Người Pháp mặc dầu đã làm cách mạng dân chủ trước nhứt thế giới, nhưng chánh sách thực-dân họ còn áp dụng kế hoạch phong kiến vua chúa họ ngày xưa như Henri IV, Louis XIV… Thay vì lo cho dân được no ấm, họ tổ chức hát xiệc trò chơi cho dân chúng ham vui mà quên đói và quên hận thù.
Đến chiếm Gò-công không bao lâu, người Pháp lo lập một trường đua để tổ chức những cuộc đua ngựa vào những ngày lễ lớn vui mừng của họ như 14 Juillet kỷ-niệm cách- mạng thành-công phá ngục Bastille. Lễ này không hiểu vì sao người Việt mình lại gọi là lễ « chánh chung », một điều buồn cười. Thời xưa vào dịp lễ này thực dân dễ dãi với dân chúng và những kẻ phạm pháp đôi chút, nên mấy tay chơi bời thường nói : Cách-to-ru-dết đánh chết không tội.

Nói là trường đua cho oai chớ thật sự chỉ là một bờ đất chạy vòng tròn, chu-vi độ 3.000 thước, bề rộng 5 thước. Giáp đường Tổng Thứ, họ có dựng một khán-đài cho quan khách ngồi xem ngựa đua.
Trường đua đã theo thời gian và sự tàn tạ của thực dân chủ-nghĩa mà bị đào-thải. Nhưng chính giữa vòng đua, không rõ một bộ óc thiết thực nào đã cho đào một cái ao hình vuông mỗi phía dài 100 thước để chứa nước mưa cho dân chúng trong vùng xử dụng. Điều nên nói là ở Gò-công, xứ đồng chua nước mặn, nước uống là một vấn đề quan hệ thiết yếu cho đời sống của đồng bào. Quí nước yêu nước ở xứ này mới thật là rõ rệt về cả hai mặt nghĩa đen và bóng.

Ao Trường Đua
Nơi chứa nước ngọt cho dân chúng dùng.
Ao này được đồng bào trong tỉnh đặt tên là « Ao trường đua » từ 60 năm nay không lúc nào cạn nước. Đôi năm nhà cầm quyền trong tỉnh muốn vét ao cho sạch, phải dùng bôm rút nước ra ngoài. Những lần như vậy là một dịp cho dân làng bắt được nhiều cá, thường là cá lớn cỡ 5, 7 ký.
Chiến tranh ! Khói lửa ! Đời sống ở thôn quê bất ổn, đồng bào đua nhau về tỉnh thành. Dân số ở ngoại ô càng ngày càng đông. « Ao trường đua » không còn đủ sức cung cấp cho người tiêu thụ. Nạn thiếu nước cũng khổ như nạn mất nước. Trước nạn thiếu nước của đồng bào ở thành hết sức là chật vật, đầu mùa nắng từ tháng 10 trở đi người ta đã lo nghĩ nước ao xài không đủ phải mướn xe chở nước ngọt ở xa về xài. Thường mỗi năm cũng có một số ghe chở nước đến đổi từ 30$ đến 50$ tùy theo số tiêu thụ.
Trên hồ ao có vài tư-nhân đặt máy bôm, hút nước dưới ao lên xe hơi xi-tẹt hoặc xe bò chở đi đổi nước trong thành phố. Dân chúng cũng tự do múc gánh.
Các tiệm ăn, hàng quán trong châu thành quanh năm đều dùng nước trong các ao lớn và hồ nước mưa nhưng không đủ vào đâu, nhà nào cũng đều phải có đào giếng để xài hằng ngày.
Bình luận