Xuyên qua tỉnh lỵ Gò-công ra khỏi ấp Cầu-huyện về hướng quận Hòa-tân, sang ngã tư bên mặt chừng một cây số, có ngôi miếu cổ, ấy là « Lăng » thờ Hoài-quốc-Công Võ- Tánh, được kiến trúc theo lối cổ kim.
Một lăng khác hiện tọa lạc tại ấp Hòa-trung II, xã An- hòa, là một đền thờ quá cũ kỹ, cột vây vách ván, lợp ngói xưa. Ở chánh-điện hiện còn một cây kèo còn ghi chép một hàng chữ nho lu mờ theo thời gian, ở hậu điện, còn có chưng bày nhiều hình tượng siêu đao gươm giáo được tạc bằng thau hay đồng. Đó là những vũ-khí cổ-điển của ngài cùng quân lính xử dụng ngày xưa. Theo các bô-lão hàng chữ nho này chứng minh rằng lăng Võ-Tánh tại đây đã được nhân dân thuở trước ái mộ công-đức ngài nên dựng lên cách đây 144 năm để tôn thờ một công thần nhà Nguyễn. Lăng Võ-Tánh ở ấp Hòa-trung II đã được đồng bào xã An-hòa trùng tu lại và đã được khánh thành hôm 28-12-1968.

Nơi đây cũng có một đền thờ đệ-nhị thích-lý họ Phạm, một trong ba chi của Đức Từ-Dũ, thờ ông Phạm-Đăng-Quỳnh.
Theo các vị niên trưởng kể lại những chuyện xa xưa, lúc ông Võ-Tánh về đóng binh ở Vạn-thắng có trồng một hàng tre để ngăn giặc. Lâu đời tre trở thành dày bịt bề ngang có lối 4, 5 thước. Ngày trước, đây là chiến lũy nhưng đến khi có bão lụt năm Thìn thì nước biển Tân-thành và sông cửa Tiểu dâng lên cao tràn đi khắp nơi, riêng xã An-hòa có xóm Bưng bị thiệt hại nhiều. Còn ấp Vạn-thắng, Giồng-nâu, nhờ có lũy tre chắn gió lại nên sóng nước không tàn phá xóm làng, mực nước lên tới mí ván ngựa là cùng, nhờ đó mà hai nơi này không bị thiệt hại gì cả. Về sau giặc giã nổi lên, Pháp tái chiếm miền Nam (1945-1954) quân đội Cao-đài vào đốn tre ở Giồng-nâu và đốn tiệt luôn hàng tre ở Vạn- thắng để đem về chẻ làm chông xóc nọc làm rào cắm quanh đồn bót. Vì thế chủ ruộng đã có bang bờ tre ở Vạn-thắng để nới rộng diện tích canh tác, do đó mà di-tích không còn nữa.
Bình luận