Ở Gò-Công, xứ nước mặn, nước ngọt để uống và nấu ăn là một vấn đề quan-trọng đã lâu năm làm khổ dân chúng và là mối lo nghĩ cho chính-quyền. Từ ngàn xưa dân Gò-Công chỉ nhờ Trời mà sống nên nhà nào cũng lo sắm lu mái, xây hồ hứng và chứa nước mưa để xài quanh năm. Thường thường đến mùa nắng dân chúng rất khan nước ngọt vì các ao hồ bị cạn.
Nạn thiếu nước khốn khổ như thế nào đồng bào ta đều rõ, ngay cả ở Sài-gòn nhiều xóm ta còn thấy cảnh tranh giành gánh nước rất thương tâm.
Các chánh-quyền Pháp rồi Việt tiếp nối đều có tìm phương giải quyết vấn đề nước cho Gò-Công, nhưng mấy chục năm nay chưa tìm được một giải-pháp lý-tưởng. Trước năm 1930, một ban chuyên viên người Pháp đến khoan ở cuộc đất phía sau Ty Mục-súc ở đường Lê-văn-Duyệt nhưng không tìm được nước ngọt. Mười năm sau một nhóm chuyên viên với các khí cụ tối tân khoan tìm dưới đất sâu trên 50 thước vẫn không gặp mạch nước ngọt. Năm sau, họ vào khoan trong vùng dinh tỉnh-trưởng cũng vô hiệu nữa.

Một vòi nước công cộng ở Sài Gòn ngày trước
Ba lần tìm nước không hiệu quả, năm 1940 chánh quyền túng thế phải cho đào 2 ao lớn chứa nước mưa để bôm lên lầu nước, lọc rồi cho chảy xuống ống phân phát các công sở và máy nước công cộng. Về sau cho đào thêm 2 ao nữa kế bên nhưng cũng không giải quyết được đầy đủ. Những vấn-đề trọng đại cho dân chúng không thể giải quyết bằng những biện pháp « đàn bà vay tiền góp » !
Cuối năm 1968, chánh quyền địa-phương nhờ tới chuyên-viên Huê-kỳ tìm mạch nước sâu hơn và lập một hệ thống giếng Layne như ở Sài-gòn. Công việc đang xúc tiến, nghe đâu đồng-bào Gò-công nhiều người đã nộp đơn xin đặt ống nước vào tận nhà, việc làm trên đây được dân chúng hết sức hoan nghinh. Chúng tôi vừa hoàn thành quyển Gò- công thì giếng nước còn đang đào, nếu được kết-quả thì nạn khan hiếm ở đây không còn nữa.
Bình luận