Gò Công Xưa – Ngài Nguyễn Văn Hiếu Một Võ Tướng Thanh Liêm, Cương Nghị

Gò Công Xưa – Ngài Nguyễn Văn Hiếu Một Võ Tướng Thanh Liêm, Cương Nghị

Nói đến các danh-nhân khuông phò chúa Nguyễn, thống nhứt san-hà, chúng tôi phải nói đến ông Nguyễn-văn-Hiếu người miền Nam, có công rất lớn với vua Gia-Long. Ông là người có tài, có đức, cương-trực và liêm-khiết.

Ông Nguyễn-văn-Hiếu người Kiến-hòa, thuộc tỉnh Định- tường ; ông thân-sinh húy là Đán, được tặng chức Chưởng-

vệ Cẩm-y. Ông Hiếu lúc còn hàn-vi, cắt cỏ thuê để sinh sống, năm Ất-tị 1785, ông theo ông Võ-Tánh khởi nghĩa binh ở Gò Khổng-tước (tức Gò-công), cùng giặc giao chiến, giết được giặc rất nhiều tại đầm Vạn-thắng. Mùa thu năm Đinh-mùi 1787, đức Thế-tổ Cao-hoàng ở Vọng-Các về, gởi trao ông Hiếu chức Tổng-nhung Cai-cơ. Đại binh tiến đóng ở Hồi-oa (nước xoáy), ông Hiếu đến yết-kiến, được trao chức Khâm-sai Cai-cơ, và một cái yêu bài (thẻ bài đeo ở lưng) để theo quân đánh giặc, năm Tân-hợi 1791, ông được bổ chức Cai-đội Hữu-chi Nhập-nội-đạo ; sau đó được thăng Cai-cơ ; năm Bính-thìn 1796, thăng Hữu-chi Phó trưởng-chi ; liền sau đó được thăng Chánh trưởng-chi. Năm Tân-dậu 1801, ông theo ông Võ-Tánh giữ thành Bình-định, đánh với quân địch ở cửa Đông thành trúng đạn ở chân, nên bị địch bắt, sai ông đem quân của Chi mình làm kỳ binh (binh lẽ ở ngoài, thừa lúc địch vô ý mà đánh) hậu tập, Ông Hiếu bèn dẫn quân chạy về với quân ta. Tháng 9, ông đánh úp quân địch ở Trà-sơn, thắng được thưởng 7 trăm quan tiền. Năm Nhâm-tuất 1802, ông được thăng Phó tướng Hữu-quân, đem binh đồn trú Bình-định. Năm Quý-hợi 1803, xuống chiếu sai ông theo Tả-quân Lê-văn-Duyệt đem binh đánh Ác nam ở Quảng-ngãi (tức mọi Đá-vách). Năm Mậu-thìn 1808, ông quyền lãnh chức lưu-thủ Bình-định ; rồi lại được phái theo ông Lê-văn-Duyệt trong việc binh. Sau đó, ông được triệu về kinh. Năm Canh-ngọ 1810, ông được phái đem binh ở Bắc-thành, mùa đông năm ấy ông kiêm lãnh chức Đề- thinh. Rồi gặp tang mẹ, ông nghỉ việc. Sau đó ông được bổ làm trấn-thủ Sơn-nam-hạ (tức tỉnh Nam-định).

image 17 Gò Công Xưa – Ngài Nguyễn Văn Hiếu Một Võ Tướng Thanh Liêm, Cương Nghị
Quan thời Nguyễn

Ông Hiếu tính người thanh-liêm, cương nghị, không cẩu thả trong việc lấy của người khác, thường nghiêm cấm bọn môn hạ, không cho giao thiệp với người ngoài, trong những dịp lễ tiết, có ai biếu tặng vật gì ông đều khước từ, vì vậy mà khi làm quan, chốn hoạn xá rất tiêu-điều, lương bổng chỉ đủ dùng, cuối năm là hết, thế mà ông cũng không mong cầu cho dư đủ. Bà phu-nhân thường đem điều ấy thưa với ông, ông cười nói : « Bà không nhớ lúc cắt cỏ thuê sao ? lúc ấy khi đi đâu thì vợ chồng phải đổi áo mà mặc, chỉ lo cái ăn đủ mỗi ngày ; nay sánh với xưa, đã hơn gấp mấy lần, thế mà còn muốn lấy của bất nghĩa để làm giàu sao ? » Từ đó, bà phu-nhân không dám đem tài lợi mà thưa với ông nữa.

Ông Hiếu tuy xuất thân võ-biền, nhưng hành động, cử- chỉ, có phong độ một nho thần. Các vị cử-nhân tân khoa đến yết, ông tiếp đãi rất ân cần, rồi hiểu thị rằng : « Mười năm đèn sách mới có ngày nay, tôi xin mừng cho các thầy. Ngày sau, được bổ dụng làm quan ; cũng nên giữ-gìn như lúc tân khổ hồi đi học, chớ có xa-xí thái quá để mang vết xấu cho thân danh, và phụ ý tốt chọn lựa nhân tài của Triều đình ».

Ông Hiếu khi làm quan đã thi thố nhiều huệ chỉnh, nên được dân thương mến ; lại nghiêm trị thuộc lại, thuộc lại đều kính sợ. Trong hạt nhiều trộm, ông Hiếu đến, bọn trộm bảo nhau rằng : « Ông Trấn-thủ là người nhân huệ, ấy là Phật xuất thế, bọn chúng ta phải tránh đi ». Vì đó, ông đến đâu thì trộm tránh xa.

Năm Minh-Mạng thứ 2, xa giá Thánh-tổ Nhân-hoàng-đế Bắc-tuần nghe ông Hiếu trị dân có chứng-tích, triệu đến hành tại ở Thăng-long, thăng thưởng một cấp, ban cho một thiên-lý kính mạ vàng, một con dao có chạm khắc và một khẩu súng chữ Kim rồi bổ ông làm Án-trấn Thanh-hóa.

Ở Thanh-hóa, một hôm có chức Thổ-Ty đem lễ hậu đến ra mắt, ông Hiếu lấy lời ôn tồn từ khước, bảo đem ra. Có một gã đầu xanh ở nhà bếp lẻn ra theo, dọa nạt người Thổ- ty, lấy một nửa lễ vật. Ông Hiếu biết được, giận lắm, lập tức sai ra chém, các quan đều can gián, nhưng ông không nghe. Chém rồi, ông xin chịu tội với Triều-đình. Vua cho là ông Hiếu thiện tiện giết, giáng 3 cấp, vẫn lưu lại chức cũ.

Năm Minh-Mạng thứ 7, ông Hiếu cùng quan trấn Nghệ- an hội binh bắt được tên giặc Ninh-Tạo, vua xuống chiếu hậu thưởng và triệu ông về kinh, ông vào bệ kiến, vua hỏi :

« Trấn khanh có yên không ? » Ông tâu : « Yên ». Lại hỏi :

« Khi trước khanh trấn Nam-định, thấy dân vật, phong-tục trấn ấy sánh với Thanh-hóa thể nào ? » Ông tâu : « Dân Nam-định đa-trá, không bằng dân Thanh-hóa thuần phác hơn ». Liền đó ông được thăng Thần sách Tả-dinh, Phó-đô Thống-chế, lãnh chức Trấn-thủ Nghệ-an.

Năm Minh-Mạng thứ 8, thổ-phỉ Nam-định đã dẹp xong, vua sai ông Hiếu xung chức kinh-lược Đại-thần, cho bạc 200 lượng, cùng Hình bộ Thượng-thư là Hoàng-kim-Xán là Phó- sứ, Binh-hộ Thị-lang là Thân-văn-Duy làm Tham-biện Kinh- lược sự-vụ, đến Nam-định, tuần-hành các làng, ấp, xét quan lại, chẩn cấp cho dân bần cùng, xét các việc kiện tụng, gian-dối còn ẩn dấu. Phái bộ đến đâu cũng thu xếp yên ổn ; khi về, vua sai Bộ lại xét thưởng, ông Hiếu được thăng Thần-sách Tả-dinh đô-thống-chế, vẫn lãnh chức Trấn- thủ Nghệ-an như cũ.

Minh-Mạng năm thứ 9, quan binh kinh-lược biên-giới Nghệ-an, ông Hiếu lo việc chuyển-vận và điều bát binh lính, không khi nào thiếu-thốn. Minh-Mạng năm thứ 10, ông Hiếu vì tuổi già sức yếu, thường đau ốm, xin giải chức, vua cho và cho được lãnh toàn bổng.

Đến khi lành bệnh, ông vào chiêm cẩn, vua hỏi han và an ủi rất lâu, rồi cho lấy chức Đô-thống lãnh trấn-thủ Nghệ- an. Có lần hội-đồng các quan đồng liêu để xét án các tên tù ăn trộm ; có đứa đã thú tội rồi, mà vẫn còn bị tra tấn, ông Hiếu thong thả nói : « Chúng nó vì cùng cực mà phải làm việc gian phi, đêm khuya xoi tường khoét vách, khó nhọc lắm mới lấy được tiền của người ta, nay nó đã nhận tội thì cứ theo luật mà trị, hà tất phải vẽ vời thêm làm gì ? Thử hỏi:

Ở các nha-môn coi việc Hình, có những kẻ trên nhà cao, ngồi nệm, dựa gối, giữa ban ngày, vẫy ngòi bút mà làm tiền người ta không chút khó nhọc, các người ấy sánh với bọn ăn trộm kia, tội ai nặng hơn ? ». Nghe ông nói, ai cũng giật mình.

Năm Minh-Mạng thứ 12, đổi Trấn làm Tỉnh. Ông Hiếu được bổ chức Tổng-đốc Hà-Ninh (Hà-nội và Ninh-bình). Khi Phó lỵ, đi ngang qua phủ Lý-nhân, thấy viên quản phủ là Nguyễn-Văn-Sáng suy yếu, mềm mại, ông liền tâu xin bãi chức. Vua dụ rằng : « Khanh mới tựu chức, đã biện biệt được nhân-phẩm, thật đáng khen ! ».

Năm Minh-Mạng thứ 13, ông được thăng Thự Tả-quân Đô-thống-phủ Chưởng-phủ-sự. Năm Minh-Mạng thứ 14, được phong Lương-năng-bá. Rồi ông mất, thọ 70 tuổi.

Vua nghe tin rất thương xót, thực thụ hàm Tả-quân Đô- thống-phủ Chưởng-phủ-sự, vẫn tước Bá, và cấp 1.000 quan tiền, lập đàn tế một lễ. Năm Tự-Đức thứ 5, ông được thờ ở miếu Trung-hưng Công-thần. Năm Tự-Đức thứ 11, ông được thờ ở Hiền-lương từ.

Ông Hiếu bình sinh tánh người thuần phác, làm quan thì thanh-liêm, cần-mẫn, đãi người hòa-nhã dễ-dải, trải qua các chức trong triều, ngoài trấn, đều được tiếng tăm và có chính tích thời bây giờ, nói đến hạng « tuần-lương » thì ai cũng nói là ông.

Ông Hiếu có 6 con là các ông Nhâm, Tồn, Túc, Tình, Ân, Nhân, ông Nhân có tật ở chân, vô tự. Ông Tồn làm Vệ-úy Tả-vệ Bình-định, tập tước Lương-năng-tử, sau bị can, bị cách, rồi được khởi phục chức Suất-đội. Ông Túc lấy Công- chúa Chương-Gia, làm Phò-mã Đô-úy. Ông Tình làm Thành- thủ-úy. Ông Ân làm Phó-quản-Cơ. Ông Nhân làm Lãnh-binh Khánh-hòa.

Xuyên qua cuộc đời của Ông Nguyễn-Văn-Hiếu, người xuất thân ở miền Nam, đã lập được nhiều chiến công hiển- hách, trên đường quan lộ lắm bước thăng trầm, nhưng lúc nào ông vẫn giữ một lòng chung thủy với nước non, không lùi bước trước sự gian nguy và thử thách, ngày nay tại Khổng-tước-nguyên (tức là Gò-công) người ta cũng còn nhắc đến ông và Quận-công Võ-Tánh oai danh lừng lẫy nơi

Ao Đồn-binh và Đầm Vạn-thắng, nói đến danh-nhân Gò- công mà không nhắc tới Ông Nguyễn-Văn-Hiếu là một điều thiếu sót lắm vậy.

Theo sự tra cứu của chúng tôi về dòng họ của ông Lương-năng-Bá tục gọi Tổng-đốc Nguyễn-Văn-Hiếu, hiện nay con cháu còn ở tại Thừa-Thiên (Huế) cũng khá đông, được biết hồi ấy các vị công-thần trong Nam theo giúp vua Gia-Long khi ra Huế có lập một hiệp hội lấy tên là Nam Châu Hội, ông Hiếu là sáng lập viên khởi xướng. Trong hội này gồm các đại-thần họ Nguyễn (Nguyễn-Văn-Hiếu), họ Phan (giòng Phan-Thanh-Giản), họ Phạm (giòng Phạm-Ngũ- Văn), v.v… Về sau hội Nam-châu đổi thành làng Nam-trung (người Nam ra làm quan tại Trung-kỳ) hiện nay làng Nam- trung có một ngôi đình tọa lạc tại cửa đất lớn ở gốc đầu cầu Kim-long hướng về cánh hữu lầu Ngọ-môn Đại-nội Huế.

Xuyên qua tài liệu mà chúng tôi đã trình bày trên về ông Nguyễn-văn-Hiếu, và may mắn gặp được người cháu mấy đời của ông hiện ở Sài gòn là giáo-sư Nguyễn-Lương-Hưng, dòng dõi của Tổng-đốc Hiếu.

Sau ngày Cách-mạng 1-1-1963 ông Hưng từng giữ chức hội-viên thuyết-trình viên chính-trị, có chân trong hội đồng quốc-gia lập pháp lâm thời, và giữ nhiều chức-vụ khác quan trọng trong các trào chánh-phủ kế tiếp.

Ông Hưng, người có tinh thần quốc-gia, thích hoạt động về văn-hóa, đứng ra chủ trương Tuần-báo Hòa-đồng và là nguyên cố-vấn đặc-biệt Bộ Thông-Tin.

Trong khi tiếp truyện với ông Hưng nhận thấy ông là người đầy tiết tháo mang một dòng máu truyền thống xứng đáng là dòng máu của vị công thần được thế nhân xưng tụng.

Dưới triều Tự-Đức, nhân một hôm nhàn tản vua Tự-Đức cầm bút phê lên giấy long-đằng hai chữ Nguyễn-Lương và dạy đem về treo tại tư đường. Từ đó con cháu của ngài thay vì Nguyễn Văn đổi thành Nguyễn Lương cho đến ngày nay.

Bản này do ông Phan-Khoang, giảng viên Đại-học Văn- khoa, dịch đúng theo nguyên văn ở sách Đại-Nam chánh biên liệt-truyện, sơ tập quyển 16, « chử thần liệt-truyện ».

Huỳnh Minh

Bình luận