Tài nguyên du lịch Gò Công – Kỳ 2 – Tài nguyên

TÀI NGUYÊN DU LỊCH GÒ CÔNG:

2.1. TÀI NGUYÊN DI TÍCH – CẤP QUỐC GIA:

Liệt kê 20 di tích cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cho thấy Gò Công có 7: Chiến lũy Pháo đài, Đình Đồng Thạnh, Đền thờ Trương Định (Gia Thuận), Lăng mộ và đền thờ Trương Định (thị xã), Lăng Hoàng gia, Nhà Đốc Phủ Hải, Đình Long Trung.

2.2. TÀI NGUYÊN DI TÍCH CẤP TỈNH

Gò Công hiện có 24/80 di tích cấp tỉnh (Phụ lục 1). Đặc biệt mộ bát giác ở Bình Nghị, Gò Công Đông; ngoài giá trị nghệ thuật, công trình này còn hàm chứa những ý nghĩa lịch sử đáng trân trọng. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Đại Phúc khẳng định lăng mộ ở Gò Công là ngôi mộ bát lăng đẹp nhất ĐBSCL.

Gò Công 2 1 Tài nguyên du lịch Gò Công   Kỳ 2   Tài nguyên

2.3. TÀI NGUYÊN SẢN PHẨM ẨM THỰC:

Sản phẩm ẩm thực Gò Công vẫn giữ cái riêng trong chế biến, gia vị, món ăn kèm; nhiều món do người Gò Công xa xứ sáng chế đã thành thương phẩm có tiếng (rượu sim ở Phú Quốc). Bên các món ăn thức uống, bánh mức thuần Việt là đặc sản của cộng đồng người Hoa (Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Phước Châu, Hẹ,…), tất cả phong phú hơn nhiều so với những sản phẩm sau đây (Phụ lục 2). Món ăn thức uống Gò Công chơn chất, hầu hết chưa qua công nghệ chế biến, nghệ thuật trang trí, quảng cáo,…vẫn đang ở mức độ “có sao nói vậy người ơi”.

  1. TÀI NGUYÊN DU LỊCH BIỂN:

Với 32 km bờ biển, tuy không trong xanh như các nơi nhưng có nhiều chủng loài thuỷ hải sản, gió biển trong lành. Gắn với biển Tân Thành là rừng ngập mặn, nguyên sinh, nối với Cồn Ngang, Lũy Pháo đài,….

Việc cung cấp nước ngọt cũng tăng lợi thế du lịch biển Gò Công. Khu du lịch (KDL) biển Tân Thành gần các khu công nghiệp (KCN) Gò Công và cảng biển Hiệp Phước – Sài Gòn 28 km, Vũng Tàu 35 km, KCN Bình Đại-Bến Tre 08 km) đã thu hút du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng [xe máy, xe đạp]. Khi QL 50 (Sài Gòn – Gò Công) nâng cấp, cầu Mỹ Lợi thay phà, du khách từ SaiGon đến KDL Tân Thành chỉ 90 phút.

Hơn nữa, quyết định số 643/QĐ-UBND UBND của UBND tỉnh Tiền Giang về Qui hoạch KDL sinh thái biển Tân Thành rộng 80,36 ha (cạnh KDL biển Tân Thành) càng tăng chất lượng du lịch Gò Công.

2.5. TÀI NGUYÊN DU LỊCH LÀNG NGHỀ:

“Đất lành yến đậu” là thành ngữ quen thuộc của giới kinh doanh chim yến và tham quan làng yến là một trong các tour du lịch Gò Công hàng tuần. Tham quan, mua sản phẩm từ yến sào là sản phẩm mới của du lịch Gò Công.

Xóm nhà yến ở ấp Khương Ninh, Gò Công Tây có nhiều nhà yến với những lỗ thông hơi hình tròn cỡ miệng chén, các ô cửa vuông hun hút để chiều chiều yến bay về …”khách sạn”. “Khách sạn” cho yến có đủ tiện nghi (hệ thống phun sương làm mát, lỗ thông hơi, đĩa phát âm gọi bầy, có phân yến rải trước tạo cảm giác quen thuộc, khung cảnh yên tĩnh,…).

Ngoài “nghề” nuôi chim yến,  Gò Công còn nhiều làng nghề truyền thống và sản phẩm làng nghề ở đó (tủ thờ, mắm,…) vẫn chưa được khai thác để chuyển hóa thành sản phẩm du lịch.

2.6. TÀI NGUYÊN DU LỊCH LỄ HỘI:

trung tuần Giêng    Vía Quan thánh hàng năm với sự tham gia rất tích cực của cộng đồng người Hoa (các bang Phước Kiến, Quảng Đông, Triều Châu, Phước Châu, Hẹ,…)         thị xã Gò Công

Mồng 9 – 10 tháng Ba Lễ hội Nghinh Ông (âm lịch) tại lăng ông Nam Hải xã Vàm Láng. Có rước sắc Thần từ đình Kiểng Phước bằng xe ngựa, lễ xô giàn thí, cúng thuỷ lục, cúng vong linh thiên vị, hát bội, hát thày, lễ nghinh ông trên biển với hàng trăm thuyền trang hoàng lộng lẫy. Gò Công Ðông
20/8

dương lịch

Lễ giỗ anh hùng dân tộc Trương Ðịnh tại đình Gia Thuận với qui mô lớn, khách nhiều tỉnh hàng năm đều về dự lễ. Gò Công Ðông
Lễ giỗ anh hùng dân tộc Trương Ðịnh tại đền thờ Trương Ðịnh với qui mô lớn. Thị xã Gò Công có thêm lễ rước linh và dâng hoa tại tượng đài anh hùng dân tộc Trương Ðịnh. thị xã Gò Công
26/5 ÂL Lễ Giỗ Hoài quốc công Võ Tánh, vị anh hùng đầu tiên đưa địa danh Gò Công vào quốc sử, tại Đền thờ  ấp Gò Tre xã Long Thuận thị xã Gò Công
14 – 16

tháng Chạp

Lễ hội Kỳ yên đình Vĩnh Bình (âm lịch) tại Ðình Vĩnh Bình thuộc thị trấn Vĩnh Bình. Lễ hội có đưa linh vị đến miễu Thánh Mẫu Thiên Y A Na rồi đưa về đình Vĩnh Bình, dân làng góp nhiều lễ vật, tổ chức múa rồng, làm lễ tế thần bằng vật sống Gò Công Tây

2.7. HỘI THI NGƯỜI ĐẸP:

Triều Nguyễn có 3 người đẹp tiến cung và thành hoàng hậu thì Gò Công chiếm 2 (Đức bà Từ Dụ và Nam Phương hoàng hậu – 3 năm hoa hậu Đông Dương). Ở Tăng Hòa (Gò Công Đông) còn mộ của “hoa hậu tỉnh Gò Công” – bà Nguyễn Thanh Tùng (1919-1951). Ngày trước tỉnh Gò Công vẫn tổ chức “hội đấu sắc đẹp” – làng tuyển người đẹp ra thi tỉnh. Người đẹp Gò Công nay vẫn là những thôn nữ như Trần Thị Thu Trang – giải nhất “Người đẹp Gò Công 2003”, Trần Ngọc Điểm giải “Cô Tấm hát hay 2006”, Trần Hoàng Trang – á hậu “Người đẹp Gò Công năm 2003”… Nguyễn Phong Lan (Áo dài duyên dáng Tiền Giang 2000), Trần Thị Kim Uyên – Giải Nhất cuộc thi cô Tấm ngày nay 2003…30/8/08, tại rạp Hòa Bình Sài Gòn, 30 người đẹp đã tham dự vòng chung kết cuộc thi Người đẹp hoa anh đào 2008 và Dương Thị Mộng Hoài từ Gò Công đã nhận ngôi vị cao nhất. Hoa hậu thế giới 2007 (Trương Tử Lâm) cũng từng thăm Gò Công.

Từ truyền thống cho phép Ngành du lịch ĐBSCL nhìn lại các cuộc thi người đẹp ở Gò Công dưới góc nhìn đầu tư và khai thác hợp lý.

2.8. DU LỊCH NHÀ CỔ, MỘ XƯA:

Nếu Hội An ở Miền Trung được gọi là phố cổ thì ở miền Nam, Gò Công là nơi có nhiều nhà cổ còn nguyên vẹn. Nhà của Đốc phủ Hải ở số 9 đường Hai Bà Trưng được xây dựng năm 1860 có hàng trăm chi tiết nội thất chạm trổ tinh vi.

Hiện nay nhà được sửa lại cho khách nhưng mất một số chi tiết cũ (phim “Tình án” dựng từ tác phẩm Cư Kình của nhà văn Gò Công – Hồ Biểu Chánh). Nhà của bà Lâm Vu Liên xây dựng cuối thế kỷ XIX hiện dùng làm trụ sở Thị ủy Gò Công. Đường Hai Bà Trưng có nhà ông Nguyễn Anh Tuấn xây năm 1885 với vòm cửa vòng cung, tường vôi, mái ngói âm dương do thợ mộc miền Bắc và miền Trung xây dựng.

Đường Nguyễn Huệ còn nhiều nhà cổ rất đáng tham quan. Các ngõ phố có nhiều nhà thờ, hội quán của các bang hội người Hoa.

Giồng Sơn Qui là đất phát tích của dòng họ Phạm. Nhà thờ Phạm Đăng Hưng xây năm 1826 nằm trong vườn cây theo kiểu kiến trúc cổ ở Huế. Gò Công có khu mộ của Lãnh binh Huỳnh Công Tấn (người đã sát hại anh hùng Trương Công Định); Lãnh binh Tấn là bố đẻ công tử Huỳnh Công Miêng (miễn tử lưu linh). Khu mộ đáng được trùng tu và giới thiệu suy gẫm lẽ đời về “trung hiếu”, “cây đắng – trái ngọt”.

2.9. DU LỊCH CẬN GÒ CÔNG:

Với tiềm năng bản địa, du lịch Gò Công hoàn toàn có thể liên kết với các huyện bạn ở trong và ngoài tỉnh (Long An – huyện Cần Đước). Sau đây là một số điểm:

2.9.1. Trại rắn Đồng Tâm – Châu Thành:

Với hơn 52 loài rắn các loại với nhiều loài quý hiếm, lưu giữ tiêu bản của hầu hết các loại rắn Việt Nam. Đây là điểm tham quan trăn, rắn duy nhất ở Đông Nam Á. Tuy vậy, Đồng Tâm chưa là điểm du lịch chuyên nghiệp mà chỉ là nơi nuôi trăn, rắn có kết hợp dịch vụ đón khách. Cách bố trí chuồng chưa tạo ấn tượng mạnh, chưa thấy được các giai đoạn phát triển của trăn, rắn từ lúc ấp trứng đến trưởng thành. Khu nuôi trăn trong nhà hôi, ẩm ướt, thiếu ánh sáng nên không hợp với du khách, có thể làm người Âu – Mỹ nghĩ chúng ta hành hạ thú vật. Cách thuyết minh chưa hấp dẫn, nhân viên phục vụ nhiều khi không sẵn sàng. Giá vé cao, sản phẩm mỹ nghệ và thuốc từ mỡ trăn vẫn đơn điệu.

2.9.2. Nhà trăm cột ở ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp, Cái Bè:

Gần Gò Công còn có ngôi nhà trăm cột ở ấp Phú Hòa, xã Đông Hòa Hiệp huyện Cái Bè với hơn 100 cây cột gỗ quý trên diện tích rộng gần 1.000m2, giữa khu vườn cây ăn trái 1,8 hecta. Theo nhận xét của các chuyên gia Nhật thì ngôi nhà nầy tồn tại khoảng 150 năm. Hầu hết vật dụng trang trí như các bộ bao lam, hoành phi, liễn đối đến nay vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn. Có các bộ liễn đối khảm xà cừ, các bộ ghế nghi được chạm trổ rất công phu, nhiều vật dụng có giá trị mỹ thuật khác và hàng tá vật dụng bằng sứ quý hiếm được sử dụng trong nhà như bình, dĩa, tách, gạt tàn,…

2.9.3. Nhà trăm cột ở xã Long Hựu Đông huyện Cần Đước  tỉnh Long An:

Trong không gian của dừa nước, dây leo, nắng chiều và ao tôm, chủ nhân Trần Thị Ngõ luôn niềm nở và tận tình hướng dẫn tham quan. Đại sảnh với giàn cột gỗ lớn bóng màu thời gian. Nhà (hơn) trăm cột được xây dựng với lối kiến trúc xuyên trính- một kiểu kiến trúc nhà rường truyền thống của gia đình giàu có ở Huế thời xưa. Sự đặc sắc của ngôi nhà là 68 cột tròn và 52 cột vuông. Bộ khung nhà rất chắc chắn, không gian rộng, do không có cột ở giữa nên rất thích hợp cho việc thờ tự. Nhà có 5 tấm liễn. Mỗi tấm mang một ý nghĩa riêng rất thâm thúy. Đặc biệt là bức liễn treo giữa có chữ “Sơn trang cổ tận”, có nghĩa là núi cao không dứt, ý chí con người mạnh mẽ, quyết tâm. Năm 1997, ngôi nhà được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia.

2.10. DU LỊCH NGHE CA:

Khách mộ điệu vọng cổ ai cũng thích bài Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà của soạn giả Viễn Châu nhưng nếu được nghe ca và nghe kể chuyện Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà tại Đền thờ Võ Tánh thì hay biết mấy !. Theo tích xưa, Võ Đông Sơ là con của Hoài Quốc công Võ Tánh và công chúa Ngọc Du. Bạch Thu Hà con quan Tổng trấn Thăng Long. Cha mẹ mất, Võ Đông Sơ ở với chú tại Bình Định; khi vua mở khoa thi chọn tướng dẹp giặc biển Ðông, Võ Đông Sơ lên đường dự thi và gặp Bạch Thu Hà khi “anh hùng cứu mỹ nhân” vào đêm rằm cúng Phật, hai người hẹn ước. Võ Đông Sơ thi đỗ và đưa quân dẹp giặc. Ở nhà, Bạch Thu Hà trốn đi vì sợ bị anh gã cho người khác. Trên đường, Bạch Thu Hà gặp nhiều trắc trở hiểm nguy nhưng vẫn trung trinh. Khi hay tin Võ Đông Sơ hy sinh vì nhiệm vụ, Bạch Thu Hà quyên sinh. Khai thác nhân vật Võ Đông Sơ và  Bạch Thu Hà sẽ tạo nên những sản phẩm “đờn ca tài tử” du lịch độc đáo Gò Công “chẳng nơi nào có được”.

Ngoài ra, điệu Lý con sáo Gò Công được các soạn giả cải lương sử dụng từ lâu nhưng chưa được khai thác cho du lịch. Nhìn chung các nhóm đờn ca tài tử ở Gò Công có “nội lực” cao nhưng hầu hết tự phát, chưa được giới khai thác du lịch đầu tư (nghiệp vụ, trang phục, nội dung,…) nên chưa phát huy sở trường.

Ngày trước Gò Công có chuyện tình Vịnh Đôi ma, thời sau cũng có chàng Gò Công và cô gái Đà Lạt yêu nhau nhưng mộng không thành và tình sử của họ đã được nhạc sĩ Hồng Vân viết thành ca khúc Đồi thông hai mộ (bài 1 và 2).

2.11. TRÒ CHƠI TRUYỀN THỐNG:

Chọi trâu, đua ngựa, đua chó, chọi chim, chọi gà là các trò chơi dân gian đậm nét văn hóa truyền thống; có thể đưa đá gà vào các lễ hội hoặc tổ chức sự kiện riêng ngày hội đá gà. Bên gà ta Gò Công thương phẩm đang phát triển thì đá gà và nuôi gà đá là nét độc đáo Gò Công. Có các sới gà tự phát, Xóm Mới – Kiểng Phước giáp Vàm Láng là một trong những sân đá gà tự phát. Chính quyền Gò Công không chỉ cần nâng hiệu lực phòng chống cờ bạc qua đá gà mà còn nên khai thác tiềm năng du lịch “xem đá gà và mua gà đá” cho du khách.

2.12. DU KHẢO  GÒ CÔNG :

Cảnh quan thiên nhiên Gò Công nhiều gò (giồng), thiếu núi, địa hình phong phú. Từ địa danh Gò Công vào quốc sử (1783), cờ và ấn rõ chữ Khổng Tước Nguyên (Võ), người Gò Công luôn cống hiến ở mọi lĩnh vực tạo nhiều sản phẩm còn mãi với thời gian. Văn quan đạo cao đức trọng, võ tướng dũng liệt kỳ tài, bậc nữ lưu kiên trung tình nghĩa, thiếu nhi hiếu học chăm ngoan. Có hảo hớn vào tù vẫn làm người giúp ích, có tù nhân trước ngày tử hình biết xin hiến xác cho y học.

Không hiếm người Gò Công xa xứ thành đạt được quê mới tôn vinh và quê nhà gọi về phục vụ. Loài mai nu (chiếu thủy) độc đáo Gò Công lặng lẽ tỏa hương cùng những lương thực, thực phẩm, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp chất lượng cao vẫn âm thầm hòa vào dòng chảy phát triển cộng đồng.

Gò Công sẽ là vùng du khảo thú vị.

Hoàng Ngọc Hùng
Giảng viên ĐHSP Huế

Phản hồi