Ao Trường Đua Gò Công

“Ao làng mây tắm trăng bơi
Nước trong như nước mắt người tôi yêu…”
(Thơ Hoàng Tố Nguyên)

Ao Trường Đua (thị xã Gò Công) có lịch sử hình thành từ hơn 80 năm nay. Thời Pháp thuộc, nhằm mục đích lấy đất đắp đường vào chợ vốn xây dựng ở vùng đất trũng ven kinh rạch và chủ yếu để phục vụ nhu cầu giải trí xa hoa của giới thống trị, nhà cầm quyền huy động dân phu đào một ao vuông chu vi độ 3.000 mét, sâu 5 mét, bờ lề rộng 5 mét, giáp đường Tổng Thứ (nay là đường Nguyễn Huệ), dựng khán đài cho quan khách ngồi xem đua ngựa. Những ngày lễ lớn của Pháp như ngày 14 Juillet (kỷ niệm phá ngục Bastille năm 1789), bọn thực dân tổ chức đua ngựa, vui chơi để dân ta quên sự nghèo đói, hận thù, đấu tranh.

ao truong dua 3 1 1 Ao Trường Đua Gò Công

Người Gò Công mỉa mai gọi là lễ “Chánh chung”. Dịp này, chính quyền sở tại tỏ ra dễ dãi đôi chút với kẻ phạm pháp, bởi thế có câu truyền tụng thời ấy “Cách- to- ru- dết, đánh chết không tội!”. Một cuộc đua xe đạp kỳ thú đã diễn ra tại vòng bờ ao Trường Đua, chỉ có 4 nhân viên Nhà Dây thép tham dự. Nguyên do cả Gò Công vừa được cấp 4 chiếc xe đạp dùng liên lạc công văn, giấy tờ mà không ai biết sử dụng. Thế nên trên Sài Gòn phải đưa một “chuyên gia” người Pháp về dạy cách dẫn xe, đạp xe. Các “vận động viên” lóng ngóng, leo lên té xuống vất vả cả nửa tháng rồi cũng chạy tạm được. Ngày hội đua xe đạp rất đông người hiếu kỳ đến xem. Kết quả: một anh thì xe bung vỏ đặc không gắn lại được, hai anh bỏ cuộc vì ngã riết đâm sợ, còn một anh ráng gò lưng đạp quanh quẹo về tới đích. Phần thưởng gồm gạo, vải và cái vinh dự “hạng nhất cuộc đua xe đạp đầu tiên ở Gò Công”…

Gò Công là xứ đồng chua nước mặn, vào mùa nắng việc lo nước ngọt tiêu dùng là vấn đề khó khăn. Cứ vào khoảng tháng 10 âm lịch, người người lũ lượt gánh nước mưa chứa từ ao Trường Đua về nhà sử dụng. Ao sâu nên hầu như không bao giờ cạn nước, thỉnh thoảng làng cho bơm vét sạch, cá lưu niên có con năm, bảy ký lô là thường. Những hàng cây dương, me trồng quanh ao vừa lấy bóng mát, vừa giữ đất không sạt lở. Bao thế hệ người Gò Công dù xa xứ, mỗi khi nhớ quê vẫn không quên những kỷ niệm về ao Trường Đua. Các cô cậu học trò ngày nghỉ ra ngồi dưới bóng cây để ôn bài, trò chuyện, ký ức ấy khó mà phai mờ. Ao Trường Đua như một biểu tượng gắn bó, gần gũi với Gò Công xiết bao!

Những năm sau giải phóng, dân cư đông lên mà nhà máy nước chưa đủ sức cung cấp nên vào mùa khô các xe đổi nước vẫn đến ao Trường Đua chuyên chở liên tục. Thiếu quản lý, nước ao ô nhiễm nặng và lúc ấy chẳng hiểu sao người ta lại cho chặt bỏ những cây dương già bao bọc quanh ao. Bờ ao trống trải, ai đi ngang qua cũng thấy man mác buồn tiếc như thiếu vắng điều gì vốn đã rất ràng buộc, thân thiết. Ao Trường Đua trở nên chơ vơ, lặng lẽ hơn.

Thị xã chỉnh trang, đường phố rộng đẹp và ao Trường Đua được khởi công nạo vét, xây dựng bờ kè, lát gạch vỉa hè và trồng cây xanh trở lại. Đêm đêm, dưới ánh đèn cao áp mát dịu, mọi người ung dung dạo mát hoặc ngồi vào băng ghế ngắm cảnh ao lấp loáng để hồi tưởng quá khứ vui buồn. Chỉ là một cái ao mà chất chứa dấu ấn lịch sử, con người qua bao thăng trầm, biến động; thật đáng gìn giữ, trân trọng. Tâm hồn, tấm lòng người Gò Công là vậy, mong sao ao Trường Đua vẫn còn mãi mặt nước trong xanh đến những đời sau.

Nguyễn Kim
Phản hồi