Gò Công Xưa – Đài Kỷ Niệm Huỳnh Công Tấn bị đập phá – Mộ Trương Công Định 2 lần được trùng tu

Gò Công Xưa – Đài Kỷ Niệm Huỳnh Công Tấn bị đập phá – Mộ Trương Công Định 2 lần được trùng tu

Dưới thời Pháp thuộc, những anh-hùng Việt-Nam kháng- chiến chống xâm-lăng chỉ được tôn thờ trong tâm-khảm của nhơn dân, trái lại những kẻ bán nước buôn dân vì danh-lợi chạy theo giặc Pháp để hãm hại và bóc lột đồng bào, được quan thầy của họ săn-sóc cho lập đài nọ miếu kia với ý-định « muôn đời » (!) kỷ-niệm.

Huỳnh-Công-Tấn, tức đội Tấn về sau là Lãnh-binh Tấn, đối với dân ta là một tên tội nước (thành-tích thờ giặc Pháp giết đồng bào của Đội Tấn đã được thuật rõ ở phần trước) nhưng đối với giặc Pháp là một công thần. Vì vậy tại Gò- công chúng cho lập một cái đài kỷ-niệm khắc tên họ ghi chiến công của tên đày tớ trung thành của chúng, dựng tại trung tâm thành phố gần bờ rạch cho dân chúng qua lại thấy, với tâm-lý làm mồi câu những kẻ háo danh ngu dại bắt chước theo gương phản-quốc. Trên đài có khắc mấy chữ như sau :

« À la mémoire du Lãnh-binh Huỳnh-Công-Tấn, chevalier de la légion d’honneur, Fidèle serviteur de France ».

Nghĩa là : Kỷ niệm Huỳnh-Công-Tấn, bắc đẩu bội tinh công bộc trung thành của nước Pháp.

Với những chữ ghi công ông, bạn đọc hãy nghĩ xem đó là cái vinh hay cái nhục cho những kẻ rước voi về dày mã tổ, cỏng rắn cắn gà nhà.

Lịch-sử đã chứng-minh cho ta biết, từ xưa tới nay, ở đời không có sự gian ác nào được tồn tại mãi. Những sự-nghiệp bá đạo như của Tần-thỉ-hoàng, César, Hitler cũng tính lưu truyền mãi và được biểu-dương ngàn thuở trên những đền đài sắt đá, nhưng thật ra chỉ là một bọt biển phù-vân. Xưa nay chỉ có đạo-đức nhơn nghĩa mới được lưu-truyền, không cần đền đài sắt đá cũng sống mãi trong sử xanh, trong lòng nhân thế.

Trên đời này, ngoài đạo tình thương và từ-bi của Chúa Giêsu và Đức Phật Thích-Ca còn sống và lan truyền mãi với thời-gian, những đế-quốc hung tàn như Ba-tư, Ai-cập, Hy-lạp, La-mã còn lại những gì ? Đế-quốc Pháp thực-dân sau một thế kỷ dẫm trên xương máu của nhơn dân thuộc địa Á- Phi, theo luật nhơn quả tuần hoàn đi lần tới ngày đền tội. Luôn trong hai cuộc thế-chiến 1914-18 và 1939-45, nước Pháp bị người ta đánh như « con », bị lột trần như nhộng để đền tội bóc lột dân thuộc-địa. Đế-quốc Pháp còn bị sụp như cái cầu mục thì bọn quan « bầy tôi » của chúng mà nghĩa lý gì ? Hãy lo tu nhơn tích đức đi, đừng dựng đài kỷ-niệm, đừng đúc tượng đồng làm chi vô ích.

Đài Huỳnh-Công-Tấn ở Gò-công phải chịu chung số phận với đế-quốc quan thầy theo luật đào thải của lịch-sử.

Nước Pháp bị Đức-quốc-xã chiếm một cách dễ-dàng ! Pétain cộng tác với kẻ nghịch, De Gaulle chạy qua Anh ăn gởi nằm nhờ. Nước mẹ còn tiêu tùng thì chánh quyền ở thuộc địa làm sao tồn tại được ? Cuộc đảo-chánh 9-3-1945 của quân đội Nhựt-Bổn ở Đông-dương mở đường cho dân Việt-Nam ta vùng dậy.

Trong khi ở khắp nơi trên quốc-thổ, quyền hành Pháp bị lật đổ quá dễ dàng. Tại Gò-công đồng bào được kích-thích bởi phong-trào Thanh-niên Tiền-phong, ra công quét những tàn tích của thực-dân đô-hộ. Một trong những việc làm đầu tiên của đồng bào Gò-công là kéo đến đập phá tan tành, triệt-hạ đài kỷ-niệm Huỳnh-Công-Tấn, tên quốc phạm. Triệt-hạ xong đài ô-nhục chỉ đáng phỉ-nhổ như dân Tàu phỉ- nhổ lên đầu tượng Tần-Cối, lúc bấy giờ đồng bào dân chúng trong tỉnh thừa cơ-hội ấy đứng ra trùng tu ngôi mộ vị anh- hùng Trương-Công-Định lại được khang-trang hơn xưa. Và dựng đài Trương-Công-Định trên vuông đất đài kỷ niệm Huỳnh-Công-Tấn để truy điệu người anh hùng đất Gò.

Vì chánh quyền Pháp có mặt tại Gò-công thì không một ai dám bén mãng đến đó thăm viếng gì cả. Hằng ngày có những cặp mắt thám-tử dòm ngó để ý, vì thế ngôi mộ nép mình trong cảnh vắng lạnh, lâu ngày rêu phong cỏ mọc. Người có tâm-chí đi ngang qua không khỏi bùi ngùi cảm-xúc trước cảnh cũ người xưa, đã hy-sinh cho non nước diệt-thù, đến khi thác cũng không yên.

Nhưng số phần nước Việt-Nam ta còn lận-đận. Tại hội- nghị Yalta, sau khi Đồng-minh đã hạ quốc-xã và phát-xít Đức-Ý-Nhựt, mặc dầu Tổng-thống Mỹ Roosevelt chủ-trương quyền dân-tộc tự-quyết và không muốn chủ nghĩa thực dân sống lại, thống chế Staline (Nga) cũng không có ý gì giúp Pháp chiếm những thuộc-địa cũ, nhưng nước Pháp của De Gaulle không bỏ mộng tái chiếm lại Việt-Nam, tuy trong giai-đoạn sau cùng của cuộc chiến tranh Pháp đã đóng góp được phần nào trong cuộc chiến-thắng chung, nhưng chỉ là phần rất khiêm-nhượng, lực-lượng Pháp lúc ấy ngoài sư- đoàn thiết binh của Thiếu-Tướng Leclerc thì chẳng có gì đáng kể nữa.

Lúc ấy, nếu dân Việt ta chỉ may hơn một chút, được Roosevelt và Staline cương-quyết binh-vực các dân- tộc nhược-tiểu (thuộc địa-cũ) đã tự giải-thoát nhơn chiến cuộc, thì thời cuộc ở Việt-Nam và cả Đông-Nam-Á đã đổi khác hết rồi ! Ở đây, thật ra Roosevelt cũng như Staline chỉ chống thực-dân chủ-nghĩa ở đầu môi, họ không giúp Pháp nhưng họ cũng không ngăn cản Pháp dùng bạo lực chiếm lại thuộc-địa cũ. Tưởng-Giới-Thạch thì bất thành vấn-đề, vì lúc ấy tuy được đứng vào hàng tứ cường, nhưng thật sự chẳng « cường » nổi chút nào. Lo chuyện nhà cửa ổng còn không xong ! Còn nước Anh, thì là tay thực-dân chúa, có bao giờ biết thương đồng loại da vàng và đen ! Chính người Anh, tướng Gracey, được phân công giải giới quân Nhựt ở bên nay vĩ-tuyến 18 đã giúp quân Pháp trở lại miền Nam Việt- Nam. Núp sau mấn quân « chà chóp » và Écossais của Gracey, quân Pháp nhảy dù xuống Sài-gòn rồi từ đó chuyển lực-lượng từ Bắc-Phi qua lần hồi, đánh chiếm lại miền Nam nước Việt. Người Việt chúng tôi nhớ mãi « ơn-đức » của Tướng Gracey và người Anh về việc giúp giặc Pháp chiếm lại miền Nam. Chiếm lại được miền Nam, quân Pháp xuống Gò- công để bình-trị lại ít lâu.

image 40 1024x657 Gò Công Xưa – Đài Kỷ Niệm Huỳnh Công Tấn bị đập phá   Mộ Trương Công Định 2 lần được trùng tu

Thực-dân khôn-ngoan lắm ! Trước cuộc đổi thay trên thế giới, trước phong-trào kháng-chiến của nhơn dân Việt-Nam đã thề quyết độc-lập hay là chết, chúng đưa ra lá bài Nam- kỳ tự-trị, lập Nam-kỳ-quốc, rồi đưa ra lá bài Bảo-Đại, ký thỏa-hiệp ngày 9-3-1949 nhơn dân Việt-Nam độc-lập ở trong hai lớp tường cầm nhốt : Liên-bang Đông-Dương và Liên-hiệp Pháp. Không « chơi bảnh » (Fair play) như người Anh thấy nuốt không trôi là nhả Ấn-độ cho khỏi chướng và mắc cổ, người Pháp tới mức cùng vẫn rán nhai và nuốt trợn- trạo để rốt cuộc vẫn không ăn được, bị đời chế nhạo và té lăn đùng ở Điện-biên-phủ như ai nấy thấy.

Hội-nghị Genève ! Phân chia lãnh-thổ ! Thời kỳ thực-dân Pháp ở Việt-Nam đã cáo chung !

Quân Pháp vừa rút đi thì đồng bào yêu nước ở Gò-công, một lần nữa kiến-thiết lại mộ Trương-Công-Định huy-hoàng rực-rỡ hơn. Còn cuộc đất dựng đài kỷ-niệm Huỳnh-Công- Tấn, chánh quyền địa-phương cất phòng Thông-tin, để xóa bỏ tàn tích phản dân hại nước. Từ đây đài kỷ-niệm Huỳnh- công-Tấn sẽ không bao giờ còn mọc lên nữa được.

Mộ Trương-Công-Định sẽ được trường cữu muôn đời, sừng sựng giữa Trời mây, chứng tỏ tinh-thần quốc-gia bất- khuất của một dân-tộc dám chết để tìm lẽ sống.

Huỳnh Minh

Bình luận