Gò Công Xưa – Gò Công Dưới Chế Độ Tân Trào

Gò Công Xưa – Gò Công Dưới Chế Độ Tân Trào

Người Pháp xâm-chiếm Gò Công từ năm 1861 nhưng chỉ hoàn-toàn làm chủ huyện Tân-hòa vào năm Giáp-Tý 1864 sau khi hạ được vị anh hùng Trương-Công-Định.

Nước non đổi chủ, cảnh vật điêu tàn, lòng người giao động, ai ai cũng ngậm ngùi cho là số trời đã định, chấm dứt cơ-nghiệp chúa Nguyễn trong Nam. Kể từ đây dân tộc miền Nam Việt-Nam sống dưới một chế-độ mới của chánh-phủ tân trào.

Để xóa bỏ dấu vết của Nam-triều, người Pháp bèn đổi huyện Tân-hòa thành Tham-biện Gò-công, đặt các cơ-sở hành-chánh theo hệ-thống Pháp : có Tòa-bố, để một vị Tham-biện coi giữ toàn tỉnh và lập ra Tòa-án, nhà Bưu- chánh, sở Quan-thuế, Đề-lao, sở Ngân-khố và thiết lập chiếu theo Hòa-ước mùng 5-6-1862 giao cho Pháp, ngoài đảo Côn-nôn, ba tỉnh miền Đông Nam-kỳ (Biên-hòa, Gia- định, Định-tường). Nhưng hòa-ước này phải trì hoãn vì Hoàng-đế Việt-Nam không đành lòng giao nhượng vùng đất quê Ngoại cho ngoại bang, nơi đây có nhiều di-tích kỷ-niệm thân yêu liên hệ đến danh-dự nhà vua. Nhưng rồi Nam-triều yếu thế đành nhượng bộ, bằng lòng giao toàn xứ Gò-công cho người Pháp cai-trị.

Pháp quân đã chiếm xong ba tỉnh miền Đông trong đó có Gò-công. Qua năm 1867, lòng tham không ngừng, quân xâm lăng không ngần ngại kéo binh bằng đường thủy từ Định-tường xuống chiếm thành Long-hồ tức là Vĩnh-long ngày nay, rồi chiếm An-giang, Hà-tiên cũng trong một tuần đều bị thất thủ, nuốt trọn 6 tỉnh Nam-kỳ. Người Pháp tổ- chức guồng máy hành-chánh, sắp xếp việc trị an trong 6 tỉnh, gồm có 27 sở Tham-biện. Riêng về châu thành Gò- công gồm có huyện Tân-hòa nằm trong tỉnh Sàigòn mà chúng tôi đã trình bày ở đoạn trước.

13476480 n07 36927831443 gocong postes et telegraphes nha buu dien 1024x656 Gò Công Xưa – Gò Công Dưới Chế Độ Tân Trào

Sau đó, năm 1868 và mấy năm sau, các sở Tham-biện được sửa đổi khi thêm khi bớt không chừng. Trừ ra Tham- biện Gò-công vẫn còn được tồn tại cho đến năm 1899, sau đó do nghị-định Soái-Phủ Sàigòn, ngày 20-12, bãi bỏ chữ Tham-biện (Inspection) và gọi là tỉnh (Province). Trong việc cai trị đầu tiên, người Pháp rất chú-trọng về văn-hóa Tây- phương : việc dạy chữ Pháp và chữ quốc-ngữ, cần được phổ-biến sâu rộng, giáo-viên thì tuyển những người có đạo Thiên-Chúa biết chữ Pháp hay quốc-ngữ sung vào. Còn về hành-chánh thì để y theo chế độ làng cũ, thư từ trát lục bằng chữ quốc-ngữ hoặc chữ Hán, chữ Pháp thì có thông- ngôn, chữ Hán có kinh lịch phiên dịch. Các quan Tham-Biện trấn nhậm đều là quan võ cấp bậc trung úy.

Một thời gian sau, chánh-phủ tân trào mở mang thành phố, bắt cầu, xẻ đường làm trục giao thông từ làng này qua làng kia để dễ bề lưu thông tuần-tiễu. Ban đêm thành phố tối om, dọc theo những con đường chánh có những cột trụ đèn lồng đốt bằng dầu lửa lờ mờ ít bóng người qua lại, chỉ có những chú lính mả tà đi canh gác.

Năm Kỷ-Tỵ 1869, người Pháp bắt đầu khai con kinh chợ Giồng, năm canh-Ngọ 1870 khai kinh cửa Khâu để tiện việc lưu-thông cho sự mua bán. Gò-công trước kia chỉ có hai làng, phía Bắc sông Thuận-tắc, phía Nam là Thuận-ngãi, nay được nhập lại làm thị-xã mang tên là thành-phố Gò- công. Về sự xê dịch, dân chúng trong thời ấy muốn ra chợ phần nhiều đều đi ghe xuồng theo kinh rạch, hoặc đi bộ chỉ có một ít cỗ xe ngựa xưa chuyên chở hành khách, những cỗ xe cũ-kỹ này gợi lại những hình ảnh của thời xa xưa.

Từ đây dân chúng thấy trong tỉnh được bình yên không còn cảnh chiến-tranh bắn phá như trước nữa, nên lần lượt kéo đến để sanh cơ lập nghiệp dưới sự che chở của chế độ tân trào.

Nhà cầm quyền địa-phương áp dụng một chánh-trị khôn ngoan, với nhiều thủ-đoạn cốt mua chuộc lòng dân chúng, cho tha hồ cờ bạc, hút sách, rượu chè, đờn ca xướng hát, tứ đổ tường bốn cửa mở rộng khiến dân chúng vui chơi thỏa thích, không còn nghĩ gì đến sự chống đối phá rối cuộc trị an nữa. Không bao lâu tỉnh trở nên sung túc và náo-nhiệt. Bấy giờ người Pháp mới lần lần lập ra, và thâu các sắc thuế, như thuế thân, thuế thổ-điền, thổ-trạch, thủy-lợi, thuế ghe. Còn mua bán đều có môn-bài tùy theo lớn nhỏ, gia súc như trâu bò cũng đều có bài chỉ, được kiểm soát rất chặt chẽ, chợ búa mua bán mỗi ngày đều có người góp, v.v…

Bên trong chúng tổ-chức mật thám theo dõi hành-động của dân chúng trong làng, tìm kiếm những người trước kia có dính líu vào việc chống Pháp, hoặc thân-nhân Cần Vương nghĩa-sĩ, tay chơn bộ hạ của Trương-Công-Định còn ngấm ngầm chống đối. Những người này bị chúng rất để ý, phái bọn tay sai đắc lực đi rình rập những nơi tụ họp khả nghi, rồi về báo-cáo liệt vào sổ bìa đen. Mỗi khi trong tỉnh có xảy ra việc gì, hoặc có hành động phá rối trị an, thì mấy người này bị đòi hỏi điều tra lý-lịch hoặc bị bắt giam cầm, hoặc bị đày ra côn đảo hoặc xa hơn nữa.

Những nhà ái-quốc chân-thành, sĩ-phu trong tỉnh thấy thủ-đoạn gian-ngoa của chúng cai-trị bằng lối giả nhân giả nghĩa, đưa dân-tộc đến chỗ tồi phong bại tục, làm cho người dân lãng quên nước non mình bị trị. Những thú vui cạm bẫy của chúng bày ra thật là một chánh sách ngu dân để dễ bề sai khiến và bốc lột.

Đứng trước cảnh quốc phá gia vong, kẻ nặng lòng non nước thấy vậy không thể ngồi yên, coi đó là một điều sỉ- nhục quốc thể Nam-triều phản lại tinh-thần truyền-thống dân-tộc, cực-lực vận-động cuộc kháng-chiến trường kỳ liên tục cho đến ngày hôm nay.

Dân-tộc Việt-Nam đã nếm khá nhiều bài học chánh-sách xâm-lược của ngoại bang bằng đầu môi chót lưỡi, một bàn tay bọc nhung bên ngoài ve vuốt an-ủi những người theo chúng, ban cho áo mãi cân đai, quyền hành để ngồi trên đầu trên cổ của đám dân đen chất-phác.

Chúng mượn tay người Việt để cai trị người Việt, đặt ra chế độ làng tổng, kiểm tra dân chúng từng khu vực.

Theo sự sưu tầm của chúng tôi, Gò-công dưới thời Pháp thuộc có một điểm đặc-biệt hơn các tỉnh khác là không có Quận.

DƯỚI THỜI PHÁP GÒ-CÔNG CÓ 5 TỔNG

Hương-chức hội-tề làm việc thẳng với Chánh tham- biện ; vì vậy thời ấy quyền hành của hương-chức hội-tề rất lớn. Dưới thời Pháp Gò-Công có những tổng và làng dưới đây :

  1. Tổng Hòa-đồng-hạ : Gồm những làng
    1. Bình-luông-đông (nay đổi là Bình-long)
    2. Bình-luông-tây (đổi lại là Bình-long)
    3. Bình-luông-trung (đổi lại Bình-tân)
    4. Long-hựu
    5. Long-thạnh (đổi lại Bình-Long, 2 làng nhập lại)
    6. Phú-thạnh-đông (cù-lao)
    7. Tân-cương (đổi lại Bình-Tân)
    8. Tân-thới (cù-lao)
  2. Tổng Hòa-đồng-thượng :
    1. Bình-phú-đông
    2. Bình-phục-nhì
    3. Bình-phú-tây (đổi lại Vĩnh-bình)
    4. Đồng-sơn
    5. Bình-công
    6. Bình-thành (đổi lại Thành-công)
    7. Thạnh-nhựt
  3. Tổng Hòa-lạc-hạ :
    1. Bình-an
    2. Dương-phước (đổi lại Phước-trung)
    3. Tân-duân-trung (đổi lại Phước-trung, 2 xã sáp nhập)
    4. Tân-bình-điền
    5. Tân-duân-đông (đổi lại An-hòa)
    6. Hòa-nghị (đổi lại An-hòa, 2 tỉnh sáp nhập)
    7. Tân-thành
    8. Kiểng-phước (đổi lại Vàm-láng)
    9. Tân-hoà
    10. Thành-phố Gò-công khi xưa nay đổi lại Long-thuận.
  4. Tổng Hòa-lạc-thượng :
    1. Bình-thạnh-đông
    2. Tân-niên-đông (Giồng Sơn-Qui)
    3. Bình-xuân
    4. Tân-niên-tây
    5. Tân-niên-Trung
    6. Gia-thuận
    7. Tân-phước

Thời gian sau cắt ra Hòa-đồng-thượng và Hòa-đồng-hạ lấy khúc giữa thêm 1 tổng nữa là Hòa-đồng-trung.

  1. Tổng Hòa-lạc-trung :
    1. Xưa Bình-công (đổi lại Thành-công)
    2. Xưa Long-chánh (đổi lại Long-thuận)
    3. Vĩnh-hữu (do Nghị-định ngày 6-1-1916 của Thống-đốc Nam-kỳ chia ra 2 xã trong đó có Vĩnh-viễn)
    4. Vĩnh-viễn
    5. Xưa Vĩnh-lợi (đổi lại Vĩnh-bình)
    6. Vĩnh-thạnh (đổi lại Thạnh-trị)
    7. Xưa Vĩnh-trị (đổi lại Thành-trị)
    8. Yên-luông-đông (đổi lại Yên-luông)
    9. Yên-luông-tây (đổi lại Yên-luông)

(Tài-liệu của Tổng-Nha Điền-Địa)

BAN HỘI-TỀ DƯỚI THỜI PHÁP THUỘC

Trong guồng máy hành-chánh tỉnh từ trên tới dưới, người Pháp đã sắp đặt xong việc làng tổng, chiếu theo Nghị- định ngày 15-2-1898 và kế tiếp Nghị-định 16-9-1920 và 6- 1-1927 ấn định chánh tổng đại-diện dân-sự tiếp-xúc với nhà

chức-trách Pháp trong tỉnh, với nhiệm vụ coi trật tự an-ninh trong tỉnh :

  • Chăm nom việc cử đặt chức việc làng cho đứng đắn.
  • Kiểm-soát việc lập bộ thuế và tổ-chức việc thâu thuế.
  • Thanh-tra các trường sơ-học
  • Trừng-trị mạo hóa.

Chánh tổng có nhiều quyền hành cũng như các quan chủ quận, ở tỉnh thi hành phận sự tư-pháp và phụ-tá biện- lý.

Chúng tôi xin nói qua vài nét về chế-độ xưa trong việc cai-trị Hương-đẳng. Do Nghị-định ngày 30-10-1927, chánh phủ Pháp tổ chức lại thôn xã Nam-kỳ và đặt một hội « Hương-chức » gọi là « Ban Hội-tề », gồm có những hương- chức sau đây, kể theo đẳng cấp :

Hương cả hay là Đại Hương Cả – Nghị-trưởng Hương chủ – Phó Nghị-trưởng

Hương sư – Nghị-viên

Hương trưởng – Nghị-viên Hương chánh – Nghị-viên Hương giáo – Nghị-viên

Hương quản – Nghị-viên

Hương bộ hay Thủ bộ – Nghị-viên Hương thân – Nghị-viên

Xã trưởng hay là thôn trưởng – Nghị-viên Hương hào – Nghị-viên

Chánh lục bộ – Nghị-viên

Hương chức được chọn trong mấy người điền chủ trong làng, mấy người dân làng giàu có hơn hết, mấy viên chức hồi-hưu hoặc tư chức thuộc các ngạch thượng đẳng cùng trung đẳng, mấy người lính tập hồi hưu hay là mãn khóa, ít nhứt là được chức đội (sergent) và mấy người ấy phải có đứng bộ đinh trong làng.

Theo nguyên-tắc thì chẳng ai vào đặng bàn Hội-tề, nếu chưa từng ở trong ấy. Muốn đặng cử làm hương-hào thì phải có ít nữa là 24 tuổi, biết đọc và biết viết.

Nhưng mà mấy viên chức hồi hưu và lính tập nói trên đây đều được chuẩn-miễn, khỏi phải ở chức dưới rồi mới lên đặng chức trên.

Mỗi hương-chức giúp việc trong mỗi chức ít nữa là 2 năm mới đặng qua chức khác.

Mỗi năm vào tháng chạp dương lịch, ban hội-tề nhóm họp để lập ban hội-tề năm mới, các hương chức hoặc là giới-thiệu người mới vào ban hội-tề, hoặc là tự cử nhau để sang chức khác.

TRÁCH NHIỆM

Trách-nhiệm của mỗi hương-chức được ấn định, nhưng trong thực-tế chỉ có mấy hương-chức sau đây là thật sự làm việc : Hương cả, Hương bộ, Hương quản, Hương thân, Xã trưởng, Hương hào và Chánh lục bộ.

  • Hương cả, hay Hương chủ, giữ công nho làng và thay mặt thôn xã đối với nhà chức-trách hàng tỉnh.
  • Hương bộ hay là thủ-bộ gìn-giữ các thứ bộ, địa bộ và giấy tờ sổ sách của các làng, giữ sổ tiền biên thâu xuất và coi sóc bàn ghế và vật-liệu của làng.
  • Hương quản đảm nhiệm cảnh-sát chánh-trị và đề hình trong làng, là người phụ-tá của biện-lý, truy tầm những tội tiểu-hình và đại-hình. Tuần thủ các đường trên bộ và dưới sông, giữ gìn an-ninh.
  • Hương thân là người đứng đầu trong ba viên chức hành sự lại lãnh riêng phần giao tiếp giữa chánh-trị và đề- hình với ban Hội-tề.
  • Xã-trưởng hay là thôn-trưởng giữ mộc làng cùng ký tờ trát của chánh-phủ và riêng lo việc thâu thuế mà nạp vào ngân-khố.
  • Hương hào lo việc tuần phòng trong làng, lãnh chức trưởng tòa, nghĩa là việc truyền rao trát Tòa-án cùng là những giấy đòi các sắc thuế cho ngân-sách đông-pháp.
  • Hương thân, xã trưởng và hương hào là ba viên chức hành sự, tu bổ các sắc thuế, thị chứng văn khế, kiểm soát sơn-lâm, lại phải phụ-tá hương quản về việc cảnh-sát chánh-trị và đề-hình, hiệp nhau thi hành lịnh phát mãi y theo án tòa.
  • Chánh lục bộ riêng một mình hay là có phó lục bộ phụ- tá, coi giữ các bộ đời, sanh, tử, hôn-thú trong làng. Có phận-sự phúc-trình với thượng-cấp hay biết hết thảy các bịnh truyền-nhiễm của người hay của súc vật phát ra trong làng.
  • Ban Hội-tề có quyền cho mướn tài-sản của làng, như công-điền công thổ, bổn thôn điền, bổn thôn-thổ, trong một thời hạn 3, 6 hay 9 năm.

Những khế ước ấy, phải được chánh tham biện phê chuẩn mới thi-hành và những khế ước, mà kỳ hạn quá 3 năm, phải đệ trình lên Thống-đốc xét trước « Hội nghị tư » (Conseil Privé).

Khi có việc cần đến hương chức thì chánh tham biện gởi trát về làng, quan chánh án đòi hương chức thì phải chỉ riêng đích danh từ người.

Các ty, các sở trong tỉnh có cần dùng hương chức thì phải xin cùng chủ tỉnh. Hương-chức có trách nhiệm chung về việc thâu thuế, điền lính, việc phá hoại các đường giao- thông, đê đập, bộng cống, ống dẫn nước, v.v…

Chúng tôi đã trình bày qua guồng máy hành-chánh của thực-dân Pháp trên đất nước Việt-Nam nói chung, tỉnh Gò- công nói riêng mà sự tổ chức y như các tỉnh khác. Trên 80 năm bị mất chủ-quyền, người dân Việt mang nặng trong lòng mối căm thù, chờ cơ-hội đứng lên mở ách bứt xiềng. Đất nước Việt-Nam phải về tay người Việt-Nam làm chủ, có như vậy mới đúng với luật tuần hườn của trời đất xoay chuyển, chuyển xoay.

Bánh xe lịch-sử chuyển quay. Ngày 9-3-1945, chánh- phủ Pháp tại Đông-dương bị quân đội Nhựt lật đổ, đồng bào toàn quốc cũng như dân chúng Gò-công reo mừng. Từ đây dân chúng thở một không khí nhẹ nhàng thoát khỏi ách ngoại bang. Một trang sử mới lật qua.

VÀI NÉT ĐẠI CƯƠNG VỀ GÒ-CÔNG DƯỚI PHONG TRÀO 1944-1945

Năm 1944, quân đội Phù-tang đóng tại Đông-dương để hiệp lực với nhà cầm quyền Pháp bảo vệ xứ này, chống lại quân-đội Đồng-minh, Anh, Mỹ, Hoa.

Các tỉnh trong miền Nam lúc bấy giờ đều có dấu chân của quân đội Nhựt đến, tại Gò-công chúng xuống đóng giữ các chỗ trọng yếu, như bãi Tân-thành, Vàm-láng, Cửa Tiểu, những chỗ này có thể Đồng-minh đổ bộ đánh Sàigòn nên phải phòng thủ. Đầu tiên chúng mượn cuộc đất kế kho bạc làm căn-cứ bộ chỉ-huy, ngoài ra người Nhựt không can-thiệp gì đến vấn-đề nội bộ của Pháp. Lúc ấy tỉnh Gò-công chỉ có hai viên chức người Pháp là Chánh-tham-biện Ropion và viên cò Lefort còn bao nhiêu công chức là người Việt.

Ngày 9-3-1945 quân đội Nhựt đứng ra đảo chánh lật đổ chủ-quyền người Pháp, và trên giang sơn Việt-Nam lại thấy quan Nhựt thay thế quan Pháp trong những địa vị cao-cấp : Toàn-quyền, Khâm-sứ, Thống-đốc, Đô-trưởng v.v…

Còn riêng về các tỉnh thì Tỉnh-trưởng người Việt lên thay thế, tại tỉnh Gò-công lúc bấy giờ ông phủ Nguyễn-văn-Hải thay Chánh-tham-biện Ropion do sự thỏa thuận của chánh- quyền ở Sàigòn.

Năm tháng sau, Nhựt bị hai trái bom nguyên-tử của Mỹ phá tan hai thành phố Hiroshima (Quảng-đảo) và Nagasaki (Trường-kỳ) ngày 9-8-1945, bắt buộc Nhựt-Bổn đầu hàng Đồng-minh vô điều kiện ngày 14-8-1945.

Nhơn đó Việt-Nam cũng thoát khỏi vòng cai trị của Nhựt, và ngày 14-8-1945, cựu-hoàng Bảo-Đại ban chiếu tuyên-bố hủy bỏ hết những hiệp-ước bất bình-đẳng mà nước Pháp bắt ép triều-đình Việt Nam ký ngày 5-6-1862 và ngày 15-3-1874 nhượng Nam-kỳ cho Pháp làm thuộc địa.

Thế thì từ ngày 14-8-1945, theo dụ số 108, Bảo-Đại chuẩn cho ông Nguyễn-văn-Sâm sung chức Khâm-sai Nam- bộ (Nam kỳ lúc ấy được đổi tên là Nam-bộ).

Tình thế biến chuyển quá mau lẹ.

Ngày 19-8-1945, mặt trận Việt-Nam độc-lập Đồng- minh, gọi tắt là Việt-Minh biểu tình đòi chánh-quyền Hà-nội và các tỉnh trong nước.

Bảo-Đại thoái vị ngày 25-8-1945 và cũng từ ngày ấy Việt-Minh đoạt lấy quyền bính.

Ở Saigon, Nguyễn-Văn-Sâm từ chức, các tỉnh lúc bấy giờ sống dưới chế-độ mới. Trần-Văn-Giàu kế tiếp Phạm-Văn- Bạch làm Chủ-tịch « Lâm Ủy Hành-chánh » tức là Ủy-Ban hành-chánh lâm thời Nam-bộ.

Các tỉnh miền Nam lúc bấy giờ lần lượt đổi tên khác, Gò- công đổi tỉnh Trương-Công-Định, Định-tường : Thủ-khoa- Huân. Bến-tre : Nguyễn-đình-Chiểu, v.v…

Thừa cơ hội ấy, dân chúng Gò-công kéo đến đập phá triệt hạ đài Huỳnh-công-Tấn và đồng thời dựng đài Trương- Công-Định lên thay thế.

13476480 n07 36887396304 cho go cong Gò Công Xưa – Gò Công Dưới Chế Độ Tân Trào

NAM KỲ TỰ TRỊ

Ngày 23-9-1945, quân đội Pháp theo chân quân đội Anh, Ấn đến giải giới quân đội Nhựt tại Nam-bộ và chiếm lại xứ này. Đại tá Cédille được làm Ủy-viên cộng-hòa tại Nam- bộ (Commisaire de la République).

Bộ máy hành-chánh Nam-phần do người Pháp gián-tiếp điều-khiển, có tỉnh thì được những công-chức người Nam làm tỉnh-trưởng, có tỉnh do người Pháp trở lại cai-trị.

Khi quân-đội Pháp trở lại chiếm tỉnh Gò-công với chiếc Richelieu và một số lính thủy quân lục chiến đổ bộ bên Cầu- nổi. Họ gặp phải sự kháng cự của đối phương kéo dài ba ngày mà vô châu thành chưa được, phải kêu thêm viện binh mới đổ bộ và vào thành phố được. Đầu tiên chúng đặt bộ chỉ huy tại nhà Ông Huyện-Hải, đường Phạm-đăng-Hưng ngày nay, và đồng thời đem Ông Thái-lập-Thành xuống làm tỉnh-trưởng.

Kịp đến ngày 1-6-1946, chánh-phủ Nam-kỳ tự trị ra đời, với Bác-sĩ Nguyễn-văn-Thinh làm thủ tướng ngày 10-11- 1946 và tự vận sau đó. Đồng bào đều ngầm hiểu lý-do nào đã đưa đến sự tự vận của ông. Thiếu-tướng Nguyễn-Văn- Xuân Phó Thủ-tướng, lại nắm quyền chức Thủ-tướng từ ngày 15-11-1946 đến ngày 6-12-1946 là ngày Bác-sĩ Lê- văn-Hoạch đắc cử Thủ-tướng Nam-kỳ quốc và giữ địa vị ấy đến ngày 29-9-1947 mới từ chức.

Kể từ năm 1945 đến nay miền Nam Việt-Nam trải qua lắm lần thay ngôi đổi chủ, từ Bảo-Đại, Nguyễn-Văn-Xuân, Lê-Văn-Hoạch, Trần-Văn-Hữu, Nguyễn-văn-Tâm, Bửu-Lộc, v.v…

Mãi đến khi chánh-thể Việt Nam Cộng-hòa ra đời, chí sĩ Ngô-đình-Diệm lên chấp chánh quyền Tổng-thổng. Trong chín năm, ông thay đổi hẳn bộ máy hành-chánh : nhiều tỉnh như Châu-đốc, Bạc-liêu, Sa-đéc, Vũng-tàu đổi lại thành Quận. Gò-công cũng chịu số phận ấy từ năm 1956. Đến năm 1963 lại trở thành quận của tỉnh Định-tường.

Trước khi thực hiện, Tổng-thống Ngô-đình-Diệm xuống viếng Gò-công để giải thích sự thay đổi cho đồng bào dân chúng ở đây nghe, nhưng không mấy ai hài lòng.

Những cuộc đổi thay danh từ và ranh giới ấy tóm lại đều do một ý định thủ tiêu tàn tích của thời kỳ thực-dân đô-hộ. Dụng ý ấy dẫu có hay nhưng vì không nghiên cứu kỹ nên chỉ nhằm mục-đích tuyên truyền chánh-trị hơn là nghĩ đến sự thiệt hại đến quyền lợi của dân chúng.

Chánh-phủ Diệm đã động phạm đến luật tự nhiên và đã gặp phải sự phản ứng của dân chúng tỉnh Gò-công gởi thơ phản kháng kịch liệt.

Luật nhơn quả trả vay không sao tránh khỏi. Trong 9 năm chấp chánh ông đã đưa dân tộc đến đâu ? Có nắm được lòng dân không ?

Nếu được sự ủng-hộ của đồng bào dân chúng và quân đội thì đâu có xảy ra cuộc đảo-chánh ngày 1-11-1963 khiến ông bị quân-đội lật đổ do tướng Dương-văn-Minh cầm đầu.

Từ năm 1945 đến nay đất nước này gặp lắm cảnh thăng-trầm, máu đã đổ rất nhiều, nhà tan cửa nát, dân chúng điêu linh, kẻ ra đi người ở lại, có biết bao đứa con thân yêu của tổ-quốc ngã gục trên chiến-trường để bảo-vệ quê-hương và chủ-nghĩa.

Kẻ chép sử như chúng tôi đứng trên lập-trường vô-tư lấy làm đau buồn tủi-nhục cho vận nước ngữa nghiêng, lòng người ly tán.

Đứng trước khúc quanh của lịch-sử hiện đại, hoàn cảnh không cho phép chúng tôi tường thuật mọi chi tiết xảy ra trên đất Gò trong tác phẩm này vì còn quá sớm.

Tuy nhiên chúng tôi cũng sưu-tầm được nhiều tài-liệu lịch-sử từ năm 1945 trở lại đây nhưng chưa thể công bố được, xin quý bạn đọc niệm tình thông cảm cho.

Ước mong một khi đất nước trở lại thanh-bình, chúng tôi sẽ tiếp tục ghi lại những gì còn thiếu sót.

DANH SÁCH CÁC VỊ TỈNH TRƯỞNG VÀ QUẬN-TRƯỞNG GÒ-CÔNG DƯỚI THỜI NAM-KỲ TỰ-TRỊ VÀ VIỆT-NAM CỘNG-HÒA

  • Thái-lập-Thành – Tỉnh-Trưởng
  • Trần-văn-Thạnh – Tỉnh-Trưởng
  • Huỳnh-văn-Sửu – Tỉnh-Trưởng
  • Trần-văn-Kỷ – Tỉnh-Trưởng
  • Trần-văn-Trực – Tỉnh-Trưởng
  • Nguyễn-văn-Kiên – Tỉnh-Trưởng
  • Nguyễn-hữu-Kiết – Tỉnh-Trưởng

TỪ NĂM 1956 ĐẾN 1963 GÒ-CÔNG LẠI TRỞ THÀNH QUẬN CỦA TỈNH ĐỊNH-TƯỜNG

  • Dương-văn-Các – Quận-trưởng
  • Nguyễn-văn-Vỉ – Quận-trưởng
  • Đại-úy Nguyên – Quận-trưởng
  • Đại-úy Chấn – Quận-trưởng
  • Thiếu-tá Tuệ – Quận-trưởng

NĂM 1963 ĐẾN THÁNG 4-1965 LẠI ĐƯỢC TRỞ THÀNH TỈNH

  • Nguyễn-viết-Thanh – Trung-tá Tỉnh-trưởng
  • Trần-thanh-Xuân – Thiếu-tá Tỉnh-trưởng
  • Lê-văn-Tư – Đại-tá Tỉnh-trưởng
  • Nguyễn-tất-thình – Đại-tá Tỉnh-trưởng
Huỳnh Minh

Bình luận