Tấm bia được vua Tự Đức sai đem từ Huế vào dựng ở mộ ông ngoại tại Tiền Giang, đã trải qua hành trình lưu lạc kỳ lạ trong hơn 140 năm trước khi đến đích.
Gốc tích của một văn bia
Lăng mộ Hoàng Gia là phần mộ và nhà thờ Quốc Công Phạm Đăng Hưng (1764-1825), khai quốc công thần thời Gia Long, hai lần kết sui gia với vua Minh Mạng (con trai ông lấy công chúa, con gái Phạm Thị Hằng, tức Thái hậu Từ Dũ – lấy vua Thiệu Trị đẻ ra vua Tự Đức). Lăng tọa lạc trên một gò đất cao thuộc ấp Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công (Tiền Giang), nằm bên con đường huyết mạch nối Gò Công – Cần Đước – TP.HCM. Lăng được khởi công từ năm 1826 bởi ông Phạm Đăng Tá – trưởng nam của Quốc Công Phạm Đăng Hưng trên phần đất 3.000 m2, do các nghệ nhân tài hoa bậc nhất từ Huế vào và nghệ nhân địa phương xây dựng. Lăng mộ là một công trình kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách cung đình Huế, uy nghi giữa một vùng cây trái đồng bằng.
Bên trái mộ có tấm bia bằng đá trắng, mặt bên ngoài còn in khá rõ hình thánh giá màu đen và dòng chữ Pháp ghi tên Barbé, nhưng đằng sau là những dòng Hán tự được chạm khắc tinh xảo. Đây chính là mấu chốt của những câu chuyện ly kỳ.
Mộ Quốc Công Phạm Đăng Hưng – Ảnh: H.Đ.N
Tấm bia này làm từ đá trắng xứ Quảng Nam, được vua Tự Đức sai Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng soạn bài văn ca ngợi ông ngoại mình là Phạm Đăng Hưng vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) và khắc lên, rồi cho chở từ Huế vào dựng ở lăng mộ của ngài tại Gò Công. Đi kèm với bia đá này còn có một tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít, là tặng vật vua Gia Long ban cho chùa Khải Tường (Gia Định), nơi bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang hạ sinh hoàng tử Đảm (sau này là vua Minh Mạng) trên bước đường bôn tẩu của Nguyễn Ánh (Gia Long)… Khi thuyền chở bia đá, tượng Phật vào đến Ô Cấp (tức Vũng Tàu) thì bị viên sĩ quan Pháp tên Barbé chặn lại và tịch thu 2 vật nói trên mang về đồn Pháp đóng ngay tại chùa Khải Tường (hắn không hề biết bức tượng Phật được vua ban cho chính ngôi chùa này).
Cái chết của Barbé
Chuyện kể rằng, hồi đó ở Bến Nghé có đôi nam nữ yêu thương nhau, nàng tên là Hai, chàng tên Tri, nhưng vì hoàn cảnh không lấy được nhau. Sau đó nàng bị ép lấy Lãnh binh Sắc, một tên hung bạo… Do nghe lời xúc xiểm rằng vợ mình vẫn lén lút hẹn hò với người yêu cũ nên Sắc lập kế bắt trói đôi “gian phu, dâm phụ”, thả bè trôi sông. Ngày đó dân cư thưa thớt, dưới sông sấu lội, trên bờ cọp beo… Chiếc bè chuối trôi được mấy ngày thì viên trung úy Barbé ở chùa Khải Tường (dạo ấy Pháp thường trưng dụng các ngôi chùa để đóng binh), trong một lần đi săn phát hiện, liền nổ súng vào bầy cá sấu đang đuổi theo bè và vớt những người bị trói lên bờ. Tri đã bị cá sấu đớp cụt một chân, chết cứng, còn nàng Hai đang thoi thóp… Cứu được người đàn bà trẻ đẹp, Barbé ép nàng sống chung với mình. Nàng Hai giả vờ ưng thuận với điều kiện được trở về nhà thu xếp việc riêng. Thấy nàng trở về, tên Lãnh binh Sắc lại điên tiết, giam nàng trong một cái hố… Rất may trên đường chuyển quân ngang qua đây, Bình Tây đại nguyên soái Trương Định nghe thuật lại câu chuyện nên đã ra lệnh thả nàng và trừng trị tên lãnh binh hung bạo. Sau khi được Trương Định tác động, nàng Hai đã nhận lời dùng mỹ nhân kế để tiêu diệt viên sĩ quan Pháp… Tác phẩm Scènes de la vie Annamite (NXB P.Ollendorff, Paris 1884) của hai tác giả Le Vardier và De Maubryan có kể lại chuyện viên trung úy Barbé bị cô gái Bến Nghé tên Thị Ba (chứ không phải Hai), người đã theo quân Trương Định, dụ dỗ từ đồn chùa Khải Tường đến đồn chùa Ô Ma (Pagode des Mares – Thị Nghè), vào đêm 7.12.1860. Dọc đường đi đến điểm hẹn với người đẹp, Barbé đã bị nghĩa quân Trương Định phục kích bất ngờ giết chết (câu chuyện này cũng đã được đem lên sân khấu qua vở cải lương nổi tiếng Nàng Hai Bến Nghé do nữ nghệ sĩ Mỹ Châu đóng vai chính).
Barbé được chôn cất ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi (công viên Lê Văn Tám ngày nay). Đồng đội của Barbé (đóng trong chùa Khải Tường) bèn lấy ngay tấm bia đá to đùng, có chi chít chữ Tàu mà bình nhật Barbé rất khoái, làm thành tấm bia mộ cho Barbé. Họ dùng sơn đen vẽ Thánh giá và ghi họ tên trung úy Barbé đè lên mặt bia rồi dựng trước mộ… Có lẽ Barbé không bao giờ ngờ rằng chính “chiến lợi phẩm” mà ông ta đích thân tịch thu lại trở thành cái bóng đè lên ngôi mộ của mình.
Vật hoàn cố chủ
Tấm bia “yên vị” trước ngôi mộ của Barbé được 123 năm thì vào tháng 5.1983, UBND TP.HCM quyết định di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi để xây dựng công viên Lê Văn Tám. Hài cốt Barbé được bốc lên, đưa về Pháp, nhưng tấm bia đá khổng lồ thì lại nằm vất vưởng bởi chẳng ai biết gốc tích của nó… Chỉ đến khi các nhà chuyên môn phát hiện được ẩn đằng sau hình Thánh giá là những chữ Hán được khắc chạm rất công phu, họ đem chà rửa sạch, đọc được mới hay đây chính là bia văn do vua Tự Đức ban. Tấm bia được gửi về Gò Công.
Mãi đến trung tuần tháng 7.1998, tấm bia đá này mới được đưa về đúng vị trí mà đáng lẽ hơn 140 năm trước nó phải đến. Quả là ly kỳ chuyện tấm văn bia “lưu lạc” những hơn 140 năm (1857-1998)!
Chùa Khải Tường do thiền sư Phật Ý Linh Nhạc xây dựng từ năm 1744. Tương truyền vào ngày 23.4 năm Tân Hợi (25.5.1791), vua Minh Mạng đã ra đời tại hậu liêu chùa, nên triều đình nhà Nguyễn rất trọng vọng ngôi chùa này… Sau khi chiếm thành Gia Định (1859), quân Pháp trưng dụng hầu hết các ngôi chùa làm nơi đóng quân. Chùa Khải Tường do một đơn vị thuộc Trung đoàn Đệ tam Thủy quân lục chiến do trung úy Barbé chiếm giữ, nên chùa còn được gọi là chùa Barbé (Pagode Barbé). Năm 1880 (thời Pháp thuộc) chùa Khải Tường bị xóa sổ. Thời Ngô Đình Diệm, Trường Y Dược được xây trên nền chùa này. Ngày nay, địa điểm trên là Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (số 28 Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM).
Tượng Phật A Di Đà do vua Gia Long tặng cho chùa (1804) nay vẫn còn được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử TP.HCM.
Hà Đình Nguyên