Trên Văn đàn toàn quốc Gò Công chiếm một địa vị khả quan

Trên Văn đàn toàn quốc Gò Công chiếm một địa vị khả quan

Nói đến văn-học Việt-Nam ta phải để dành một chỗ cho tỉnh Gò-công, một xứ đồng chua nước mặn mà đã sản xuất khá nhiều nhơn tài trên văn đàn trận bút.

Từ thời xưa, người Gò-công đã có tiếng là hiếu học.

Lẽ cố nhiên vào thời-đại mà quan niệm quốc-gia dân tộc còn được tiêu-biểu bởi vua chúa, triều đình, việc học của người dân đều nhắm vào thi cử đỗ đạt để ra làm quan với triều đình phò vua giúp nước. Người đầu tiên của đất Gò làm rạng rỡ quê hương là Ông Phạm-Đăng-Hưng, sanh năm 1765, ra Huế làm quan, đến năm 60 tuổi (1825), lên đến chức Lễ-bộ Thượng-thơ, văn-tài lỗi-lạc, đức độ khả phong, gia đình nề nếp của ông lại sanh được một kỳ-nữ là Bà Từ- Dũ đã được tuyển vào cung và trở nên người hiền mẫu của vua Tự-Đức sau này.

Người thiếu nữ Gò-công rất giỏi văn-chương thi-phú, được tuyển vào cung nổi tiếng tài-hoa, trong các vị hoàng- hậu của triều nhà Nguyễn bà là người được kính nể tôn sùng hơn hết về tài hoa cũng như đức hạnh. Khắp dân gian đều truyền tụng vị mẫu-hoàng biết bình thơ giảng sách cho con, giáo huấn Tự-Đức nên một người con hiếu và một ông vua có tài về văn-học.

Ngoài gia đình họ Phạm, đất Gò-công, trải qua các thời đại, tiếp tục sản xuất biết bao văn-nhân thi-sĩ vang tiếng một thời, tô-điểm văn chương nên sự nghiệp, đắp bồi văn- hóa làm rạng rỡ nước non nhà. Thời cận đại, chúng tôi được biết một số văn-nhân thi-sĩ đất Gò lừng danh trên chốn văn-đàn, sau đây đã đóng góp cho nền văn học qua những sách vở, báo chí nay còn lưu lại.

image 1 Trên Văn đàn toàn quốc Gò Công chiếm một địa vị khả quan

Tiểu thuyết gia phong-phú khắp ba kỳ đều nghe tiếng, đó là cụ Hồ-biểu-Chánh (tự Hồ-Văn-Trung), sanh năm 1885 sinh quán ở Bình-Thành, cụ tạ thế ngày 4-11-1958. Lúc sanh tiền cụ sáng tác nhiều bộ tiểu-thuyết có giá-trị, văn và truyện cụ rất bình dân phổ thông trong đại chúng, cụ để lại cho đời một sự nghiệp văn chương bất hủ, nay tên cụ đã đi vào lịch sử.

Cụ Lê-lương-Tri, chính tên là Lê-văn-Quới, tục gọi là Thôn Năng người làng Dương-phước, sanh năm 1893, một nhà nho sống cuộc đời thanh đạm, có tài xuất khẩu thành thơ, thi văn lưu loát, các thi hữu xa gần đều biết tiếng và mến phục, thường tới lui thăm viếng trao đổi văn thơ xướng họa, kể ra cụ là một nhà thơ lỗi lạc của đất Gò, cụ mất năm 1963 (xin coi tiểu sử có nói rõ ở phần ba).

Ông Trương-văn-Biện, sinh quán làng Bình-thành, quê hương tiểu thuyết gia Hồ-biểu-Chánh, một người tinh thông Hán học, có khoa ngôn ngữ ông chuyên về bình luận, giải nghĩa truyện Thúy-Kiều. Tuy không để lại một sự nghiệp văn chương nào, ông vẫn để lại Gò-công tăm tiếng một văn nhân khả ái. Ông lìa trần sớm, nếu còn sống đến ngày nay đã trên 80 tuổi.

Nhà văn Lê-văn-Sum, gốc ở Đồng-sơn, tinh-thông Hán- học và luôn cả Tây-học, từng bỉnh bút cho những tờ báo thời xưa như tờ Lục-tỉnh Tân-văn, Công-luận, Nông-cổ mín- đàm. Cây viết của ông rất sắc bén, có thể nói là một trong những cây viết cừ khôi ở miền Nam, so sánh với Phạm- Quỳnh, Nguyễn-văn-Vĩnh của miền Bắc. Nếu ông còn sống năm nay trên 80 tuổi.

Chúng tôi cũng nên kể đến các ông Trần-đình-Kiêng, Dương-văn-Lời mà trí nhớ rất dai, ông thuộc hết bộ Dictionnaire Larousse, Nguyễn-đình-Trị đã viết cho những tờ báo Pháp-Việt đầu tiên xuất bản ở Sài-gòn như Écho Annamite, Tribune indigène, Courrier Saigonnais, Tribune Indochinoise, Nông-cổ Mín-đàm, v.v…

Ông Trần-đình-Kiêng có một trưởng nữ là bà Trần-kim- Xuyến, bút hiệu Mộng-hoa, đã trên 70 tuổi. Lúc xuân thời văn tài học luật không kém bà Trần-Ngọc-Lầu ở Vĩnh-long và bà Sương-Nguyệt-Anh ở Bến-Tre là hai bậc nữ-lưu đã nổi tiếng tài hoa, góp mặt với nam nhi trên trường văn trận bút.

Đất Gò-công dường như là đất thuận-sanh lắm nữ tài tử. Ngoài vị mẫu-hoàng Từ-Dũ được ghi danh thanh sử, những thế hệ tiếp nối theo sau ngoài Phạm-Thị-Bạch-Vân nói ở đoạn sau trong mục nữ lưu thơ quán, cũng có lắm chị em theo đòi văn nghiệp, nức tiếng một thời. Trong thế hệ trẻ sau này nên kể tới hai người con gái ông Hội-đồng Nguyễn- đình-Trị là giáo sư Nguyễn-thị-Châu và Nguyễn-thị-Kim tức nữ sĩ Manh Manh.

Cô Nguyễn-thị-Châu, người chị, đậu cử-nhân văn- chương, có bằng cấp chuyên-môn sử-địa của Pháp, từng làm giáo-sư Gia-Long nữ học đường và những trường nữ Trung-học trong nước. Dưới trào Thủ-tướng Trần-Văn-Hữu có một dạo cô bị động-viên phục vụ ở Bộ Ngoại-giao Việt- Nam, vì chánh-phủ cần đến tài thạo nhiều sinh-ngữ của cô. Nhưng cô giáo có tánh khác hơn mọi người là không ưa chức quyền chánh-trị, cũng như người ta nói cô không ưa lấy chồng vì thấy cô đến nay khá lớn tuổi vẫn sống độc thân, mặc dầu với sắc tài như cô không thiếu người gấm ghé. Người ta nói cô không ưa chức quyền, chánh-trị, vì nếu cứ đi theo ngành ngoại-giao cô rất có nhiều hy-vọng được giao phó những chức-vụ quan trọng ở những cơ sở đại-diện Việt-Nam ở ngoại-quốc. Nam-Phương Hoàng-hậu có lần yêu cầu cô làm bí-thơ cho bà nhưng cô kiếm đủ lý-do để từ chối.

Cô chị, học giỏi hơn nhưng không mấy người nghe danh biết tiếng bằng cô em, Nguyễn-thị-Kim học lực chỉ có Tú-tài nhưng danh tiếng nổi như cồn dưới biệt hiệu Manh-Manh nữ sĩ.

Trong làng báo miền Nam hồi ấy, dưới thời Pháp thuộc, sau khi Đông Pháp thời-báo Thần-Chung chết vì bị thực-dân đốn phá, báo hằng ngày Việt-ngữ chỉ vỏn-vẹn có mấy tờ Trung-Lập, Đuốc Nhà-Nam, Công-Luận, Lục- tỉnh Tân-văn và một tờ tuần báo in thành tập dành riêng cho phụ-nữ là tờ Phụ-nữ Tân-văn của ông bà Nguyễn- Đức-Nhuận. Xin đừng lầm lẫn Ông Nguyễn-Đức-Nhuận, chủ báo P.N.T.V. và chủ tiệm hàng tơ lụa ở đường Catinat (Tự-do bây giờ) với Ông Nguyễn-đức-Nhuận, tự Bút-Trà, ở Sài- gòn. Tờ Sài-gòn lúc bấy giờ chưa ra đời).

Một điều buồn cười là tờ P.N.T.V. một tờ báo phụ-nữ, đăng hầu hết bài vở ký bút hiệu nữ-sĩ nọ, nữ-sĩ kia nhưng phần đông là những cây bút đực rựa như Phan-Khôi, Bùi- Thế-Mỹ, Đào-Trinh-Nhứt, J.B. Đồng, Hoàng Tân-Dân. Thật sự ở tòa-soạn, ngoài bà chủ nhiệm không viết mà chỉ chuyên giữ két, chỉ có một nữ-sĩ thứ thật là cô Nguyễn-Thị- Kim, bút hiệu Manh-Manh. Kể về ngòi viết phụ-nữ, cô Manh-Manh là cây viết khá cừ, chuyên về phóng-sự, phỏng vấn. Nhưng cô nổi tiếng không phải nhờ tài viết báo, mà nhờ cô là người đầu tiên đã có can-đảm đưa ra và cổ động phong trào thơ mới ở miền Nam. Tôi nói can-đảm vì thời ấy thơ cũ theo Đường-luật đang làm bá chủ khắp non sông, danh nhân cũng như độc giả đã quá quen và nhiễm âm điệu của Đường thi khiến không ai ngửi được chớ đừng nói là thưởng thức thứ thơ mới nhập cảng từ Pháp qua, lối thơ mà các nhà Nho mắng cho là không niêm, không luật, không âm vận, tự do thả cửa muốn bao nhiêu vế bao nhiều đùi cũng được. Cô gái nhỏ hiền lành mà quá bạo, dám khiêu khích cả rừng Nho biển thánh, chọc giận các ông đồ. Cô làm thơ mới, cô đăng thơ mới, cô diễn thuyết ở Hội khuyến-học gần ga Pétrus-Ký Sài-gòn rồi ra Hà-nội diễn thuyết ở Hội Khai-trí Tiến-đức, binh vực, cổ-động phong trào thơ mới. Cô Manh-Manh đã làm sôi nổi dư-luận và chọc giận các nhà văn nô-lệ Đường-thi, không khác nào phong trào « Tiểu-thơ đi bộ » ở đất Bắc vậy.

NHỮNG TRẬN BÚT CHIẾN SÔI NỔI TRÊN MẶT BÁO

Ở Sài-gòn, một cuộc bút chiến diễn ra đùng đùng trên mặt báo giữa hai phái thơ mới và thơ cũ do Manh-Manh nữ- sĩ gây ra. Tôi còn nhớ ông Diệp-văn-Kỳ trên báo « Công- luận » binh vực thơ cũ, đả phá thơ mới, đã đăng ở mục câu chuyện hằng ngày, một bài thơ móc lò do ông làm (nói làm thì không đúng, nói chép lại thì đúng hơn) để trêu ghẹo Manh-Manh Nguyễn-thị-Kim :

« Con chim Manh-Manh, đậu nhành cây chanh,

ta vác mảnh sành, ta liệng nó chết dãy ta làm bảy mâm

ta dọn ông ăn

ông hỏi con chim chi

ta đáp chim Manh-Manh

đậu nhành cây chanh, v.v… và v.v… »

Không khác bài thơ « Vân-Tiên cõng mẹ trở ra, đụng phải cột nhà cõng mẹ trở vô… »

Ai thắng ai bại ? Việc phải đến, tất đến.

Tất cả những cái gì mới mẻ ban đầu đều làm chướng tai gai mắt những người thủ cựu có thành-kiến. Tự nhiên người ta la lên, phản đối. Nhưng bánh xe tiến hóa cứ lướt tới làm người ta quen dần, quen dần những cái chướng tai gai mắt ngày hôm qua để trở thành thời-trang của hôm nay.

Trong số ký giả cựu Nho, lão tướng kỳ khôi khó tánh nhứt là Phan-Khôi, ai dè cũng đâm ra làm thơ mới gởi đăng trên tạp chí Thần-Kinh ở Huế, của Tòa Khâm-Giám do ông Lê-thanh-Cảnh trông nom. Bài thơ mới của Phan-Khôi tôi còn nhớ mang máng như sau :

Tình già

Hai mươi mốt năm xưa

một đêm vừa gió lại vừa mưa Dưới ngọn đèn lờ

Trong gian nhà nhỏ một cặp đầu xanh kề nhau mà than thở

– : « Tình đôi ta,

yêu nhau thì vẫn nặng

nhưng lấy nhau hẳn là không đặng… »

Rồi 21 năm sau, cũng hai cái đầu xanh đã bạc ấy gặp nhau trở lại, nói và làm gì nữa tôi quên mất đi rồi. Và ở đây tôi chỉ muốn nói rằng nữ-sĩ Manh-Manh đã thắng ! Cô gái nhỏ Gò-công đáng ghi là người lính tiền phong của trào thơ mới trong văn-học-sử Việt-nam.

VĂN ĐÀN GÒ-CÔNG

Trước năm 1940, một số văn-sĩ tỉnh nhà như các ông Trần-văn-Quảng, Nguyễn-duy-Dương, Dương-văn-Lời, Nguyễn-huỳnh-Mai, Nguyễn-văn-Thắng, Lê-bằng-Ý, Thái- Hòa, Quách-văn-Nghĩa, Phạm-đăng-Thà, Trần-văn-Năng, Nguyễn-khắc-Minh, Minh-Hưng, Kim-Sơn, Bà giáo Huyện, v.v… hội nhau thành lập một văn đàn lấy tên là Văn-đàn Gò- công, với mục-đích nom bạn để cùng nhau hưởng thú văn- chương và cũng là một cách khuyến-khích, nâng đỡ văn tài nẩy nở và phát triển. Những ngày rảnh rỗi, các cụ hợp nhau tại nhà ông Nguyễn-duy-Dương cùng nhau thưởng thức hương trà, ngâm thi vịnh phú, cùng nhau xướng họa. Các thi hữu ở quanh vùng và các tỉnh lân cận nghe tiếng rủ nhau đến giao du, trao đổi thi vận rất nên hào hứng. Thật là thú vui tao nhã của các cụ lúc thời bình. Xứ ta bao giờ mới được yên vui như thế ấy.

Huỳnh Minh

Bình luận