Đề Lao – Khám Đường

Đề lao (Prison) thời Pháp nằm ở khu đất sau Trường Quan, dân gọi là “Khám”, chung quanh có tường dầy gắn miểng chai, ngày nay đường mở rộng nên mất vòng tường bao, vẫn còn một dãy giáp Trường Quan mặt Nam làm Nhà trẻ Sơn Ca 2 và các toà đứt khúc bên đường Trần Hưng Đạo.

Trước 1945 người dân ít thấy tầm quan trọng của Khám vì chỉ giam những tội phạm thường. Chỉ từ khi Tây trở lại tháng 10 -1945 mới thấy Tây nhốt người bị bắt quá nhiều. Người bị bắt qua các cuộc đi bố của Tây gồm người làm Cách Mạng Việt Minh và dân thường.

Từ năm 1946 đến đầu năm 1950 ngày nào vợ con cha mẹ người bị bắt cũng ngồi chờ bên lề đường trước cửa vào Trường Nữ để đón từng tốp người bị bắt, lính canh giữ dẫn ngang từ Khám qua PC (Bót chánh của Pháp tại Toà nhà Huyện Hải, sau là Ngân Hàng) hoặc ra các nơi bên Chợ để dọn dẹp việc gì đó. Thấy được người bị bắt giam được dẫn ngang “đi làm” thì biết là “tội nhẹ”, để về kiếm người lo lót để Tây thả. Những người được cho là “làm lớn Việt Minh” thì Tây giam vào “cát xô”.

Lúc đó dân nghe nói giam “cát xô” là xanh mặt. Tây thường đem các người làm lớn nhốt ở “cát xô” đi bắn. Dân nói theo Tây “cát xô” là cachot, là “xà lim” (cellule) nhỏ nhất trong khám. Riêng nhà tôi bị hoạn nạn nầy, gia phụ hai lần ở “cát xô” năm 1946 và 1948 khi Tây đi bố bắt được. Lần nào cũng phải “chạy” bằng tiền và vàng mới thoát. Lần sau 1948, nặng, Tây định đem đi bắn và gia đình lo được vào giờ thứ 25.

Sau 1950, khám dời qua Trại lính “gạc” thì khám hay Đề lao nầy được phá từng phần …

Phan Thanh Sắc

Phản hồi