GIỒNG NÂU TRẢI QUA BAO CUỘC THĂNG TRẦM NAY LÀ MỘT MẠCH SỐNG CỦA XỨ SỞ

Vườn trầu xã An-hòa, một nguồn lợi đáng kể của tỉnh nầy.
Gò-công, như tên nó đã chỉ, là xứ có nhiều gò đống giồng đất cao, nào giồng ông Huê ở xã Vĩnh-lợi, giồng Sơn- qui, giồng Lức ở Tân-niên-đông, giồng Tháp ở Tân-niên-Tây, giồng Cát, giồng Trôm ở Yên-luông, giồng Găng ở Tân- cương (bây giờ là xã Bình-tân), giồng Trại-cá, giồng Chùa, giồng Gạch, giồng Bà lãnh ở Tân-hòa, giồng Bà lẫy, giồng Bà Canh, giồng Đình ở Tân-thành, sau cùng là Giồng Nâu ở xã An-hòa.
Giồng-Nâu có thể nói to rộng hơn các giồng khác, ở chỗ nó nằm dài từ xã Tân-duân-trung (xóm Kiếng), bây giờ là Phước-trung sanh, qua suốt xã An-hòa chạy luôn tới ấp Vạn-thắng, thuộc xã Bình-ân.
Giồng Nâu nằm theo hình chữ nhứt : Đầu ở Tây Nam, đuôi ở Đông-Bắc xã An-hòa, chiều dài hơn 4 cây số, rộng non một cây số, Giồng toàn là cát vàng rất hợp với việc trồng tỉa.
VÌ SAO CÓ TÊN LÀ GIỒNG NÂU ?
Theo lời các cụ kể lại thì xưa kia ở đây dân cư thưa thớt, giồng toàn là tre xanh và cây cối rậm rạp, nhiều nhất là giống cây ngâu, một loài cây các cụ hay trồng làm kiểng có nụ li-ti như tăm nhang, mọc thành chùm, dùng để ướp trà thì thơm ngon lắm (Hiện nay cây ngâu được trồng rất nhiều ở Bảo-lộc và được chăm sóc chu đáo để lấy hoa).
Loại cây này hiện nay vẫn còn mọc theo rào, lối ngõ trong lũy tre. Ban đầu người ta gọi là giồng Ngâu sau đọc trại dần ra mất chữ (g) thành giồng Nâu. Nhờ đất cát cao ráo mầu mỡ, dễ cuốc xới nên việc trồng tỉa ở đây rất phát đạt, huê lợi dồi dào.
Hầu hết dân sống trên giồng này đều khá giả, nên thu hút dân cư ở vùng khác đến lập nghiệp rất đông, hiện nay có trên 500 nóc gia, dân số trên bốn ngàn. Nhà cửa họ to rộng, khang trang, không ai ngờ trong một vùng tre xanh rậm-rạp như vậy, mà khi đi sâu vào toàn là nhà cao, cửa rộng. Nhà ngói 5 gian, 3 gian, 2 gian, vách tường, vách ván, nền lót gạch. Họ được giàu có như vậy là nhờ trồng tỉa, còn ruộng lúa thì rất ít chỉ làm được một mùa thôi, đủ dùng trong xã ít, khi bán ra. Phần tiền bạc dồi dào là nhờ huê lợi trầu và đồ hàng bông (rau, cải, rau cần, hành hương, cà nâu, cà chua). Riêng về trầu vàng thì tại giồng, nhà nào cũng có năm ba trăm nọc, những người có đất rộng họ trồng đôi ngàn nọc là thường.
Lối trồng tỉa rau cải ở nơi đây kể ra cũng tiến bộ hơn các nơi khác là vì họ biết quấn bầu bằng lá chuối, dộng cát ở phần dưới, gạt phân lá cây mục ở trên, rồi cấy từng cây cải non, vít từng mớ hột rau vào lối năm bảy thiên, cả muôn cái, sắp khít trên giàn cách mặt đất 3, 4 tấc cho trùng đất không làm hại rễ cây non. Đến khi cây sống chững chạc họ dang thưa ra cách khoảng nhau một phân, nhử nắng nhử mưa cho cây cứng cáp, rồi mới đánh luống, bằm đất cho tơi đem trồng xuống. Lối trồng như thế tuy rất công phu, song kết quả thu được rất dồi dào vì khi trồng, không cây non nào héo, mau bén rễ mọc mạnh, đúng lứa, rau cải sẽ nặng cân, nặng ký. Về mùa mưa nước ngọt đã đành, mùa nắng tại giồng dân đào giếng mạch vẫn ngọt, lấy nước đó mà vun tưới cho hoa quả.
Theo lời các cụ xưa kể và truyền tụng đến bây giờ tại đây có long-mạch : dưới lòng đất giồng Nâu và Vạn-thắng là mình rồng, đầu ở xóm Kiếng, hai chân trước ở xóm Tre, xóm Đập, hai chân sau một đặt ở xóm Bưng, một ở xóm Dinh. Khi người Pháp sang đô hộ nước ta đào con kinh An- hòa, là kinh Salicetty bây giờ, làm rồng bị cắt đứt đầu và hiện nay đầu rồng còn nằm ở xóm Kiếng (chính nơi đây đào ao nước thật ngọt). Chuyện đầu rồng tuy hơi hoang đường nhưng được các thầy địa-lý ngày trước công nhận và về sau cũng được các bậc kỳ cựu trong xã tin tưởng.
NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ
Chính nơi đây, thời vua Gia-long thống nhất sơn hà, có Hoài-quốc-Công Võ-Tánh (Gia-định Tam-hùng Võ-tánh đệ nhất) đã mộ binh hăng hái chống Tây-sơn. Mặt trận duy nhất là Vạn-thắng, nơi này ngài đã oanh-liệt bách chiến bách thắng với quân Tây-sơn nên hiện nay còn địa-danh là ấp Vạn-thắng (ấp giáp ranh xã An-hòa) giữa rún xã An-hòa, tại cây đa cổ thụ còn lại di-tích một cái ao to vuông vức cạnh 50m do quân lính của ông Võ-Tánh đồn binh hạ trại nơi đó và đào ao này để lấy nước xài và tắm giặt. Do đó mà có tên là ao Đồn-binh. Nói chung Gò-công lắm sông rạch lại gần biển nên nước mặn, nhưng tại các giồng người ta đào ao, giếng vẫn ngọt, nhưng ngọt nhất là ao xóm Kiếng nơi đầu rồng. (Dân ở các xã khác và ở tỉnh hay vô đây chở nước về uống lúc mùa khô ngặt). Cạnh ao Đồn-binh có một ngôi chùa cổ. Sư cụ là hòa-thượng Vô-Ngại đã viên tịch lâu rồi. Ông là người giàu có không con đã hiến đất đào ao rồi dựng lên một ngôi chùa với phần hương hỏa về đất và ruộng là 5 mẫu tây. Trong gia-phả của nhà chùa không nói cụ Vô-Ngại tên là chi, còn chùa cũng mang tên là Đồn-binh. Sau này bị thời gian và chiến tranh tàn phá, nhưng các phật-tử góp tiền bạc trùng tu lại không kém phần trang nghiêm cổ kính và lấy tên là « Bửu-Long-Tự ». Mộ cụ Vô-Ngại được mấy vị trụ trì sau cho xây thành tháp cao và hằng năm vào ngày mồng 9 tháng chín bổn đạo cúng giỗ linh-đình.
Bình luận