TX. Gò Công: Thưa dần những ngôi nhà cổ

Đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh chóng, cơn lốc nhà cao tầng đang quét qua đô thị cổ, chưa kể tác động của tự nhiên dẫn đến những dấu ấn lịch sử, những nét đặc sắc của kiến trúc đô thị cổ ẩn chứa trong từng ngôi nhà, phố cổ ở thị xã (TX) Gò Công đang bị mất đi từng ngày…

Năm 2006, tổ chức JICA của Nhật Bản khảo sát toàn tỉnh Tiền Giang có 350 ngôi nhà cổ, riêng Gò Công chiếm 2/3 nhà cổ có giá trị… Nhưng hiện nay, nhiều ngôi nhà cổ có tuổi đời cả trăm năm ở TX. Gò Công đang thưa dần.

images1286190 anh 1 TX. Gò Công: Thưa dần những ngôi nhà cổ
Một góc ngôi nhà cổ ở TX. Gò Công.

Chúng tôi tìm về những ngôi nhà xưa ở vùng đất Gò Công cũng là để nhắc nhớ lại một thời của đô thị sầm uất phía Đông của tỉnh. Có một thực tế đang hiện hữu là những ngôi nhà mang dáng vấp xưa nếu được Nhà nước quản lý, khai thác như nhà Đốc Phủ Hải, nhà Truyền thống… vẫn còn giữ được gần như nguyên trạng, còn hầu hết những ngôi nhà còn lại đều có chung tình trạng là đang xuống cấp, nhiều vật dụng trong nhà cũng mất đi ít nhiều.

Đối với những ngôi nhà do sở hữu của người dân, nếu không có người thân quen với chủ nhà hướng dẫn, người lạ rất khó tiếp cận được với chủ nhà cũng như tìm hiểu về những vật dụng còn lại đã gắn với những năm tháng thăng trầm của từng ngôi nhà. Một là chủ nhà ngại tiếp khách lạ với nhiều nguyên nhân khác nhau hoặc nhà đóng cửa do không có người trông coi.

Để tiếp cận với những ngôi nhà trăm tuổi buộc lòng chúng tôi phải nhờ “thổ địa” dẫn đường. Dẫu thế, không phải ngôi nhà cổ nào chúng tôi cũng có thể tiếp cận được. Những ngôi nhà cổ ở TX. Gò Công chủ yếu nằm trong nội ô trên dọc các tuyến đường chính như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Văn Côn, Trương Định…

Một số ít nhà nằm ở vùng ven như xã Long Thuận, xã Long Hòa. Một trong những ngôi nhà đầu tiên mà chúng tôi tìm hiểu được là ở ấp Gò Tre, xã Long Thuận. Đây là ngôi nhà được đánh giá là còn giữ gần như nguyên hiện trạng, các vật dụng trong nhà như bàn ghế, đèn, ván… xưa đều vẫn còn. Ông Thanh, chủ nhà hiện nay cho biết, ông là đời thứ 4 gìn giữ ngôi nhà.

Cách đây vài năm ông đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng để sửa chữa, thay mái ngói nhằm cố giữ gìn ngôi nhà mà ông cha đã để lại. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi hiện một số cột, khung cửa chính bằng gỗ đã bị mối ăn, dấu hiệu xuống cấp cũng dần rõ nét hơn.

images1286192 anh 2 TX. Gò Công: Thưa dần những ngôi nhà cổ
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Nhiễu trên đường Nguyễn Huệ, phường 1, TX. Gò Công.

Trên đường Nguyễn Huệ, phường 1, hiện cũng còn ngôi nhà cổ có giá trị vì được chủ nhà giữ gìn tương đối kỹ lưỡng. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà này là bà Nguyễn Thị Nhiễu (sinh năm 1809). Đây là nhà ở truyền thống Nam bộ, được khoác lên chiếc áo tân thời của kiến trúc Pháp, khánh thành vào khoảng năm 1925.

Kiến trúc ban đầu là nhà chữ Đinh, với 14 cột gỗ tròn, vật liệu chủ yếu của công trình là gạch, xi măng, gỗ và ngói. Sau đó ngôi nhà được bổ sung phần tường che và mặt tiền cho phù hợp với “trào lưu” nhà Tây đang thịnh hành ở làng Thành Phố. Nét riêng biệt của ngôi nhà này là hiện còn lưu giữ rất nhiều vật dụng sinh hoạt hàng ngày như: Bàn ghế, tủ thờ, lư hương, nhiều lu đựng nước…

Một điều đặc biệt là ngay bên trái cửa chính của ngôi nhà hiện còn treo các bức ảnh về bác sĩ Lê Văn Cưu – bác sĩ và là thư ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được chụp chung với Bác và phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Phontenblo (Pháp). Bên cạnh gian chính, vẫn còn nhà bếp, cột gỗ, mái ngói. Đây là một ngôi nhà cổ truyền thống được bổ sung kiến trúc phương Tây và được chăm sóc kỹ lưỡng, trở thành ngôi nhà cổ thuộc loại đẹp nằm trong lòng TX. Gò Công.

Thế nhưng, những ngôi nhà xưa nằm trong lòng TX. Gò Công được bảo tồn, gìn giữ tốt hiện không còn nhiều. Một phần là do tác động theo năm tháng của tự nhiên, một phần là do chủ nhân của những ngôi nhà không đủ khả năng để bảo tồn, tôn tạo lại. Điển hình như ngôi nhà của Bá hộ Trương Văn Mưu nằm ở phường 3, TX. Gò Công.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, căn nhà được xây dựng vào năm 1906 gồm 3 gian 2 chái, theo kiểu Nam bộ kết hợp với tiến bộ kiến trúc phương Tây. Cách đây ít lâu, chúng tôi may mắn được tham quan ngôi nhà này. Nhà cổ của Bá hộ Mưu mái lợp ngói âm dương 3 lớp, bốn phía xây tường, nền gạch tàu, cửa gỗ, với diện tích xây dựng là 293 m2, lẫm lúa rộng 207 m2 và được hoàn thành vào năm 1906 trong khuôn viên rộng 15.000 m2 (theo thời gian, ao đìa, kinh rạch xung quanh sạt lở hoặc dành mở đường thôn xóm, nay còn 9.195 m2).

Trang trí nội thất bên trong nhà, từ những bàn ghế dài tiếp khách, tủ thờ, chân đèn, lư hương, cho tới quả bánh, bộ chẻ tre (từng thẻ có ghi bằng chữ Hán dùng để tính số lượng lúa nhập kho)… cũng được giữ gần như nguyên vẹn.

Bà Nguyễn Hữu Thị Lệ, cháu cố dâu ông Bá hộ Mưu cùng với con trai út đang gìn giữ gia sản này, từng cho chúng tôi biết gia đình cũng muốn trùng tu lại ngôi nhà, bởi nó có nhiều nét văn hóa đặc biệt và có thể đưa vào khai thác du lịch nhưng đến nay vẫn chưa có phương án trùng tu lại ngôi nhà. Gần đây có dịp quay lại, chúng tôi cảm nhận ngôi nhà thường xuyên đóng cửa, xung quanh cỏ mọc um tùm, bên trong căn nhà có dấu hiệu xuống cấp rất nhanh.

Rất nhiều ngôi nhà cổ khác cũng nằm trong tình trạng tương tự. Có ngôi nhà do quá xuống cấp buộc lòng chủ nhà phải tháo dỡ để xây mới hoặc bán hay cho thuê mặt bằng. Chẳng hạn như ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Trượng (Cả Trượng) tại đường Trần Hưng Đạo, phường 3, hiện đang xuống cấp khoảng 50%.

Hay nhà của ông Lê Quang Vĩnh, ở đường Nguyễn Huệ, phường 2, được xây dựng vào năm 1902, có diện tích 1.500 m2, hiện chỉ còn giá trị khoảng 60%. Tương tự, nhà ông Đỗ Văn Phú tại phường 1, được xây dựng vào năm 1937, với diện tích 1.050 m2 hiện cũng đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng…

Dẫu biết rằng thời gian dần xóa đi những dấu tích cũ, những ngôi nhà xưa. Nhưng dẫu sao, những ngôi nhà cổ ở TX. Gò Công dần mất đi cũng là một điều đáng tiếc. Bởi đó không chỉ là những giá trị của thời gian, mà nó còn gắn liền với những bước chuyển mình của một đô thị trung tâm phía Đông của tỉnh. Thực tế này đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho lãnh đạo địa phương trong việc quy hoạch đô thị, việc kết hợp hài hòa giữa tính cổ kính và hiện đại, giữa kinh tế và văn hóa…

THẾ ANH

Phản hồi