Nói đến nhân vật Gò-công của thời cận-đại, chúng tôi trước nhứt phải nhớ tới người anh cả của chúng tôi trong trận bút trường văn : Hồ-văn-Trung tự Biểu-Chánh. Nhắc đến cụ chúng tôi không khỏi ngậm ngùi vì cảnh người còn kẻ mất, nhớ lại mới năm nào tại ngôi nhà của Thủ-Tướng Nguyễn-văn-Thinh cụ và tôi không biết bao nhiều lần bàn chuyện văn-chương, tâm-sự về những nỗi đau lòng trước tình hình chánh-trị. Cụ Hồ-Biểu-Chánh đi trước về nơi yên nghỉ, chúng tôi hãy còn đây, phải sống lận đận để sầu đau với thế sự thăng trầm trong một nước bị chia đôi còn lắm tang thương vì hiểm họa.
Cụ Hồ-Biểu-Chánh sanh tại Bình-thành Gò-công ngày 1 tháng 10 năm 1885. Thuở ấy ở miền quê nước ta Hán-học tuy đến lúc suy nhưng hãy còn lây lất, trẻ con nhà nếp còn được vỡ lòng bởi các thầy đồ với vỡ Tam-tự-kinh. Sanh trưởng ở một gia-đình nho-giáo, cụ Hồ tự-nhiên phải theo học Hán-học từ năm 7 tuổi cho tới năm 16 tuổi, thời thế đổi thay, cụ trở qua học Việt-ngữ và chữ Pháp, phải là người thông-minh và cố học, cụ mới vượt mau qua các lớp mà đậu bằng thành chung vào năm 20 tuổi (năm 1905). Qua năm sau cụ thi đậu thơ-ký Soái-phủ Nam-kỳ (Secrétaire du gouvernement de la Cochinchine) rồi được bổ vào làm việc tại sở hành-chánh thời đó gọi là dinh Hiệp-lý.

ĐỜI LÀM QUAN
Trong khoảng 10 năm (1910-1920), đời thông phán đổi đi phục vụ trong nhiều tỉnh miền Nam : Bạc-liêu, Cà-mau, Long-xuyên, Gia-định. Năng lực của cụ làm cho người phải lưu ý nên về sau được đổi về văn-phòng Thống-đốc gần ánh sáng mặt trời.
Làm công chức nhưng tính thích văn-chương, và năng khiếu của cụ về mặt này mà sớm phát lộ. Trong thời kỳ đệ nhất thế chiến 1914-1918 việc tuyên-truyền cho công cuộc mộ lính thợ, cho công cuộc từ-thiện như giúp đỡ gia-đình chiến-sĩ, cho việc mua công trái lấy tiền cho việc quốc- phòng rất là quan hệ. Việc thông-tin tuyên-truyền thời đó ngay cả ở nước Pháp đã có gì đâu ? chánh-quyền của họ có lẽ chưa nhận thấy sự quan-trọng của lợi-khí tuyên-truyền. Ông Hồ-văn-Trung lúc ấy mới là một viên thông phán tầm thường, nhưng ngòi bút của ông đã làm cho các giới kính nể. Khi chiến-tranh hữu-sự, quan quyền công-chức bó tay, ngòi viết của cụ Hồ-Biểu-Chánh sáng tác những vỡ kịch tuyên-truyền đem diễn ở Sài-gòn – Chợ-lớn và các tỉnh rất được hoan nghinh và gặt hái kết-quả khả quan về tài- chánh.
Không như ai, thi đậu đi làm có lương tiền là mãn- nguyện, ông phán Trung vừa đi làm vừa học thêm và dồi mài cây bút của mình cho sắc bén thêm. Năm 35 tuổi ông còn đi thi, và đậu tri-huyện, lại đậu thủ-khoa. Từ đây ông được bổ đi ngồi chủ quận nhiều nơi : Càn-long, Ô-môn, Phụng-hiệp, v.v… Con nhà Nho, ông suốt đời giữ tiết tháo nhà Nho, đi làm quan một mực công-bình liêm-chính. Là nhà văn có tinh thần phóng khoáng, và giàu tình-cảm, ông giữ gìn nguyên tắc « đừng bao giờ làm cho kẻ khác điều gì mình không muốn kẻ nào khác làm cho mình ». Giữa thời buổi nhiễu nhương một quan nhỏ nịnh bợ và tham-nhũng làm giàu rất dễ dàng nhưng quan quận Hồ-văn-Trung ngồi quận này đến quận khác vẫn nghèo xơ nghèo xác. Tuy nhiên, đổi lại, ông được sự cảm mến lâu dài của dân chúng.
Vị quan thanh-liêm tài giỏi Hồ-văn-Trung năm 1935 thăng hàng Đốc-phủ sứ. Ba năm sau (1938) cụ hồi hưu. 52 tuổi làm việc 32 năm, mề đay kim-khánh thiếu gì, nhưng có một phần thưởng vô hình nhưng vô giá là lòng mến yêu của dân chúng ở những nơi được cụ ngồi chủ quận.
ĐỜI CHÁNH TRỊ VÀ XÃ HỘI
Tuy đã đến tuổi hưu-trí vào năm 1938, cụ vẫn được chánh-quyền hồi đó mời giữ lại làm quan cai-trị ba năm nữa, vì thời kỳ khó khăn đã đến cho chánh-quyền thực-dân với đệ-nhị thế-chiến, họ cần trọng dụng những ông đốc phủ-sứ được lòng dân như cụ Hồ-văn-Trung để mong xoa dịu lòng công phẫn của dân chúng phần nào ?
Con tàu thực dân sắp chìm. Tới lúc nguy kẻ tham-lam tiếc của mới nghĩ đến việc liệng bớt đồ trên tàu xuống cho đỡ nặng. Tới lúc này họ mới san sẻ chút ít quyền hành cho người Việt, lập hội đồng này, cơ-quan cố-vấn nọ kéo lôi người Việt vào để mua lòng.
Do đó, tuy đã hưu-trí năm 1941, cụ Hồ vẫn chưa được yên nghỉ để tô bồi sự-nghiệp văn-chương, cụ bị mời ra làm cố-vấn chánh phủ, làm Hội-đồng Liên-bang Đông-dương, hội-đồng Đô-thành Sài-gòn và làm Phó đốc-lý coi việc hộ- tịch của người Việt-Nam.
Là một nhà văn hơn là một nhà cách-mạng cụ Hồ-Văn- Trung tuy làm quan trong thời đô-hộ, nhưng đã tùy địa-vị hoàn cảnh hết lòng hết sức giúp đỡ đồng bào. Đời làm quan của cụ thanh-bạch đến nỗi lúc trở về già lâm một chứng bịnh kinh niên, bạn bè ở Sài-gòn phải mua gởi về giúp cụ từng viên thuốc auréomycine. Cụ sống thanh-đạm lắm, vậy mà có báo đăng tiểu-thuyết của cụ rồi ỳ ra không trả tiền nhuận bút, cụ cũng chẳng nói gì.
Đời chánh-trị của cụ Hồ-văn-Trung có một đoạn bi thiết là lúc vì tình bạn không thể từ chối. Cụ ra làm cố-vấn và đổng lý văn-phòng cho Thủ-tướng Nguyễn-Văn-Thinh.
Vì cuốn sách này không đi sâu vào các vấn đề chính-trị, chúng tôi không tiện giải thích lập-trường của cụ Hồ Gò- công và Bác-sĩ Thinh mặc dầu trong thời kỳ này chúng tôi cũng vì cảm-tình mà theo dõi từ bước đi của hai cụ và thấu hiểu mọi nỗi niềm. Chúng tôi chỉ cần thanh-minh ở đây rằng dầu không tán thành việc thành lập chánh-phủ Nam-kỳ, người miền Nam đều hiểu tâm-sự của hai cụ và chỉ thương tâm mà không phiền trách. Người miền Nam đều hiểu người ngay thật liêm-khiết như Bác-sĩ Thinh và cụ Hồ-Văn-Trung có thể mắc mưu, lầm-lạc, vì không quan-niệm được những xảo trá đê hèn của chánh-trị (Đức Thánh Khổng làm chánh- trị còn thất bại thay !). Nhưng nếu có lầm lạc thì hai cụ đã lầm lạc một cách chơn thành, không vị kỷ, không vụ lợi.
Cụ Hồ Gò-công tạ thế ngày 4-11-1958, hưởng thọ 74 năm.
SỰ NGHIfiP VĂN CHƯƠNG
Cụ Hồ-Văn-Trung dưới bút tự Biểu-Chánh là một ngôi sao sáng trên vòm trời văn-nghệ miền Nam. Tác phẩm của cụ có thể đặt vào hàng số 1 kể cả về lượng và phẩm.
Cụ là người ham chuộng văn chương, có năng khiếu về quốc-văn từ lúc còn trên ghế nhà trường.
Tập thơ đầu của « U tình lục » ra đời vào năm 1910 ; tiếp theo 5 tác phẩm nữa vừa thơ vừa tiểu thuyết.
Khoảng 1910-1920, cụ có công sáng lập 3 tờ báo : Đại- Việt tạp chí, Tribune indigène, và tờ Quốc-dân diễn-đàn, đồng thời cụ lại cộng tác xây dựng nhiều tờ báo khác như « Trung nhật báo », « Đồng tháp thời báo ».
1921 tới 1941 cụ sáng tác được 44 tác phẩm. Sau khi cho xuất bản cuốn « Cư Kỉnh » là cuốn thứ 44, cụ nghỉ viết một thời gian để lập tờ « Nam-Kỳ tuần báo ».

Di ảnh cố nhà văn Hồ-biểu-Chánh.
Ở nước mình nghiệp văn chương là nghiệp con tằm, sách ra nhiều bán chạy, tác giả vẫn nghèo xác nghèo xơ ! Làm báo mà phụng sự văn-chương nghệ-thuật không sao lại con buôn. Nhưng nghiệp con tằm cứ phải nhả tơ, cụ Hồ lại cầm bút sáng tác trở lại, và thời kỳ 1943-1945 là thời kỳ cụ sáng tác mạnh nhứt : 48 tác-phẩm gồm đủ các loại. Đặc biệt là tập « Ngập ngừng », tập truyện ngắn cụ ưng ý nhứt.
Trong khoảng 1945-1953 vì sức yếu cụ nghỉ viết hẳn 8 năm. Từ đầu năm 1953 cụ mới tiếp tục sáng tác và sáng tác vẫn nhanh chóng đều tay như trước. Trong 6 năm cụ viết xong 22 cuốn, trong số đó phải kể đến những cuốn tiểu thuyết thật dày, như « Những điều nghe thấy » (1115 trang), « Nặng bầu ân oán » (931 trang) và « Trọn vẹn nghĩa tình » (794 trang).
Sẵn có một vốn Hán-học làm căn-bản, lại rành Pháp- văn, đọc nhiều sách, cụ có một lối văn rất bình dị mà lưu- loát đáng yêu. Cụ lại có mắt quan sát trí nhớ theo cặp mắt (mémoire visuelle) của một họa sĩ và biệt tài tả chơn, nên tiểu-thuyết của cụ làm người ta thích thú nhứt những cảnh tình đời sống thôn quê mà cụ đã thâu thập trong cuộc đời chủ quận trải qua gần khắp các tỉnh miền Nam và diễn tả lại rất sống thực và tình tứ trong tác-phẩm của cụ.
Phần đông các nhà phê bình văn chương đều công nhận cụ là một nhà viết tiểu-thuyết bình dân xuất sắc, văn của cụ đơn-sơ bình dị, tác-phẩm của cụ là một kho tàng đáng kể cho nền văn học Việt-Nam. Tiểu-thuyết của cụ có kỹ-thuật, đầy động-tác tình-tiết éo le, bố cục khéo léo ; phần diễn tả tâm-lý nhơn vật không rườm rà giả tạo, theo ảnh hưởng tiểu-thuyết Tây-phương, nhưng đạo-đức của nhà nho vẫn lồ-lộ trong việc ca ngợi trung trinh tiết-liệt, và kết cuộc rất có hậu, nghĩa là thiện ác đáo đầu, hết ly-tán đến sum-hiệp.
Những tiểu-thuyết được hoan-nghinh nhứt của cụ là « Ngọn cỏ gió đùa », « Cha con nghĩa nặng », « Cay đắng mùi đời », « Nặng gánh cang thường », « Tỉnh mộng », « Khóc thầm », « Ai làm được », v.v…
Để chấm dứt tiểu-sử cụ Hồ-biểu-Chánh, chúng tôi xin mượn câu đối của hai thi-sĩ Đông-Hồ và Mộng-Tuyết lấy tên các tác-phẩm của cụ ghép thành để kính điếu :
- Cay đắng mùi đời, con nhà nghèo, con nhà giàu, tiểu-thuyết viết sáu mươi ba thiên, vì nghĩa vì tình, ngọn cỏ cứng gió đùa, tỉnh mộng mấy ai làm được.
- Cang thường nặng gánh, cơn khóc thầm, cơn cười gượng thanh cần trải bảy mươi bốn tuổi, thiệt giả giả thiệt, vườn văn xưa ghé mắt đoạn tình, còn ở theo thời.
Ngày nay cụ đã ra người thiên cổ, cụ mất ngày 4-11- 1958 nhưng tên tuổi còn sống mãi với sử xanh, khắp ba kỳ đều nghe danh biết tiếng, cụ là một tiểu-thuyết gia lỗi lạc, sinh trưởng nơi đất được nổi tiếng là « Địa-linh nhơn-kiệt » có danh từ là Khổng-tước nguyên.(Phỏng theo tài liệu của Phong Cầm, trong Phổ thông, số 4 (1-1-59) trang 54-59 và Nguyễn Hữu Ngư, trong Bách khoa số 45 (15-11-58) trang 25-27).

Bình luận