Gò Công Xưa – Sân Vận Động

Gò Công Xưa – Sân Vận Động

Sự đô-hộ của Pháp đem lại cho dân ta nhiều tai hại, nhưng vô tình chúng cũng đem lại cho ta một vài ảnh hưởng hay. Một trong những ảnh hưởng ấy là thể thao.

Cũng như ở nhiều tỉnh khác (như Tân-an chẳng hạn) ở Gò-công trước dinh Tỉnh-Trưởng đối diện với đồn lính mã-tà Garde civile locale (bây giờ là tiểu khu quân đội V.N.C.H.), có một sân cỏ để đá banh. Sân này được dùng để cất trường Trung-học và cư-xá Sĩ quan, vì Gò-công đã có sân banh khác tốt đẹp và đúng thước tấc hơn.

Vào thời Toàn-quyền Decoux, giữa lúc thế chiến thứ hai gần xảy ra, thế giới xôn xao, vùng Đông-nam-Á sôi động trước trục Tam cường và sự đe dọa của chủ nghĩa phát xít, ở Đông dương, nhất là Việt-Nam, phong trào cách mạng ngấm ngầm phát triển. Chánh-quyền Pháp cảm thấy tình hình bất ổn, địa vị rung rinh, họ nghĩ ra một mưu kế hấp dẫn để kéo thanh niên theo xu hướng tâm trí năng lực và hoạt động của thanh-niên thể thao, một phong trào được ra đời dưới sự hướng dẫn của Ducoroy, và được thúc đẩy rất mạnh phát triển hết sức mau lẹ.

Ta phải nhìn nhận viên trung-tá hải-quân Ducoroy quả có tài tổ chức. Khắp nước Việt từ Nam chí Bắc vận-động trường mọc lên như nấm sau cơn mưa, những cuộc đua xe đạp, thịnh diễn điền kinh thể thao thu hút thanh-niên nam- nữ rầm rộ khác thường. Theo phong trào chung của toàn quốc, ở Gò-công một sân vận động được lập gấp rút bên hông dinh tỉnh-trưởng. Sân này cũng khá đồ sộ so với các tỉnh : ngoài cổng lớn một tấm bảng kiêu hãnh rêu rao : « Stade de Gò-công », bên trong có sân cỏ đá banh, sân vận động với đủ dụng cụ điền kinh như sân chạy bộ, nhảy cao và dài, mộc mã và xà ngang (barre-fixe), đu, tạ, lao, dĩa, để liệng, v.v…

image 59 Gò Công Xưa – Sân Vận Động

Ducoroy đã thành-công một phần nào trong mưu định lôi kéo thanh thiếu niên Việt chạy theo phong trào « thể thao điền kinh », nhưng chỉ lôi kéo được thân xác luyện tập cho cường tráng mà thôi. Đến lúc người Pháp sa cơ, phong trào cách mạng Việt-Nam bùng nổ, thì đám thanh niên của Ducoroy huấn luyện trở thành những thanh niên tiền phong đấu tranh đắc lực cho đất nước.

Sân vận động ngày nay hãy còn đó. Để lập sân này người ta đã phải chiếm mất phân nửa con đường Petrus-Ký. Phần còn lại của con đường cũng bị những hàng kẽm gai của Trung-tâm cải huấn chiếm luôn. Thế là con đường Petrus-Ký không còn tồn tại vì xâm lăng của đời sống phát- triển, giống như đường Cả Thuận ở đầu mé bên kia sông.

Huỳnh Minh

Bình luận