Đường Hộ Mưu

Đường Hộ Mưu – Nay đường Nguyễn Văn Côn, từ ngã Tư Long Thuận đến Nhà Thờ

Phía Nam con dường Lộ Dương là con đường ranh với khu nội thị dài nhứt, bắt đầu từ Ngã Tư Bình Ân (giờ có Cây xăng Long Thuận), chạy về phía Bắc quẹo vuông gốc rồi đến Ngã Tư Nhà Thờ. Đọan đường nầy hồi thời Pháp chỉ là lộ đá, sau, thời Việt, đoạn đường nầy đặt tên Hộ Mưu nhớ ơn ông Hộ Trương Văn Mưu, một điền chủ lớn, chức Hộ thời Pháp tương đương chức “cai tổng”. Ông Hộ Mưu hiến đất đào ao Ông Hộ, chứa nước mùa mưa, dân Gò Công nhờ ao nầy sử dụng giặt giũ trong nhà.

486043173 677833614923744 2013210534136962019 n 1024x770 Đường Hộ Mưu

Kỷ niệm 1

Nhắc đến con đường nầy, riêng đối với tôi, có rất nhiều kỷ niệm từ lúc nhỏ tôi đi học, sau lớn lên tôi đi dạy Trung học Gò Công tôi đều đi và về trên con đường nầy. Nhớ, từ năm 1946, tôi từ ấp Gò Tre, sáng sớm đi học trường Quan, tôi thường qua cầu Huyện, quẹo phải theo đường dọc theo kinh Salicetti, đi đến trước nhà Bà Phước có bực đá xuống kinh rửa chưn, rồi qua trường học. Cho đến tháng 3-1948, tôi học lớp Nhứt, buổi sáng sớm, tôi tới cầu Huyện, thấy nhiều người lùm xùm ở đầu cầu Huyện phía ngã tư Bình Ân đi lên, tôi đi tới và đứng lại, cầu Huyện đã bị đốt đêm rồi.

Những miếng ván cầu cháy dở dang và có miếng đang rớt xuống lòng kinh, bộ sườn sắt và song thành cầu cong quẹo. Dân nói đêm hôm, nhóm người đến đốt cầu. Ôi chiếc cầu sắt của tuổi thơ tôi rất đẹp, thanh cầu cao, ván cầu từ miếng rộng cũng trên 3 thước, sáng đi học tôi dậm mạnh bước chân, chiều về tôi nắm tay bạn học đi đều bước, coi cầu có rung như chúng tôi học môn khoa học nói, đoàn quân qua cầu đi đều bước, cầu rung theo rồi đỗ, nhưng chúng tôi thấy cầu không sao!

Sáng hôm cháy, xe từ các làng Tân Niên Đông, Bình Ân đến, biết cầu đang cháy, đều trở lại đi đường Hô Mưu vào chợ. Tôi tần ngần nhìn cầu với những miếng ván cháy cuối cùng, rồi trở lại ngã tư đi đường Hộ Mưu đến trường Quan, xa hơn con đường cầu Huyện cũ.

Vậy đấy, chiến tranh đã xóa dần đi những kỹ niệm tuổi thơ của tôi.

485958096 677833601590412 1696006881997275968 n 1024x770 Đường Hộ Mưu

Kỷ niệm 2

Từ ngã Tư Bình Ân theo đường chừng trăm thước, bên tay trái có con hẽm rộng vào nhà một gia đình bạn thân của cậu (cha) tôi và sau nầy từ năm 1949, nhà chú Tư Võ Văn Bộ, chú có nhiều người con, người con trai thứ Tám, Võ Văn Hiển, bạn học tôi ở lớp Tiếp Liên A, năm 1948-1949, trường Quan Nam Tiểu học Gò Công. Bạn Hiển có hai anh, anh Ba Võ Văn Khả và anh Tư Võ Văn Nhi, lúc đó các anh học xong bậc trung học Pháp, ra đời làm thương mại ở Sài Gòn, chưa khá lung. Khi bạn Hiển sắp lên Sài Gòn thi vào trường Pétrus Ký, anh Tư Nhi khá hơn, nói bạn Hiển dẫn tôi đi thi luôn! Trước ngày thi, anh Tư và anh Ba về Gỏ Công đưa cậu (cha) bạn Hiển, cậu (cha) tôi, dẫn Hiển và tôi đi Sài Gòn thi. Chuyến đi cũng 4 ngày. Thi xong chờ một tuần lễ, có kết quả.

Hiển và tôi hai đứa học trò ruộng, của lớp Tiếp liên A trường Nam Tiểu học Gò Công, đậu theo thứ hạng, tôi hạng 320 và Hiển hạng 400, trong khi trường lấy 450 nam thí sinh chung cho Sài Gòn và các tỉnh chung quanh. Thế là từ 1949 đến 1954, chúng tôi, Hiển và tôi được anh Tư và chị Tư bảo trợ chỗ ở và anh Ba chưa lập gia đình, cũng ở chung. Anh Ba, có trình độ trung học Pháp, ngày nào cũng kiểm tra bài vở và dạy thêm Pháp văn cho chúng tôi. Còn anh Tư thì có Diplôme, nhưng bận làm courtier xuất nhập khẩu, tuần vài đêm đi dự tiệc do các thương gia người Táu giao thiệp đãi đằng, nên không lo về việc học chúng tôi được! Vì muốn cho Hiển và tôi đi học trường Pétrus Ký cho gần, anh Tư “tửng” một căn phố ở Ngã Sáu Chợ Lớn, ở từ năm 1950. Anh Tư có cả xe hơi “traction onze léger” biển số ngộ là NBB 111, để đi làm và anh Ba thường lái xe chở chúng tôi đi đi ăn nhà hàng Tàu ở Chợ Lớn, các thương gia Tàu đãi đằng, cho nên chúng tôi biết hết các tửu lầu từ Đồng Khánh, Soái Kinh Lầm, Ái Huê, Á Châu, ăn đủ các món bào ngư, vi cá, cơm Dương Châu, tuy có món chót là yến sào nấu đường, riêng tôi không ăn vì còn lẫn nhiều rơm, thuở đó không làm sạch được! Năm 1953, Võ Văn Hiển ra khu, còn mình tôi thêm người em Hiển thứ 9 là Võ Văn Vinh, học sau tôi hai lớp.

Năm 1953, đầu năm anh Tư Võ Văn Nhi bị động viên khóa 4 Thủ Đức, vì anh có bằng Diplôme, công việc buôn bán nhập khẩu do anh Ba lo. Mỗi Chúa nhựt, anh Ba chở chị Tư và chúng tôi lên vào quân trường Thủ Đức thăm anh Tư. Cuối năm 1953, anh Tư ra trường, cấp bậc thiếu úy và đổi ra Ban Mê Thuộc. Năm 1954 tôi đậu bằng Brevet, tháng 7-1954, có Hiệp định Genève đình chiến, tôi về Gò Công xin đi dạy ngành Tiểu học. Chưa đủ 18 tuổi, nên tôi phải đợi tới tháng 12-1954, Ty Thanh Tra Tiểu học Gò Công mới nhận đơn. Anh Tư đến năm 1955 được giải ngũ, về đi làm xuất nhập trái cây như nho tươi, trái “pomme”, rồi sau nhập hàng gia dụng như máy may Mitsubishi. Nhớ giữa năm 1955, tôi đi làm thầy giáo, dạy ở trường Sơ Cấp Tân Thành, thì anh Tư, anh Ba về Gò Công, tại nhà đường Hộ Mưu, ăn mừng, có kêu tôi đến.

Khi tôi mừng anh Tư giải ngũ và nói, anh Tư giờ hòa bình rồi anh về được, tụi em không còn lo như anh bị động viên nữa. Anh Tư nói, ở đó mà mầy mừng, tao già chứ mầy không khỏi đâu, để coi! Thiệt lời anh nói đúng với số phận của tôi. Bảy năm sau, 1962, tôi bị động viên khóa 14 Thủ Đức, sau anh đi lính 10 khóa, vào học quân trường Thủ Đức. Chúa nhựt đầu tiên quân trường cho tiếp thân nhân, tôi gặp vợ con tôi đến thăm tôi tại khu nhà hồi năm 1953, chúng tôi vào thăm anh Tư tại đó!

486224688 677833561590416 3239820044241840177 n 1024x770 Đường Hộ Mưu


Tiếp, sau 1955 anh Ba Võ Văn Khả, tục huyền với cô Trần Thị Cẩm, là cháu ông Vương Quang Nhường, anh chị mất sau 1975, có con gái làm bác sĩ. Còn anh Tư làm xuất nhập cảng “Thành Hưng”, thành công và hưng thịnh như tên hãng anh đặt hồi năm 1951. Anh đổi xe hơi hiệu Versaille, năm 1957, tôi cưới vợ, có anh Ba và anh Tư dự, riêng anh Hiển lái chiếc xe hơi mới nầy chở chúng tôi về dinh ngày rước dâu! Sau anh Tư đổi sang xe Mercedes, khi về Gò Công ngày chúa nhựt thường đi đánh Tennis với các anh em làm việc ở Gò công và với em rể thứ Bảy là anh Nguyễn Văn Tươi, á quân quần vợt, phải nhường thầy Châu Văn Lượng. Anh Tư Tươi có tiệm may ở đầu đường Lê Lợi, rất thân thiết với tôi, sau nầy con gái lập nhà hàng Thu Thủy ở đường Nguyễn Thái Học. Từ 1955, mỗi lần tôi đi Sài Gòn, tôi ghé nhà anh Tư, chị Tư và các cháu tại nhà phố cũ ở Ngã Sáu Chợ Lớn, không phải một căn mà hai căn. Tôi đi thi Tú tài 1, và 2 năm 1960, 1961 cũng ở đây. Năm 1962 tôi bị động viên học Thủ Đức, khi ra trường về Phước Tuy, Bà Rịa, khi về Sài Gòn là ghé nhà anh chị Tư. Đặc biệt là ngày giải ngũ 10-9-1966, tôi từ Bà Rịa về Sài Gòn lối 11 giờ trưa, tôi ghé nhà anh chị Tư ở Ngã Sáu Chợ Lớn, lúc 11 giờ trưa, đề sáng ngày 11-9 mới về Gò Công. Bao nhiêu kỷ niệm với ngôi nhà ở Ngã Sáu Chợ Lớn nầy! Thế rồi đầu năm 1967, lúc ông Nguyễn Cao Kỳ làm thủ tướng có chính sách thắt chặt việc buôn bán xuất nhập khẩu, anh rời nhà Chợ Lớn, về Gò Công mua một căn phố gần bên anh Tư Tươi để ở. Mới tháng 3-1967, tôi còn lên nhà ở Chợ Lớn nầy để dự thi bằng Khả năng Sư phạm Trung cấp để nhập ngạch giáo sư trung học, mà tháng 5-1066, anh Tư phải ngừng sự nghiệp!

Nhớ điều nầy, khiến tôi ngậm ngùi: ngày đầu tháng 8-1967, tôi đang làm hiệu trưởng trường Tiểu học Thái Lập Thành, thuộc khu tỉnh lỵ, nhận thêm học sinh để khai trường, buổi sáng 8 giờ, anh Tư dẫn một cháu gái đi đến đứng trước văn phòng chờ vì đông phụ huynh đến xin cho con học. Tôi chợt thấy anh, lật đật mời anh vào văn phòng ngồi và hỏi anh, tìm em có việc gì? Anh nói, tôi xin chú cho … (nói tên), chuyển trường học lớp Nhì. Tôi nghe và thấy tình cảnh bây giờ của anh mà rơi nước mắt. Hồi nào anh lái xe Mercedes về Gò Công, giờ đi bộ dẫn con đến trường. Tôi nói, anh Tư ơi, anh sai cháu nào đó dắt vô nói em, sao anh dẫn mà phải chờ đợi vậy! Anh Tư nói, tôi sợ trường không nhận. Tôi mời anh uống nước và nói, em dù làm tới chức gì đi nữa, em mà thấy anh, em cũng phải kính sợ nữa là… Anh Tư nói, tôi biết tánh chú, nhưng cũng muốn dắt cháu tới nói cho rành! Từ ngày đó, anh Tư xuống dốc, sau lên Thị Nghè ở, tôi không biết chỗ… cho đến sau nầy, sau 1975, anh mất tôi có đón tại Gò Công đưa anh tới chỗ chôn cất người gia đình anh. Trước mùa dịch Covid 2021 nầy, tôi không biết chị Tư và các cháu ở Thị Nghè, tình trạng ra sao! Giờ biết chị Tư Nhi mất năm 2010, còn anh Võ Văn Hiển ở khu Nguyễn Tri Phương, nghe nói cũng không khỏe! Võ Văn Vinh mất ở An Giang! Nhà cũ của ba má các anh chị, giờ cháu nội gái ở. Cháu là con chú út Võ Văn Vang vượt biên chết! Cháu gái đó tên gì tôi không biết, có chồng con, không biết khá không, đang ở bên trong hẽm 3 đường Hộ Mưu giờ là đường Nguyễn Văn Côn.

Ở khúc cong quanh đường Hộ Mưu, trước đây, chỗ Trung tâm Y tế Thị xã hiên nay, trước 1975 là khu nhà Luật sư Vương Quang Nhường, cựu Tổng trưởng Bộ Giáo Dục Sài Gòn, cất ngôi nhà trước 1975 mà không thấy gia đình ở.

Hình ngôi nhà xưa là nhà ông Hộ Mưu, nay con cháu còn ở. Đoạn trích trong sách “Gò Công… từ làng Thành Phố”.

Phan Thanh Sắc

Bình luận