SƠN VƯƠNG
________________________________
(Chuyện về Trương Văn Thoại – một tráng sĩ đất Gò Công)
Trương Vạn Năng (Trương Văn Thoại) sinh năm 1090 tại Gò Công, lớn lên trong phong trào yêu nước giữa thập niên 20 với thần tượng là chí sĩ Nguyễn An Ninh.
1926, vừa sang tuổi 17, Sơn Vương đã bị Pháp bắt trên đường về sau khi đi nghe Nguyễn An Ninh diễn thuyết ở Xóm Lách. Sau đó , Nguyễn An Ninh viết bài tố cáo vụ bắt bớ này trên tờ báo La Cloche (Tiếng chuông rè) của ông và gửi thư cho Thống đốc Nam kỳ Cognacq báo rằng nếu ai đã nghe ông diễn thuyết mà còn bị giam giữ và chết trong bót Catinat thì Thống đốc phải chịu trách nhiệm; Cognacq e ngại bị tai tiếng ở thuộc địa nên hạ lệnh cho Bazin thả hết những người còn bị giam – thế là cọp núi Gò Công được …sổ lồng.
Được biết, tại bót Catinat, thanh tra mật thám Bazin cho phạm nhân ăn nhưng không cho uống; ai đòi nước sẽ được uống nước…muối. Ai không chịu nổi thì ký tên vào tờ khai đã lập từ trước để buộc tội Nguyễn An Ninh xúi dân làm loạn – ký xong thì cho về ngay. Số gan lỳ chịu đựng còn khoảng 60 người – trong đó, người Gò Công có: Trương Văn Thoại, Biện Thới (Trương Văn Kinh – anh cả của Sơn Vương) và cũng có những nhân vật đặc biệt như Nguyễn Phương Thảo – thời chống Pháp là Trung tướng Nguyễn Bình
Lớn lên, Sơn Vương mê làm báo. Nhà báo Ngoạ Long kể: “Cậu Thoại từ Gò Công lên thẳng văn phòng Đông Pháp Thời báo và tình nguyện ở lại làm việc, bất cứ việc gì dù có lương hay không, miễn là được tham gia với Đông Pháp Thời báo để”thức tỉnh đồng bào”” (1) Ngoạ Long: Từ 1927 – 1937 mười năm làng báo Sài Gòn; Đuốc Nhà Nam, tr.3, 29/9/1969.
Khi Nam Kiều thành lập Uỷ ban tổ chức lễ truy điệu thấy cậu Thoại là thanh niên nhiệt huyết liền cho ghi tên (14 người) và gia cậu Thoai phát truyền đơn, treo biểu ngữ. Ngay lúc cậu Thoại leo lên cây sao để trương biểu ngữ qua đường thì bị mật thám bắt đầu tiên.
Sau khi ra tù lần này, ông cũng lại sống là hoạt động cùng với Nguyễn Phương Thảo (một trong những người cùng nhịn…uống ở bót Catinat ngày trước).
Về sự làm báo của Sơn Vương, trong hai năm ở sài Gòn, bút danh Sơn Vương xuất hiện trên 20 đầu sách:
1930:
Bạc trắng lòng đen
Lỗi hẹn quên thề
Ngọc lầm với đá
May nhờ rủi chịu
Làm ơn mắc oán
Kẻ thù dân tộc
Thà được làm chó hơn được làm người
Làm nhơn được vợ
Phản bạn vì tình
Chén cơm lạt của người thất nghiệp
Sâu bọ nổi lên làm người
1931:
Ai bạc tình
Ép dầu ép mỡ
Lỗi về tôi
Lạy phật cầu duyên
Lỗ một lầm hai
Nợ duyên gì
Ai kén chồng
Ăn năn đã muộn
Anh bạc tình
Đây là những chuyện nhỏ (khổ: 15,5 cm X 12 cm) cỡ bỏ túi, mỗi cuốn vài chục trang.. Trong đó tác phẩm Chén cơm lạt của người thất nghiệp đã tái bản ngay trong tháng đầu tiên (nhưng lại bị cấm) và bút danh Sơn Vương cũng tuyệt tích giang hồ; lý do, tác giả bận…vào tù khi tuổi mới 24. Cuộc đời tù ngục của con cọp núi Gò Công này rất bi tráng.
Tính khí mạnh mẽ nên hoạt động chống Pháp và sa lưới là bình thường, cái bất thường là những lần Sơn Vương bị kết án thì đều là án thường phạm chứ không là án chính trị, số năm thụ án là …79 năm, số năm thực thụ ngồi tù là 34 năm:
Lần 1: 05 năm
Lần 2: 10 năm
Lần 3: 32 năm (án chung thân)
Lần 4: 32 năm (án chung thân)
Hai lần đầu bị bắt, hai lần sau tiếp án khi còn tù (án chồng lên án). Nhóm (tạm gọi) Nguyễn Phương Thảo sống bằng trợ cấp của gia đình và ân nhân.
Nghe Nguyễn Phương Thảo muốn mở tiệm giặt ủi số 225 đường Lefèbvre – nay là Nguyễn Công Trứ, quân 1 Sài Gòn, Sơn Vương về xin bố 200 đồng Sơn Vương coi Nguyễn Phương Thảo như người anh đáng nể trọng, có lẽ vì vậy tiệm giặt ủi được đặt tên là Thảo Sơn.
Có lần Sơn Vương mang tiền của Nhóm đi mua gạo cho đồng bào lũ lụt Miền Trung, được chủ Nhà máy xay lúa Nguyễn Thanh Liêm ở đường Tôn Thất thuyết (Khánh Hội – Sài Gòn), vị này cũng là cổ đông của Việt Nam Ngân hanhg, cho thêm 300 bao (?) và cho mượn phương tiện chuyên chở – và dặn Sơn Vương khi cần thì cứ gặp ông tại Trụ sở Việt Nam Ngân hàng ở đường Pellerin (nay là Pasteur). Về sau, có người trong nhốm muốn đi xa cần số tiền lớn, Sơn Vương đến gặp ông Liêm và ông Liêm đã sốt sắng và lịch sự trao đủ số tiền cần thiết cho Sơn Vương. Chỉ 1 lần này vì Sơn Vương ngại tiếng lạm dụng. Tuy nhiên cũng có những hoạt động kinh tế mạo hiểm – lấy (cướp) tiền của ở những người nhiều tiền đã chọn lựa – đây cũng là kiểu trừng phạt kinh tế đối với những người này nhưng không “dứt điểm” như kiểu trừ gian diệt ác; các đối tượng này là:
Paul Daron (Sáu Ngọc) vua cờ bạc Sài Gòn
René Gillard, phó giám đốc Sở Cao su Mimot ở Campuchia (giáp Tây Ninh), đồng thời là Quản trị viên Công ty Cafort ở đường Catinat (nay là Đồng Khởi) quận 1, thường dùng roi gân bò bổ vào đầu công nhân cao su.
Cọp lửa Từ Bi, hỗn danh của viên đội lính ở Phòng điều tra bót Polô Chợ Lớn.
Tiếc là trong nhóm có người tên là Đường có tật nhậu nhẹt, đã phản bội và chỉ điểm bắt Sơn Vương để nhận 5000 đ (do René Gillard treo giải).
Trong khi Bazin và nhất là Gillard đang chờ Sơn Vương với cái roi gân bò trong tay để trả đòn thù thì Sơn Vương xuất hiện với lời lẽ bộc trực của một người dân nén nỗi hờn vong quốc. và thái độ gan góc, dũng cảm của con cọp núi Gò Công lại chinh phục René Gillard đến nỗi khi Sơn Vương chuyển sang khám lớn Sài Gòn (69 La Grandière – nay là Lý Tự Trọng) thì chính vợ chồng René Gillard là người thăm nuôi hậu hĩ.
Mỗi phòng giam ở khám lớn có 1 tù nhân được chọn làm cặp rằn, cặp rằn ở phòng giam Sơn Vương là Ba Nhỏ – anh chị Cầu Muối; cặp rằng là vu của phòng giam.
Khi hai giỏ lớn chứa hàng thăm nuôi của Gillard gửi vào cho Sơn Vương thì Ba Nhỏ lại ra tay như những lần trước nhưng bị Sơn Vương mắng một câu. Ba Nhỏ rút dao thì bị Sơn Vương khoá tay và quật ngã; Sơn Vương đoạt dao vào túi oạtcong bố xoá bỏ chế độ cặp rằn ở phòng giam này. Các anh em trong phòng giam gọi Sơn Vương là Đề lao hiệp khách.
1938 ra tù thì 1939 vào tù do người bạn cũ chỉ điểm, lần này bị án 10 năm. Sơn Vương có một truyện ngắn “Phản bạn vì tình” còn chính anh lại hai lần bị bạn phản vì tiền. Trong tù, Sơn Vương bị vu oan giết một thường dân và chịu án chung thân; lần này ông lần lươt qua các trại giam hà Tiên, Phú Quốc, Bù sặt (Pursat) ở Campuchia.
Từ Bù sặt, ông vượt ngục qua Băng cốc rồi bị bắt đưa về khám lớn và ra Côn đảo; tại Côn Đảo lần này ông gặp lại thần tượng của mình thời niên thiếu là cụ Nguyễn An Ninh.
Cuối tháng 8 năm 1945, phái đoàn của Chính quyền Cách mạng Nam Bộ ra Côn Đảo rước tù chính trị về đất liền. Do Sơn Vương là “thường phạm” chứ không phải “chính trị phạm” nên ông phải ở lại đảo. Chẳng bận lòng, ông lại tự chuẩn bị ghe để về đất liền vào sáng 12/12/1945.
Vào sáng hôm ấy, phái đoàn Chính quyền Cách mạng Nam Bộ lần trước lại ra đảo để đưa ông Giám đốc Lê Văn Trà về vì tù chính trị đã tố cáo ông này phạm nhiều tội. Vậy là phải có người thay thế ông giám đốc Trà. Nhưng 15 ứng viên không đủ số thăm trúng cử, trong lúc người không ứng cử là Sơn Vương lại được quần chúng tín nhiệm ; trước tình thế đó, phái đoàn Chính quyền Cách mạng Nam Bộ khuyên ông nên ở lại với chức danh Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân. Ông cũng chẳng bận lòng khi chấp hành yêu cầu này.
Con cọp núi xứ Gò Công, giờ là Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Côn đảo, đã cho cải táng hài cốt của chí sĩ Nguyễn An Ninh (khi mất, 14/8/1943, ông Ninh – cũng như các tù nhân khác – cũng chỉ được cho hai cái bao bàng để bọc thi hài).
Năm 1953, vì khử một tên đại ác trong tù (tục gọi là cò Út) Sơn Vương bị giải về khám Chí Hoà để ra toà nhận thêm 1 án chung thân nữa. Một chuyện vui ở đây là dù án chồng án nhưng Sơn Vương không ở hết hạn tù mà được thả tự do vào ngày 18/11/1968 (Theo lời ông kể là do “Báo chí phe Dân chủ kêu gào ráo riết”). Ngày ông về mới biết là vợ con đã qua đời. Con cọp núi Gò Công vừa được ra tự do thì bị vào cô độc.
Là người sớm có lòng nước non từ niên thiếu, lại thêm tính cách hiệp sĩ phiêu lưu nên Sơn Vương là người hoạt động, đặc điểm là hoạt động của vị hảo hán này là gần như đơn độc. Sau khi bị bắt vào tù lần thứ nhất thì địa điểm tụ họp của Nhóm Nguyễn Phương Thảo trên lầu tiệm may nam Chấn Hưng (số 02 đường Lefèbvre) cũng ngừng hoạt động – ông mất liên lạc và không biết Nguyễn Phương Thảo có tìm cách liên lạc với Sơn Vương Trương Vạn Năng không.
Cuộc đời sôi nổi của ông trong và ngoài ngục tù có nhiều tình huống đầy kịch tính và phong phú chất liệu văn học. Theo ông Trương Văn Thoại thì Sơn Vương là bút danh của ông dùng từ năm 1929 trên các sách của mình xuất bản ở Sài Gòn, (chữ) Sơn Vương là chiết tự từ chữ Thoại (Thuỵ – 瑞) – chữ “thoại” gồm 3 chữ (vương 王 : sơn 山 và nhi 而 ) .
Với hồi ức của một đời hoạt động, Sơn Vương dễ dàng đi vào hồi ký, tất nhiên những lao nhọc ngục tù đã làm trí nhớ ông suy giảm. Trong hồi ký của ông có những câu thắm đẩm trí lự của người yêu nước.
…
Khóc để nói những lời chưa nói
Cười để khuây những nỗi chưa khuây
Lửa hồng máu thắm còn đây
Oan kia chưa dứt hận này chưa tan…!
…
Giống nòi chung một giòng sông
Bởi ai tham vọng chia lòng riêng tây ?
…
Ách lệ thuộc – trâu cày ngựa cưỡi
Cảnh tan thương như gửi lòng ta
Khăp trong bốn mặt san hà
Bắc Nam đâu chẳng con nhà Lạc Long
…
Dưới góc nhìn nhà báo đối với trò đời, ông cũng cho thấy cái nhìn hóm hỉnh của người Gò Công. Nói về chuyện “hối lộ – sử dụng Đức Thánh Trần, tờ bạc 500đ trước đây ở Miền Nam có in ảnh Trần Hưng Đạo” – ông viết:
Khi thủ tục hãy còn cứu xét
Thì đừng mong có kết quả mau
Biết điều theo luật xã giao
Thánh Trần xuất hiện – thì tao sẵn sàng.
…
Tráng sĩ cũng nhiều, liệt sĩ cũng lắm nhưng tráng sĩ đơn độc (đáo) như Sơn Vương Trần Văn Thoại thì …hiếm. Cuộc đời bi tráng của hảo hán Sơn Vương càng làm tỏ rạng cốt cách Gò Công.
___________________________________________
Nguồn: Bằng Giang: Sài Gòn cố sự. Biên tập: HNH