Mỗi năm khi đoàn ghe nghinh Ông ngoài khơi trở về, đều ghé lại Miếu Bà ngoài Vàm sông Cần-lộc (đối-diện với đồn canh). Miếu hình ngũ giác lợp thiếc sơn trắng, trong có bàn thờ và bài vị Bà Tư Có, người có công sáng lập ngành chài lưới tại Vàm-láng.
Theo truyền thuyết, Vàm-láng ngày xưa là đất hoang- vu, rừng rú nhà ở thưa thớt, dân sống về nghề đốn củi đổi gạo hay canh tác những phần đất trống ven rừng. Lúc bấy giờ bên Tàu, nhà Mãn-Thanh suy yếu, Hồng-Tú-Toàn khởi nghĩa lập nên Thái-bình Thiên-quốc cầm quyền được mấy năm. Chánh sách khắc nghiệt của họ Hồng làm cho khá đông dân Tàu phải bỏ xứ ra đi tìm chốn yên lành hơn sanh sống. Trong số những người di cư này có bà Tư Có gốc người Minh-hương, lên ghe xuôi về hướng Nam, dọc theo Nam-hải định xuống Hà-tiên. Ghe đi đến cửa Cần-giờ, trời nổi giông bão lớn, ghe bà chòng chành muốn chìm, bà đốt nhang van vái. Bỗng dưới biển có 2 con cá rất lớn nổi lên cặp hai bên mạn thuyền, bà sợ hãi than trời, nhưng hai con cá không làm hại gì mà còn giúp cho ghe khỏi chìm chạy vào một ngọn sông yên lành. Đó là sông Cần-lộc chảy qua Vàm-láng. Bà Tư Có nhớ ơn lập miếu thờ và gọi là cá-ông để tỏ lòng kính mến.
Nhận thấy sông Vàm-láng là ụ trú ghe tốt, bà Tư nghĩ ra nghề đánh cá, bà trở về xứ rủ thêm người qua sắm ghe đan lưới đi chài và đánh cá. Được khởi đầu bởi một người đàn bà Minh-hương, nghề chài lưới ở Vàm-láng được người Việt- nam ta với trí thông-minh canh-tân phát-triển. Đồng bào ta đóng đáy cả hai con nước lớn và ròng trong khi người Tàu chỉ đóng một con nước lớn ; dân ta lại sáng chế ra đáy rạo là loại đáy đóng có cọc theo hình chữ V cho nước chảy quặn vào cọc thành như hai tấm đăng, ngư phủ đặt phía dưới một cái đục cho cá vào.
Ngoài ra, đáy sông cầu là loại đáy ta thường thấy trên các sông rạch để bắt tôm nhiều hơn cá.
Đến ngày nay, trải qua gần một trăm năm, ngành ngư- nghiệp ở xứ ta được phát-triển và cơ-khí hóa, dân Vàm-láng đã có những kiểu ghe Kiên-giang, đánh cá bằng lưới ni-lông và bằng ghe máy.
Chúng tôi thành thật ước mong, khi hòa bình trở lại, một chánh-phủ độc lập dân chủ thật sự biết lo giúp đỡ nhơn dân, với sự viện-trợ của Ngân-hàng quốc-tế mở mang Đông-Nam-Á và sự viện-trợ đến tận tay nhơn dân không bị xén bớt dọc đường, thì ngành ngư nghiệp Vàm-láng sẽ phát-triển đến cực độ để biến thành một kỹ-nghệ, nâng cao mức sống dân chài, đóng góp vào sự thạnh vượng chung của xứ sở.

Bến cá Vàm-láng
Bình luận