Khu Nam và khu Bắc qua kinh SALICETTI

Trở lại nhìn công trình xây dựng làng Thành Phố và nội thị Gò Công của viên Chánh Tham biện Guys, ta thấy trục Kinh Salicetti phân chia nội thị thành 2 khu Nam và Bắc.

Khu Nam là khu phố dân cư, chợ búa buôn bán sầm uất từ trục chính đã nhắc là trục chợ cũ, trụ sở lỵ sở Thuận Ngãi của huyện cũ Tân Hoà, ngôi đình cũ thôn Thuận Ngãi thờ Thành Hoàng bổn cảnh đã được phong sắc thượng đẳng thần đời Tự Đức năm thứ 5, 1852. Hai bên trục nầy đã có phố xá khá nhộn nhịp. Từ trục nầy ở phía Tây mở đường lớn trên con kinh lấp. Đường Kinh Lấp, dân kêu bằng tên nầy, rồi sẽ thành đại lộ tiêu biểu tỉnh lỵ Gò Công: Boulevard Rodier, “boulevard” là đại lộ. Đây là đại lộ duy nhất nội thị theo cách đặt tên đường của Pháp. Nói đến việc hình thành đường Kinh Lấp nhắc nhớ ngay khu chợ bây giờ “Chợ Gò Công” với các nhà ***g sườn sắt bây giờ vẫn còn, khánh thành tức khai thị vào tháng giêng năm Đinh Tỵ, dương lịch 1917.

Đường Kinh Lấp (*) và chợ Gò Công (**) là trái tim và mạch chính của cả vùng Gò Công từ ấy tới giờ. Trái tim vẫn còn đập và mạch vẫn lưu thông qua bao thăng trầm hơn trăm năm, không già nua cằn cổi mà trẻ lại đẹp ra!

Khu chợ xong, đến khu nhà thương, ban đầu do Công giáo cất nhà Từ thiện Y tế, sau tặng chính quyền xây bịnh viện theo mô hình chung của bịnh viện các tỉnh ở Nam Kỳ. Dân gọi là “nhà thương” tức là nơi ấy cũng có chút gì tỏ rõ tình người: nơi xoa nổi đau, chửa lành tật bịnh, chỉ bó tay khi không thể nào mở được tay. Đặc biệt là trong khu bịnh viện có Nhà Bảo sanh. Vào những năm 1930 ai được sanh tại đây là dân chợ dân thầy, dân thợ, còn dân ruộng sanh tại nhà! Trong khai sanh học trò chúng tôi thời ấy, ai có nơi sanh ghi là “Maternité de Go Cong” (tức Bảo sanh Gò Công) là điều hảnh diện. Tôi sanh giữa những năm 30, sanh tại nhà ở đồng dù rằng nhà lúc đó cũng khá giả, nhưng sợ nhà thương ! Khai sanh của tôi ghi trể mười hôm vì chờ coi có “phởn phơ” không và ghi nơi sanh là làng Thành Phố.

Tiếp lại khu bên phía Tây từ đường Kinh Lấp đến nhà thương nầy từ trên Mỹ Tho xuống qua cầu sắt Long Chiến là tới, dân gọi là khu chợ mới để phân biệt khu chợ cũ tức trục chính nói ở trên đang mở về phía Đông.

Khu Bắc sẽ là khu hành chánh, trường học, toà bố, dinh Chánh Tham biện, toà nhà phó tham biện, sở trường tiền, toà án, khám đường, trại lính, sân vận động v.v. Trong phạm vi khu hành chánh nầy cho đến năm 1945 không một nhà dân chúng nào chen vào được. (Xem bài Những công thự và công ích phía Bắc Kinh Salicetti đã đăng)
_____________________________________________________________________

(*) Trước khi Tây vô, có con rạch cùn từ Vàm Rạch Gò Công chảy theo hướng Bắc Nam, Tây chiếm Gò Công từ năm 1864 cho đỗ rác và đất lần lần thành con đường lớn tráng nhựa dựng dãy cột ***g đèn giữa (giờ còn 2 cây, một giữa các sạp chợ “lấn” và một gần mé sông). Tên đầu tiên là dường Kinh Lấp (dân kêu) rồi Boulevard Rodier, từ 1949 là đại lộ Phạm Đăng Hưng, sau 1975 là đường Trương Định

(**) Chợ Gò Công là Chợ mới, chợ cũ là trước Bưu điện trên trục có ngôi đình. Chợ mới khánh thành năm 1917 có hai nhà ***g sắt, nay cải tạo xi măng đúc mặt tiền, chứ 2 nhà ***g sắt vẫn còn phía sau

Phan Thanh Sắc

Phản hồi