Đến năm 1940 là năm tôi bắt đầu “đi” chợ Gò Công. Tôi thường theo cha tôi đến nhà cô ruột ở phía Nam chợ. Tôi quen dần các con đường ở chợ. Tôi nhớ như in dòng kinh Salicetti, hai bên bờ kè của nó và ba chiếc cầu trong nội thị…Tất cả đều đi vào cổ tích… Vàm kinh bấy giờ rộng và lòng kinh hẹp hơn, hai bờ cẩn đá xanh làm kè cho tới đoạn ngã ba Nhà Bà Phước. Ở đoạn kinh chánh nầy nầy bên bờ Nam có hàng rào trụ xi măng đúc cách khoảng có chắn hai hàng “railles” sắt mỗi đoạn chừng mươi mét.
Rào chừa 3 khoảng, một gần vàm để người đi ghe từ dưới nước bước lên bến xe đò, một trước nhà Bà Lớn có nhiều bậc xuống để ghe đậu người lên bộ, rồi lại cách khoảng trước Nhà Bà Phước có bậc, chúng tôi học trò thường xuống rửa chân cho mát. Từ đó xuống tới cầu Huyện, hai bên bờ Kinh chỉ trồng cây ô môi tây, quanh mùa cho trái dẹp màu nâu tươm mật ngọt quéo ăn vài ba trái đã say. Con đường chạy cặp bờ Kinh Nam là đường Đốc Phủ Đức chạy từ dốc cầu Long Chiến qua chợ, qua Tháp Lảnh Binh Tấn rồi cập kinh đến Bà Phước. Từ Nhà Bà Phước xuống Cầu Huyện là đường đá nhỏ gọi là đường Đốc Phủ Đức nối dài nhưng dân gọi là đường Bờ Kinh Cầu Huyện, sau là đường Tổng Đốc Phương (giờ đường Hai Bà Trưng).
Đoạn nầy ngay đầu cầu Phủ xưa bên Nam có ngôi từ đường của dòng nội ông Đốc phủ Hải do ông Thân Nguyễn văn Bính là cháu kêu ông Phủ Hải bằng bác ruột ở và thờ phụng. Đây là ngôi nhà cổ nhất chợ Gò Công còn sót lại. Nhà gạch lợp ngói âm dương có lớp thí gồm ba căn hai chái rộng 5 căn, nhà ngang phía sau hợp thành khối bề thế. Trong nhà các bàn thờ liển đối còn đầy đủ, thật xứng là nhà xưa liệt hạng. Nhà từng được phân cảnh quây phim “Con nhà nghèo” dựa theo tác phẩm Hồ Biểu Chánh.
Từ ngôi nhà nầy xuống tới nhà cao cẳng của ông Ba Khoa rồi hết không còn nhà ở nữa. Đoạn kế tiếp, là hai dãi đất hai bên, cỏ cây cao thấp bên những nấm mồ, bãi tha ma xưa thật xưa. Nhớ lại có nhiều đêm, cha tôi chở tôi về ngang đoạn đường hiu quạnh nầy, dù ngồi giữa hai tay của cha, tôi vẫn sợ, nhất là vào mùa mưa hai bên cóc nhái kêu, nhạc sành trổi từng đợt và bên kia kinh đóm đóm loè sáng trên cành bần, phía xa đám lá dừa nước đêm càng thấy rậm. Tận gần những năm cuối 50, tôi đi ngang đoạn nầy, cảnh vẫn chưa đổi thay, đom đóm mùa thu vẫn loé, tôi chợt nhớ câu ca dao mẹ tôi thường ru các em tôi:
“Bần gie đóm đậu sáng ngời,
Lở duyên tại bậu trách trời được sao!”
Giờ các em nhỏ sống ở khu nầy, thấy trên truyền hình có chương trình “Đom đóm học đường”, chắc sẽ hỏi mẹ chúng : “đom đóm là gì hởi mẹ?”
Nhắc lại Kinh Salicetti chính nó và 3 chiếc cầu bắt qua sông ở khu chợ Gò Công có gợi nhớ cho viên công trình sư người Pháp đến quê nhà là mỗi thành phố đều có sông với nhiều chiếc cầu chảy qua không? Riêng tôi thấy cảnh con kinh lúc đó rất đẹp. Kinh nước lớn ròng vẫn trong, không rác rến, tuy ít nhưng cũng có nhiều chiếc ghe mui nhỏ vẫn qua dưới Cầu Quan, qua cầu Phủ, qua cầu Huyện rồi trở lại hay về đâu, về đâu… như nước chảy qua cầu! Hình ảnh xưa cũng là nước chảy qua cầu. Ai cũng có hình bóng quê nhà, riêng tôi ngoài điều ước lệ nầy, gần 70 năm qua con Kinh và ba chiếc cầu sắt bắc qua là những hình bóng cũ!
Rồi, nhắc để không quên. Từ Vàm đầu kinh bước lên, nhớ lại trước mặt xưa là trục chợ và trụ sở thôn Thuận Ngãi. Trên vàm bắt đầu là bến xe đò, rồi thấy Tháp tên Tấn. Bến xe và Tháp nằm trên nền chợ cũ. Ráng ngó hơi xa, công sở mới có tầng lầu gọi là Nhà việc làng Thành Phố. Nhà việc chắc phải trên nền cũ trụ sở huyện lỵ Tân Hoà và Thôn Thuận Ngãi. Hơi khó thấy, nhưng sau Nhà việc chừng trăm thước ngôi đình Thuận Ngãi xưa được cất lại uy nghi đỉnh lập vào những năm đầu của 1930. Hai bên hông đình đều có 4 chữ Hán thời gian không phai nhạt ”Đình Thành Phố Thôn” (đọc theo chữ Hán bên phải qua). Đình thay tên nhưng trong long đình thờ trước bàn Thần, sắc phong thượng đẳng thần cho đình, đời Tự Đức thứ năm vẫn còn giữ…Cũng ở vị trí cũ ta tưởng tượng thấy hồ nước to lớn sau và cách đình một con lộ. Dân gọi là Hồ nước phát nước mưa cho dân dùng mùa khô hạn.
Đứng trên đường trước trường Nữ ngó qua kinh ta thấy toà nhà của ông bà Đốc phủ sứ Nguyễn văn Hải và Huỳnh thị Điệu. Toà nhà trên đường Đốc phủ Đức nầy (giờ đường Hai Bà Trưng) có kiến trúc bên ngoài kiểu Pháp kiểu ta kết hợp hài hoà, bên trong nhà ở và nơi thờ phượng. Đây là ngôi nhà cách tân đầu tiên thời Pháp thuộc, cất xong năm Kỹ Dậu 1909. Không lấy làm lạ nếu được biết ông Đốc phủ Hải từng được đưa sang Pháp du học và là rể của Bà Huyện Huỳnh Đình Nguơn, tức bà Dương thị Hương con gái bà Trần thị Sanh, tức là Bà Hầu của Trương Công Định.
Năm 1942, tôi đi học ở trường Quan là trường Nam Tỉnh lỵ “École Primaire des Garçons de Go Cong”, trường nguyên trước đây là thành lính tập của Tây, khi tôi học trường đã lâu đời, bao thế hệ đã học qua, đã tới đời ông Huỳnh văn Hai làm đốc học thứ 20 rồi. Đa số học trò chúng tôi phải qua Cầu Quan sớm chiều
bốn bận. Lúc đó tôi mới bắt đầu quen với chiếc cầu sắt nầy. Cầu dáng như cầu Huyện, hơi rộng hơn và dài hơn. Giờ đi học hay tan học chúng tôi thung dung đi, xe cộ quá ít và thường nhường cho học trò nam nữ của hai trường qua cầu. Cũng không lâu vì học trò lúc đó không nhiều. Tôi là học trò nhỏ qua cầu tưởng chừng như qua đường hầm lọt thỏm trong cầu. Tôi qua lại trên cầu đâu chỉ được một năm thì:
Đầu năm 1943, người ta đấp con đập qua kinh ở hai đầu Bắc Nam đường Trần Hưng Đạo bây giờ. Giữa lòng kinh đặt cống. Chặn kinh nối đường và xe không qua Cầu Quan nữa. Chúng tôi thấy vui, cũng đi qua trường bằng đường mới. Rồi người ta bắt đầu dở Cầu Quan. Dân dồn Tây cho dở cầu bán sắt vì thua trận bên nước nhà. Nhưng không phải vậy. Viên Chánh tham biện Tây cuối cùng là Ropion muốn sủa sai công trình của viên Chánh tham biện đầu tiên Guys bằng cách nối liền trục lộ quan trọng Trần Hưng Đạo bây giờ.
Kinh không là thuỷ đạo cần thiết nữa nên cho dắp luôn chỗ Cầu Quan để chắn một đoạn kinh làm hồ tắm. Cuối năm 1943 đã lắp xong cống, thay đổi nước ra đoạn kinh bên phía chợ. Bốn bề hồ tắm được cẩn bậc đá sạn. Hồ tắm dài và rộng hơn bất cứ hồ tắm xây nào ở các tỉnh miền Nam và cả Sàigòn. Người dân bắt đầu gọi hồ tắm là Piscine và tên Trường Quan bị quên dần, bắt đầu được gọi là Trường Nam Piscine. Hai phía của Piscine, con kinh đứt khúc, nước vẫn lớn vẫn ròng. Đoạn kinh bên chợ được 15 năm rồi thành đất, cất trường học nghề và nhà cửa. Bên Đông lâu lắm mới thành đất khi cầu Tây Ban Nha thành đường mới mươi năm nay. Trở lại Piscine luôn đầy ấp nước, lâu lâu thay nước một lần. Nước là nước sông lấy khi nước lớn đầy ấp cũng trong cũng sạch, không ô trọc, ngọt lợ tuỳ theo mùa. Thanh thiếu niên ở chợ bắt đầu đi tắm và bơi trên hồ. Lần lần các học trò lớn của trường Nam cũng xuống bơi lội, đùa giởn. Học trò hơi nhỏ có thể học bơi trong mé nhờ có bậc để hai tay bám vào. Thanh niên ở chợ khi tắm thì mặc quần cụt, còn học trò thì cởi quần áo gói tập vở để trên bờ và tấm trần truồng, gần đến giờ học thì nhảy lên bận quần áo và chạy vào trường. Sau năm 1945, lại làm thêm cầu ván thấp ngang qua Piscine lối trước cửa Bưu Điện, để làm cầu nhảy. Các học trò và các bạn học của tôi leo lên cầu ôm vật xô nhau xuống nước, vui thật là vui… Tôi không biết lội, học lội ở mé hồ và sau vài lần uống nước và một lần hụt tay chìm xuống đáy, may nhờ vớ trúng bậc đá cuối, lần theo bậc mà trồi lên. Hú vía và biết lội! Vẫn tắm trần truồng và đùa vui như thế cho đến năm 1949, tôi rời trường lên Sàigòn học tiếp trung học.
Năm 1955 tôi trở lại quê nhà, bắt đầu đi dạy ở trường làng và khi đi ngang Piscine để vào văn phòng Ty Học chánh tôi vẫn thấy các em học sinh, thế hệ thứ hai sau chúng tôi xưa, vẫn còn tắm truồng. Được biết lúc nầy thầy cũ của tôi là thầy Võ văn Giáp đang làm Hiệu trưởng Trường Nam. Trưa trước giờ học chừng nửa tiếng thầy thường đạp xe rảo chung quanh trường, gặp học sinh đổ xí ngầu thầy dừng lại tịch thu xí ngầu và chộp đứa đang chơi để phạt. Đặc biệt thầy thường đi bộ từ văn phòng ra bờ Piscine, nếu thấy học sinh bỏ quần áo trên mé tắm truồng, thầy cho gom hết. Trống đánh vào học, các học sinh nhảy lên bờ thấy mất quần áo tập vở và được biết ông Hiệu trưởng lấy, đứa nào đứa nấy xanh mặt chạy vào văn phòng Hiệu trưởng, đứng xếp hàng chờ phạt. Thường thì thọ phạt xong chờ thầy dạy lớp đến lảnh về. Năm 1957, tôi về dạy lớp Nhất trường Nam, chưa đầy một tuần đã được mời xuống văn phòng lảnh một tốp học trò “quí” tắm Piscine trước giờ học buổi chiều. Chắc có lẽ thầy Hiệu trưởng muốn nhắc nhở thầy giáo mới, bảo phải răn đe các em. Dẫn các em về lớp mà tôi nhớ lại mới mười năm trước, chúng tôi cũng tắm như thế nhưng may không bị lấy quần áo! Tôi chỉ nhỏ nhẹ cắt nghĩa cái hại khi đi tắm mà không chuẩn bị kỹ, tắm trước buổi phải vào học là cập rập, mệt vọp bẻ là chết đuối, piscine nước sâu v.v. vã lại đã học lớp Nhất rồi, tương lai đang đợi. Còn các em tắm truồng, tôi nghiêm mặt và rầy trước lớp: “Lớn tồng ngồng mà còn tắm truồng, bộ đây là dòng sông, con rạch ở quê nhà các em sao?”.
Sau đó học trò tôi không tái phạm nữa, nhưng mỗi khi dạy xong bài, tôi ra hành lang lớp trên lầu ngó ra Piscine. Ôi Piscine coi mênh mông mà hiền hoà, suốt cuộc tồn tại chỉ giúp học trò (chỉ hơi tiếc là chỉ riêng học trò nam thôi!) bơi lội đùa vui chưa lần nào gây mất mát. Tôi bâng khuâng nhớ mới ngày nào, nhớ tuổi học trò vô tư đùa nghịch. Đứng trên lầu đôi lần tôi tạm không thấy Piscine để tưởng tượng trước mặt là con kinh chạy từ vàm thanh thoát bên phải và bên trái tôi là chiếc Cầu Quan, con đường hầm đen của tôi, phía đông xa xa chiếc Cầu Phủ nhạt nhoà, và ôi chiếc Cầu Huyện, chiếc cầu đầu đời của tôi, một buổi sáng buồn mùa xuân 1948, cho rơi những ván lót còn ngún khói xuống dòng kinh…!
Suốt năm năm như thế, tôi đứng hành lang lớp học trên lầu trông ra. Tôi đang dạy ở trường Nam Gò Công gọi là trường Nam Piscine. Tôi không từng dạy ở trường Quan, tôi chỉ từng qua Cầu Quan để học trường Quan!
Ôi Trường Quan huyền thoại của “chợ” Gò Công vì chỉ gọi trường Quan khi còn dòng Kinh Salicetti và 3 chiếc cầu sắt bắc qua!
Trở lại, Pháp đem thi thể của Trương Công về phơi ở nhà ***g chợ năm 1864, vậy nhà ***g chợ ở tại vị trí nào? Chợ ở đây là chợ thôn (làng) Thuận Ngãi lúc ấy trên bờ Rạch Cửa Khâu, bây giờ là khu Phòng Thông tin, toà nhà Bác sĩ Trương văn Huân, và khu nhà bến Bạch đằng. Chợ mới bây giờ ở bên kia con kinh lấp, tức đường Trương Định bây giờ, chợ cất xong năm Bính Thìn 1916 và khai thị vào tháng giêng năm Đinh Tỵ 1917 (xin xem Vè Khai Thị do Tác giả Việt Cúc sưu tầm trong Gò Công cảnh cũ người xưa). Nơi phơi thây ông Trương, sau nầy gần đến năm 1880 Pháp cho xây Tháp kỷ niệm tên bán nước Huỳnh công Tấn. Tháp tồn tại trên 65 năm, chỗ là Phòng Thông tin và hàng chữ Tây làm bia khắc trên đá cẩm thạch trắng ngó ra đường (giờ đường Hai Bà Trưng) và ngó ngay nhà việc làng Thành Phố (giờ cơ sở Bưu Diện) Bia kỷ niệm thành bia bêu rếu ghi:
A la mémoire du Lanh Binh Huynh Cong Tan
Chevalier de la Légion d’honneur
Fidèle serviteur de la France
(Ghi công trạng Lãnh Binh Huỳnh Công Tấn
Đệ ngủ đẳng Bắc đẩu bội tinh
Công bộc trung thành của nước Pháp}
Tháng 9-1945, tháp bị nhân dân ta đập phá, đầu tiên là phá các trụ treo lòi tói sắt bốn bề, sau phá trụ đỉnh rồi đến thân tháp. Giữa lòng tháp người ta lôi ra cái hộp đựng nào gươm lệnh, nào quân phục mủ hàm lãnh binh của tên Tấn. Có người lấy thanh gươm khều áo quần mủ mảng của y đưa cao cho dân chúng bao quanh xem; gió thoảng qua phút chốc các biểu tượng quyền uy tơi tả, tả tơi rớt từ mảng rồi không còn gì nữa!
Phan Thanh Sắc