Nhà Đốc Phủ Hải vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc Á đông kết hợp châu Âu với các vật liệu gỗ quý, đá cẩm thạch.
Nhà Đốc Phủ Hải là công trình kiến trúc nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1994.
Nhà Đốc Phủ Hải được xem là ngôi nhà cổ còn bảo quản hoàn chỉnh nhất. Nhiều người nước ngoài đến tham quan cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ vẻ đẹp của ngôi nhà. Một du khách đến từ Anh chia sẻ đây là lần đầu tiên cô có dịp tận mắt chiêm ngưỡng một ngôi nhà giá trị như vậy. “Đây cũng là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam. Các công trình kiến trúc ở đây kích thích sự tò mò của tôi rất nhiều”, nữ du khách nói.
Chiếc đàn kìm, nhạc cụ cơ bản của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, cũng là chi tiết trang trí được chạm trổ trong nhà.
Qua thăng trầm của thời gian, công trình được bảo quản gần như nguyên vẹn có hơn 350 khuôn biển trang trí, đại tự, liễn khảm xà cừ và 70 cổ vật. Trong nhà còn có các đồ dùng quý như tủ, ghế khảm xà cừ, bàn đá cẩm thạch, đồ sứ Trung Quốc và Việt Nam thế kỷ 17-18. Nổi bật là giường Thất Bảo lát những tấm đá cẩm thạch màu sắc khác nhau, chân chạm nổi hoa lá, khảm xà cừ và hai bộ đi văng bằng đá cẩm thạch màu trắng vân đen.
Trên đầu cột và vòm cửa chạm nổi hoa văn. Các tủ, bàn, ghế được chạm trổ theo kiểu Louis tinh xảo. Vật liệu đều làm từ gỗ quý hay cẩm thạch. Nhờ đó mà trải qua hơn trăm năm, ngôi nhà vẫn giữ nguyên vẻ đẹp khiến không ít người trầm trồ khi có dịp ghé thăm.
Lối đi xung quanh ngôi nhà thiết kế dạng cửa vòm theo kiểu Roman, mang nhiều ánh sáng cho ngôi nhà.
Phù điêu đắp nổi ngay giữa tiền sảnh bước vào ngôi nhà.
Hiện ở Việt Nam, những ngôi nhà có lối kiến trúc Á Đông kết hợp hài hòa với phong cách Roman còn lại rất hiếm. Đây cũng là địa chỉ được nhiều đôi uyên ương chọn để chụp album cưới hoặc được lấy làm bối cảnh cho nhiều bộ phim có nội dung thời Pháp thuộc.
Bao quanh ngôi nhà là những mảnh vườn có cây cối xum xuê, rợp bóng mát.
Nhà Đốc phủ sử Nguyễn Văn Hải hay nhà Đốc Phủ Hải tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang có không gian cổ kính. Công trình được xây dựng vào năm 1860. Thuở mới xây, đây là nơi sinh sống của bà Trần Thị Sanh (vợ của Anh hùng dân tộc Trương Định). Sau khi vào chùa quy y, bà Sanh để lại nhà cho các con cháu. Cháu ngoại bà Sanh lấy Đốc phủ sử Nguyễn Văn Hải và sống trong ngôi nhà này.