Tại Gò-công người ta còn nhắc đến những ngôi cổ mộ của nhà họ Phạm, ở làng Tân-Niên-Đông cách tỉnh lỵ 3 cây số. Làng này là sinh quán của Bà Từ-Dũ, thân mẫu vua Tự- Đức, con gái của Ông Phạm-Đăng-Hưng.
Tại vùng này khi quân Pháp chưa lập nền đô-hộ, dòng vua Tự-Đức còn nhiều bà con bên ngoại, và chính thân nhân của dòng họ này đã hết lòng ủng hộ cuộc kháng chiến chống ngoại xâm dây dưa từ năm 1861 tới năm 1864, cuộc kháng chiến do nhà ái-quốc Quản-Định cầm đầu.
Cuộc thương thuyết ký kết hòa-ước mồng 5 tháng 6 năm 1862 giữa Pháp và Việt phải trì hoãn, vì Hoàng-đế Việt-Nam không đành lòng giao nhượng vùng đất đai quê ngoại cho ngoại bang, nơi đây có nhiều mồ mả ông bà, nhiều di-tích kỷ-niệm thân yêu mà sự mất còn liên-hệ đến danh-dự của Hoàng-triều Nguyễn.
Những ngôi mộ này kiến-trúc theo lối cổ xây bằng hồ-ô- dước nằm trên một giồng cát cao trông như hình con qui, chung quanh cây cối u-huyền đầy vượng khí phải là nơi phát xuất bậc mẫu-nghi trong thiên hạ, đất lành trổ sanh trái ngọt, đồng bào dân chúng tỉnh nhà cũng nhờ ảnh hưởng cuộc đất này mà phát đạt, nhiều người làm quan lớn, đúng với câu Địa-linh trổ sanh Nhơn-kiệt.
Cảnh trí từ ngoài đường cái thẳng vô có một con lộ dài chừng 200 thước, bên trong có một đền thờ. Ở về mé bên phải có những ngôi mộ trước đầu có dựng bia đá cẩm thạch khắc ghi tên họ, ngày sanh tháng chết, chức-tước của người yên nghỉ dưới mồ.
Những ngôi mộ này ngoài ý-nghĩa lịch-sử và cũng là di- tích đặc-biệt của tỉnh Gò-công được bảo tồn từ trước đến nay.
Theo sử liệu cho biết thì bản Hòa-ước ký tại Sàigòn ngày 15 tháng 3 năm 1874 giữa Pháp và Nam-triều, có một điều khoản quan-trọng nói về những ngôi mộ này. Điều khoản ấy là khoản 5 thỏa thuận như sau :
ĐIỀU KHOẢN 5. Hoàng-đế nước Nam nhìn nhận chủ- quyền nước Pháp trên toàn lãnh thổ do Pháp quân chiếm đóng, gồm những miền có ranh giới kể sau đây:
Phía Đông, đến biển Trung-Hoa và An-nam Vương-quốc (tỉnh Bình- Thuận). Phía Tây ranh giới Vịnh Xiêm-La. Phía Nam biển Trung-Hoa. Phía Bắc nước Cao-miên và An-nam Vương-quốc (tỉnh Bình-Thuận).
Có cả thảy 11 ngôi mộ nhà họ Phạm, nằm trên địa phận làng Tân-Niên-Đông và Tân-Quan-Đông (tỉnh Sàigòn) và 3 ngôi mộ nhà họ Hồ ở trên địa-phận làng Linh-Chiểu-Tây và Tân-Mai (tỉnh Biên-hòa), không ai được động phạm, đào xới, cải táng hay phá hủy.
Nhà nước cấp một sở đất rộng 100 mẫu cho các ngôi mộ nhà họ Phạm và một sở đất cũng rộng chừng ấy cho các ngôi mộ nhà họ Hồ. Huê lợi thâu được do 2 sở đất này dành để giữ gìn các ngôi mộ và nuôi sống những gia đình lãnh trông nom các ngôi mộ này. Hai sở đất trên đây được miễn thuế ; con em giòng dõi những gia đình này cũng được miễn thuế thân, làm xâu và đi quân-dịch.
5 ngôi mộ lớn nhà họ Phạm tọa-lạc trên địa-phận làng Tân-Niên-Đông cách Gò-công 3 cây số, đó là mộ của :
- Phạm-Đăng-Dinh, nội tổ Phạm-Đăng-Hưng, sanh năm Bính-dần (1717), tử ngày 8 tháng Giêng năm Tân-Mùi (1776), hưởng thọ 59 tuổi. Sau lúc ông mãn phần, vua Tự- Đức sắc phong Hàn-Lâm-Viện Chưởng-viện học-sĩ tước Bình-Thanh-Bá (Đệ-Tam-Đẳng Nam-Triều).
- Phạm-Đăng-Long, cố ngoại vua Tự-Đức, con của Phạm-Đăng-Dinh, sanh năm Canh-Tuất (1741), tử ngày mồng 3 tháng 7 năm Canh Ngọ (1810) hưởng thọ 69 tuổi. Được vua Tự-Đức truy-phong Tu-Thiên Đại-Phu (Nội-vụ Thượng-Thơ) tước Phước-An-Hầu và Trang-Nghị-Công (Đệ- Nhứt-Đẳng).
- Phạm-Thị-Tánh, bà cố ngoại vua Tự-Đức, vợ của Ông Phạm-Đăng-Long mẹ của Phạm-Đăng-Hưng, sanh năm Giáp-Tý (1743), tử ngày rằm tháng 9 năm Giáp-Tuất (1814) hưởng thọ 71 tuổi. Được tước phong Phu-nhơn đoan-khiết.
- Phạm-Đăng-Hưng, ngoại tổ vua Tự-Đức, con của Phạm-Đăng-Long và Phạm-thị-Tánh, sanh ngày 24 tháng 9 năm Ất-Dậu (1764), tử ngày 14 tháng 6 năm Ất-Dậu (1825), làm Lễ-Bộ Thượng-thơ dưới thời Minh-Mạng. Sau khi Ông chết được vua Tự-Đức truy-phong Vĩnh-Lộc đại-phu dục-quốc-Công và tước Trung-Nho-Công (Đệ-nhứt-Đẳng).
- Phạm-Thị-Du, bà ngoại vua Tự-Đức, vợ của Phạm- Đăng-Hưng sanh năm Mậu-Tý (1767), tử ngày 8 tháng 6 năm Tân-Tỵ (1821), hưởng thọ 54, được truy-phong Nhứt- Phẩm Phu-Nhơn đoan tụ.

ĐỀN THỜ HOÀNG GIA PHẠM-QUỐC-CÔNG
Lăng này ở tại ấp Sơn-Qui, xã Tân-Niên-Đông bây giờ, là một tòa nhà rộng lớn được xây cất dưới triều Tự-Đức, gồm có 5 gian và hàng nhì làm bằng danh mộc trạm trổ và sơn son thếp vàng. Một gian sau thì có chỗ hư mục nên người thủ-giám sửa lại và làm mất kiểu xưa.
Nơi chính vị thờ Đức-Quốc-Công Phạm-Đăng-Hưng, thân-sinh bà Thái-Hậu Từ-Dũ. Bên trái thờ Phước-An-Hầu
Phạm-Đăng-Long là cha Đức-Quốc-Công. Bên mặt thờ Bình- Thanh-Bá Phạm-Đăng-Dinh là ông nội Đức-Quốc-Công. Căn chót bên trái thờ Mỹ-Khánh-Tử Phạm-Đăng-Tiên, là ông cố của Đức-Quốc-Công. Căn chót bên mặt thờ Thiêm-Sự-Phủ Phạm-Đăng-Khoa, là ông Sơ của Đức-Quốc-Công.
Điều đó đúng với câu thành-ngữ thời quân-chủ : « Nhất nữ thọ hoàng-ân, toàn gia hưởng thiên lộc ». Trong đền có để một tấm bia gỗ sơn son thếp vàng chép lại những chữ khắc trong bia đá dựng trước mộ Đức-Quốc-Công bên cạnh đền thờ, do cụ Phan-Thanh-Giản đề để xưng tụng công- nghiệp của Ngài, mỗi năm có 2 lễ Xuân, Thu quý tế do Tri- huyện Tân-Hòa thủ lễ cho tới khi Pháp thuộc mới bãi-bỏ, chỉ còn giỗ như thường lệ nhưng cũng có nhạc lễ và hương chức sở tại đến cúng.


Bình luận