Gò Công Xưa – Nhơn kiệt Gò Công

Gò Công Xưa – Nhơn kiệt Gò Công

ÔNG ĐỐC PHỦ ĐỨC

Ông Lê-tấn-Đức người làng Thành-phố, thuở nhỏ theo Hán-học, lớn lên thi đậu ra giúp Triều-đình làm một văn- quan. Gặp thời nhiễu-nhương, triều-đình nhượng bộ địch quân xâm lấn, ông khổ tâm tại vị chờ thời. Là một nho-sĩ trói gà không chặt, con người thuần hậu và thế cô sức yếu, dẫu thù giặc phải ôm ấp trong thâm-tâm. Làm quan đồng thời với Lãnh-binh Tấn, ông làm trái ngược bạn đồng liêu. Trong khi Lãnh-binh Tấn gào ra khói thét ra lửa, Lê-tấn- Đức, như tên ông đã chỉ, đem nhơn-đức băng bó bớt những vết thương đau của dân chúng. Một trong những công-đức lớn của ông là cho đào ao lớn tại làng Thành-phố. Dân chúng tri ơn, tới ngày nay còn gọi ao ấy là ao Ông-Đốc, vì về sau ông lên chức đốc-phủ-sứ. Tại Gò-công ngày nay có một con đường gọi là đường Đốc-phủ-sứ để tưởng niệm người hiền đức biết thương dân. Chúng tôi đề-nghị gọi đường này là đường đốc-phủ Đức cho rõ rệt hơn và có tính cách lịch-sử, hơn là gọi trơn đường Đốc-phủ-sứ, vì Đốc-phủ- sứ trơn có nghĩa gì đâu ? Đốc-phủ-sứ nào mới được chứ ? Vì cũng có vài Đốc-phủ quỉ-sứ đó thì sao ?

image 24 Gò Công Xưa – Nhơn kiệt Gò Công

ÔNG CHỦ SỰ THIỀU

Tại Gò-công có con đường được đặt tên là đường Chủ-sự Thiều. Chủ-sự Thiều là ai ? Đã làm gì để được nêu danh muôn thuở ?

Ông tên thật Trần-đình-Thiều, người làng Thuận-ngãi (làng Thành-phố). Từ nhỏ theo Hán-học, ông thông-minh và hiếu học. Dưới triều Tự-Đức, luôn hai khoa ông thi đậu Tú- tài. Được bổ ra làm việc, ông giữ chức Hình-bộ chủ-sự tại Đế-đô, kinh thành Huế.

Đời làm quan một mực thanh-liêm chánh-trực, lúc chí-sĩ trở về Gò-công, ông lập trường dạy học, đem sức già đào luyện lớp hậu-sinh. Nhờ công lao dạy dỗ của ông, học trò nhiều người nên danh phận.

Ông cũng là một văn nhân có hạng, bài phú « Tân-hòa thắng-cảnh » của ông còn truyền tụng đến ngày nay.

Công đào tạo thanh-niên, công vun bồi văn-học, ông Nguyễn-đình-Thiều quả xứng đáng được nêu danh và tưởng niệm.

BÀI PHÚ TÂN-HÒA THẮNG CẢNH

Của TRẦN ĐÌNH THIỀU, Chủ Sự Bộ Hình dưới triều TỰ- ĐỨC. Theo vần : « Phong Thủy Xuân Quang vô hạn »

Vần Phong : Kỷ Gò-công chi thắng tích, diễn Hòa thạnh chi di phong, Ngưỡng Thiên địa chi Bình thành, phong hòa hải nhuận, Mộc Hoàng Ân chi Mỹ Lợi, vật phụ dân phong.

Tân niên, Tân thới, Hòa lạc Hòa đồng.

Vị nhơn hổ đầu chi thu, cẩn tuân hòa nghị.

Cát dĩ Long-hưng chi địa, thủy thuộc Tân Long.

Vị Thiên đạo chi bất khả chuyển hề, Nam Kỳ Lục Châu tịch như thu dạm.

Hà thế đạo chi đại khả quan hề, Tân Hòa nhứt hạt lệ nhược xuân nồng.

Vần Thủy : Tắc kiến : Đông tắc Bãi bùn, Lôi rạp nhai my, Tây tắc VÀM GIỒNG Định Tường giái chỉ :

Tiểu hải nam thông, (cửa tiểu)

Tra giang bắc kỵ (sông Tra)

Thiên sản Nga mi chi tú sắc, thông uất Qui-Sơn. Địa lưu Ngân phái chi kỳ văn, quanh hồi Bức thủy Cương-giồng, Xa-giồng, Tự-giồng, Tháp-giồng.

Lâm-thị, Châu-thị, Huê-thị, Diệp-thị,

TÂN THÀNH kinh đạo, thoan chức tung hoành.

Vĩnh-trị nhai cù, kỳ bàn bố trí.

Giao nguyên nhứt vọng Bình điền tác tức thiên thu Vĩnh Lợi.

Vần Xuân : Quan phu : Lầu đài xứ xứ, xa mã phân phân. Đô đầu tống phách, phố diện nghinh nhân.

Hoàng kiều hê ảnh thềm hồng nghê, nhơn tư kiển phước. Giáp đạo bề quang diêu đăng chúc, dạ khách Bình-xuân.

Học xá vi tấn đạo chi môn, du sức tàn tu tài đồi Long-thành.

Án trường nãi trị dân chi sở, binh diêu thuế khóa chánh hóa

Tuân duân.

Vần Quang : Chí kỳ : Hiển vinh thích lý, quí dự tiêu phòng. Văn tắc duy trướng vận trù Quốc công vị cực

Võ tắc trung hưng dực tá, Phò mã danh dương.

Khoa mục xuất : Thuận Ngãi, Long-đông, Đồng-sơn, Thanh- nhựt

Nghĩa dõng lưu : Mộ-già, Trước-phụ, Ngư-trai, mộng- thương.

Túng linh Quách phác tinh dư, diệc viết : Địa linh nhân kiệt.

Nhược hữu hữu thừa thiện họa, nan miêu : Thủy sắc sơn quang

Vần Vô : Tha như : Phong lưu dật khách, diễm lệ danh thù. Triều ca tịch xướng, giang hạm đồ cu.

Phạn nhơn chi quán, mãi tửu chi lô, sơn tu hải vị hữu thời hữu : hương lạp thanh trì vô sư vô.

Hoặc thưởng nguyệt ư Thành-phố chi cao lầu, nghi đăng Bồng đảo.

Hoặc nghinh phong ư Bến chùa chi lương tạ, tưởng thượng Võ vu.

Vần hạn : Nhiên nhi : Phong cảnh bất thù, giang sơn hữu hạn.

Xúc mục tâm hoài lịnh nhân thần vảng.

Niệm thử nhựt phồn hoa Phú-thạnh, nãi thị tân triều Bình- phục chi châu dư.

Tưởng đương niên suất thổ phổ thiên, diêu chúc Ngã hoàng trường xuân chi ức vạn.

GIA HỈ

ÔNG ĐỐC PHỦ NGUYỄN-VĂN-NGUYÊN

Tại Tòa-bố (dinh tỉnh-trưởng) Gò-công, khách viếng thăm giở quyển sách vàng ghi danh những nhơn vật hữu-danh hoặc có công-lao với tỉnh nhà, thấy có ghi tên ông Đốc-phủ Nguyễn-văn-Nguyên, một viên quan gương mẫu giữa buổi giao thời cựu-học nhường cho tân học.

Sanh tại làng Bình-an, Gò-công, ông là một trong những người thức thời, theo tân-học sớm để quyết tiến-bộ và giúp đồng bào mình tiến-bộ.

Ông là người kỳ cựu trong phái tân-học ở Gò-công. Khởi đầu chỉ là một viên thông-ngôn, ông vừa làm vừa học và đi lần lên chức Đốc-phủ-sứ là chức quan cao nhứt ở miền Nam dưới thời Pháp thuộc.

Trong lúc giao thời, một số người tham-nhũng ra làm việc cho Tây, lợi-dụng sự bất đồng ngôn-ngữ đã làm giàu nhờ bóc lột đồng bào. Chúng ta không còn lạ gì những chuyện thông-ngôn đi với người Pháp đến nơi đâu cũng chỉ đất đai mà nói là ruộng vườn của hắn rồi xin giấy tờ chứng nhận mà đoạt điền-thổ của đồng bào không biết nói tiếng Tây, không kêu ca vào đâu được. Chúng ta cũng dư biết giòng họ của một vài tên bồi Tây được sắp hạng giàu nhứt nhì tam tứ ở miền Nam nhờ « thông-ngôn » thuở quân Pháp mới sang.

Trái ngược hẳn bọn thông-ngôn « móc họng đồng-bào » đó là ông Nguyễn-Văn-Nguyên đã dùng sự thông-thạo tiếng Pháp của mình mà che chở đồng bào, làm cho người Pháp am-hiểu và kính nể người Việt hơn. Những vụ bất công được ông mạnh dạn tố-cáo, những người cô-thế bị hiếp đáp được ông chở che binh vực.

Tánh-tình thuần-hậu và thanh-liêm, đời làm quan của ông trên kính nể dưới yêu vì, một đóa hoa thơm trong thời nước mất.

ÔNG HUYỆN HUỲNH-ĐÌNH-NGUƠN

Ông huyện Huỳnh-đình-Nguơn cũng có tên đường ở châu-thành Gò-công cũng là một nhơn vật đáng kính mến.

Sanh tại làng Yên-luông-đông, sau dời về làng Thành- phố, thuở nhỏ theo Hán-học, tuy không thi cử nhưng ông nổi tiếng là người học giỏi, được kể là một vị túc nho.

Thâm nhiễm đạo thánh-hiền, biết tu thân tề gia, khi được cử làm Cai-tổng ông đã làm tròn phận sự người đại- diện trung-gian giữa chánh-quyền và dân chúng nên được đời tưởng niệm. Về sau ông được thăng chức Tri-huyện nên có con đường để ghi ơn ông ở Gò-công, gọi là đường huyện- Ngươn.

Ngoài việc quan, thú tiêu-khiển của ông là làm thi và ngâm vịnh. Giọng ngâm của ông rất truyền cảm, và thi văn ông để lại còn được truyền tụng khá nhiều. Nếu có dịp, chúng tôi sẽ ra công sưu tập thi-văn của các bậc tiền bối ở tỉnh Gò, làm một cuốn cổ kim nhân-vật Gò-công thi tập.

ÔNG ĐỐC-HỌC HỘ

Giới học đường Gò-công từ giáo-viên đến học sinh, không ít thì nhiều, đều nghe danh ông Huỳnh-Thiên-Hộ.

Tuy là người sanh trưởng tại Quới-sơn, Mỹ-tho, sau khi tốt nghiệp trường Trung-học D’Adran ở Sài-gòn, ông đã hiến cả cuộc đời dạy dỗ thanh thiếu niên tỉnh Gò-công.

Là một nhà mô-phạm gương mẫu, giỏi cả hai ngôn ngữ Pháp-Việt, ông là người Việt đầu tiên được giao phó quyền Đốc-học tỉnh Gò-công và Thanh-tra các trường làng, tổng.

Để tưởng niệm một bực đàn anh trong ngành giáo-huấn đã hiến trọn cuộc đời lo đào luyện các thế-hệ thanh niên, ở Gò-công có một tục-lệ đáng khen là mỗi năm tới kỳ bãi trường, Trường Tiểu-học Gò-công có làm lễ truy-điệu ông đốc-học Huỳnh-thiên-Hộ và các giáo viên quá vãng.

Yêu trẻ, yêu nghề, ông đốc-học Hộ đã lưu tại Gò-công một tiếng thơm muôn thuở.

Nhơn dịp xuống Gò-công sưu-tầm tài-liệu, vạch bóng người xưa ghi lại những cái gì còn lại, chúng tôi hân hạnh được cụ Nguyễn-Văn-Thắng, bút hiệu Thiên-Kim, năm nay ngoài 70 tuổi (cụ cũng là một thi gia kỳ cựu có tên trong Khổng-thánh văn-đàn) giới-thiệu cho chúng tôi đến thăm bà Huỳnh-thiên-Hộ tức là bà Bảy Lễ, năm nay ngoài 90 tuổi, nhưng người còn khỏe mạnh, ăn nói rắn-rỏi. Hiện nay bà sống ở trong một ngôi nhà ngói xưa trước có sân cỏ rộng. Bà vui vẻ niềm nở tiếp chúng tôi và kể lại bao mẫu chuyện xa xưa xảy ra trên đất Gò cách nay 60 năm, nào là những thiên tai nước lụt trận bão năm Giáp-thìn, giặc cào-cào phá hại mùa màng, kế bạch-đồng đại-họa liên tiếp 3 năm gieo sự tang thương trong tỉnh thật là bi đát.

Còn riêng về ông Huỳnh-Thiên-Hộ bà chỉ nói sơ qua cuộc đời của ông khi còn sanh tiền, tánh tình hiền hậu ngay thẳng, một đời chỉ biết phục-vụ với nghề-nghiệp dạy dỗ môn sinh, đào tạo rất nhiều người thành tài có địa-vị trong xã hội, những môn-sinh của ông tại Gò-công ngày nay còn sống có người trên 70 tuổi, như ông Nguyễn-văn-Thắng, Nguyễn-đình-Trị, v.v… ông để lại tiếng thơm bay khắp, là thanh cần liêm khiết. Đến khi nhắm mắt được người đời nhắc nhở.

Nửa giờ hầu chuyện cùng bà Bảy, chúng tôi thâu lượm được nhiều tài-liệu quí giá do bà kể lại, không dám làm phiền bà lâu, chúng tôi bèn kiếu từ ra về lòng càng thêm cảm mến. Bà thật là có phước đức mới thọ tới tuổi này mà không lẫn lộn chi cả.

Quyển sách này ra đời cũng nhờ bà đóng góp một phần rất lớn về tài-liệu di-tích lịch-sử ở đây.

ÔNG LÊ-QUANG-LIÊM, TỰ BẢY

Đất Gò-công là một địa-linh sản xuất nhiều tay học giỏi. Ông Lê-Quang-Liêm, tự Bảy, cũng đáng kể là một trong những người học giỏi ấy.

Sanh năm 1881 tại châu thành Gò-công, ông từng học tại Trường Trung-học Mỹ-tho rồi lên Trường Chasseloup- Laubat Sài-gòn. Thi ra trường đậu số 2, năm 1897.

Sau năm bổ Học-sinh Thư-ký tại Soái-phủ Nam-kỳ, được biệt phái qua phủ Toàn-quyền Đông-dương từ 1899 đến

1906. Đậu Tri huyện năm 1909 và lại đậu thủ-khoa. Năm 1914 được thăng chức Phủ.

Trong Đệ-nhứt Thế-chiến, ông được chọn phái qua Pháp làm Công-cán Ủy-viên, với tư cách phụ-tá giám-sát các lính pháo thủ và lao-động Đông-dương từ 1918 tới 1920. Làm Đại-biểu Hội Cô-nhi tử-sĩ từ 1914 đến 1918, thăng Đốc- phủ-sứ năm 1920, được hồi hưu theo đơn xin năm 1926.

Hoạt-động chánh-trị, kinh-tế, xã-hội :

Thời Pháp thuộc, ở Nam-kỳ là thuộc-địa, chánh-quyền thực-dân cũng phải vẽ ra những hình thức dân-chủ để che mắt thế-gian và cũng để quốc-hội bên Pháp không đả kích mấy viên Toàn-quyền Thống-đốc là độc-tài chuyên-chế. Vì vậy ở Nam-kỳ mới có những cái nghị-viện na ná như Hội- đồng quản-hạt (người ta quen gọi như thế nhưng đúng ra là Hội-đồng thuộc-địa : Conseil colonial), Phòng canh-nông, phòng Thương-mãi. Quan trọng hơn hết trong những viện này là Hội-đồng quản-hạt gồm có hai phần ba người Pháp, một phần ba đại-biểu Việt-Nam. Vai tuồng của Hội-đồng này là kiểm-soát hành-chánh của tất cả miền Nam, xem xét dự trù ngân-sách và cách thi hành, thảo luận thế khóa và các dự án kiến-thiết. Hội-đồng quản-hạt kiểm-soát tất cả hành-vi quyết-định của viên Tổng-đốc Nam-Kỳ, như một quốc-hội kiểm-soát chánh-phủ, ngon lắm chứ phải chơi đâu?

Có điều trong Hội-đồng này người Việt chỉ là thiểu-số, và cách bầu cử hội-viên ngăn rào đón ngõ không phải ai ai cũng có thể ra tranh và đắc cử được. Thực-dân tin cậy nơi giai cấp tư sản và công chức cao cấp, nên điều lệ Hội-đồng quản-hạt chỉ mở cửa cho đại điền-chủ, đại thương gia và từ huyện, phủ, đốc-phủ trở lên thôi, nhóm tranh đấu của mấy anh Thâu, Thạch, Tạo, Mai, kiếm thế nhảy vào nhiều lần để

« phá gạo » thực-dân mà không được, vì dầu có dư số thăm đắc cử cũng bị điều lệ gạt ra ngoài. Sở Lao-động của nhóm tranh-đấu lọt vào Hội-đồng Thành-phố Sài-gòn được mà không vào chỉ cố làm sao vô Hội-đồng quản-hạt để làm cho viên Thống-đốc mất ăn mất ngủ. Tuy vậy trong Hội-đồng quản-hạt cũng có những tay cừ như De Lachevrotière, Nguyễn-Phan-Long, Trần-Văn-Khá, Huỳnh-Ngọc-Nhuận có tiếng là dám ăn dám nói và được Thống-đốc Nam-kỳ vuốt ve.

Ông Lê-Quang-Liêm, tự Bảy, đắc-cử Hội-đồng quản-hạt ngày 30-9-1926 và được tái cử 2 khóa nữa năm 1931 và 1935. Đồng thời ông cũng đắc-cử nghị-viện canh-nông năm 1930 và được cử phó chủ tịch viện này từ 1930 tới 1932. Ông cũng được cử phó chủ tịch Hội-đồng quản-hạt năm 1937 và 1938.

Dưới thời thực-dân, ngoài các hội-đồng địa-phương, họ có một cơ-quan như nghị-viện lớn chung cho cả các xứ Đông-dương là Hội-đồng kinh-tế lý tài (Conseil des intérêts économiques et financiers de l’Indochine). Đại diện Hội- đồng quản-hạt và canh-nông, ông Lê-Quang-Liêm được cử dự Hội-đồng kinh-tế lý tài Đông-dương luôn 4 khóa 1929- 1930, 1932-1935, 1935-1936, 1937-1938.

Đời chánh trị của ông Lê-Quang-Liêm, tự Bảy, vẫn hiền hòa như con người ông, và ông đã từng hoàn cảnh binh vực quyền lợi của nông gia miền Nam. Ngoài ra ông cũng cố- gắng giúp-ích đồng bào bằng sự sáng lập Hội khuyến-học,

Nghiệp-đoàn canh-nông, hội Sicam ở Rạch-giá từ 1926 tới 1931. Và ông là một trong những sáng lập viên quỹ đầu tiên của các trường học ở miền Nam là quỹ của Tỉnh Chợ- lớn.

Ông cũng có công trong việc sáng lập Việt-Nam ngân hàng hội Đức-Trí Thể-dục và trường nữ trung học Gia-Long.

Đời làm quan thanh-liêm, đời chánh-trị hiền hòa, đời xã- hội lo hoạt động giúp đồng bào, và mặc dầu không có sự nghiệp văn chương, lúc hưu trí về Gò-công, ông đã lập hội dựng Miếu Khổng tử để chấn hưng văn-học và nho-học với các người bạn già Hồ-Biểu-Chánh, Nguyễn-Đình-Trị, Trần- Văn-Quảng, Nguyễn-Duy-Dương v.v…

Huỳnh Minh

Bình luận