Gò Công Xưa – Hai Miên: Một Nhân Vật Kỳ Quái Của Gò Công Dưới Thời Pháp Thuộc

Gò Công Xưa – Hai Miên: Một Nhân Vật Kỳ Quái Của Gò Công Dưới Thời Pháp Thuộc

Ở Sài-gòn cách 2, 3 chục năm trước, ở những ga xe điển, bến « bắc », bến xe đò, hành khách thường thấy những người mù, hoặc không mù, xin tiền công chúng bằng cách đờn độc huyền (ngoài Trung kêu là đờn bầu), vừa đờn vừa nói thơ Vân-Tiên, Phạm-Công Cúc-Hoa, Năm Mạnh, Sáu Nhỏ, Thằng Lãnh bán heo, v.v… Cũng có khi họ nói thơ hay nói vè « Cậu Hai Miên ». Vậy cậu Hai Miên là nhân vật thế nào mà những « Troubadours » Việt-nam (Troubadour : Thi- sĩ giang-hồ hay bọn người hát dạo ở Âu-châu ngày xưa thường đặt những bài hát, thi văn ca ngợi anh-hùng liệt-sĩ hay những chiến công, thời cuộc đáng ghi, những tài-liệu đầu-tiên của sử ký) đặt vè ca hát.

Người Việt ta có tinh-thần hài-hước (humour) lắm, nhưng bài vè về nhân vật thường chỉ ca ngợi anh-hùng liệt- sĩ vậy mà nhiều khi cũng « móc họng » ra phết ! Vậy cậu hai Miên là một anh-hùng hay một nhân vật như thế nào ?

Được giới bình-dân nhắc nhở, để nguyền rủa hay để tán dương ?

image 39 Gò Công Xưa – Hai Miên: Một Nhân Vật Kỳ Quái Của Gò Công Dưới Thời Pháp Thuộc

Theo các vị niên trưởng ở Gò-công thố lộ, chúng tôi biết qua vài nét đại-cương về thân-thế và cuộc đời của cậu hai Miên cách nay trên 80 năm qua.

Hai Miên là con của Huỳnh-Công-Tấn một tên tội nước. Lúc đầu, Tấn cũng là một chiến-sĩ quốc-gia ái-quốc. Hồi quân Pháp thực-hiện mộng xâm-lăng xâm chiếm tỉnh Gò- công vào năm 1861, Huỳnh-Công-Tấn là thuộc hạ vị anh- hùng kháng Pháp Trương-Công-Định. Về sau, vì phạm quân kỷ bị chủ tướng quở phạt, Tấn tức giận sanh lòng phản trắc. Cũng có lẽ vì bụng tiểu nhơn hẹp-hòi, vì chịu gian lao hết nổi, vì bị lôi cuốn bởi sự hấp dẫn của lợi-danh, Huỳnh-Công- Tấn bỏ hàng ngũ kháng chiến qua đầu giặc Pháp. Tấn liền được trọng dụng phong làm Đội-trưởng để huấn luyện, cầm đầu một số người Việt phản lại giống nòi gieo tang thương cho xứ-sở.

Huỳnh-Công-Tấn có 5 người con : 2 trai, 3 gái. Hai người con gái có lẽ giống như Nguyệt-Kiều trong tuồng San- Hậu, sám hối việc làm của cha anh đã bỏ nhà đi tu nơi nhà Dòng làm tôi cho Chúa, cứu thế độ nhơn, băng bó những vết thương đau của đồng bào đang bị dày đạp dưới gót giày quân xâm lăng do cha mình tiếp tay với chúng. Còn một người gái nữa chết hồi còn nhỏ. Hai đứa con trai của Tấn là Hai-Miên và Sáu Viễn.

Đội Tấn được quan thầy trọng dụng vì đã hết lòng lập được rất nhiều công lao phản nước hại dân, nhứt là đã cầm đầu đội lính tập hồi đó chưa có danh từ tràng độn nhập vào vùng quân Pháp khó vào được là chiến khu đám-lá tối-trời mà đột kích sát hại Trương-Định, vị anh-hùng dân-tộc. Với chiến công, Tấn được chủ phong lên chức Lãnh-binh. Từ đây Tấn mặc sức tung hoành, được bọn Pháp nuông chìu, muốn đoạt vợ chiếm sự sản của ai cũng được. Dường như « Cầu Ông Lãnh » là cái tên ghi lại thời oanh-liệt của Lãnh-binh Tấn. Nếu sự thật vậy thì không hiểu đồng bào mình còn giữ lại di-tích sĩ nhục ấy làm chi ! Nếu không đặt được cho cầu ấy một cái tên nào có tính cách « quốc gia » và « độc-lập » hơn thì hãy mượn của « anh ba » mà đặt tên lại cho « Cầu Ông Lãnh » là « Cầu Tân Cối » vậy !

Huỳnh-Công-Tấn chết trong sự nguyền rủa của dân chúng, Huỳnh-Văn-Miên tức là Hai Miên được hưởng sự nghiệp bán nước của cha. Pháp thực dân muốn làm gương hay làm mồi để câu bọn người vong bổn, chuyển những ân- huệ chúng dành để cho Đội-Tấn qua Hai-Miên con đầu lòng của Tấn.

Thừa hưởng sự nghiệp bán nước của cha, được bọn Pháp nuông chìu cho sang Pháp để học, khi về cho nhiều quyền lợi. Hai Miên có một chỗ tha thứ được là hắn không nối chí cha làm những điều tàn ác bốc lột đồng bào. Nếu muốn thì được, nhưng hắn không làm quan bầy tôi, không giúp Pháp truy nã diệt-trừ những nhà ái-quốc Việt-Nam. Hắn chỉ là một công tử lấy tiền của Pháp đi du-lịch ăn chơi đã đời, từ tỉnh này sang qua tỉnh kia ngồi trên chiếc ghe bầu chễm chệ. Người ta thuật lại rằng : Hai Miên được bọn Pháp « cưng » đến nỗi hắn muốn bao nhiêu tiền cũng được, đi đến đâu, xài hết tiến cứ lại kho bạc viết « bông » đưa vào lấy tiền ra. Ngon lành không ! Trong quyển thơ nói về cậu có hai câu nầy :

« Cậu hai cậu chớ có lo !

Hết tiền cậu xuống dưới kho cậu lấy mà xài ».

Nhưng đó là một điều đồn đãi mà người có kiến thức khó thể tin. Bọn Pháp thực có thể cấp cho hai Miên một số tiền lớn chừng nào đó, hoặc trợ cấp hàng tháng hay cho những quyền lợi trong một cuộc kinh doanh bốc lột nào, nhưng không bao giờ có thể có chuyện Hai Miên cần bao nhiêu tiền cứ đến kho bạc mà lấy, vì đó là một chuyện mà vua chúa của Pháp thực cũng không được quyền làm huống chi là con của một tên mãi quốc cầu vinh. Ta có thể hiểu rằng Hai Miên được cấp mỗi tháng một số tiền trợ cấp nhứt định tới số nào đó, với ngân phiếu hoặc biên lai hắn có thể đem đến kho bạc lãnh tiền. Đồng bào ta hồi đó thật thà, chất phác, thấy Hai Miên hết tiền đến kho bạc lãnh trợ cấp tháng tới ra xài, tưởng là hai Miên cứ hết tiền là đến lãnh và bao nhiêu cũng được. Bọn Pháp có khi nào lại ký một ngân- phiếu khoán trắng (chèque en blanc) cho ai ?

Chỗ nên tha thứ cho Hai Miên là hắn chỉ du lịch, xài tiền hưởng thụ. Hắn lại có tánh hào hiệp của những tay chơi bời anh chị, nuôi dưỡng tinh-thần anh-hùng « Lương-sơn-bạc », gặp những việc nghĩa nho nhỏ dám ra tay « kiến-nghĩa bất- vi vô-dõng-giã » can-thiệp những chuyện bất công quan liêu hiếp bốc dân lành, như giúp gái điếm khỏi bị mã tà ăn hiếp, đánh lính giải vây cho em út tay chơi, v.v… Vì vậy mà Hai Miên được có « vè », được giới bình dân thật thà nhắc nhở như một anh-hùng mã thượng. Nhưng thôi, người soạn sách này không đến nỗi hẹp hòi như mấy ông vua tàu thuở trước, hễ một người phạm tội là tru di tam tộc. Nhơn danh lịch sử tôi lên án nặng Huỳnh-Công-Tấn, nhưng xét lại Hai Miên không có tội gì.

Requien in pace. Tôi sẵn-lòng để cho linh-hồn Hai Miên được yên nghỉ.

Xuyên qua cuộc đời của Hai Miên đến chết không con kế tự, theo chúng tôi biết hiện nay ngôi mộ của người tọa lạc trong một vuông đất ở đường Phát-Diệm Saigon, rẽ về mé tay trái, mộ xây bằng đá xanh, trước bia có ghi tên họ và ngày chết của người vì lâu ngày bị rêu phong cỏ mọc đọc không rõ.

Huỳnh Minh

Bình luận