Gò Công Xưa – Chưởng Cơ Mai Tấn Huệ

Gò Công Xưa – Chưởng Cơ Mai Tấn Huệ

VÀI NÉT VỀ DANH-NHÂN LỊCH-SỬ GÒ- CÔNG XƯA VÀ NAY

GÒ-CÔNG LÀ MỘT XỨ ĐỊA-LINH NHƠN-KIỆT

Tuy không trù-phú lắm, xứ Gò-công cũng nuôi sống dân mình một cách sung túc và đóng góp một phần quan-trọng vào sự thịnh-vượng của nền kinh-tế nông-nghiệp quốc-gia. Gò-công cũng sản-xuất lắm nhơn tài làm rạng rỡ tỉnh nhà, trong công cuộc tranh đấu xây dựng đất nước.

Nếu đã lỡ sanh một Huỳnh-Công-Tấn làm cho cỏ cây sầu tủi, thì đã có một Trương-Công-Định đem máu xương tô-điểm sơn-hà, một Từ-Dũ hoàng thái hậu noi gương mẫu nữ-lưu, một Mai-Tấn-Huệ để danh cho đất Gò trên đập Ông Chưởng, một Quận-công Võ-Tánh tô đậm những trang sử vàng son, oai hùng tại Đầm-Vạn-Thắng danh bia muôn thuở…

Non nước có lúc thạnh lúc suy. Và trong những lúc suy mới rõ đâu là con thảo tôi trung, đâu là phường buôn dân bán nước. Ta không có quyền bắt buộc ai ai cũng phải là anh-hùng nghĩa-sĩ vị-quốc xã thân. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi tánh tình, sở trường sở đoản không giống nhau, chỉ cầu mong một điều những người sức yếu thế cô, trong hoàn cảnh nào cũng liệu thế giúp nước cứu dân là được.

Sau những năm chinh chiến khói lửa, máu anh-hùng yêu nước đã tràn nhuộm non sông, trước sự yếu hèn của

một triều-đình phong-kiến bạc-nhược, những vua chúa bất minh, nước Việt Nam lọt dưới quyền đô-hộ của thực-dân hùng mạnh. Trong suốt thời kỳ đô-hộ, những nhà ái-quốc chân thành nóng lòng liều mình tranh-đấu mãi dầu là tuyệt- vọng, song cũng có những người ẩn-nhẫn chờ thời cơ. Có khi ra hiệp tác với thực-dân, nhưng cốt để chở che cho dân chúng. Vì lẽ đó trong cuốn sách này trong mục danh-nhân và nhân-sĩ Gò-công chúng tôi nhắc nhở đến tất cả những ai có nhiều ít công lao với tỉnh nhà và dân chúng.

CHƯỞNG-CƠ MAI-TẤN-HUỆ

Từ khi chúa Định-vương Nguyễn-Phúc-Thuần chạy vào Gia-định, mảnh đất miền Nam biến thành trường dụng võ, tranh-hùng giữa hai thế-lực Tây-sơn và Nguyễn vương khai sáng. Anh-hùng hào-kiệt Đồng-nai có cơ-hội xuất đầu lộ- diện. Các danh tướng lỗi lạc như Đỗ-Thành-Nhân, Võ-Tánh, Châu-Văn-Tiếp, Nguyễn-huỳnh-Đức, Trương-Tấn-Bửu, Lê- Văn-Duyệt, Nguyễn-Văn-Nhơn, v.v… mỗi người đều có bản sắc riêng, oanh-liệt hào-hùng đáng được cho đời nhắc nhở.

Nhưng kể về mặt có công giúp đỡ cho dân chúng một cách thực-tế hơn cả, đáng kể có Thoại-Ngọc-Hầu, Nguyễn- Văn-Thoại với công cuộc mở mang đường thông-thương xuyên con kinh Vĩnh-tế, và chưởng-cơ Mai-Tấn-Huệ trong việc mở mang khu-vực Bình-luông-tây.

image 16 1024x461 Gò Công Xưa – Chưởng Cơ Mai Tấn Huệ
Lăng Mai Tấn Huệ

Trước kia, làng Bình-luông-tây rộng lớn, bao trùng các làng Bình-luông-đông, Bình-luông-trung, Long-thạnh, phân nửa Long hựu và phân nửa Tân-cương bây giờ.

Mai-Tấn-Huệ quê quán ở Giồng-lăng, làng Bình-luông- tây, tỉnh Gò-công, nay thuộc về địa-phận làng Tân-cương.

Ông theo đòi nghiệp võ từ thuở trẻ, tài nghệ vang tiếng xa gần. Khi Võ-Tánh bỏ mười tám thôn vườn trầu xuống Giồng-Tre (gọi là Khổng-Tước nguyên, tức Gò-công), ông theo làm bộ tướng của Võ-Tánh. Ấy là đạo binh Đông-Sơn, mục-đích chống nhau với Tây-sơn. Lực-lượng quân đội Đông-sơn càng ngày càng bành-trướng, có thinh thế lớn, một phần chính do công lao của ông khéo chiêu mộ thêm và tổ-chức có quy củ hẳn hòi. Có thể nói ông chính là cánh tay mặt của Võ-Tánh khi ấy, khiến cho tên tuổi họ Võ ngày một vang lừng.

Chẳng bao lâu, chúa Nguyễn-Phúc-Ánh cho Nguyễn- Đức-Xuyên đến chiêu dụ. Võ-Tánh khứng theo về ; ông trước có mặt trong đạo quân của Võ-Tánh, từng xông pha trận mạc, từng phen đương cự với Tây-sơn và Chân-lạp, danh tiếng nổi dậy trên các chiến trường. Tuy nhiên, ông vẫn còn là thuộc tướng của họ Võ nghĩa như chủ khách, tình như anh em, sống chết hoạn nạn có nhau.

Đến khi Võ-Tánh tử tiết trong thành Bình-định, ông và Nguyễn-Văn-Tấn đứng lên cai quản binh tàn. Giai đoạn này bản sắc hào hùng của ông mới nổi bật. Ông nghiễm nhiên là một vị danh tướng, tài năng thi triển không kém gì Võ-Tánh bao nhiêu. Chúa Nguyễn mười phần đẹp ý, tín nhiệm ông, trọng dụng và ban thưởng rất hậu. Đáp ơn tri ngộ, từ đây ông thỏa chí vẫy vùng hơn nữa.

Lấy lại được Qui-Nhơn, chúa Nguyễn phong ông làm quan lưu-thủ tại đây. Bấy giờ ông lại có công dẹp bọn giặc cướp ở Cây-na, dẹp giặc Tàu ô ở cửa biển Kim-bồng và dẹp được giặc Mán ở Quảng-Ngãi. Bao nhiêu công trận an dân, giữ đất kể trên đủ là bằng chứng hùng hồn định chân giá-trị làm tướng của ông. Chẳng những ông được các chiến-hữu khen phục, dân chúng mến tưởng, mà chúa Nguyễn cũng tin yêu hơn lên. Trong việc xây đấp hoàng thành Phú-Xuân, chúa Nguyễn cũng ủy thác cho ông coi sóc.

Bình-định thiên hạ, thống nhất non sông, sự đóng góp của ông cũng ngang hàng với các tướng lãnh hữu danh khác. Thế nên khi lên ngôi vua, luận công ban thưởng, chúa Nguyễn-Phúc-Ánh trao cho ông trọng trách trấn giữ thành Bình-định.

Đến năm Ất-sửu 1805, ông được phong chưởng cơ. Những khi trong nước có giặc cướp, biến loạn, ông thường được nhà vua giao cho sứ mạng để đánh dẹp, đều thành công cả. Nơi nào ông điều động binh sĩ đi qua, nơi đó dân chúng được nhờ ơn che chở, lo việc an ninh châu-đáo. Quân luật của ông rất nghiêm minh, các thuộc hạ của ông không ai dám làm điều sái quấy, nhũng nhiễu dân. Bởi thế, ông trấn giữ chỗ nào, tiếng tốt bia truyền, nhân dân cám đức xưng phục.

Tuổi về già, ông dân biểu xin cáo quan quy điền. Nhà vua tỏ lòng luyến tiếc, ban cho ngự tửu và để lời ân cần : « Một mai nước nhà có việc, khanh hãy vì xã-tắc mà ra sức như thuở ban đầu, đừng để phụ lòng Trẫm ưu ái ».

Ông cúi đầu tuân mạng. Ngày ông lên đường về quê, các quan vâng chỉ đưa tiễn hơn trăm dặm, xem như thế, đủ biết ông được triều-đình tưởng lệ là ngần nào.

Lui về ở tại ấp Bình-hòa, thuộc làng Bình-luông-tây, ông mở trường dạy võ, đào luyện con em trong làng xóm để bảo-vệ thôn ấp những khi có biến và dự bị nhơn tài để ra giúp nước cơn biến loạn. Ngưỡng mộ tăm tiếng ông, học trò xa gần đến thọ giáo ông đông đảo.

Ít lâu, ông lại cùng dân chúng lo phá rừng mở ruộng, ông có đấp một cái đập ngang ngọn Rạch Dà, lưu truyền cho đến nay tục gọi là « Đập Ông Chưởng ».

Ngày ông qua đời, triều-đình có phái quan đem vào ban cho một hộc mả đá ong và một tấm mộ chí.

Hiện nay, mộ ông còn tại Bình-luông-tây, ấp Bình-hòa, Miếu thờ cất bằng lá. Trong năm Quý-Tỵ 1943, hội đồng xã Bình-luông-Tây có đệ đơn xin phép lập một hội gọi là « Long-An-Hội » để lo việc thờ phụng ông.

Huỳnh Minh

Bình luận