Hoài Quốc Công Võ Tánh

HOÀI QUỐC CÔNG VÕ TÁNH

Võ Tánh hay Võ Tính (武性, ? – 1801) là một danh tướng của chúa Nguyễn Ánh, đương thời ông cùng Đỗ Thành Nhơn và Châu Văn Tiếp được xưng tụng là Gia Định tam hùng.
Trong thời thế sóng gió của đất nước, hết Trịnh – Nguyễn phân tranh lại tới Tây Sơn khởi nghĩa, ngay cả hai vị kia trong Gia Định tam hùng là Đỗ Thành Nhơn, Châu Văn Tiếp đều ít nhiều có lần đổi phe. Thì Võ Tánh là người nổi lên với khí phách và lòng trung thành tuyệt đối không gì có thể suy chuyển. Cũng như Trần Quang Diệu là người trung thành với nhà Tây Sơn từ khi khởi nghĩa đến lúc thất thế, thì Võ Tánh đã cống hiến cả cuộc đời ông và hy sinh tính mạng của ông cho sự phục hưng của cơ nghiệp của chúa Nguyễn Ánh. Và cả hai ông Quang Diệu và Võ Tánh dù đối địch vẫn dành cho nhau sự kính trọng hết mực.
Võ Tánh sinh tại huyện Phước An, tỉnh Biên Hoà (nay thuộc tỉnh Đồng Nai), sau dời về huyện Bình Dương, Gia Định.

13428598 1137415352998869 5984548120878843025 n Hoài Quốc Công Võ Tánh

Vì không chịu thần phục nhà Tây Sơn, từ năm 1783 đến năm 1788, ông cùng với người anh là Võ Nhàn tập hợp lực lượng nổi dậy tại thôn Vườn Trầu (Hóc Môn), tự xưng là Nghĩa quân Kiến Hòa (sử gọi là Kiến Hòa Đạo), giương ngọn cờ Khổng Tước Nguyên Võ (Khổng Tước Nguyên là tên chữ của Gò Công), rồi kéo quân chiếm giữ cả vùng Gò Công.
Năm 1788, nhận lời mời của chúa Nguyễn Phúc Ánh, ông đến Nước Xoáy (Sa Đéc) hội binh, được phong là Tiên phong dinh Khâm sai chưởng cơ, và được chúa gả cho em gái là Ngọc Du.
Năm 1793, Võ Tánh được thăng chức Khâm Sai Quán Suất Hậu Quân Dinh Bình Tây Tham Thắng Tướng Quân Hộ Giá. Khi trấn thủ thành Diên Khánh, Võ Tánh dùng mưu đuổi quân Tây Sơn đến vây thành vào năm 1794. Sau đó ông được phong tước Quận Công kiêm lãnh chức Đại Tướng Quân.
Năm 1797, ông theo Nguyễn Phúc Ánh ra đánh Quảng Nam. Thừa thắng, ông vượt qua sông Mỹ Khê (Quảng Ngãi) đánh bại Đô đốc Tây Sơn Nguyễn Văn Giáp.
Năm 1799, ông lại theo chúa Nguyễn tiến đánh Quy Nhơn. Vào cửa biển Thị Nại, Võ Tánh và Chưởng Hữu Quân Nguyễn Huỳnh Đức đánh thắng quân Tây Sơn tại Thị Giả, rồi giết được Đô đốc Tây Sơn Nguyễn Thiệt tại cầu Tân An. Đô Đốc Lê Chất xin hàng, xin làm thuộc tướng của Võ Tánh. Ông chặn đánh quân của Thái Phó Tây Sơn là Lê Văn Đang tại làng Kha Đạo, bắt được 6.000 quân Tây Sơn và 50 thớt voi. Các tướng Tây Sơn là Lê Văn Thanh và Nguyễn Đại Phát phải mở cửa thành Quy Nhơn xin hàng. Thành Quy Nhơn được đổi tên là thành Bình Định (kinh đô Chà Bàn cũ của người Chăm).
Năm 1801, khi đại quân chúa Nguyễn rút về Gia Định, thành Bình Định được giao cho Võ Tánh và Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu trấn giữ. Thành Bình Định ngay sau đó bị đại quân Tây Sơn, dưới quyền chỉ huy huy của Thái Phó Trần Quang Diệu và tướng Võ Văn Dũng đến bao vây. Trần Quang Diệu sai đắp lũy chung quanh thành và chia quân vây bốn mặt, Võ Văn Dũng thì đôn đốc thủy quân phòng giữ cửa Thị Nại. Cuộc bao vây kéo dài đến 14 tháng.
Cũng trong năm này, Nguyễn Ánh cùng Lê Văn Duyệt và Võ Di Nguy đem đại binh ra tìm cách giải vây cho Bình Định, đại thắng thủy quân Tây Sơn tại Thị Nại. Đây là trận thủy chiến lớn nhất của cuộc chiến tranh Nguyễn-Tây Sơn. Tuy quân Nguyễn thắng trận, tiêu diệt thủy quân Tây Sơn, nhưng không giải vây được trên bộ, thành Bình Định vẫn bị quân Tây Sơn vây chặt.
Nguyễn Ánh đương đêm cho người vượt thành đem mật thư vào thành lệnh cho Võ Tánh phải bỏ thành trốn ra, nhưng Võ Tánh lại biên thư khác ra cho Nguyễn Phúc Ánh khuyên ông phải chớp thời cơ kéo quân ra đánh Phú Xuân, để ông cùng Ngô Tùng Châu cố giữ thành cầm chân quân Tây Sơn. Chúa Nguyễn nghe theo, và tháng 5 năm Tân Dậu (1801) đánh lấy được Phú Xuân.
Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng nghe tin Phú Xuân thất thủ, liền sai tướng đem quân ra cứu. Quân ra tới Quảng Nam thì bị chặn đường phải trở lui. Trần Quang Diệu hết cách mới đốc quân quyết tâm chiếm lấy thành.
Hoàng Việt hưng long chí chép:
“Trong thành hết sạch lương ăn, Võ Tánh cho quân sĩ làm thịt voi ngựa mà ăn. Có người khuyên mở đường máu vượt vòng vây mà ra, nhưng Tánh thấy quân sĩ đều đã đói, không muốn đánh liều. Lại bí mật đưa thư hẹn với Nguyễn Văn Thành ban đêm đem quân tới đồn Phú Quý để đón người trong thành trốn ra. Nhưng điểm lại trong hàng tướng hiệu thiếu một viên vệ úy, Võ Tánh bàn với Ngô Tòng Chu bỏ không thực hiện vì sợ kế hoạch đã bị tiết lộ. Rồi Võ Tánh sai quân sĩ lấy củi khô đem chất đống trước lầu Bát Giác, đặt thuốc dẫn hỏa lên trên, rồi bảo với các tướng rằng:…Ta không muốn cho quân giặc nhìn mặt, ta chết với lửa !”
Lễ bộ tham tri Ngô Tùng Châu vốn là bạn thân của Võ Tánh hiểu ý, liền bỏ về dinh: “Ngô Tòng Chu trở về mặc triều phục chỉnh tề, vái vọng về phía kinh đô Phú Xuân, đọc một bài thơ [..]. Đọc xong bài thơ, Ngô ngửa cổ uống cạn chén thuốc độc. Võ Tánh nghe tin báo, đau buồn nói: Thế là Ngô quân đã đi trước ta rồi..”
Võ Tánh mới biên một phong thư gửi cho Trần Quang Diệu lời lẽ bi hùng, chấp nhận mở cổng thành đầu hàng nhưng nhắc rằng: ” Phận ta là chủ tướng, đành một chết với cờ. Còn như quân sĩ không tội tình gì, xin chớ nên giết hại.”
Xong rồi ông vào mặc triều phục, hướng về Nam lạy Nguyễn Vương rồi giã từ các tướng sĩ, đi lên lầu Bát giác, phóng hỏa tự thiêu. Có một người thiếp của Võ Tánh, cùng một bộ tướng dưới quyền là thống binh Nguyễn Tiến Huyện thấy cảnh ấy quá xúc động cũng liều thân nhảy vào lửa chết theo. Đó vào ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu, tức nhằm ngày 7 tháng 7 năm 1801.
Quân Tây Sơn kéo vào thành, Trần Quang Diệu biết Võ Tánh chết rồi thì bất giác rơi lệ, lệnh tha mạng cho tất cả quân sĩ thủ thành, không hại một ai.
Năm 1802, khi chúa Nguyễn đã chiếm được Phú Xuân, Tây Sơn lại mất Trấn Ninh, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng phải bỏ thành đi theo đường thượng đạo qua Lào về cứu vua Cảnh Thịnh…
Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi vua, Gia Long mới truy tặng Võ Tánh là Dực vận công thần Thái úy Quốc công. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), truy phong ông là Hoài Quốc công.
Có thể nói không có sự hy sinh của Võ Tánh thì cơ nghiệp nhà Nguyễn khó mà thành vậy.

Nguồn: Phan Thanh Nam
(Tranh được vẽ bởi Warm-quest vui lòng giữ nguyên chữ ký khi chia sẻ, và dẫn nguồn về trang này. Và không sử dụng để in ấn, hoặc mua bán khi chưa được sự đồng ý của tác giả)
https://m.facebook.com/warm21/
Ad hương giang

Phản hồi