Theo nhận xét của các chuyên gia Nhật thì ngôi nhà nầy tồn tại khoảng 150 năm và đã qua nhiều lần sửa chữa. Nhà có kết cấu kèo cột kiểu chồng rường, bằng loại gỗ căm xe. Các hoa văn chạm khắc, trang trí trên các bộ kèo, xiên, trính và trên các vách cửa, các bao lam bên trong rất đặc sắc theo phong cách đặc trưng Nam bộ. Trải qua nhiều thế kỷ và chiến tranh nhưng điều lạ là hầu hết vật dụng trang trí như các bộ bao lam, hoành phi, liễn đối đến nay vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Độc đáo nhất là bộ bao lam được chạm lọng tùng, cúc, trúc, mai được cách điệu hài hòa, các họa tiết mềm mại, uyển chuyển, thể hiện trình độ mỹ thuật rất cao của người xưa. Ngoài ra còn có các bộ liễn đối khảm xà cừ, các bộ ghế nghi được chạm trổ rất công phu và nhiều vật dụng có giá trị mỹ thuật khác. Chưa kể hàng tá vật dụng bằng sứ được sử dụng trong nhà như bình, dĩa, tách, gạt tànnnn đều thuộc loại quý hiếm.
Được biết, trước đây trong chương trình hợp tác giữa 2 Chính phủ VN-Nhật Bản, Tổ chức JICA đã tài trợ cho dự án khảo sát và trùng tu một số ngôi nhà cổ dân gian tại VN. Dự án do Trường Đại học nữ Chiêu Hoàng (Nhật) phối hợp với Trường Đại học Kiến trúc TP. ************ thực hiện và Tiền Giang là một trong 6 tỉnh trong cả nước được tài trợ. Qua khảo sát 355 căn nhà xưa tại Tiền Giang, phía Nhật đã chọn ra 10% và sau đó gút lại, chọn căn nhà ở xã Đông Hòa Hiệp để đầu tư sửa chữa với tổng kinh phí gần 2 tỉ đồng.Các chuyên gia Nhật đã cho phục chế lại toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà và các vật dụng được trang trí bên trong theo nguyên bản, kể cả phần vách mặt tiền là chấn song gỗ theo kiểu truyền thống xưa.
Anh Trần Tuấn Kiệt là người đang thừa kế ngôi nhà xưa kể. Đầu tiên, các chuyên gia Nhật cho cất nhà tạm để gia đình ở, rồi cất nhà tiền chế để che toàn bộ ngôi nhà xưa và sau đó họ cho tháo dỡ toàn bộ. Tất cả cột, kèo, xiên, trính, ngói, gạch… đều được đánh dấu cẩn thận và đem cất vào những kho riêng. Một nữ kiến trúc sư người Nhật thuộc trường Đại học nữ Chiêu Hoàng, tên là Kaneda, chịu trách nhiệm giám sát thi công đã cùng ăn, cùng ở với gia đình trong suốt hơn 6 tháng thi công. Cô làm rất kỹ, mỗi công đoạn đều được chụp ảnh, lưu vào máy tính. Trước khi tháo dỡ, ngôi nhà được chụp ảnh và khi dựng lại cũng chụp ảnh. Gỗ gì phải phục chế đúng theo loại gỗ đó, có trường hợp gỗ xuôi nhưng thợ đã thay thế bằng gỗ ngang cũng bị cô loại bỏ, không chấp nhận……
Một cán bộ thuộc Ban Quản lý di tích Sở Văn hoá Thông tin Tiền Giang cho biết, trong số 355 ngôi nhà xưa ở Tiền Giang hiện còn khoảng 100 ngôi nhà còn sử dụng tốt, đa số được xây cất vào đầu thế kỷ 20 và một số vào cuối thế kỷ 19, trong đó có ngôi nhà đang sử dụng làm Nhà truyền thống thị xã Gò Công cũng rất độc đáo. Một ngôi nhà khác cũng được xem là có niên đại lâu đời nhất tại Tiền Giang, nhưng đáng tiếc đã bị tháo dỡ khi tiến hành xây dựng chợ Gò Công vào những năm trước.