Khi đến với Gò Công, tại đây có một bãi biển nổi tiếng, gọi là bãi biển đen đẹp nhất Việt Nam. Biển các tỉnh Miền Tây thì đa phần là đen vì lượng phù sa lớn. Nhưng nhờ thế mà lượng hải sản lớn và đa dạng. Hiện nay nhờ cây cầu Mỹ Lợi nối liền Cần Đước Long An và thị xã Gò Công khánh thành năm 2015 mà đi biển vô cùng thuận lợi.
Từ Sài Gòn chúng ta cứ chạy thẳng quốc lộ 50 là đến và đi theo tỉnh lộ 862 thêm 17km nữa là đến bãi biển Tân Thành. Một bãi biển lạ kỳ nếu bạn hiểu về nó Gò Công Đông từ lâu được thiên nhiên ban tặng cho một bờ biển dài hơn 20km và có địa thế thuận lợi để phát triển kinh tế biển và du lịch. Bãi biển Tân Thành nếu hiểu về nó bạn sẽ thấy đây là một bãi biển lạ kỳ. Nếu đi từ sáng sớm khi thủy triều rút sẽ lộ ra một bãi cát đen trải dài triền miên và bạn thoải mái đi dạo bộ trên nó.
Từng nét gợn in hằn lên bờ cát đen nhìn rất đẹp vào buổi sáng, xa xa là những chòi nuôi nghêu của người dân tại đây. Khi trời chuyển nắng đến giữa trưa là quý khách không còn thấy bãi biển đen này nữa vì lúc này thủy triều lên, từng cơn sóng xô vào bờ. Ít ai biết nơi đây là nơi có nghề nuôi nghêu lớn nhất ở vùng Tây Nam Bộ.
Đặc tính biển Gò Công ít sóng gió, cát nơi đây pha bùn hay còn gọi là biển phù sa, do vậy nhiều thức ăn nên được loài nghêu ưa trú ngụ. Dần dần trữ lượng nghêu ở đây lớn, thịt nghêu ngon ngọt và tiêu thụ nhiều, trữ lượng thiên nhiên cung cấp không đủ và nơi đây bắt đầu trở thành nơi nuôi nghêu lớn nhất nước.
Theo thống kê tại Gò Công có hơn 2.500ha nuôi nghêu, trong đó có 370ha là bãi nghêu tự nhiên trải dài tập trung tại xã biển Tân Thành. Hàng năm cung ứng trên 30.000 tấn nghêu cho thị trường, một con số khổng lồ ngày càng tăng lên.
Mua nghêu từ tháng 3 đến tháng 9 âm lịch, người dân tại đây hay nói gió nồm về tức gió đông nam là đã đến mùa nghêu. Con nghêu sống dưới bùn lầy nên muốn thưởng thức mình phải đi cào nghêu. Công việc này đã từ bao giờ gắn bó với người dân tại đây và là nguồn thu nhập chính, nuôi sống bao nhiêu người đem đến thu nhập cao mấy năm gần đây. Nhưng công việc thấy vậy chứ vất vả, không đơn giản. Tại Biển Tân Thành Gò Công, con nghêu được xem là đầu cơ nghiệp, dể nuôi con nghêu thấy vậy cũng là một kỳ tích, nhiều người cứ nói nuôi nghêu chỉ cần mua giống về thả xuống bãi biển, rồi cứ để trời biển nuôi dùm đến tháng 4 thu hoạch.
Nhưng thấy vậy chi phí giăng lưới nuôi nghêu, cất chòi, thuê người giữ nghêu rất tốn kém và đối diện rủi ro về dịch bệnh khiến người nuôi trắng tay. Tại đây nhiều hộ đã thành công nuôi nghêu giống, một năm cung cấp cả tỷ con. Có người được đặt biệt danh là kiện tướng nuôi nghêu. Ngoài ra ở đây bên cạnh con nghêu còn có con móng tay, con móng tay sống trong cát bùn và ăn phiêu sinh vật. Khi thủy triều lên, con móng tay trồi ra khỏi hốc để kiếm ăn và lủi vô cát khi có tiếng động.
Nhưng để bắt nó người dân đã nghĩ ra cách vô cùng dễ, đúng là người Việt sáng tạo, chỉ cần que ngắn với ít vôi ăn trầu là có thể bắt được ngay. Theo kinh nghiệm người dân ở đây, cứ chỗ nào thấy chút bọt khí nổi lên, thì đoán đây là hang của con móng tay, người ta châm cái que chấm khẽ chút vôi thì chỉ vài giây sau, con móng tay trồi lên. Rời biển Tân Thành chúng tôi quẹo trái đến xóm Đèn Đỏ thuộc thị xã Gò Công, không ai biết tại sao đặt tên nó hơi đặc biệt vậy, chỉ biết ở đây ngày xưa có một hải đăng, đêm đến phát ra màu đỏ dẫn đường cho tàu thuyền vào bến neo đậu.
Đến đây có thể thấy người dân hai bên đường làm mắm ruốc rất nhiều, mùi mắm ruốc bốc lên biết ngay, vì chỗ này là một cảng cá vào sáng sớm khi tàu vào, người người tấp nập mua cá mua tôm để buôn bán. Trữ lượng tôm sắt lớn, nên Gò Công có món bún suông nổi tiếng, con suông làm từ thịt con tôm sắt rất ngon và ngày nay tôm sắt còn làm mắm tôm chà đặc sản tiến vua dưới triều Nguyễn. Tác giả bài viết: Nhật Trường