Nghêu Tiền Giang: Tiềm năng và phát triển

Tiền Giang là tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có bờ biển dài 32km với 3 cửa chính chảy ra biển Đông là Soài Rạp, Cửa Tiểu và Cửa Đại, có nhiều phù sa, chất mùn tạo nên một dãy biển thuận lợi cho nhiều loài sinh vật phát triển, trong đó có con nghêu. Điều kiện tự nhiên khá thuận lợi như vậy nên hoạt động sản xuất, ương nghêu cũng như nuôi nghêu thương phẩm ở khu vực này phát triển mạnh.

4CNthu hoach ngheu1 1 Nghêu Tiền Giang: Tiềm năng và phát triển

Không biết tự bao giờ cái tên “nghêu Gò Công” đã trở nên quen thuộc với người dân trong tỉnh. Nó gợi nên hương vị ngọt ngào, mộc mạc của những món ăn dân dã như: nghêu kho sả, nghêu hấp gừng, gỏi nghêu… cũng như không khí rộn rã của hàng trăm lao động hối hả thu hoạch nghêu trên bãi biển hay tên tuổi của những đại gia nuôi nghêu mà thu nhập hàng năm lên tới hàng tỷ đồng.

Chỉ mới cách đây 5, 6 năm thôi, con nghêu còn là một loại thực phẩm rẻ tiền, bình dân hay những những khi thực phẩm đắt đỏ, chị em nội trợ mua vài ký nghêu về kho sả ăn qua ngày. Thế nhưng chỉ vài năm gần đây, con nghêu đã trở thành món ăn không dành cho người có thu nhập thấp!. Ngày nay, nghêu là nguồn đặc sản của vùng  biển, được kiểm soát thu hoạch chặt chẽ, giá trị dinh dưỡng cao và là mặt hàng xuất khẩu với kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên đến hàng chục triệu  USD, riêng Tiền Giang năm 2008 xuất khẩu nghêu đạt gần 10 triệu USD.

Theo ông Phan Hữu Hội – Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Tiền Giang thì vùng biển khu vực này đang xuất hiện nguồn nghêu giống tự nhiên với diện tích khá lớn. Diện tích có nghêu giống tự nhiên hiện nay khoảng 55 ha, chủ yếu ở xuất hiện ở cồn Ông Mão, cồn Vạn Liễu, Cồn Ngang… thuộc hai huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông với số lượng giống khai thác được từ đầu năm tới nay là 17 tấn nghêu giống. Sự xuất hiện nguồn nghêu giống tự nhiên khá lớn tạo ra điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động nuôi nghêu thương phẩm ở địa phương. Kéo theo sự xuất hiện nghêu giống tự nhiên là sự phát triển nghề ương nghêu. Năm 2008, chỉ có khoảng vài cơ sở ương nghêu, nhưng đến nay đã phát triển lên khoảng 50 cơ sở. Tuy nhiên, các cơ sở này chỉ ương nghêu cám lên nghêu giống, chưa có cơ sở nào ương nghêu giống lên nghêu trung (nghêu đạt kích cỡ nuôi thịt) mà phải bán giống cho các thương lái từ Hà Nội vào để họ nuôi lên nghêu trung và lại bán ngược vào khu vực này để nuôi thành nghêu thịt!. Đây cũng là khó khăn của nghề nuôi nghêu ở địa phương, chưa khai thác hết tiềm năng cũng như chưa chủ động được nguồn giống trong hoạt động nuôi nghêu thương phẩm.

ngheu Nghêu Tiền Giang: Tiềm năng và phát triển

Nhận thấy có được nguồn giống ổn định, ít hoặc không phụ thuộc vào tự nhiên là điều quan trọng, năm 2008, từ nguồn vốn khoa học – công nghệ của tỉnh, Trung tâm Giống thủy sản Tiền Giang đã thực hiện đề tài “Tiếp nhận Qui trình sinh sản nghêu giống” với mục tiêu ban đầu là sản xuất được khoảng 1 triệu giống (cỡ 2-5cm). Qua gần 2 năm triển khai đề tài, cùng với nỗ lực làm việc hết mình của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đề tài đã đạt được kết quả ngoài mong đợi. Sản lượng con giống đạt được là gần 34 triệu con, gấp 34 lần so với mục tiêu đề ra. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm giống Thủy sản tỉnh đã sản xuất được 13 đợt với tổng số lượng con giống là 13,165 triệu con. Trong tỉnh bước đầu đã chuyển giao công nghệ cho 16 hộ và 2 đơn vị (Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, HTX nghêu Phú Tân). Trong thời gian tới,  quy trình sản xuất nghêu giống sẽ được chuyển giao rộng rãi cho bà con sản xuất, từ đó giúp bà con chủ động được nguồn giống trong hoạt động nuôi nghêu thương phẩm. Hiện nay, trên địa bàn đã có 6 cơ  sở sản xuất nghêu giống, bước đầu đã sản xuất được khoảng trên 30 triệu giống, phần nào giảm được áp lực khai thác giống tự nhiên.

Hiện nay, diện tích nuôi nghêu thương phẩm trên địa bàn phát triển với tốc độ khá nhanh với diện tích nuôi hiện tại là 2.300 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 18.000 tấn. Chất lượng nghêu được thị trường đánh giá tốt, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, được thị trường nước ngoài chấp nhận. Nhằm phục vụ công tác xuất khẩu, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Tiền giang cũng thực hiện thoả thuận hợp tác lấy mẫu nghêu thuộc chương trình kiểm soát nhuyễn thể 2 mảnh vỏ với Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 4, khi phát hiện nghêu bị nhiễm các độc tố tảo, vi sinh, kim loại nặng… thì Trung tâm Vùng và Chi cục sẽ kịp thời thông báo tới hộ thu hoạch nghêu và Ban quản lý vùng nuôi nghêu tạm ngưng thu hoạch để tránh những thiệt hại về kinh tế có thể xảy ra cũng như giữ uy tín đối với thị trường nước nhập khẩu.

Từ các lợi thế nói trên, có thể nói con nghêu ở vùng biển Gò Công có tiềm năng, lợi thế không thua bất kỳ địa phương nào, chưa kể đến lợi thế quan trọng là đi trước trong việc sản xuất, ương nghêu giống nhân tạo. Vì vậy, để con nghêu Gò Công trở thành đối tượng nuôi chủ lực, bền vững thì vấn đề quyết định còn lại là vấn đề quản lý của con người. Tuy nhiên, trước mắt phải chú ý một số vấn đề sau:

– Cần xác định  rõ con nghêu Gò Công là đối tượng nuôi chủ lực ở vùng biển Gò Công, có hiệu quả kinh tế cao để từ đó các ban ngành liên quan có sự tập trung cho việc quản lý cũng như đầu tư phát triển.

–  Phải sớm có quy hoạch vùng phát triển nuôi nghêu, trong đó đặc biệt phải có biện pháp phát triển nhanh diện tích nuôi nghêu ở các khu vực mới như Cồn Ngang, Cồn Vượt theo mô hình kinh tế tập thể như: tổ hợp tác, hợp tác xã.

– Sớm có quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất, ương nghêu giống tập trung. Trước mắt là các xã Tân Thành, Tân Điền tạo điều kiện phát triển nhanh lợi thế đối với lĩnh vực sản xuất, ương giống không chỉ phục vụ nhu cầu trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh khác.

– Phải sớm có một chính sách toàn diện hỗ trợ cho sự phát triển con nghêu Gò Công như xây dựng, quảng bá thương hiệu; chuyển giao nhân rộng mô hình sản xuất, ương giống cho người dân, mở rộng diện tích nuôi, kiểm soát chất lượng sản phẩm; cho người dân vay từ nguồn vốn kích cầu của chính phủ, tổ chức quản lý từ sản xuất giống, nuôi thương phẩm… cho đến xuất khẩu.

Trí Quang
Phản hồi