Lễ cúng xóm

Lễ “Cúng bổn xóm” của người Việt ở Gò Công, tỉnh Tiền Giang, một lễ hội được tổ chức vào hai ngày mùng 4 và mùng 5 tháng Giêng hằng năm.
Lễ hội diễn ra tiếp ngay sau Tết Nguyên Đán, mục đích cầu an, cầu “phong điều vũ thuận” cho thôn xóm; bên cạnh đó lễ cúng còn thực hiện nghi thức cầu siêu cho các linh hồn bơ vơ đói lạnh.

Ngày đầu tiên, người ta dựng rạp, quay lợn và làm một chiếc tàu to bằng giấy màu hoặc kết bằng bè chuối. Trên tàu bày các thức cúng như hoa quả, cơm vắt, muối, trà, gạo, đặc biệt tàu phải vẽ hai con mắt như một hình thức “khai quang điểm nhãn” (theo niềm tin của người dân, năm nào quên điểm nhãn cho tàu thì năm đó mùa màng thất bát, đói kém, dịch bệnh hoành hành). Sau khi làm xong, chiếc tàu sẽ được nhà sư và các vị cao niên trong làng khiêng đặt lên bàn thờ phủ lụa đỏ cùng các lễ vật cúng. Ngoài ra, người ta còn bày cúng các món sau:

– Một cây dao phay
– Một cây phảng phạt cỏ
– Một cây cuốc
– Một cây búa
– Một tấm thớt chặt thịt

Các lễ vật này phần lớn là nông cụ, đặc biệt cây phảng là dụng cụ phạt cỏ ở vùng môi sinh đất phèn, nơi không thể sử dụng cày. Các nông cụ trên thể hiện công việc đồng áng của người dân, phải chăng cúng bày các món đồ vật này người dân cầu mong cho việc canh tác được thuận lợi?

Đúng 12 giờ, nhà sư bắt đầu đọc kinh cầu siêu, mời các vong linh cô hồn về hưởng vật thực cúng kiếng.

Tiếp đó, nhà sư tụng kinh cầu an, nội dung cầu “quốc thái dân an” cho người dân trong xóm được an bình, không bị nạn binh đao chiến tranh. Tìm hiểu kĩ, các cụ già tại đây cho biết cả thời kì chống Pháp và chống Mỹ vùng này thường xảy ra giao tranh ác liệt, nhiều người dân vô tội bị thương vong, nên trong vùng rất quan tâm tổ chức lễ cầu an. Cuối buổi lễ là bữa cơm cộng cảm của cả dân làng, riêng lễ vật là con heo quay dành lại cho buổi cúng tiếp ngày hôm sau, tức ngày mùng 5 Tết là buổi chính lễ. Người ta xẻ heo quay xếp thành 3 đĩa để đủ các bộ phận của heo, mỗi thứ một miếng nhỏ, ngoài ra còn xếp 12 bát cháo vừa nấu chín tới để cúng Thập nhị quỷ vương. Dân làng đứng theo “nam tả nữ hữu”, già trước trẻ sau cùng quỳ lạy lắng nghe nhà sư đọc văn tế quỷ thần, đọc kinh cầu siêu, cầu an. Cuối cùng, cư dân tiến hành nghi thức “đưa tàu” với ý nghĩa “tống ôn tống phong” cho ma quỷ và mọi điều xui xẻo, rủi ro trôi đi xa. Để thực hiện nghi thức này, một nhà sư đi đầu, tay cầm chuông mõ đọc kinh mở đường, tiếp sau là các vị cao niên bưng khay nhang, đèn, trà, rượu và trầu cau têm sẵn. Một nhóm thanh niên khiêng chiếc tàu đi theo; cuối cùng là người thầy cúng vừa đi một quãng vừa cắm xuống đất các lá bùa ếm, đó là những cây cờ nhỏ bằng giấy màu đỏ. Đoàn người ra đến kênh rạch, vị sư đọc kinh lần cuối, sau đó người ta đặt trầu cau, nhang đèn, giấy tiền vàng mã, muối, gạo, hoa quả vào tàu rồi kính cẩn thả tàu tống tiễn.

Như vậy, nghi lễ “Cúng bổn xóm” là tín ngưỡng truyền thống của người Việt, mang tính chất lễ nghi nông nghiệp, kết hợp cầu an cho người sống và cầu siêu cho vong linh người chết bằng tâm lí vừa kiêng sợ vừa thương xót.

______________________

TS Phan Thị Yến Tuyết – Bộ môn Nhân học, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP. HCM.

Phản hồi