh tiếng đem binh đến đánh nhiều trận đều bị quân Võ-Tánh bao vây tiêu diệt, số sống sót còn lại chạy tán loạn, oai danh của ông Ngô-tùng-Châu và Võ-Tánh lừng lẩy tại đất Khổng-tước-nguyên, qui tụ đông-đảo binh sĩ dưới ngọn cờ cứu quốc cứu dân. Ngày nay nhắc đến lịch sử đất Gò-công đồng bào không sao quên được ông Ngô-tùng- Châu, người có công khai-sáng nền Nho-học đông phương ở đây đầu tiên và đã đào tạo rất nhiều môn sinh văn tài lỗi lạc.
Danh từ « Xóm Ông Thủ » được truyền tụng đến ngày nay, để tỏ lòng ngưỡng mộ vị tiền nhân có công với đất nước trong thời quốc loạn.
Hiện nay các tỉnh Nam-phần và Trung-phần Việt-Nam đều có tên đường Ngô-tùng-Châu, ghi lại tên tuổi của một vị công thần, trọn trung vì chúa, thà tuẩn tiết chớ không hề đầu giặc.
ĐẬP ÔNG CHƯỞNG
Di tích này ở tại xã Bình-tân (Quận Hòa-lạc bây giờ). Đây là công nghiệp đấp đập giữ nước ngọt, lập đồn-điền trồng lúa nuôi quân lính của ông Mai-tấn-Huê. Sau ông được phong làm Chưởng-cơ, nên người ta nhớ ơn ông và gọi là đập ông Chưởng. Dân chúng ở đây có lập một hội và dựng lên một cái miếu thờ Ngài.
Năm 1940, nhân dịp tìm kiếm cổ-tích, Giám-đốc viện Bảo tàng Sài-gòn là ông Malleret có phái nhân viên xuống Gò-công, vào miếu này lấy được nhiều giấy tờ quan-trọng bằng giấy bạch, chữ Nôm có ấn son của Chúa Nguyễn, và đem về trình bày tại hội triển lãm lịch-sử.
Chánh-phủ Pháp ở địa-phương có xuất công-nho xã cất miếu lại và cấp mấy mẫu công-điền để làm tư điền.
Vì thời cuộc chiến-tranh, miếu bị tàn phá năm 1945 và hiện nay người ta làm lại bằng cây và lợp lá.
VỊNH ĐÔI-MA
Tục truyền thuở xưa, có hai nhà họ Nguyễn và họ Phạm ở hai bên mé sông Ma-giang. Họ Nguyễn chết để lại một vợ góa và một con côi đặt tên là Nguyễn-Nghị. Bà góa-phụ này thủ tiết, mua tảo bán tần nuôi con ăn học. Nguyễn-Nghị có tiếng là một nho sinh ưu-tú ở vùng này. Nhà họ Phạm có một gái tên là Phạm-thị-Nữ thấy Nguyễn-Nghị học giỏi nên yêu tài, hứa gả Thị-Nữ cho và còn châu cấp và để Nguyễn- Nghị ăn học, ý muốn trông cho ngày sau võng anh đi trước võng nàng theo sau. Chẳng may mẹ Nguyễn-Nghị chết, mọi việc chôn cất nhà họ Phạm lo. Lúc này Nguyễn-Nghị phần rầu mất mẹ, phần lo đền đáp ơn nhà họ Phạm nên rán lo việc sách đèn thành mang bệnh nan y (có lẽ là ho lao). Nhà gái hết sức chạy chữa nhưng không thấy thuyên-giảm. Thị nữ xin phép cha mẹ qua nuôi dưỡng nhưng không được thỏa mãn vì theo lễ giáo khi chưa cưới hỏi thì vấn đề vợ chồng chưa nên, chỉ đến thăm viếng vậy thôi. Một thời-gian, Nguyễn-Nghị chết, bên họ Phạm chôn cất ở nền nhà vì không còn ai hết. Bấy giờ Thị-Nữ tang chế theo lệ thường, rồi từ đấy sanh ra bệnh thất tình, cha mẹ biết khuyên giải không đặng. Thị-Nữ chết, trước khi chết trối chôn bên mã Nguyễn-Nghị. Cha mẹ cũng y lời.
Đến sau, người ta thấy hai người thường hiển hiện, dắt tay nhau đi trên bờ sông. Tuy thành ma nhưng không phá phách ai, nên người ta cất một cái miếu nhỏ để thờ và con sông này thành danh Vịnh Đôi-Ma, sách địa-dư chép là sông Ma-giang hay gọi là Tình-trinh-giang.
GIỒNG SƠN QUI
Tọa lạc tại làng Tân-niên-trung (Quận Hòa-tân bây giờ) hình vòng tròn và dài, giữa lại cao lên giống như một con rùa nằm, tục danh là gò Rùa. Trong Địa-dư chí gọi là « Qui- nguyên ». Đây là tổ quán của Bà Từ-Dũ Thái-Hậu nên vua Tự-Đức thay chữ Qui-nguyên thành Sơn-qui tức là gò Rùa thành ra núi Rùa, ý muốn nói nơi phát tích bên Ngoại được vững bền như núi Rùa, là một loại trong Tứ-linh sống lâu lại hợp với núi càng lâu thêm mãi. Giữa giồng có đền thờ Đức Quốc-công và 5 ngôi mộ vĩ-đại của tiên-nhơn Thái-Hậu.
ĐÁM-LÁ-TỐI-TRỜI
Tại làng Kiểng-phước lúc trước có một đám lá dừa nước rất lớn choáng cả một phần ba làng. Vào trong đám lá này thấy tối như vào trong rừng rậm, nên gọi là đám-lá-tối-trời. Đây là chỗ ông Trương-Công-Định làm căn cứ trốn Pháp lúc bại-binh và cũng nơi đây ngài tử tiết khi quân Pháp do lãnh binh Tấn cầm đầu đến vây bắt ngài.
Bây giờ không còn di-tích gì nữa vì đã bị khai-thác ra làm ruộng nương. Tuy nhiên, do truyền khẩu và để chứng- minh nơi đây là căn cứ của Trương-công-Định, trong quyển Nam-kỳ phong-tục diễn-ca, cụ Nguyễn-Liên-Phong có đề
:
« Tiếng đồn đám-lá-tối-trời,
Có ông Trương-Định trãi phơi gan vàng. Hiềm vì cơ chưởng nan minh,
Lưỡi gươm đâm bụng liều mình như chơi. Nên hư số hệ ở Trời,
Khá đem thành bại luận người hùng anh ».

Đám lá tối trời.
AO ÔNG SÂM
Dưới triều Minh-Mạng có một nhà từ-thiện tên là Trần- Hữu-Đạo tự Sâm. Ông là người giàu có hay làm việc thiện, việc nghĩa như tu sửa đường sá, cứu-trợ người nghèo bằng lúa thóc. Quan Huyện lúc ấy dâng sớ về Triều-Đình để ân-tứ cho ông tước Cữu-phẩm Bá-Hộ.
Di-tích công-nghiệp của ông còn lại là một cái ao rất lớn chứa nước ngọt tại làng Yên-luông-đông và gọi là ao Ông- Sâm. Cả làng và vùng kế cận đều nhờ nước ao này trong mùa nắng.
PHÁO ĐÀI
Tọa lạc tại mõm cù-lao Lợi-quan thuộc làng Phú-thạnh- Đông (thuộc Quận Hòa-bình bây giờ) chỉ còn tên gọi mà không còn di-tích nào cả. Nguyên đây là đồn binh án-ngữ hải-khẩu, do ông Mai-Tấn-Huệ và sau đó ông Nguyễn-Văn- Học trấn giữ.
Về sau, quan binh nơi đây có đặt một pháo-đài, vị-trí súng có khắc 4 chữ : « Thống-chế thần-công », tức là chú các việc công-phá nhà thần để ngăn ngừa giặc biển. Cây súng này còn có biệt hiệu là Ông Cà-Lâm, vì mỗi khi bắn gầm mấy tiếng rồi mới nổ. Sau người Pháp chở về làm món đồ trưng-diện để trước dinh tỉnh trưởng. Hiện cây súng này còn tại tỉnh-lỵ Gò-công.
ĐẦM VẠN-THẮNG
Ngày nay là một xóm rất lớn có đông đảo dân-cư thuộc làng Bình-ân, giáp ranh với Long-thuận và An-Hòa. Xưa kia, đây là một trận kiên-cố của quan Hậu-quân Võ-Tánh lúc chưa xuất sĩ. Ông đánh với Tây-sơn trận nào cũng thắng nên gọi là đầm Vạn-thắng.
AO ĐỒN BINH VÕ-TÁNH
Khi xưa vị anh-hùng Võ-Tánh dựng cờ tại Gò-công chống lại binh Tây-sơn. Vì gặp phải trời nắng hạn, thiếu nước uống, ông ra lịnh cho đào một cái ao lớn để lấy nước cho quân lính dùng. Khi đào xong gặp mạch nước ngọt quanh năm không hề cạn, ông cho đó là trời giúp để nuôi binh trong cơn quốc loạn.
Cái ao này hiện nay gần đầm Vạn-thắng, ở ngay bên chùa và trường học Tân-duân-đông, thị xã Gò-công. Dân chúng quanh vùng rất nhờ đến cái ao nước ngọt này và xài liên-tục đến ngày nay.
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ người đào giếng, đồng bào rất cảm nhớ đến công nghiệp của người xưa đã lưu lại cho địa-phương này một di-tích đáng quý là ao Đồn-binh vậy.
CHỢ DINH QUAN ĐÀNG-CỰU
Kể ra ở Gò-công cũng lắm chợ, như chợ Ông Tổng, chợ Giồng, chờ Vàm-láng, v.v… Nhưng có một cái chợ rất xưa mà ít người để ý. Vì ngày xưa, nơi đây có Dinh Hòa-thạnh nên chợ này mang tên là chợ Dinh, tọa lạc tại làng Đồng- sơn, trên ngọn Rạch-lá giáp ranh với hạt Tân-an chợ rất sung túc.
Dưới triều nhà Nguyễn Gia-Long, vị quan trấn thủ tại đây đứng ra lập cái chợ này, dân quanh vùng kế cận đến mua bán rất thạnh mậu. Đó là di-tích của tiền-nhân để lại trên đất Gò, đến hôm nay vẫn liên tục làm nơi mua bán, càng ngày càng đông đảo.
NGÔI CHÙA BÀ HUYỆN
Bà Huyện Huỳnh-đình-Ngươn, nhủ danh là Dương-Thị- Hương có lập tại làng Tân-duân đông một kiểng chùa rất đẹp tên là Long-thoàn Bữu-tự. Chùa này kiến-trúc kiên-cố và hoa-mỹ, tham-bác cả kiểu xưa và nay.
Trước chùa có một cây dầu to cao gần 100 thước và được dùng làm cột phướn, sau chùa có một ngôi tháp của Bà Huyện bằng đá xanh rất khéo léo. Chùa đã bị điêu-tàn vì cuộc biến chuyển năm 1945.
ĐÌNH ĐỒNG-SƠN
Trong các ngôi đình chùa ở tỉnh Gò-công, chúng tôi thấy tại làng Đồng-Sơn có một ngôi đình rất cổ kính, bên trong trang-trí lộng-lẫy, trang nghiêm. Đó là đình Đồng-sơn.
Công trình kiến tạo này do cựu phủ danh-dự Huỳnh- Đình-Khiêm, một điền-chủ trong tỉnh, và thân nhân ông đứng ra xây cất từ lâu để thờ Linh-Thần, hằng năm đáo lệ cùng lễ trọng thể.
Đình này rất linh hiển, trong xã có việc chi đến khấn vái đều được linh ứng như sở nguyện, nhân dân trong làng hết lòng sùng kính.
DANH-LAM THẮNG-CẢNH
Nếu gọi là danh-lam thắng-cảnh thì Gò-công không có chỗ nào đáng gọi là danh-lam thắng-cảnh cả, ngoại trừ bãi biển Tân-thành.
Bãi biển Tân-thành thuộc xã Tân-thành (Quận Hòa-Lạc bây giờ) nằm về phía Đông-Nam tỉnh-lỵ Gò-công, cách xa tỉnh-lỵ 15 cây số. Nơi đây vào thời thái-bình dân chúng các nơi, nhứt là những vùng phụ-cận như Mỹ-tho, Long-an, Kiến-hòa, Sài gòn, Chợ-lớn, thường đến đây để tắm biển và nghỉ mát. Dưới thời chánh-phủ Ngô-đình-Diệm có thành lập một nhà nghỉ mát cho công-chức, gồm có 3 căn và một nhà công cộng có ba căn. Vì tình-trạng chiến-tranh nên các nhà nghỉ mát này đã bị tàn phá. Đường Gò-công – Tân-thành vì thế cũng bị gián đoạn từ năm 1961 cho đến nay (1969) đường đi biển lại được khai thông, du khách lại tới lui tấp nập.
Ngoài ra, các du khách khi đến Gò-công thường viếng thăm lăng Trương-Công-Định, lăng Hoàng-gia Phạm-Quốc- Công và miếu Võ-Tánh, là những bậc tiền-nhân của chúng ta đã góp công xây-dựng quê hương làm rạng rỡ nước non nhà.














Bình luận