50 năm trước nước Việt-Nam còn trong thời-kỳ bị Pháp đô-hộ. Đại-diện chánh-quyền thực-dân là Toàn-quyền Paul Doumer, một chánh khách tiếng tăm của nước Pháp đã để danh lại cho cầu Hàm-Rồng nối Hà-nội với Gia-lâm. Cầu này thời Pháp thuộc được đặt tên là cầu Doumer, ngày nay Việt- Nam độc-lập đã cải đổi lại rồi.
Dưới thời viên Toàn-quyền đại-diện nước Pháp cai-trị toàn cõi Đông-dương (kể luôn cả Cao-miên và Ai-lao), nước Việt chia ra làm 3 miền : Bắc, Trung, Nam. Bắc và Trung trên danh-nghĩa còn thuộc chủ quyền Nam-triều, nhưng thực-sự đặt dưới quyền cai trị trực-tiếp của 2 viên Khâm-sứ (Résident supérieur) và những viên công-sứ (Résident) cai- trị tỉnh. Bắc và trung, gọi là xứ bảo-hộ, còn có những quan- chức Nam-triều bổ-nhiệm ra cai-trị. Nam-kỳ là xứ thuộc- địa, đặt dưới quyền cai-trị của một viên Thống-đốc (Gouverneur) và những viên Tham-biện Tỉnh-trưởng (Administrateurs, chefs de province).
Cầm đầu Nam-triều thời đó là vua Thành-Thái, một vị vua có tâm chí nhưng bất lực vô quyền. Chủ-quyền nhà vua chỉ hữu-danh vô thực, nhà vua trước áp lực của chánh quyền đô-hộ, đành ôm-ấp mối căm hờn phẫn uất nhưng không biết làm sao tự giải-thoát, mới nảy sanh ra một thái- độ để tiếng đến ngày nay. Ông giả điên dại làm ra bộ khật- khùng để chống lại Pháp quyền một cách tiêu-cực. Đồng bào ta đã nghe thuật lại khá nhiều những chuyện làm « ngông » của vua Thành-Thái, nhưng miệng đời đã phóng đại. Như chuyện mổ bụng một thiếu-phụ Pháp, chuyện giết một con cắc-kè rồi đưa đám linh-đình trọng thể, v.v… Sự thật vua Thành-Thái chỉ giả bộ khật-khùng làm những chuyện ngang-ngược để gây khó khăn cho người Pháp mà không sợ khiển-trách. Sự thật vua Thành-Thái không « khùng » chút nào, ẩn núp sau cái bề ngoài « bất thường tánh » để che mắt người Pháp, ông ngấm-ngầm liên lạc với các nho-sĩ cách-mạng, ngấm-ngầm tán-trợ phong-trào kháng Pháp bắt đầu sôi nổi từ Bắc chí Nam. Một bằng cớ đáng chú-ý là hồ-sơ bí mật của thực-dân Pháp sau này bị kháng-chiến quân ta tóm được, nói về phong-trào quốc-gia cách-mạng Việt-Nam từ 1904 đến 1914-18 nhìn nhận ông Thành-Thái là vị vua đã giả khùng để bất hợp-tác và ngấm- ngầm hộ-trợ các nhà cách-mạng.

Vì thời nước ta chưa tới, vận số dân ta còn đen, nên trong thời kỳ này những cuộc mưu toan nổi dậy diệt quân Pháp giành lại chủ-quyền đều bị phát giác trước khi cử sự chỉ vì kẻ tay trong phản-phúc chạy đi báo-cáo với người Pháp để đổi bạc vàng chức tước.
Đồng bào đoán hiểu nỗi khổ tâm của vị vua có tinh-thần bất-khuất nên luôn dành sẵn một cảm tình nồng-nhiệt với vua Thành-Thái. Tuy miền Nam thời kỳ ấy là thuộc-địa không còn dính dáng gì với quan Nam-triều, nhưng người miền Nam hãy còn lưu-luyến với quân-vương ; quan-niệm dân-chủ chưa được tiêm nhiễm, rộng sâu, người dân miền Nam hãy còn coi ông vua là tượng trưng, đại diện chơn chánh cho tinh-thần quốc-gia dân-tộc.
Phong-trào kháng Pháp sôi nổi từ miền Trung lan ra Bắc. Miền Nam đợi chờ hưởng ứng nhưng liên-lạc khó-khăn. Chính vào lúc này vua Thành-Thái tính mở một cuộc Nam du. Bề ngoài với lý-do chánh thức là về Gò-công thăm quê ngoại của Tiên-hoàng nhà Nguyễn ; lý-do chánh thầm kín bên trong là vua Thành-Thái muốn thăm dò dân-tình ở những miền đã lọt ra khỏi quyền hạn của Triều đình, nhắc nhở đồng bào miền Nam nhớ lại nguồn gốc của chính mình, liên lạc với các nhà cách-mạng miền Nam nếu có cơ-hội.
Người Pháp không có lý-do gì chánh đáng để cản-trở.
Thế là Ngài ngự Nam du !…
Vua Thành-Thái vô Sài gòn, được nghinh-tiếp trọng thể theo nghi-lễ. Người Pháp thực-dân khôn-ngoan biết giữ thể- diện cho những vị vua bị đô-hộ, một để mua lòng người trong cuộc, hai để khoe khoang với thế-giới bên ngoài rằng họ luôn luôn kính trọng tục lệ lễ-giáo của nhơn dân những miền bị họ « khai hóa » ! Dân chúng Sài-gòn cũng rầm rộ hân hoan đón tiếp nhà vua, phần lớn vì hiếu-kỳ muốn coi mặt ông vua, một số ít còn lưu-luyến dĩ-vãng muốn tỏ cảm tình với ông vua không đến đổi vì bã vinh sang làm bù nhìn cho quân giặc.
Trong chuyến Nam du này, vua Thành-Thái đã thu hút được cảm tình của khá nhiều đồng-bào Bến-nghé. Người ta thuật lại rằng mặc dầu mật-thám Pháp bủa giăng dòm ngó, rất nhiều người có tâm-chí đã tìm cách yết-kiến được nhà vua, bày tỏ nỗi lòng, hiến dưng sản-nghiệp. Trong đám hằng tâm hằng sản này có một thiếu-phụ là cô Tám, đã đem đến cho nhà vua một sản-nghiệp và một tấm lòng. Giữa nhà vua và cô Tám có gì không thì tác giả không dựa vào đâu mà quả-quyết, nhưng ở Sài-gòn Chợ lớn, trong hai thế-hệ, người ta không ngớt bàn tán về một đoạn ân-tình giữa vua Thành-Thái và cô Tám, chủ rạp hát Chợ lớn (Bạn đọc có lẽ đều nghe nói tới « Rạp cô Tám » ở Chợ lớn).
NGÀY LỊCH SỬ : DÂN CHÚNG GÒ-CÔNG HÂN HOAN ĐÓN TIẾP VUA THÀNH-THÁI
Từ Sài-gòn, vua Thành-Thái về Gò-công, đến giồng Sơn- qui viếng đền thờ và lăng mộ nhà họ Phạm, thân-sinh và tổ-phụ Bà Từ-Dũ, mẫu thân vua Tự-Đức. Ở tỉnh và miền thôn quê, cuộc nghinh-tiếp nhà vua còn trọng-thể hơn nữa.
Vào thời-đại nền học vấn mới chưa truyền rộng, nho- giáo còn thâm-nhiễm các vùng quê, đồng bào Gò-công, nhứt là Sơn-qui, đã đặt hết tâm-tình vào cuộc cung nghinh vua Thành-Thái. Nhà nhà trước cửa đều đặt bàn hương-án đèn hương nghi-ngút. Chốn chốn treo hoa kết tụi, dựng khải-hoàn môn cờ xí rợp trời. Nhà vua chắc đã cảm-động và tự an-ủi lòng được phần nào trước cuộc cung-nghinh do tự tấm lòng, không quyền hành nào bắt buộc.
Lẽ cố-nhiên vua Thành-Thái đã đến viếng các lăng mộ nhà họ Phạm, đã đốt nhang tưởng niệm những công-thần của Tiên-đế, đem một niềm vui, một vinh-hạnh cho đồng- bào mộc-mạc tỉnh Gò. Từ lâu rồi, Gò-công là tỉnh duy nhứt miền nam, đón tiếp và tỏ lòng cùng một vị vua nhà Nguyễn. Cũng trong cuộc viếng thăm này, ông Thành-Thái đã gặt-hái một kết-quả không phải cho riêng ông mà cho phong trào cách-mạng : khêu gợi ngọn lửa thiêng trong lòng mọi người dân yêu nước.
*
Nhơn nhắc lại chuyện vua Thành-Thái viếng Gò-công, tác giả không thể không hồi-tưởng cuộc gặp gỡ 16 năm trước đây tại Sài-gòn giữa vị vua mất ngôi bị lưu đày đã trở về, và nhà văn đi tìm chuyện lạ. Cuộc gặp gỡ xảy ra vào năm 1952 tại một căn phố đường Nguyễn-Trãi, Sài-gòn.
Sau ngày Việt-nam thâu hồi được chủ-quyền, mặc dầu chưa trọn vẹn nhưng người Pháp đã phải lần hồi giao lại đất nước cho người Việt-Nam, vua Thành-Thái từ đảo Réunion được trở về đất mẹ. Ông về sống những năm sau cùng trong một căn phố thường ở Sài-gòn, sống đời bình dị như một người công chức hưu trí.
Lúc đầu ông mới về, những người hiếu-kỳ hoặc hâm-mộ tới lui tấp nập, nhưng lần hồi không còn mấy ai lưu-ý cái bóng của một thời qua chẳng bao giờ còn trở lại.
Là một nhà văn chuyên vạch bóng thời-gian tìm vật xưa tích cũ, một hôm tôi đến viếng ông Thành-Thái, năm ấy là một cụ già ốm yếu ăn mặc tầm thường nhưng sau bao năm bị lưu-đày vẫn còn phong độ một ông vua. Ông tiếp tôi niềm nở, nhưng cử-chỉ và ngôn-ngữ vẫn còn « Vương giả ».
Tôi tặng ông một cuốn sách do tôi trước tác. Đáp lại, ông cầm bút viết lên một trang giấy tặng lại tôi với bút tự của ông những chữ sau đây :
« Nhâm-thìn đông thời, Dư ngọa trừ bịnh Gia-thành : thích Huỳnh-quân đái lai nhứt sách, cầu hữu thơ ký tự vi vi kỷ-niệm.
Ngã trùng vi kỳ ý, liên thơ chi tắc trách. Hàn-thự Việt-hoàng : Thành-Thái
Ư niên thất thập tứ tuế ».
Nay xin ghi lại trong đoạn sách này, của tác giả kính tặng đồng bào Gò-công để kỷ-niệm một cuộc viếng thăm lịch-sử : vua Thành-Thái viếng Sơn-qui !
Bình luận