Phong thủy Gò Công: Vùng đất sinh ra hai bà Hoàng nổi tiếng sử Việt

Là nơi hội tụ cuối cùng của dãy núi Trường Sơn và sông Cửu Long, đất Gò Công đã sinh ra hai bà Hoàng nổi tiếng trong sử Việt.

Địa thế phong thủy

Thị xã Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang là một nơi rất đặc biệt. Sở dĩ nơi đây được gọi là “Gò Công” là bởi xưa kia có rất nhiều chim công, người Khmer gọi là Aih Amrak (nghĩa là con công), người Việt gọi theo tiếng Hán Việt là “Khổng Tước khâu”, sau này gọi là Gò Công.

Người xưa có câu “đất lành chim đậu”, hẳn Gò Công phải là vùng đất đặc biệt nên mới có nhiều chim tìm về đến vậy. Xét về địa thế thì nơi đây quả là đặc biệt, bởi vì nó là nơi cuối của dãy núi Trường Sơn và sông Cửu Long.

Dinh Chánh Tham Gò Công Phong thủy Gò Công: Vùng đất sinh ra hai bà Hoàng nổi tiếng sử Việt

Dãy Trường Sơn xuất phát từ cao nguyên Thanh Tạng, qua Vân Nam, Thượng Lào rồi vào miền trung Việt Nam, kéo dài đến miền nam và kết thúc ở Gò Công.

Gò Công có sông Tiền Giang, chính là một nhánh sông Cửu Long, bắt nguồn từ Tây Tạng đi qua 6 nước là Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia, điểm cuối đổ ra biển ở cửa Đại và cửa Tiểu (đều thuộc Gò Công).

Chính vì thế Gò Công là nơi hội tụ cuối cùng của sơn thủy.

Ở Gò Công có một cái gò hình dạng như mai rùa, gọi là “Giồng Sơn Quy”, người dân vẫn quen gọi là Gò Rùa. Có một truyền thuyết nói rằng nước Gò Rùa mỗi lần thay đổi thì ắt có nhân vật đặc biệt nào đấy vừa xuất sinh hay có biến cố lớn.

Họ Phạm giúp khai khẩn đất Gò Công

Từ thế kỷ thứ 16, chúa Nguyễn Hoàng bắt đầu khai phá về phía nam, mở đầu cho việc di dân về phương nam của các đời chúa Nguyễn. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Khoát vào năm 1755, quốc vương Cao Miên là Nặc Nguyên xin dâng hai phủ là Tầm Bôn (tức Tân An, Long An ngày nay), Lôi Lạt (tức Gò Công, Tiền Giang ngày nay). Từ đó thêm nhiều người Việt đến khai phá vùng đất ở Gò Công.

Theo cuốn “Nam Bộ xưa và nay” thì một trong những người tiên phong đến Gò Công là cụ Phạm Đăng Xương, một nhà nho uy tín thời bấy giờ, người vùng Phú Xuân, huyện Hương Trà (Thừa Thiên Huế ngày nay). Cụ đã dẫn cả gia đình đến và chiêu mộ dân chúng khai phá đất đai, mở mang sản xuất khiến nơi này ngày càng thịnh vượng. Đồng thời cụ Phạm Đăng Xương mở lớp dạy học tạo ra thế hệ trí thức đầu tiên ở Gò Công. Người dân quanh vùng kính trọng gọi cụ là “Kiến Hòa tiên sinh”.

Con trai cụ Phạm Đăng Xương nối nghiệp cha theo nghề dạy học. Các đời tổ tiên họ Phạm khi mất đều được chôn ở Gò Rùa, nơi được xem là đất tốt, nhờ thế mà họ Phạm ở Gò Công nhiều người danh giá.

Đến đời sau này có ông Phạm Đăng Hưng làm quan to đến Lễ bộ Thượng thư, luôn yêu thương dân chúng, hay giúp đỡ khuyến khích mọi người làm nông. Theo “di tích lịch sử dân tộc” thì người dân hay gọi ông là ông “Ba Bị” vì mỗi lần từ quê ra Huế ông luôn nhớ mang theo ba bị lúa giống để phân phát rồi hướng dẫn cho dân cach trồng tỉa.

pham dang hung 1 1 Phong thủy Gò Công: Vùng đất sinh ra hai bà Hoàng nổi tiếng sử Việt
Mộ Phạm Đăng Hưng trong khu di tích Lăng Hoàng Gia ở thị xã Gò Công. (Ảnh Bùi Thụy Đào Nguyên – wikipedia.org)

Sách “Hương Giang cố sự” có ghi chép rằng:

“Ông Ba Bị chính là cụ Phạm Đăng Hưng, người Gò Công, có thân hình cao lớn với bộ râu rậm và cứng như râu Trương Phi. Cụ làm quan trải qua các triều Gia Long và Minh Mạng, nổi tiếng là quang minh chính trực”.

“Năm Gia Long thứ 16, với chức vụ Quàn khâm thiên giám, cụ dâng sớ thỉnh cầu nhà vua cho lập xã thương, tức kho chứa lúa ở các xã trong nước, phòng khi trời hạn hoặc lụt lội mùa màng mất mát, thì lúc ấy trong kho đã có sẵn lúa chẩn cấp cho dân chúng tránh nạn đói.

Vua đồng ý và giao cho cụ thực hiện. Để giúp dân có nhiều lúa nạp vào dự trữ ở xã thương, cụ gửi thư vào Nam bộ xin những giống lúa mới có năng suất cao đem ra phân phát cho dân. Vì thế mỗi lần đi xuống thăm các địa phương, cụ thường mang theo ba cái bị đựng các loại giống lúa quý.

Đến đâu thấy dân làm ăn khó khăn, cụ phát cho một ít và hướng dẫn cách nhân giống. Những nơi nào có quan tham ô lại, gian thương bóc lột dân chúng, cụ thẳng tay trừng trị. Vì thế những người dân lương thiện có cảm tình với cụ. Những người xấu mới thấy bóng cụ thoáng qua đều run sợ”.

Điềm lành tại Gò Rùa

Năm 1810, nước ở Gò Rùa bỗng trở nên rất ngọt. Dân chúng lấy làm lạ liền gánh nước về uống và thấy nước càng ngày càng ngọt, uống vào thì thấy người khỏe ra. Cây cối quanh Gò Rùa cũng trở nên xanh tốt bất thường. Từ đó trong dân gian có câu ca:

Điềm lành tuôn nước ngọt ngào,
Lại thêm phước đức vun cao Gò Rùa.

Cũng vào thời điểm đó phu nhân ông Phạm Đăng Hưng hạ sinh được cô con gái, đặt tên là Phạm Thị Hằng.

Ông Phạm Đăng Hưng có mời các thầy địa lý về xem giúp thế đất phong thủy mà tổ tiên ở Gò Rùa. Các thầy địa lý thời đó cho rằng Gò Rùa là nơi rất tốt, tuy nhiên phía sau gò trống trải, hai bên không có gì ôm che, nên chỉ hưng vượng được một đời chứ không truyền đời.

Đồng thời các thầy địa lý dựa vào cuộc đất Gò Rùa mà cho rằng họ Phạm sẽ phát về phái nữ từ lúc trẻ đến trung niên, hậu vận trắc trở và buồn lo.

Hoàng thái hậu nổi tiếng triều Nguyễn

Cô con gái ông Hưng là Phạm Thị Hằng lúc thiếu thời thích đọc sách, thông kinh sử và có lòng hiếu thảo. Nghe tiếng con gái của Phạm Đăng Hưng đoan trang lại hiếu thảo, Thuận Thiên Cao hoàng hậu (đời vua Gia Long) liền cho gọi vào cung năm 14 tuổi. Nhận thấy Phạm Thị Hằng đoan trang đức độ, Thuận Thiên Cao hoàng hậu liền tác thành cho cháu nội của mình là Nguyễn Phúc Miên Tông .

Sau này Nguyễn Phúc Miên Tông lên ngôi vua, hiệu là Thiệu Trị. Nhờ có lễ nghĩa, Phạm Thị Hằng được phong làm Quý phi. Bà sau này chính là đức Từ Dụ hoàng thái hậu.

tu du 22 1 Phong thủy Gò Công: Vùng đất sinh ra hai bà Hoàng nổi tiếng sử Việt
Tượng đài hoàng thái hậu Từ Dụ tại Bệnh viện Từ Dũ. (Ảnh từ Bảo tàng lịch sử )

Năm 1847, vua Thiệu Trị ốm nặng, bà ngày đêm túc trực thuốc thang không nghỉ. Trước khi mất vua bí mật phó thác cho bà, rồi triệu tập các quan nói rằng: “Quý phi là nguyên phối của trẫm, là người phúc đức hiển minh, giúp ta coi công việc trong cung cấm đã 7 năm. Nay ý trẫm muốn lập làm Hoàng hậu chính ngôi trong cung, tiếc vì việc không làm kịp mà thôi”.

Vua Thiệu Trị mất, con bà là Thái tử Hồng Nhậm lên ngôi tức vua Tự Đức. Vua Tự Đức nhiều lần ngỏ ý tái hôn cho mẹ nhưng bà đều từ chối.

Năm 1849, nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà được sắc phong làm Hoàng thái hậu, hiệu là Từ Dụ. Nguyên nghĩa: “Từ” là tình thương của gười trên đối với kẻ dưới (vì thế mà trong nhà người mẹ còn được gọi là Từ); “Dụ” là giàu có, đầy đủ, khoan thai.

Sử sách triều Nguyễn và các tài liệu liên quan đều ca ngợi đức độ của bà: “Sống trong lầu vàng điện ngọc nhưng bà Từ Dụ rất cần kiệm, thấy vua Tự Đức bày biện những đồ vật quý giá trong cung Diên Thọ cho mình, bà không bằng lòng bảo vua: những thứ này đều do trăm họ dâng nộp, mình không làm đặng sự chi lợi ích cho nước thì thôi, sao dám lạm dụng? Vua Tự Đức phải đem cất hết những đồ đạc quý giá ấy vào kho” (theo “Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn”).

Năm 1859, cây cối ở Gò Rùa đang xanh tươi bỗng đột nhiên héo, nước giếng đang rất ngọt bỗng trở nên mặn suốt một tuần. Đúng lúc đó quân Pháp chiếm được Gia Định, mở đầu thời kỳ suy tàn của nhà Nguyễn trước sự xâm lăng của quân Pháp.

Đúng như lời các thầy địa lý, đất ở Gò Rùa chỉ phát một đời, và hậu vận buồn lo. Khi về già bà không được vui vì người con trai duy nhất là vua Tự Đức còn mất trước cả bà mà lại không có người nối dõi. Việc quân Pháp xâm lăng cũng khiến Hoàng tộc chia rẽ, bà phải chứng kiến bi kịch của các đời vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh và Thành Thái. Tuy bà vẫn ngồi trên ngôi cao nhưng không thể làm được gì nhiều.

Hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn

Vùng đất Gò Công còn sinh ra một bà Hoàng nữa cho nhà Nguyễn, đó là Nam Phương hoàng hậu, tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan.

Để cưới được Nguyễn Hữu Thị Lan, vua Bảo Đại đã phải bãi bỏ cả hậu cung, và giữ lời hứa chỉ có duy nhất mình bà. Trong suốt thời gian ngồi trên ngai vàng, vua Bảo Đại đã thực hiện trọn lời hứa đó. Chỉ đến sau khi thoái vị thì vua Bảo Đại mới thay đổi.

Nam Phương Hoàng Hậu 1 1 Phong thủy Gò Công: Vùng đất sinh ra hai bà Hoàng nổi tiếng sử Việt
Nam Phương hoàng hậu trong triều phục. (Ảnh từ kienthuc.net.vn)

Không biết vì sao mà số phận Nam Phương hoàng hậu cũng không khác nhiều so với bà Từ Dụ. Về cuối đời Nam Phương hoàng hậu phải sống ở làng Chabrignac tại Pháp. Các con lập gia đình và đi học xa nhà, bà Nam Phương phải sống âm thầm trong ngôi nhà vắng vẻ. Dù gia cảnh giàu có đầy đủ nhưng cuối đời bà lại ra đi một cách cô đơn. Nam Phương cũng chính là Hoàng hậu cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn.

Dường như không chỉ bà Từ Dụ mà cả bà Nam Phương cũng đều ứng vào cuộc đất ở vùng Gò Công này. Cuộc đời của hai bà Hoàng không sai khác so với lời đoán của các thầy địa lý: phong thủy chỉ phát một đời, và chỉ phát về nữ mà thôi.

Trần Hưng

Phản hồi