Gò Công Xưa – Đầm Vạn Thắng Mồ Chôn Xác Giặc Làng Bình Ân Võ Tánh Chiến Tây Sơn

Gò Công Xưa – Đầm Vạn Thắng Mồ Chôn Xác Giặc Làng Bình Ân Võ Tánh Chiến Tây Sơn

Làng Bình-ân giáp ranh làng thành-phố và Tân-duân (An-hòa) Gò-công, ngày nay dân cư trù mật nhà dọc phố ngang, xe cộ qua lại dập dìu, chợ búa đông người buôn bán.

Nhìn vào cảnh sống vui tươi náo-nhiệt, phản ảnh sự phát-triển của tình Gò, có ai dè ngày trước nơi đây là một chiến trường, nơi ngựa hí, quân reo, đầu rơi, xác ngã.

Thời-gian đã xóa nhòa tất cả. Sự sống cứ tiếp tục và vượt lên trên cái chết, cỏ cây mọc đầy chiến địa, người sống muốn sanh tồn phải đi tới mãi, dựng cột cất nhà, cấy cày trồng tỉa, xây dựng trên hoang tàn, sản xuất trên máu xương của người xưa đã đổ ra cho thế-hệ sau được sống.

Nơi đây là một làng trù phú như các làng trù-phú khác ở miền Tây Nam Việt. Không có vẻ gì khác lạ. Không còn một di-tích nào lưu-ý khách nhàn du, nhưng trong lòng người dân đã ghi chép tự thuở nào. Đến đây du khách hỏi bất cứ ai, cũng được chỉ và cho biết : « Đây là Đầm Vạn-thắng » !

Đầm Vạn-thắng ! Ngày xưa nơi đây là vùng hoang vắng. Cỏ cây rậm rạp, địa-thế hiểm nghèo, đường vào hiểm-trở khó khăn, hang hố chỗ lồi chỗ sụp. Dân cư không mấy hột, phía ngoài lơ-thơ vài nóc nhà tranh cách xa nhau, vào sâu phải lội bước hằng giờ chưa gặp được một túp lều để nghỉ chơn xin nước uống.

Một vùng đất chết, không chút gì quyến khách. Nhưng dưới mắt một người hiểu binh thơ địa-lý, có chí quật-cường có tài khiển tướng điều binh, vùng đất này là đất sống cho những ai hiểu biết nó. Người có mắt tinh đời ấy là Võ-Tánh.

Là một thanh-niên có dũng khí và tài thao lược, sanh nhằm thời loạn giữa buổi Trịnh – Nguyễn tranh hùng rồi tới cuộc tranh bá đồ vương giữa Nguyễn-Ánh và Tây-sơn, Võ- Tánh không biết đường nào để tiến thân giúp nước. Theo Tây-sơn thì sợ không nhằm chánh-nghĩa, vì ba anh em nhà này không thuộc giòng vua hay chúa nào của đất nước xưa nay. Theo quan niệm người xưa họ không thể phò ai khác hơn là giòng dõi những vị vua chánh thống. Với tinh thần dân chủ của chúng ta hiện thời, hễ được là vua thua là giặc, ta sẽ ủng-hộ bất cứ người nào tranh đấu cho quyền dân lợi nước. Nhưng đối với người xưa cái quan-niệm vì dân vì nước chưa được rõ ràng, họ chỉ biết trung quân, trung với « con trời » (Thiên-tử) và cháu chắt giòng họ của con Trời mà thôi! Vì vậy ta không thể lấy đầu óc tân tiến của mình mà xét đoán hành động người xưa !

Võ-Tánh không thể phò Tây-sơn vì nghĩ cho ba anh em Nguyễn-Lữ, Nguyễn-Huệ, Nguyễn-Nhạc là tay soán nghịch như nhà Hồ nhà Mạc trước kia. Nhưng ông cũng không muốn theo phò Nguyễn-Ánh vì một mối thù nhà, như Đơn- Hùng-Tín quyết không phò Đường-Thế-Dân vì cái chết thê thảm của người anh Tín ngày trước.

image 30 Gò Công Xưa – Đầm Vạn Thắng Mồ Chôn Xác Giặc Làng Bình Ân Võ Tánh Chiến Tây Sơn

Không phò bên nào cả, Võ-Tánh chiêu binh tuyển tướng đứng một mình một cõi để chờ xem, hoặc chờ anh-minh chơn chúa ra đời, hoặc gặp cờ vào tay cầm phất cho chính mình cũng được.

Khởi sự từ bãi thôn-vườn-trầu, Võ-Tánh qui tụ được một số dũng-sĩ làm tả hữu, ngày ngày chiêu tập thêm binh-sĩ ; bữa bữa lo tích thảo dồn lương. Lực lượng của Võ tướng- quân lớn mạnh dần. Tây-sơn khuyến dụ nhiều lần không được, tính phải nhổ cây đinh trước mắt.

Cầm binh cũng như cai-trị, phải tiên-liệu. Tự biết mình chưa đủ lực lượng đương đầu với Tây-sơn đã có căn-bản lâu ngày binh rồng tướng mạnh gấp trăm mình, và đoán trước Tây-sơn thế nào cũng không để mình yên, Võ-Tánh rút binh qua miền Bình-ân vì con mắt nhà tướng nhận thấy đây là một hiểm cứ.

Rút binh về khu vực này, người thanh-niên thao-lược liền tổ-chức đồn trại, đào hào đấp lũy, đào hố cá nhơn. Nơi đây trữ cung tên, nơi kia chất bỗi và các đồ dẫn hỏa. Tổ chức vừa xong, thì địch quân dẫn đến.

Quân Tây-sơn đông mạnh hơn, võ khí đầy đủ hơn, khinh thường giặc cỏ ồ-ạt tấn công. Nhưng vì địa-thế hiểm-trở, mỗi cuộc tấn-công đều bị đẩy lui, nơi nào lọt vào được là bẫy rập của nghĩa-quân, vào là chết vì bị loạn tiễn hoặc bị hỏa thiêu.

Quân Tây-sơn bị thiệt hại nặng-nề đành rút về. Nhưng chịu làm sao được mối nhục này ? Quyết trừ cho được cái đinh nguy-hiểm, họ kéo đến tấn-công nhiều phen nữa.

Mỗi lần đánh quân Tây-sơn mỗi đổi chiến thuật. Nhưng mỗi lần Võ-tướng quân cũng đổi cách chống ngăn, và trăm lần như một quân Tây-sơn đều sa cạm-bẫy, không chết vì hỏa thiêu thì bị bổi, hầm chông, hay loạn tiễn.

Tuy thua nhiều trận xiểng-niểng nhưng quân Tây-sơn đành phải im-lặng, không dám động đến ổ ong vò-vẻ này nữa.

Vì lẽ đó nơi Võ-Tánh đóng quân ngày xưa được vang danh « Đầm Vạn-Thắng ». Vì tại đầm này quân của Võ tướng-quân đã thắng biết bao nhiêu trận vẻ-vang.

Sau này, tuy Hậu-quân Võ-Tánh không có để lại binh thơ đồ trận cho con cháu đồng bào, nhưng chiến thuật vạn thắng của tướng-quân cũng được kháng-chiến quân ta áp- dụng : nào hầm chông, hỏa tiễn, phục kích bất ngờ, làm cho giặc Pháp thất điên bát đảo.

Hùng khí non sông còn mãi. Tinh thần bất khuất trường tồn.

Xưa cũng như nay, chiến thuật chiến lược của người Việt-Nam để diệt thù cứu nước không nhường ai cả.

Huỳnh Minh

Bình luận