Sau cuộc khởi nghĩa tháng 11- 1940, cơ sở Đảng cũng như phong trào quần chúng ở Mỹ Tho bị tổn thất nặng. Hầu hết, cơ sở Đảng từ tỉnh đến huyện, xã đều bị địch phá rã. Nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng tích cực bị giết hại, bị tù đày. Một số đồng chí thoát khỏi lưới mật thám của địch thì lánh né, chuyển vùng chờ thời cơ.
Tháng 1-1941, Hội nghị Xứ ủy mở rộng gồm đại biểu của các liên Tỉnh ủy miền Tây, miền Đông và các xứ ủy viên cũ. Hội nghị đã phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của cuộc khởi nghĩa và tiếp tục chủ trương “tích cực chuẩn bị cuộc khởi nghĩa lần thứ 2”.
Hội nghị đã bầu ra Xứ ủy mới do đồng chí Phan Văn Khỏe làm Bí thư, chủ trương ra báo Giải phóng làm cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy do đồng chí Nguyễn Văn Kỉnh phụ trách để hướng dẫn các cấp đảng bộ và quần chúng cách mạng về đường lối và nhiệm vụ trước mắt.
Đế quốc Pháp vẫn tiếp tục truy lùng, đánh phá cách mạng. Khoảng từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1941, nhiều đồng chí trong Xứ ủy mới như đồng chí Phan Văn Khỏe, Nguyễn Văn Tiếp, Phan Văn Bảy, Nguyễn Văn Kỉnh… lần lượt bị địch bắt. Các liên Tỉnh ủy cũng bị phá vỡ.
Trong lúc phong trào cách mạng ở Nam kỳ bị khủng bố và gặp nhiều khó khăn thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách Việt Nam. Tháng 5 – 1941, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Pác Bó (Cao Bằng), xác định cuộc cách mạng trước mắt là cách mạng giải phóng dân tộc, chủ trương lập Mặt trận “Việt Nam độc lập đồng minh”, gọi tắt là Việt Minh và các Hội Cứu quốc, để tập hợp lực lượng, chuẩn bị đón thời cơ.
Ở Nam kỳ, Nhật và Pháp ra sức hoạt động đánh phá cách mạng và tăng cường vơ vét của cải phục vụ chiến tranh làm cho tình hình thêm căng thẳng, kích thích thêm lòng căm thù của quần chúng.
Ngày 29-7-1941, thực dân Pháp ký hiệp định cho phát xít Nhật chiếm đóng các thành phố và các căn cứ quân sự. Sau hiệp định này, các đơn vị phát xít Nhật lần lượt kéo vào Nam kỳ và đến Mỹ Tho. Chúng đóng quân tại trung tâm Thị xã Mỹ Tho và rải rác khắp nơi như: Bến Tranh, Tân Hiệp, Tam Hiệp và các nút hiểm yếu ở quốc lộ 4.
Về phía thực dân Pháp, chúng đưa ra nhiều thủ đoạn mua chuộc giới trí thức, quan lại với nhiều khẩu hiệu lừa mị được tuyên truyền về: Cần lao, gia đình, Tổ quốc; Pháp – Việt đề huề v.v… nhằm lôi kéo nhân dân. Bọn Nhật thì ra sức tuyên truyền cho thuyết Đại Đông Á, cho phát triển các tôn giáo, nhất là đạo Cao Đài, lập nhiều tổ chức phản động như đảng Hắc Long, Quốc gia đảng… để làm tay sai cho chúng.
Trong khi đó, nhân dân Mỹ Tho và Gò Công trước hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài và chính sách vơ vét bóc lột của bọn Nhật – Pháp, ngày càng lâm vào cảnh cùng quẫn. Giá các mặt hàng vải vóc, dầu lửa, xà bông, diêm quẹt, thuốc trị bệnh tăng vọt và ngày một khan hiếm. Ngược lại, giá lúa lại hết sức rẻ mạt. Đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là công nhân, nông dân, dân nghèo thành thị, kể cả công chức trí thức nhỏ ở Mỹ Tho, Gò Công vô cùng điêu đứng.
Nhưng cũng chính thời gian ấy, phong trào cách mạng của nhân dân ở Nam kỳ dần dần khôi phục. Năm 1942, những đảng viên còn ở lại Nam kỳ đã chắp nối liên lạc lập ra 2 liên Tỉnh ủy miền Đông và miền Tây. Đến giữa năm 1942, thêm một số đảng viên vượt ngục trở về, cùng với các đồng chí còn ở cơ sở còn lại nhen nhóm lại phong trào.
Riêng ở Gò Công, do không trực tiếp tham gia khởi nghĩa Nam kỳ, nên các cơ sở Đảng không bị tổn thất lớn và từ năm 1941 vẫn được củng cố và phát triển. Nhiều chi bộ được xây dựng như các chi bộ xã Vĩnh Hựu, Kiểng Phước, Tăng Hòa, Bình Luông Đông, Bình Luông Trung v.v…
Đầu năm 1943, nhiều đảng viên trở về địa phương xây dựng lại cơ sở, dựng lại phong trào. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Mỹ Tho và Liên Tỉnh ủy miền Trung được thành lập, do đồng chí Dương Khuy làm Bí thư.
Từ giữa năm 1943, tình hình thế giới và trong nước có nhiều chuyển biến. Trên chiến trường châu Âu, quân đội Liên Xô chuyển sang thế phản công. Tại mặt trận Thái Bình Dương, phát xít Nhật liên tiếp bị thua và đang đứng trước nguy cơ bị thất bại.
Tháng 10-1943, trước những chuyển biến mau lẹ của thời cuộc, trong khi chưa tiếp nhận được chỉ đạo của Trung ương nhưng để ứng phó kịp thời, chớp đúng thời cơ, các đồng chí phụ trách các Liên Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị để bầu ra Ban cán sự Xứ ủy(1) tại xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho. Hội nghị có đại biểu của hầu hết 21 tỉnh thành dự họp. Hội nghị đề ra phương hướng hành động trước mắt và chuẩn bị tư thế để khi nhận được nghị quyết và tài liệu của Trung ương thì có hành động nhất quán. Hội nghị đã bầu đồng chí Trần Văn Giàu làm Bí thư Ban cán sự Xứ ủy.
Từ năm 1943 đến 1944, phong trào cách mạng ở Mỹ Tho bắt đầu khôi phục và phát triển rất sôi động. Từ những hoạt động có chiều sâu như củng cố cơ sở, phát triển các đoàn thể cứu quốc, tổ chức và huấn luyện các đội du kích đến những hoạt động rầm rộ có tác dụng phát huy lòng yêu nước trong đông đảo các tầng lớp nhân dân như việc thành lập và hoạt động của “Ban vận động phong trào yêu nước của nhân dân”. Ban vận động đã thành lập 5 đoàn công tác đi khắp các huyện, thị trong tỉnh. Tài liệu tuyên truyền là gương chiến đấu của các danh nhân yêu nước như: Trương Định, Thủ Khoa Huân, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Đình Chiểu… và phổ biến những bài ca cách mạng như: Thanh niên hành khúc, Lên đàng, Hội nghị Diên Hồng, Mắng Việt gian… có buổi nói chuyện thính giả đông đến 3.000 người như buổi nói chuyện của thầy giáo Huỳnh Văn Tấn ở Cổ Cò, huyện Cái Bè.
Cuối năm 1943, một số đảng viên ở Mỹ Tho bắt được liên lạc với đồng chí phái viên của Trung ương và nhận được các tài liệu: Điều lệ Mặt trận Việt Minh, Điều lệ các Hội Cứu quốc, Chiến tranh Thái Bình Dương, Chiến tranh du kích, Tổ chức Cứu quốc quân v.v… Nhờ vậy mà các cơ sở Đảng nắm được đường lối chủ trương của Đảng, có tài liệu giáo dục tập hợp quần chúng. Các đoàn thể như: Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Phụ lão cứu quốc… phát triển mạnh ở nông thôn. Ở Thị xã Mỹ Tho, công nhân cứu quốc được bí mật tổ chức ở hãng Xáng, ở khu phố 4 (lò heo) và một số ít ở dãy phố Cầu Quây.
Ngày 11 tháng 3 năm 1945, nhân ngày tên Nguyễn Văn Quí nhận chức tỉnh trưởng Mỹ Tho, chúng tổ chức một cuộc họp trong giới trí thức, học sinh, thanh niên và công chức để ngợi ca Nhật Hoàng, chúc tụng Nguyễn Văn Quí và ủy trưởng Song Thu. Khi cuộc họp bắt đầu, một băng đỏ xuất hiện với dòng chữ, cùng với tiếng hô vang dõng dạc: “Đả đảo tên tỉnh trưởng bù nhìn Quí”. Cuộc họp đồng thanh hô vang: Đả đảo! đả đảo! Ngay lập tức trong hội trường vang lên tiếng hô: Đả đảo tỉnh trưởng Quí có nợ máu với nhân dân, treo cổ nó lên! Tên Nguyễn Văn Quí và ủy trưởng Song Thu phải bỏ trốn. Cuộc họp thất bại hoàn toàn.
Ngày 18 tháng 3 năm 1945, được sự chỉ đạo của Huyện ủy Cai Lậy, lực lượng du kích của 2 xã Cẩm Sơn và Thanh Hòa đã tổ chức chặn ô tô bắt quận Tâm tại cầu Bổn Tỵ gần chùa Mục Đồng trên lộ Dừa, cách thị trấn Cai Lậy 1,5 km đây là một tên khét tiếng ác ôn đã đàn áp cách mạng trong Nam kỳ khởi nghĩa.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), một số đồng chí ở các trại tập trung của địch hoặc đang hoạt động ở các địa phương khác trở về Mỹ Tho. Do cách biệt và do nóng vội trước thời cuộc, với mong muốn làm thế nào để kịp bắt tay lãnh đạo phong trào, ngày 18 tháng 3 năm 1945 các đồng chí đã lập ra Lâm thời Tỉnh ủy Mỹ Tho do đồng chí Trần Văn Vi (tức Dân Tôn Tử) làm Bí thư. Sau đó đúng 1 tuần, ngày 25 – 3 tại Xoài Hột, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành các đồng chí đã triệu tập hội nghị thành lập Xứ ủy Nam kỳ. Hội nghị quyết định một số chủ trương: Tích cực xây dựng và củng cố cơ sở Đảng; mở rộng Mặt trận Việt Minh; xây dựng lực lượng du kích; mở lớp huấn luyện về Chương trình, Điều lệ Việt Minh và du kích chiến tranh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vạch trần bộ mặt giả dối của phát xít Nhật và bọn tay sai.
Như vậy, do hoàn cảnh đặc biệt mà ở Mỹ Tho đến giữa tháng 3 năm 1945 có hai Tỉnh ủy Lâm thời, huyện Châu Thành và Cai Lậy cũng có hai Huyện ủy.
Dưới sự lãnh đạo của hai Tỉnh ủy, lúc đầu phong trào cách mạng trong tỉnh có những chuyển biến nhất định, nhất là từ khi tiếp nhận Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” phong trào kháng Nhật từ thành thị đến nông thôn diễn ra sôi nổi với nhiều hình thức phong phú, như tích cực tham gia các công tác xã hội như dạy học, đắp lộ, bắc cầu đường, tổ chức canh gác, giữ gìn trật tự an ninh, tập luyện võ nghệ, huấn luyện quân sự đấu tranh trực diện với bọn tay sai đầu sỏ của phát xít Nhật và trừng trị bọn cường hào, gian ác. Phong trào thu hút phần lớn thanh niên, học sinh yêu nước cho lực lượng quân sự, lực lượng nòng cốt của cuộc khởi nghĩa. Trường mở được 2 khóa, mỗi khóa 100 học viên.
Nhìn chung, từ tháng 3 đến tháng 8 năm 1945, phong trào cách mạng của nhân dân Mỹ Tho đã tiến lên một bước vững chắc. Phong trào phát triển đều khắp và ngày càng toàn diện. Ở nông thôn chính quyền địch rệu rã, gần như không hoạt động, bọn tề làng, tề tổng hoang mang, nhiều tên bỏ trốn hoặc đầu hàng cách mạng. Nhiều địa phương Mặt trận Việt Minh đã công khai lãnh đạo và tổ chức chính quyền tự quản, mạnh nhất là ở các huyện Châu Thành, Cai Lậy, Chợ Gạo.
Riêng ở Gò Công, từ sau hội nghị Xứ ủy (Tiền phong) tháng 5 năm 1945 ở Phú Lạc (Chợ Lớn), Tỉnh ủy lâm thời Gò Công được thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Côn làm Bí thư. Sau hội nghị tháng 7 ở Chợ Đệm (Chợ Lớn) của Xứ ủy (Tiền phong) Tỉnh ủy Gò Công xúc tiến mạnh các hoạt động nhằm phát động toàn dân ủng hộ Mặt trận Việt Minh và tích cực thực hiện chủ trương tổ chức và lãnh đạo lực lượng thanh niên Tiền phong ở Gò Công. Đầu tháng 6 năm 1945, tổ chức Thanh niên Tiền Phong được thành lập, phong trào phát triển rất nhanh. Tên Tỉnh trưởng mới nhậm chức Trần Hưng Ký tìm cách thao túng lực lượng này. Chúng đưa tên cai tổng Đẩu rồi đến tên phó tỉnh trưởng Thơ nắm chức thủ lĩnh Thanh niên Tiền Phong, nhưng trước sau đều không được thanh niên ủng hộ.
Để khắc phục tình trạng lực lượng thanh niên Tiền Phong đang bị chi phối bởi những tên tay sai của tỉnh trưởng Trần Hưng Ký, Tỉnh ủy Gò Công đã làm việc với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, thông qua bác sĩ Phạm Ngọc Thạch(2) giới thiệu thầy giáo Lê Văn Phi-Líp(3), làm thủ lĩnh thanh niên Tiền Phong ở Gò Công. Ngày 10 tháng 8 năm 1945, ông Lê Văn Phi-Líp nhận làm thủ lĩnh thanh niên Tiền Phong Gò Công và hầu như toàn bộ hệ thống tổ chức của thanh niên Tiền Phong Gò Công từ trên xuống đều có người của Đảng nắm giữ những vị trí chủ chốt.
Từ đó phong trào thanh niên Tiền Phong Gò Công trở nên sôi động, không chỉ bó hẹp trong tầng lớp thanh niên mà trở thành phong trào của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đang ra sức chuẩn bị khởi nghĩa thực hiện chương trình cứu nước và 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh.
Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Quân đội Nhật đóng ở Mỹ Tho và Gò Công hoang mang cực độ. Quân Nhật ở Gò Công kéo về co cụm tại thị xã Mỹ Tho. Bọn tay sai của chúng vô cùng hoảng hốt. Ủy trưởng Song Thu, tỉnh trưởng Nguyễn Văn Quí bỏ trốn, tên chủ quận Chợ Gạo bỏ chạy… Các đảng phái phản động thân Nhật lúc này hầu như chỉ tồn tại trên hình thức.
Ngày 17 tháng 8 nắm 1945, Tỉnh ủy Mỹ Tho triệu tập cuộc hội nghị khẩn cấp để bàn việc khởi nghĩa giành chính quyền(4) Hội nghị nhất trí nhận định thời cơ cách mạng đã chín muồi và quyết định phát lệnh khởi nghĩa với phương châm nơi nào có lực lượng mạnh, địch yếu thì khởi nghĩa trước, nơi nào lực lượng ta còn yếu thì khởi nghĩa sau quyết phải giành cho được chính quyền về tay nhân dân.