Tình người Gò Công

Địa danh Gò Công rất quen thuộc với người miền Nam là vùng đất được khai phá đầu tiên và phát triển hơn 300 năm cùng thời điểm với Sài Gòn – Gia Định – Đồng Nai – Bến Nghé.

Go Cong 00 1 Tình người Gò Công
Đường vào nhiều nhà là cái cầu nhỏ bắc qua kênh… (Ảnh qua mainguyen1512.blogspot.com)

Gò Công là quê hương của bà Từ Dụ vợ vua Thiệu Trị, và Trương Định có công khai phá đất Gò Công, chống giặc Pháp. Trước năm 1975 ở Sài Gòn tôi thường đến Vũng Tàu, Đà Lạt… Nhưng Gò Công trong thời chiến dù cách Sài Gòn dưới 100 km phương tiện lưu thông khó khăn, phải đi đường tỉnh lộ nhỏ, qua phà bởi vậy tôi chưa có dịp đến Gò Công.

Năm qua trong chuyến đi các nước Á Châu luôn tiện ghé về Sài Gòn, đi Gò Công. Cuối tuần cũng có nhiều du khách người ngoại quốc, nhờ phương tiện giao thông mở rộng có cầu Mỹ Lợi bắc ngang sông Vàm Cỏ, dài hơn 2,6 km nối liền quốc lộ 50, huyện Cần Đước tỉnh Long An và thị xã Gò Công tỉnh Tiền Giang.

Gọi là quốc lộ 50 nhưng mặt đường xấu có nhiểu ổ gà, nhiều chỗ mất hết phần dầu hắc, trơ phần đá dăm, đất, xe chạy qua bốc bụi mù mịt. Hai bên đường nhà cửa xây dựng khang trang nhưng cũng còn những nhà tôn xập xệ và có nhiều vựa bán trái cây, quán nhậu. Xe chạy qua cầu phải trả tiền thuế, nhìn chung trên các xa lộ tại Việt Nam đều có cổng và nhân viên thu thuế nhiều đoạn. Lấy tiền thuế đường, nhưng đường thì bị ổ gà, từ Gò Công đi Mỹ Tho tương đối tốt, nhưng từ ngã ba Trung Lương đi đường xa lộ về Sài Gòn buổi tối xe chúng tôi bị bể bánh vì sụp ổ gà, phải thay bánh xe bên lề đường hẹp rất nguy hiểm dễ xảy ra tại nạn chết người.

Trên đường đến thị xã Gò Công, Mỹ Tho cũng như các thành phố khác đều có cổng chào mừng quan khách, ra khỏi Gò Công thì có cổng chào tạm biệt… trong khi ở Đức xứ giàu có, văn minh, không có cổng chào mừng, nhưng đường xa lộ mệnh mông rộng 4 đến 6 lane bằng phẳng đi từ Nam đến Bắc không phải trả tiền vì người có xe đã đóng thuế đường 1 lần trong năm tuỳ theo xe lớn nhỏ. Trên đường có bảng chỉ đường rõ ràng, hướng ra cũng như báo hiệu chạy đúng tốc độ, có đoạn gắn Camera tự động nếu Tài xế vi phạm sẽ bị chụp hình gởi giấy phạt tới nhà.

Những cánh đồng lúa xanh kế tiếp những khu vườn trồng nhiều dừa sai trái. Các con đường làng bé nhỏ hai bên là bờ chuối, bờ bao theo các con kênh rạch nước chảy, xa xa có những nhà xây nuôi chim yến, trên tường có nhiều lỗ để chim yến vào làm tổ. Nhiều cửa hàng bán tủ thờ với những đường nét chạm trổ độc đáo, khảm xa cừ đẹp lộng lẫy để trang hoàng thờ cúng tổ tiên, có một làng làm tủ thờ theo truyền thống nổi tiếng ở đây.

Thị xã Gò Công là trung tâm của tỉnh lỵ, chợ có bốn cửa Đông-Tây-Nam-Bắc rất sầm uất, nhiều người mua bán tấp nập. Thành phố còn đậm nét kiến trúc cổ rất độc đáo, như nhà Đốc phủ sứ Hải, xây năm 1860 là một trong những ngôi nhà cổ. Trải qua nhiều biến đổi, thăng trầm của lịch sử nhưng khu nhà này được bảo quản nguyên vẹn. Còn hơn 350 khuôn biển trang trí, đại tự, liễn khảm xà cừ và 70 cổ vật có trong nhà là một công trình chạm khắc gỗ tinh xảo gồm hơn 100 khuôn đủ đề tài thể loại của thế kỷ XIX và một số ở đầu thế kỷ XX.

Nắng chiều ngã bóng, chúng tôi từ giã Gò Công đi Mỹ Tho, hai bên đường là nhà cửa vườn tược xanh tươi, trước hiên nhà bán chuối, trái vú sữa đầu mùa… chúng tôi mua về Sài Gòn làm quà, trái cây vườn không sợ qua các dung dịch hóa học chết người! Cô bé bán hàng dễ thương bán một nải chuối chín chỉ 6.000 đồng, tôi mua hết cả buồng, cô bé thật thà nói cô mua chi nhiều vậy ăn không hết để lâu không còn ngon…

Những cây xoài nở rộ hoa lá xanh mơn mởn, cô bạn muốn vào xin lá xoài non nấu nước uống trị bệnh cao máu. Chúng tôi vào xin lá, chủ nhà là một ông cụ già, ông hoan hỉ cho còn dặn, các cháu hái lá đừng để mủ xoài vào mắt nguy hiểm lắm. Hái lá non được một túi nhỏ và vào cảm ơn, ông ngồi uống trà trong căn nhà tôn nhỏ. Với tấm lòng tốt rộng lượng của ông tôi lấy 100 ngàn tặng, ông la lớn: “Tau đá mầy chết, tiền với bạc gì cho thì hái uống cho hết bệnh”… Tôi sợ quá bỏ tiền vào túi và xin lỗi nhiều lần rồi bỏ chạy, nhưng ông nói vọng theo: “Uống hết cô em ghé hái tiếp nha…” Cảm nhận tình người ở quê không phải ai nghèo cũng cần tiền, họ nghèo nhưng sống chân thật, thanh cao. Đó là bản tính dễ yêu, đôn hậu, hiếu khách của người miền Nam.

Trong khi ở Sài Gòn có người tôi gặp thì giàu sang, phú quý, nhà cao cửa rộng… nhưng lại coi trọng vật chất, ích kỷ và vô cảm. Lần đầu đến Gò Công để lại cho tôi một bài học quý giá vô cùng đó là tình người. Tình yêu thương là một nét đẹp của nhân cách con người, hướng con người tới Chân – Thiện – Mỹ. Đồng tiền chỉ là phương tiện trong cuộc sống chứ không phải cứu cánh, cuộc đời vô thường, lúc chết ra đi cũng chỉ đôi bàn tay trắng. Còn sống được ngày nào phải sống cho nên người, tình yêu thương là sức mạnh vô biên, quí giá nhất không thể thiếu trong cuộc sống con người.

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương.

Hoa Munich

Trích lược từ bài viết cùng tên
Đăng trên tạp chí Chim Việt Cành Nam

Phản hồi