Gò Công là một tỉnh nhỏ nhưng rất quan trọng về phương diện lịch sử và văn hoá. Gò Công góp phần phát triển một nền văn hoá đặc thù của đồng bằng sông Cửu Long.
Nói về những nhân vật cận đại, ngoài những ông Phủ, ông Huyện, Cai tổng, chúng tôi xin kể thêm vài nhân vật rất ít được sách báo miền Nam nhắc tới vì thiếu tài liệu: đó là Đức giám mục Nguyễn Bá Tòng, cố Luật sư Vương Quang Nhường, nhà văn Lê Sum tự Trường Mậu, nhà báo Viên Hoành Hồ Văn Hiến… Ông Phủ hàm Khiêm (Huỳnh Văn Khiêm) một trong những dại điền chủ ở Gò Công, là người có óc thi phú, từng ăn chơi lịch lãm (đá gà) và cũng là Mạnh Thường Quân, lấy nghĩa đãi bạn. Ông Huyện Đậu, một nhà giàu khác, sui gia (?) với ông Đốc phủ Lê Công Sủng, thân phụ công tử Phước Georges, cũng là một gia đình giàu lớn. Ông Huyện Huỳnh Đình Nguồn là người có tâm hồn khoáng đạt, thích làm tho bày tỏ tâm trạng trước thời cuộc… Thơ ông bộc lộ tâm tình, rõ rệt nhứt là tình yêu tổ quốc. Huỳnh Đình Nguồn là bạn của các ông Trương Duy Toàn (nhà báo, soạn giả, nhà cách mạng quê tại Vũng Liêm), Đặng Thúc Liên… Bài thơ “Ngựa sút chuồng bị bắt phạt” cũng nói lên tâm trạng đó:
Một mai chôn cũ dù day vó,
Đường cọp về non mặc dọc ngang…
Đất Gò Công có một dòng họ nhiều thế hệ, còn lần rát; đó là gia đình ông Huyện Hiểu. Theo dân cố cựu đất Gò Công kể lại nếu đi đường thuỷ từ Gò Công qua Mỹ Tho, phải qua rạch Gò Công, Vàm Giồng rồi tới Vàm Kỳ Hôn để qua Mỹ Tho. Rạch Gò Công lúc đó còn hẹp, cạn, ghe lớn phải đợi con nước đầy mới đi lại dễ dàng… Từ Gò Công đến ụ giữa là nửa độ đường, ghe xuồng chèo tới đây phải đậu nghỉ, đợi sáng hôm sau đi tiếp. Vùng này hồi trước thường xảy ra nhiều đám cướp. Họ chân các ghe thường hồ, ghe buôn qua lại lấy tiền, sang hàng hoá rồi chèo đi mất dạng.
Gần ụ giữa, có một ngôi nhà đồ sộ, hai từng, trên gác cao có tấm hoành phi đề mấy chữ: “Ngũ đại đồng xương” (Năm đời xương thịnh). Tò mò khách qua lại ven sông đều trầm trồ ngôi nhà lầu đồ sộ ấy. Dò hỏi thăm, ngôi nhà lớn ấy thì được biết: Đây là nhà ông Huyện Hiểu, một danh gia vọng tộc nhiều đòi đến nay các con cháu đều giàu có (trước khi cộng sản chiếm miền Nam), làm nên sự nghiệp, học hành thành tài. Cũng theo lời kể của dân địa phương: “Ông Huyện Hiểu là người sống ở quê vợ, mà lúc đó thành kiến xã hội rất khắc khe với hạng người ấy:
“Thực lộc chi thể” như cá trê ăn… c.
Cha vợ là ông Hồng Huê, một người có biệt nhãn với ông Hiểu, gả con gái bắt rể vì không có con trai nối dõi. Thay vì sẵn của ăn xài hoang phí, ông Hiểu biết cách tiện cặn làm ăn, khiến cho sự nghiệp cha vợ để lại, mỗi ngày phát triển thêm. Lúc hàn vi, ông Hiểu cũng lận đận như bao nhiêu thanh niên nghèo khác. Vốn liếng kiến thức chỉ có chữ Nho và biết sơ sài chữ Quốc ngữ, chữ Pháp, nhưng nhờ tính tình tháo vát, cần kiệm, được lòng tin cậy của nhiều người. Nhờ đó, ông nối tiếp ông Hồng Huệ tạo sự nghiệp thêm lớn mạnh bằng cách mua thêm đất ruộng và cho các con ăn học. Giàu lớn rồi, ông mua chức Huyện hàm như nhiều đại điền chủ trong Nam. Mỗi lần đi xóm, đi đám tiệc, cầm ba-ton ra đường gặp dân chúng, họ khúm núm:
– Bẩm ông Huyện!
Thời đó, nhiều nhà giàu có lòng nhân, thường làm phúc, bố thí, cứu giúp đồng bào nghèo. “Không hề giàu có đều là trọc phú bất nhân, còn kẻ khố rách áo ôm đều là những kẻ đáng lưu trọng” như thành kiến của cộng sản. Cũng không phải tất cả hạng nhà giàu đều là bọn cường hào ác bá. Giai cấp nào cũng có kẻ tốt người xấu.
Khi ông Hồng Huê chết, đám ma được tổ chức cả tháng. Hàng ngày đều có thực khách và người ăn mày từ các tỉnh lân cận đến lạy, khóc và ăn cỗ no nê. Đó cũng là cách gia chủ bố thí, làm phúc cho linh hồn người chết được siêu thoát. Theo truyền thống, người Việt ít chuộng các hoạt động thương mại. Khi Pháp mới tới Việt nam, mọi nguồn lợi kinh tế đều nằm trong tay các tiểu thương người Tàu gốc Triều Châu. Họ là con cháu Dương Ngạn Địch.
Nhắc đến một số nhân vật tiêu biểu thời cận đại Gò Công, người ta không quên nhắc tới ông Phủ Bảy Lê Quang Liêm. Mục đích của người viết không phải khen chê, so sánh sự nghiệp người này với người nọ, mà chỉ cốt sưu tầm, gom góp và giới thiệu. Chúng tôi chỉ muốn “kể lại sự việc y như nó đã xảy ra”.
Trích Những Phú Hộ Lừng Danh Nam Kỳ
Tác giả Hứa Hoành