Nói đến thiên tai ở Gò-công, làm cho người ta hồi tưởng lại thời dĩ-vãng cách nay trên 60 năm, đồng bào ở đây đã chứng kiến những cảnh thiên tai địa ách liên tiếp 3 năm khổ sở.
Ngoài trận bão năm giáp thìn vào năm 1904 và năm 1905 giặc cào cào phá hại mùa màng, dân tình đói rách, thảm khổ đến nỗi không còn có thể diễn tả nỗi những hình ảnh đau thương đó được nữa.
Tuy nhiên, người dân Gò-công vì muốn trường tồn tiếp nối cho sự sống còn của mảnh đất quê hương nên dù bị trải qua bao nhiêu cảnh đau lòng họ vẫn sống và chịu đựng cho đến ngày nay.
Những trận thiên tai cũng làm cho dân Gò-công tổn hại khá nhiều, dân số sút giảm, nhưng trong những trận thiên- tai, chỉ có nạn bạch đồng vào năm 1906 là làm suốt năm không cày cấy gì được cả. Năm đó, trời không đổ một hột mưa, nắng cháy phỏng da, « tàn lan sa » trắng như bông gòn, để báo hiệu mùa màng sắp thất bát, ban đêm trời trong sao tỏ chắc chắn là phải nắng dai, người biết dòm trời xem mây cho đó là điềm bất tường thế nào cũng bị hạn hán.
Quả thật, vào đầu mùa mưa nhà nông bắt đầu sửa soạn hạ điền nhưng chờ mãi mà không có một chút hột mưa. Trời nắng cứ tiếp tục suốt năm làm cho đất đai ruộng rẫy, từ màu đen trở thành trắng đất nứt từng đường dài, khô cứng như đá, cây cối chịu không nổi chết hết, chỉ trừ những cây cổ thụ rễ ăn sâu xuống 5, 3 thước mới chịu nổi. Dân chúng bắt đầu xôn xao lo ngại trước cảnh thiên tai.

Lúc bấy giờ người ta trông mưa như trông từng giọt sữa.
Từng ngày và từng ngày ai ai cũng đều thất vọng.
Thú vật chịu nắng không nổi chết lần chết mòn hết, trẻ nít đau một giây chết một giờ chạy thuốc không kịp. Cho đến hết tháng 8 rồi mà trời cũng không đổ mưa, « tàn sa » ngày đêm vẫn rơi xuống, đến đổi mọi người đều chui rúc trong nhà, không dám ra đường sợ thứ này sa vào mắt không thấy đường, gây thành bịnh bất thường khó cứu chữa được. Dân chúng lâm vào cảnh quá bi thương, thống khổ thật là một thiên tai chưa từng xảy ra trong những thế kỷ gần đây.
Đứng trước cảnh nắng lửa mưa dầu đồng khô cỏ cháy. Các vị cao niên và hương chức trong làng đến mở cửa đình đánh trống dộng chuông, khấn vái thần linh gia hộ, ăn chay nằm đất để cầu trời mưa xuống, dân chúng tụ-họp khắp nẻo đường đi từng đoàn, bơi thuyền trên cạn để cầu phong đảo võ.
Cũng nên lưu ý trong năm bạch đồng, nước sông không lớn, không ròng, bình bình và trong xanh như nước biển, từ tháng 6 đến tháng 10 ao hồ khô cạn. Nước lúc đó thật là một điều nan giải, người ta phải nấu cơm bằng nước mặn, ấy thế mà cũng không đủ nước ngọt để uống cho đã khát.
Dân chúng liên tục cả năm 10 bữa nửa tháng để cầu mưa, bắt đầu bằng cuộc chèo thuyền trên cạn. Mỗi người một chiếc dầm đi hai hàng bên chiếc thuyền được nhiều người khiêng, sau đó có lân múa, có ông địa dẫn đầu cầm quạt chỉ lên trời quạt xuống. Mọi người đi hai bên thuyền lấy mái dầm bơi đồng loạt, hò hát những câu :
Lạy trời mưa xuống… Lấy nước dân uống.
Lấy ruộng dân cày Lấy nồi nấu cơm Lấy rơm đun bếp ! Lạy trời lạy trời…
Đoàn người chèo thuyền cầu phong đảo vũ từ làng này qua làng khác. Tiếng hò hát của họ làm vang dội cả một khung trời.
Họ quan niệm rằng dân tình khi chèo thuyền trên cạn, tức là không còn có nước đâu để mà thuyền lướt đi trên dòng nước nữa. Trời nhìn thấy dân tình như vậy động lòng sẽ sai thần Kim-long bát bộ giữ cửa thiên đình đi lấy nước cho trần gian.
(Tục rồng lấy nước cũng là « huyền thoại » mà người dân quê rất tin tưởng vì thấy từng đám mây đen vần vũ từ ngoài biển cả tạo thành một cây cao vút, và khi thấy có hiện tượng này, thì họ cho đó là rồng lấy nước).
Dân gian chịu đói, khát nhiều ngày để bơi thuyền cầu mưa, nhưng dường như năm đó trời không nhỏ xuống một hột mưa, mọi người đều thất vọng, có lẽ dân tỉnh này làm những điều gì thất đức bất nhơn nên có việc như vậy, để cảnh cáo người đời.
Nạn bạch đồng chỉ kéo dài từ tháng 6 đến cuối năm, qua đến năm 1907 dân chúng mới trở lại cuộc sống bình thường, năm này trời vừa đổ cơn mưa đầu tiên, dân gian quá đỗi vui mừng, nên vọng bàn hương án như mang ơn trời và cùng nhau quì giữa trời mà lạy dưới cơn mưa giông tầm tả.
Đáng lưu ý, là tuy đám mưa đầu, nhưng cơn mưa kéo dài suốt 3 giờ liền, làm cho mọi nhà đều có nước uống, ruộng nương cũng đầy ngập nước, trên gương mặt mọi người lộ vẻ hân hoan bắt tay lo việc đồng áng, tăng gia sản xuất để bù lại một năm qua ruộng hoang đất nẻ.
Ngày nay nhắc lại chuyện bạch đồng ở Gò-công ai nấy cũng đều se lòng, những cụ già còn sống sót nghẹn ngào xúc động.
Dù đã hai phần thế kỷ đã trôi qua nhưng cuộc thiên tai ấy vẫn còn ghê rợn khi quay về dĩ vãng của người dân Gò- công vốn hiền hòa và chịu đựng vậy.
Bình luận